Hầu hết những người mới quan tâm đến đầu tư và không có kiến thức nền tảng hay chuyên môn đều có một câu hỏi chung là: Phải bắt đầu từ đâu? Nên đi học ở đâu? Liệu tôi có thể tự học được không hay thực ra nên ủy thác cho những người chuyên nghiệp làm giúp mình? Phải học những cái gì ? Học bao nhiêu năm mới có thể đầu tư được ? Liệu học xong thì đầu tư có hết rủi ro hay không? Vân vân và mây mây
Bài viết này nhằm định hướng cho những bạn vẫn hoang mang “tìm một con đường, tìm một lối đi” , đồng thời dẫn dắt các bạn qua các bài viết trên leox.vn mà bạn cần phải đọc trước hết để đỡ bối rối và hoang mang. Cùng bắt đầu nhé!
1. Đầu tư phải bắt đầu từ đâu?
Việc học đầu tư bắt đầu từ việc xác định identity của bản thân mình. Cụm từ “identity” được Nguyễn Nam giới thiệu đầu tiên trên leox.vn , bắt nguồn từ cuốn sách “Sức mạnh của thói quen” mà Nguyễn Nam chia sẻ trong bài viết này. Dù bạn đang hướng đến mục tiêu gì, mục tiêu sự nghiệp, mục tiêu cải thiện sức khỏe, mục tiêu đẹp hơn, mục tiêu xã hội, mục tiêu học hành, hay mục tiêu đầu tư …. tất cả bắt nguồn từ việc bạn biết mình phù hợp với identity nào, muốn trở thành một người như thế nào hay một nhà đầu tư như thế nào.
Không có một con đường đúng duy nhất – người đầu tư theo giá trị dài hạn của doanh nghiệp như Warren Buffet, Peter Lynch, Philips A Fisher, hay đầu tư theo chu kỳ vĩ mô như Ray Dalio, kết hợp cơ bản và dòng tiền như William Oneil hay là một chuyên gia bán khống như Soros – tất cả đều có thể là con đường dẫn đến thành công. Bạn có thể tự khám phá con đường mang tên mình, hoặc đi theo một con đường đã có nhiều người đi. Tuy nhiên, không ai đến được đích bằng cách nhảy chỗ này một ít chỗ kia một ít, cái gì cũng thấy hay cũng kết hợp, hoặc thậm chí còn chả biết là có một con đường mà hướng nào cũng là mây mù rồi nhắm mắt đưa chân.
Do vậy, để bắt đầu, trước hết bạn cần biết rõ mình muốn trở thành nhà đầu tư như thế nào ? Mục tiêu của mình là gì ? Thế mạnh là gì ? Điểm yếu là gì? Mình có thể phân bổ bao nhiêu thời gian cho việc đầu tư? Cá tính mình có phải người kiên định kiểm soát tốt cảm xúc không? Đó là những câu hỏi bạn cần trả lời khi đi tìm identity của bản thân trong đầu tư. Khi biết rõ bản thân mình hướng đến điều gì rồi, bạn mới thấy ah hóa ra là có các con đường chứ không phải là 1 đám mây mờ mù mịt không nhìn được hướng.
Các bài viết bạn nên đọc tham khảo để xác định được identity của bản thân trên leox.vn là:
- Lựa chọn khoản đầu tư phù hợp với identity
- Các con đường trong đầu tư
- Chọn con đường đầu tư – mâu thuẫn giữa mong muốn và phù hợp
- Hai hướng đi tìm cơ hội đầu tư đối với mọi loại tài sản
- Tại sao LeoX không dám làm trader?
Đồng thời các bài viết khác trong 2 mục là “Lựa chọn con đường đầu tư” đối với các bạn mới bắt đầu và mục “ Tư duy triết lý đầu tư” đối với những bạn đã có kinh nghiệm là hai mục bạn nên ghé thăm đọc nhiều mỗi khi băn khoăn hay mơ hồ về identity mà bản thân hướng đến.
2. Nên học đầu tư ở đâu?
Đây là một câu hỏi leox.vn thường xuyên nhận được, từ hết lớp thành viên cũ rồi lại sang thành viên mới. Đây là câu hỏi đúng vì “Học kiến thức mà không thực hành thì vô ích, thực hành mà thiếu kiến thức thì vô cùng nguy hiểm”.
Tuy nhiên rất nhiều trong số các bạn đặt câu hỏi này tiếp cận việc học sai cách. Với các bạn này, câu trả lời cho câu hỏi học đầu tư ở đâu thường được trông đợi là học khóa XYZ chỗ thầy ABC, hay lắm, hữu ích lắm, thực tế lắm, học xong đầu tư được ngay.
Trong 2 lần survey với hơn ngàn thành viên tham gia, khá nhiều gợi ý leox.vn về việc tổ chức workshop/ khóa học các bạn sẵn sàng trả phí. Tuy nhiên cũng đã trả lời nhiều lần, đó không phải định hướng mà leox.vn hướng đến. Có 2 lý do.
Thứ nhất,
Ước mơ cũng như động lực của leox.vn là tạo ra giải pháp hữu ích cho nhiều người, không phải chỉ một nhóm nhỏ những bạn sẵn sàng trả tiền để học. Do đó việc tổ chức khóa học hay workshop trực tiếp không có đủ sức hấp dẫn cũng như động lực đủ lớn với các thành viên X-team
Thứ hai,
Học xong một khóa học, cho dù rất chất lượng và tốt đi chăng nữa, bạn vẫn cần khá nhiều sự hỗ trợ trong quá trình sau đó. Sự hỗ trợ đó, có thể là những lời giải đáp thắc mắc khi thực tế diễn ra hơi khác với những gì trên lý thuyết, chỉ ra những sai lầm trong cách tư duy áp dụng, định hướng giúp những tình huống khó. Đó cũng có thể là công cụ giúp bạn có thể thực hành một cách dễ dàng hơn. Tưởng tượng, bạn được hướng dẫn các tiêu chí tìm cổ phiếu tốt. Tuy nhiên sẽ tốn bao nhiêu thời gian để bạn có thể lập được một danh sách những cổ phiếu đạt tiêu chí tốt nhất trong số gần 2000 cổ phiếu trên sàn?
Do đó riêng việc học không, không đủ. Không nói rằng các khóa học đều vô bổ. Nếu nó chất lượng thì không bổ ngang cũng bổ dọc. Tuy nhiên chưa kể đến việc không giải quyết được vấn đề một cách triệt để thì các khóa học đội lốt cũng tràn lan. Thày dạy học đa số là những cá nhân không có tên tuổi gì trên thị trường tài chính và kiếm tiền chủ yếu từ dạy học. Việc những người giỏi có tâm chia sẻ, viết sách , truyền bá lại tư tưởng của mình thì nhiều. Nhưng sự khác nhau là nguồn thu nhập chính của họ đến từ đầu tư, không phải từ dạy học.
Sự nguy hiểm đến từ chỗ người đi học quá thụ động trong việc tiếp thu, không biết phản biện, không có tư duy logic tốt để thấy những sự thiếu nhất quán trong những thứ được dạy và chấp nhận kiến thức như chấp nhận một lý lẽ kiểu “đúng như sách giáo khoa”. Kiến thức giả còn nguy hiểm hơn là không có kiến thức.
Vậy trả lời cho câu hỏi học đầu tư ở đâu, theo leox.vn là gì ?
Câu trả lời tốt nhất là học từ sách. Đó là cách học rẻ nhất và hiệu quả nhất.
Để biết sách nào cần đọc bạn cần trả lời được câu hỏi bên trên về identity mà bạn hướng đến. Có rất nhiều thể loại sách, cũng như có rất nhiều kiến thức trên đời, nhưng không phải cái nào cũng cần thiết với con đường bạn chọn. Bạn cũng cần đọc sách một cách hiệu quả chứ không phải cứ đọc được càng nhiều sách càng tốt. Số lượng sách đọc không cần nhiều, bạn không cần đọc mọi cuốn sách về đầu tư vì về bản chất rất nhiều sách trùng nhau, cùng một khái niệm hay một cách tư duy nhưng nhiều cách diễn đạt hoặc biến tấu. Cái bạn cần là đọc và hiểu nó sâu sắc để có thể đưa vào áp dụng và thử nghiệm.
Liên quan đến việc đọc sách, mời bạn đọc thêm 2 bài sau của LeoX và Nguyen Nam liên quan đến việc đọc sách đầu tư tài chính sao cho hiệu quả:
Cách thứ hai là học từ những người đi trước, nghe họ chia sẻ cách làm và ngẫm lại một cách chủ động với những gì bạn đã biết. Đừng tiếp thu gì thụ động không ngoại trừ leox.vn hay thậm chí cả sách. Bạn hãy đọc với sự tò mò và phản biện với tư duy mở. Chỉ như thế kiến thức mới trở thành của bạn chứ không phải đi vay mượn hoặc làm đồ trang trí nói cho sang miệng. Hãy cẩn thận với những chia sẻ không có tính nhất quán trước sau, hoặc lấy hình ảnh bóng bẩy thành đạt, khoe kết quả lãi lỗ nhằm gây ấn tượng và niềm tin chớp nhoáng.
Như đã chia sẻ trong mục Giới thiệu, tại leox.vn có cả 2 phần Học và Hành với một hành trình tư tưởng nhất quán. Thử thách còn lại chỉ là bạn có dám đi theo một con đường đòi hỏi sự kiên trì và nỗ lực không thôi.
3. Liệu tôi có thể tự học đầu tư được không?
Liệu tôi có thể tự học đầu tư được không? Hay tôi nên ủy thác để những người chuyên nghiệp giúp mình ? Câu trả lời là không có đúng và sai giữa hai lựa chọn này.
Có những người quá bận rộn để có thể dành thời gian cho việc nghiên cứu và đầu tư, họ có xu hướng ủy thác hoặc cũng có thể outsource một phần những khâu mất thời gian nhưng vẫn giữ quyền quyết định cuối cùng. Cũng có những người muốn làm chủ kiến thức và tự chủ với tài sản của mình. Họ thà tự làm, dù có mất tiền nhưng ít nhất được bài học, còn hơn đưa cho người khác vì niềm tin mơ hồ rồi mất tiền cũng không biết tại sao.
Tuy nhiên dù chọn cách nào, bạn cũng vẫn nhất thiết phải biết mục tiêu của mình là gì, hướng đến điều gì, và có chút kiến thức căn bản và khả năng tư duy vấn đề. Nếu không việc tìm được người/ đơn vị để ủy thác cũng là một rủi ro không nhỏ. Thực ra việc đánh giá năng lực đầu tư còn khó hơn cả đánh giá một công ty có đầu tư được hay không.
Còn về việc bạn có thể tự học đầu tư được không thì câu trả lời là có. Nhưng thời gian bao lâu thì phụ thuộc vào thời gian bạn có dành cho nó, phụ thuộc vào xuất phát điểm của bạn. Tuy nhiên phải nói rằng, một khi bạn đã xác định được identity của mình thì lượng kiến thức cần phải học sẽ giảm 80% xuống còn 20%. Sau đó trong 20% còn lại đó, bạn chỉ cần tập trung 80% thời gian vào 20% những thứ quan trọng nhất sẽ rút gọn được khá nhiều con đường.
Ví dụ có hơn 200 chỉ số tài chính, nhưng để sử dụng bạn chỉ cần biết khoảng hơn chục chỉ số là đủ, vì dù vẽ ra nhiều, nhưng chỉ số này nó là biến tấu của chỉ số khác và cùng một bản chất. Như vậy thì thời lượng sẽ rút đi rất nhiều rồi.
Điểm thứ hai, rất nhiều người bị choáng ngợp bởi các công thức mô hình phức tạp và cho rằng khó quá, không khả thi để tự học. Ví dụ như có bạn từng tranh luận rất hăng hái là các chuyên gia tại các quỹ đầu tư còn làm các mô hình định giá dòng tiền - cái mà những nhà đầu tư không chuyên ít khả năng/ điều kiện làm được.
Thực tế các thành viên X-team đều là những người đã làm trên chục năm với các mô hình định giá. Nó có hữu ích, nhất là đối với các tổ chức, nhưng đối với nhà đầu tư cá nhân không thực sự cần thiết. Chi tiết bạn có thể đọc thêm tại bài : Các phương pháp định giá cổ phiếu.
4. Phải học những gì?
Như đã trả lời bên trên, để biết cần học khóa gì, mua sách gì hay phải học những gì, nhất thiết ta phải biết identity của mình là gì, mình sẽ đi đường nào. Tại leox.vn sẽ có đầy đủ 20% kiến thức cô đọng nhất và thực tế nhất cho những người đi theo con đường 2,3,4, và 5 đã đề cập trong bài này.
Bạn có thể đọc các cuốn sách được giới thiệu tại leox.vn đồng thời đọc các bài viết trong mục Kiến thức để học về đầu tư. Quá trình thực hành sau đó được hỗ trợ bởi những công cụ và những nghiên cứu mà X-team thực hiện. Lưu ý là không phải 100% miễn phí vì leox.vn cũng cần nguồn lực tài chính mới có thể phát triển được các cấu phần này.
5. Bao giờ thì tôi đầu tư được?
Việc thực hành không nhất thiết phải chờ đến khi học xong. Bản thân X-team vẫn là những cá nhân không ngừng học hỏi để phát triển và hoàn thiện phương pháp luận của mình. Học là một quá trình liên tục và không ngừng, nhưng nếu không thực hành trong quá trình học, thì việc học sẽ thiếu thiết thực, mơ hồ
Vậy khi nào bạn có thể đầu tư ? Câu trả lời là khi bạn hiểu tại sao bạn muốn thực hiện khoản đầu tư đó. Rất nhiều người đầu tư theo kiểu à uôm, vì tôi cảm thấy nó rẻ, vì thị trường xuống, vì ai đó cũng đang đầu tư, vì có tiền nhàn rỗi nên muốn thử xem sao …. Tất cả những lý lẽ đó không được coi là lý do cho khoản đầu tư. Bởi lẽ, nếu nó là lý do, khi sai bạn cũng không biết mình sai ở đâu.
Bất kể là bạn có tự tìm được cơ hội đầu tư đó hay không, bất kể bạn có tự mình phân tích được hết 100% hay không, thì bạn vẫn cần hiểu được logic cho quyết định đó. Hãy viết các lý do bạn thực hiện khoản đầu tư đó xuống giấy để tránh à uôm và cảm tính. Khi viết ra, bạn cũng tự nhìn lại được logic của mình. Và chỉ khi đó, bạn mới có khả năng làm chủ kiến thức, cách tư duy đó cũng như rút được kinh nghiệm cho những lần sau. Trong đầu tư, thất bại hay thua lỗ không phải đáng sợ nhất. Đáng sợ nhất là sai mà chả biết mình sai chỗ nào, không rút ra được bài học nào. Thất bại không phải mẹ thành công mà quá trình quán chiếu lại sau khi vấp ngã mới quyết định bạn có học được gì từ thất bại để đi tới thành công hay không.
6. Học đầu tư xong thì đầu tư có bớt rủi ro?
Thực ra thì có kiến thức kinh nghiệm đầy đủ, nhiều khi ta vẫn nên thực hiện các khoản đầu tư rủi ro. Cái khác nhau giữa người học bài bản để bền vững với người không nằm ở 2 điểm. Thứ nhất họ biết rõ họ đang chấp nhận rủi ro gì, phần thưởng cho rủi ro đó là gì, có xứng đáng không? cơ hội thành công bao nhiêu %. Thứ hai, nếu tình huống thất bại xảy ra, khả năng thua lỗ như thế nào? Kế hoạch hành động cho kịch bản xấu đó là gì? Khi nào tôi biết tôi đang sai? Họ không mơ hồ về rủi ro, bị động với rủi ro và mong đợi vào sự may mắn. Nếu may mắn lần này, liệu có chắc sẽ còn may mắn được bao nhiêu lần nữa hay mất tất cả vào lần sau đó?
7. Vậy hành trình của bạn tại leox.vn nên bắt đầu như thế nào ?
Trước hết mời bạn đọc các bài đã nêu ra bên trên. Kế đến hãy review lại tổng thể mục Kiến thức trong sơ đồ ở bài này. Hãy chú trọng đến các phần về Tư duy đầu tư, Triết lý đầu tư để biết mình muốn đi con đường nào trước khi dẫn nhập thẳng vào một loại tài sản.
Hầu hết những người quá bận rộn với công việc chính và coi đầu tư là một kênh thu nhập phụ sẽ chọn con đường số 3 và 4. Trong khi những người trẻ, có thời gian và khả năng chấp nhận rủi ro sẽ chọn con đường số 2. Những nhà đầu tư chuyên và có kinh nghiệm sẽ thích con đường số 5, thi thoảng đá sang con đường số 2.
Con đường số 3 và 4 được hưởng lợi từ những kết quả của con đường số 2 và số 5, nhưng không nhất thiết phải biết tất cả những kiến thức thuộc mà 2 con đường này cần có, do vậy nếu đọc phải những bài khó hiểu khiến bạn ngợp cũng đừng vội hoang mang nhé.
8. Tôi nên bắt đầu với loại tài sản đầu tư nào ?
Nếu ở con đường số 3 và 4, bạn bắt đầu với loại tài sản hay cơ hội đầu tư mà bạn có lợi thế tiếp cận và hiểu được nó tốt hơn người khác theo hướng Inside out đề cập trong bài này. Bạn cũng nên bắt đầu với việc đơn giản là cải thiện khoản tiết kiệm của mình, hay tìm hiểu thêm về kênh trái phiếu, vàng trước khi chuyển sang chinh phục các tài sản khó nhằn hơn như Cổ phiếu, Bất động sản.
Nếu bạn còn trẻ, tích lũy chưa lớn nhưng lại có nhiều thời gian dành cho việc tìm lọc cũng như phân tích cơ hội đầu tư, bạn hãy tiếp cận con đường số 2 và tài sản là cổ phiếu.
Nếu bạn ở độ tuổi trung niên, cần sự ổn định và chắc chắn cao về tài chính, đồng thời có điều kiện để tập trung cho việc đầu tư, hãy đầu tư theo con đường số 5 và phân bổ tài sản ra đa dạng và tăng giảm tỷ trọng theo điều kiện, chu kỳ kinh tế.
Nếu bạn có thêm những câu hỏi khác khi mới bắt đầu, hãy để câu hỏi lại tại bài viết này. X-team sẽ trả lời bạn và đưa câu hỏi của bạn lên bài viết để những người có câu hỏi tương tự cũng đọc được nhé.