Nếu bạn không học ngành tài chính, thậm chí là tờ giấy trắng khi nghiên cứu về tài chính thì điều đó là một bất lợi nếu bạn muốn kiếm việc trong ngành tài chính nhưng không phải là một bất lợi nếu bạn muốn học đầu tư để kiếm tiền hay quản lý tài sản.

Hầu hết trường học và các bằng cấp tài chính dạy bạn kiến thức để bạn xin việc chứ không ai dạy kiếm tiền cả. Kiếm tiền là cách áp dụng linh hoạt kiến thức và thông qua các kinh nghiệm mà mỗi người có thể tự hình thành nên phương pháp của riêng mình. 

Tùy vào từng mục đích mà cách đọc/ cách học sẽ khác nhau:

  • Để thi đỗ các chứng chỉ: Cá nhân mình sau khi đọc vài chương trong sách CFA thì đã bỏ luôn vì nó không phù hợp với mục đích của mình. Học CFA mình cũng thấy nhiều điểm giống với luyện bộ đề thi đại học ngày trước. Điểm này có lẽ nhờ bạn LeoX chia sẻ vì mình không thi nên không dám chém gió.
  • Để xin việc: Mỗi ngành nghề sẽ cần các chứng chỉ khác nhau. CFA phù hợp với ai muốn làm quản lý quỹ. Ở Việt Nam, các công ty khá chuộng bằng cấp nên cứ nghề tài chính là yêu cầu CFA. Học CFA giúp bạn dễ xin việc làm hơn nhưng không có gì bảo đảm bạn biết kiếm tiền như thế nào. Các ngành nghề như kế toán, kiểm toán hay quản trị rủi ro không cần đến CFA làm gì cả. Ngành nghề trong lĩnh vực tài chính khá rộng và cũng đang thay đổi liên tục, mình đã chia sẻ các con đường sự nghiệp trong lĩnh vực tài chính ở đây. Các bạn muốn làm việc trong ngành tài chính nên xem con đường nào phù hợp với mình và từ đó lựa chọn chứng chỉ phù hợp để học thì sẽ hiệu quả hơn.
  • Để đầu tư kiếm tiền: Mình sẽ chia sẻ cụ thể dưới đây.

Mình rất tâm đắc với quan điểm về giáo dục của Elon Musk, đó là trường học dạy bạn cái tuốc nơ vít, bu lông ốc vít là gì nhưng không dạy bạn cách tạo ra tàu vũ trụ như thế nào. Đôi khi bạn chả cần biết đến nhiều loại đinh ốc như thế vì nó không phục vụ việc tạo ra tàu vũ trụ. Ngược lại, rất nhiều kiến thức quan trọng bạn sẽ không được học ở trường. Do vậy, để bắt đầu nghiên cứu vấn đề gì, nên đặt câu hỏi Why đầu tiên. Xác định rõ tại sao mình làm điều này rồi chỉ tập trung nghiên cứu những gì liên quan để trả lời cho câu hỏi Why sẽ giúp bạn đỡ mất thời gian hơn vào các thứ không cần thiết. 

Lí do mình không học CFA vì mình thấy chương trình được cấu trúc theo kiểu cái gì cũng học và mình nghi nghờ về chuyện cần biết gần đó kiến thức để phục vụ cho mục đích của mình. Tuy nhiên, mỗi cá nhân có nhu cầu hấp thụ kiến thức khác nhau nên các bạn hãy xem mục lục của CFA để biết có những kiến thức tổng thể gì trong ngành tài chính và mình có thấy hào hứng để biết hết các thứ đó không. Nếu câu trả lời là có thì bạn nên học CFA. Học thực ra cũng giống như tiết kiệm, không có gì thừa, đều mang lại lãi suất kép và bạn chưa biết khi nào sẽ dùng đến nó nhưng mỗi người sẽ có kỳ vọng về tiến độ hấp thu và áp dụng kiến thức khác nhau.

Mình tiếp cận vấn đề một cách thực dụng hơn, đó là học cái gì để ra tiền. Mình cũng đọc qua nhiều loại sách báo thì mình thấy có thể phân loại sách thành các loại sau:

  • Sách dạy về cách tư duy
  • Sách dạy về kiến thức hàn lâm
  • Sách dạy về kĩ năng

Theo kinh nghiệm của cá nhân mình thì bạn nên đọc theo thứ tự Sách tư duy >> Sách kiến thức hàn lâm >> Sách kĩ năng. Lí do là có rất nhiều cách tư duy về ngành tài chính và về đầu tư. Mỗi cá nhân nên đọc và tìm kiếm tư duy phù hợp với mình. Mỗi cách tư duy sẽ cần hiểu rõ một số kiến thức hàn lâm và một số kĩ năng nhất định để có thể thực hành. 

Trong đầu tư, tính nhất quán trong tư duy và cách làm (consistent) rất quan trọng. Những người học rộng hiểu nhiều như tiến sỹ, giáo sư hay có chứng chỉ CFA có thể chưa chắc đã đầu tư thành công nếu như họ không chắt lọc được một phương pháp cụ thể và rất dễ rơi vào cái bẫy cái gì cũng biết nhưng lại không ứng dụng được. Còn tất nhiên không nghiên cứu gì mà đầu tư thì rất dễ rơi vào tình huống đánh bạc, khó thắng về dài hạn. Do vậy, hình thành tư duy rồi mới học kiến thức và kĩ năng sẽ giúp bạn tránh học những thứ không consistent (râu ông nọ cắm cằm bà kia) và sau này khi bạn đầu tư cũng tránh được trường hợp không biết xác định yếu tố nào là key, khi nào nên take risk và khi nào nên bỏ.

Ở group này, cá nhân mình hay bạn Leox là người tin và đặt trường phái đầu tư giá trị làm nền móng nhưng cũng quan tâm nhiều đến tăng trưởng và tính chu kỳ. Nói một cách dễ hiểu thì trường phái này tin rằng đằng sau mỗi loại tài sản đều có một giá trị nội tại. Giá trị nội tại này biến đổi chậm theo thời gian. Trong khi đó, trên giá cả tài sản được thị trường định giá hàng ngày biến đổi liên tục lúc cao lúc thấp. Đầu tư giá trị nhằm tìm ra các tài sản và thời điểm mà giá trị thị trường xuống thấp đủ an toàn so với giá trị nội tại và mua vào nắm giữ. 

Khi áp dụng phương pháp này ở Việt Nam, mình nhận ra một điều là nền kinh tế Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn phát triển dựa nhiều vào vốn (chu kỳ tín dụng) và nhân lực (cơ cấu dân số). Chúng ta chưa ở giai đoạn nắm bắt được công nghệ lõi để tạo lợi thế cạnh tranh bền vững. Chính vì vậy, tính chu kỳ của nền kinh tế Việt Nam lớn. Điều đó dẫn tới việc mình dành nhiều thời gian để nghiên cứu về tính chu kỳ thay vì áp dụng như lý thuyết thuần túy là tìm khoản đầu tư tốt mua và nắm giữ (mặc dù ở Việt Nam vẫn có 1 số ít những tài sản xứng đáng để buy and hold). 

Do vậy, nếu các bạn đã theo dõi group đủ lâu có thể thấy có nhiều thời điểm quan điểm của mình hay bạn Leox nhiều lúc có thể khá khác thị trường. Mình cũng xác định viết cho những người mới tìm hiểu về tài chính và những người có nhu cầu đầu tư bền vững nên mình rất thận trọng trong việc viết về những vấn đề mang tính đầu cơ. High risk high return, khi bạn chấp nhận nhiều rủi ro hơn thì bạn có thể có nhiều lợi nhuận hơn nhưng làm thế nào để tạo lợi ích cho số đông một cách bền vững mới là điều tạo động lực để mình viết. Tóm lại, phương pháp đầu tư mà group theo đuổi không phải là duy nhất và mình cũng thống nhất với bạn Leox là group không theo đuổi mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận ngắn hạn mà mong muốn chia sẻ và thảo luận các vấn đề liên quan đến việc quản trị tài sản dài hạn bền vững. Nếu bạn quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề action ngắn hạn, có thể những gì viết trong group này sẽ không có nhiều giá trị với bạn.

Quay lại vấn đề đọc và học, mình cố gắng chia sẻ một cách tổng quan nhất để view và tầm nhìn hạn hẹp của mình không cản trở khả năng phát triển của các bạn. Mặc dù mình chia sẻ với tinh thần thiện chí, hãy luôn phát triển tư duy phản biện và tìm hiểu rộng/ sâu hơn những gì mình viết bởi kiến thức và tầm hiểu biết của mình là có hạn.

1. Sách về tư duy:

Có nhiều trường phái đầu tư, đầu tư giá trị chỉ là một trường phái. Bạn nên đọc càng nhiều càng tốt để xác định trường phái đầu tư nào phù hợp với identity của bạn.

Không nên đi học lớp dạy tư duy làm giàu. Hãy đọc sách của những người đã giàu có và làm được.  Khi đọc nhiều kiểu cách tư duy, bạn sẽ biết đâu là thứ phù hợp với mình. Thậm chí có thể một kiểu tư duy hơi lai tạp chút giữa các dòng suy nghĩ là câu trả lời, đó là trường hợp của mình ngộ ra khi đọc sách.

  • Đầu tư giá trị (focus nhiều vào giá trị doanh nghiệp): Hãy đọc tất cả sách và xem tất cả các video của / về những NĐT huyền thoại trong trường phái này như Warren Buffett, Charlie Munger, Peter Lynch, Howard Marks, Bill Ackman, Benjamin Graham, Philip Fisher... Bạn thấy nhiều quá ? Không sao đâu, cứ xem từ từ. Định hình tư duy cần thời gian. Nếu bạn muốn scan nhanh thì hãy đọc Wikipedia/ summary trước để hiểu về người mình định đọc. Mình recommend đọc Warren Buffett đầu tiên cho những người tin vào đầu tư giá trị vì ông là người đặt nền móng tư duy cho nhiều NĐT về sau phát triển.
  • Đầu tư tăng trưởng (focus nhiều vào tiềm năng tăng trưởng tương lai): cách đầu tư này có hơi hướng cởi mở của các shark đầu tư Start Up hơn. Philip Fisher là người đề cập đến tăng trưởng trong định giá. Ngày này có những NĐT khá nổi tiếng khi sẵn sàng bet vào các innovations của tương lai như Peter Thiel, Cathie Wood, Chamath Palihapitiya… Ngoài ra, đọc về các nhân vật khởi nghiệp kiệt xuất như Elon Musk hay Jeff Bezos bạn cũng sẽ học được rất nhiều về cách tư duy. Elon Musk từng chê cách đầu tư của Warren Buffett là rất nhàm chán và không tạo động lực thay đổi của xã hội. Đơn giản vì ông đứng trên một góc nhìn khác và đặt cho mình một sứ mệnh khác trong cuộc đời. Ở đây không có đúng và sai mà chỉ có thứ phù hợp với identity của mỗi cá nhân.
  • Đầu tư theo vĩ mô: Mình không sử dụng vĩ mô thuần túy để đầu tư mà chỉ sử dụng như road map để nhìn bức tranh tổng quát và phân vùng tài sản hợp lý theo chu kỳ cần tập trung trong mỗi giai đoạn. Vĩ mô liên quan nhiều đến cả lịch sử và chính trị. Những NĐT huyền thoại có thể kể đến George Soros, Ray Dalio, Jim Rogers, Stanley Druckenmiller, Bill Gross... hay gần đây có Jeffrey Gundlach.
  • Trading/ market timing: kể về các NĐT lướt sóng thị trường. Mình không đặt nhiều trọng số trong phương pháp đầu tư vào mục này nhưng không có nghĩa là không có người từng thành công. Có rất nhiều trader nổi tiếng có thể kể đến như Jess Livermore, William O’neil, Steve Cohen … Mình cũng đang tìm hiểu về những trader huyền thoại để cải thiện khả năng timing.
  • List trên đây không phải danh sách đầy đủ các cách tiếp cận. Còn rất nhiều cách đầu tư khác như đầu tư định lượng (dành cho các bạn giỏi toán học) mà NĐT huyền thoại có thể kể đến là James Simons và có thể rất nhiều phương pháp khác nữa…

Tóm lại, bạn nên đặt mục tiêu định hình tư duy đầu tiên bằng cách đọc các sách về tư duy đầu tư. Đọc càng nhiều càng tốt. Scan wikipedi/ summary là mẹo tiết kiệm thời gian nhưng thực sự sau đó nên đọc đào sâu để hiểu cũng như suy ngẫm xây dựng tư duy của bản thân mình. Đầu tư trước hết là xác định identity và khám phá bản thân mình.  Sắp tới có thời gian mình sẽ review 1 số đầu sách hay mình biết nhưng ngay bây giờ các bạn có thể tìm hiểu bằng cách google “top/ best investors”. Hãy tò mò nhất có thể và học từ những người giỏi nhất.

2. Sách về kiến thức:

Khi đã xác định được tư duy, lúc này bạn sẽ cần có kiến thức và kĩ năng để thực thi. Mỗi loại tư duy cần kiến thức khác nhau. Ví dụ như đầu tư giá trị sẽ liên quan nhiều đến nghiên cứu bottom up (phân tích doanh nghiệp) và đòi hỏi bạn có khả năng phân tích báo cáo tài chính, định giá cổ phiếu/ bđs…hay hiểu về vĩ mô cần đọc về lịch sử các cuộc khủng hoảng/ đầu cơ, các mô hình và biến số kinh tế … hay hiểu về tăng trưởng cần đọc về văn hóa doanh nghiệp, quản trị con người… 

Mỗi vấn đề nhỏ lại có nhiều đầu sách khác nhau, tùy thuộc bạn quan tâm đến vấn đề gì. Ở trường hoặc chương trình CFA có thể dạy bạn thẳng vào sách kiến thức nhưng theo mình là không nên bắt đầu từ đây vì cơ bản bạn sẽ bị ngộp mà không biết học để làm gì. Hãy bắt đầu tư duy thì khi tìm sách kiến thức bạn sẽ biết mình cần kiến thức gì.

Cá nhân mình đánh giá các kiến thức quan trọng nên hiểu nếu bạn quan tâm tới đầu tư giá trị:

  • Phân tích báo cáo tài chính
  • Định giá cổ phiếu, bất động sản
  • Định giá trái phiếu
  • Lịch sử vàng và tiền
  • Lịch sử các cuộc khủng hoảng và đầu cơ
  • Tiểu sử của các doanh nhân nổi tiếng và cách họ tạo ra các doanh nghiệp tuyệt vời

3. Sách về kĩ năng:

Để thực thi một khoản đầu tư bạn còn cần biết đến nhiều loại kĩ năng. Có rất nhiều các loại kĩ năng cần để triển khai một tư duy/ triết lý đầu tư theo các mô hình kiến thức khác nhau. Ví dụ phân tích kĩ thuật, sàng lọc cổ phiếu/ bất động sản, quản trị rủi ro, quản trị cảm xúc… Again, khi đã có tư duy đầu tư của riêng mình, bạn sẽ cần biết mình cần kĩ năng gì để có thể triển khai triết lý vào thực tiễn.  Bản thân mỗi loại kĩ năng này cũng đủ làm một chủ đề chuyên sâu để thảo luận. Khi đầu tư và đối mặt với các vấn đề thực tiễn, bạn sẽ sớm nhận ra vấn đề nào đòi hỏi kĩ năng nào và sẽ sớm phải suy nghĩ về giải pháp. 

----------------------------

Bạn lo lắng vì có quá nhiều thứ đến phát ngộp ? Mình không có ý định làm mất motivation của các bạn. Bạn không cần biết gần này thứ để có thể bắt tay vào đầu tư. Đầu tư là quá trình thử và sai, vừa học vừa làm. Do vậy, không cần quá lo lắng phải đọc/ học hết gần này thứ mới làm được. Thực sự là không cần. Học, học nữa, học mãi là câu nói đúng trong lĩnh vực đầu tư. Bạn có cả 1 đời để học. Do vậy, đừng đầu tư xanh chín một ăn một tịt (trừ khi bạn có tố chất như anh Vượng). Làm từ từ để chiêm nghiệm và chờ lượng kiến thức hấp thu thêm mỗi ngày tạo lãi suất kép. Bạn sẽ giỏi lên theo thời gian và về lý thuyết thì tiền cũng tăng theo trình độ của bạn. Điều bạn cần là mỗi ngày improve bản thân một chút, biết mình đang cần học gì và tìm cách áp dụng nhanh nhất các kiến thức vào thực tiễn đầu tư/ làm việc.

Các bạn luôn có thể thảo luận các khó khăn trong quá trình nghiên cứu tại Group. Group luôn welcome các bạn trao đổi mọi vấn đề từ tư duy tới các loại kiến thức hay kĩ năng cụ thể nào đó. Ngược lại, Group rất thận trọng với việc phím hàng, khoe lãi giấu lỗ… vì đó là con đường tắt đưa đáp số  (thường vì những mục đích riêng vì lợi ích của người đưa). Đầu tư không đơn giản là đưa đáp số (bạn không học được gì và cũng không quản lý được gì nếu chỉ có đáp số), đó là quá trình tìm ra lời giải cho mỗi người. Mua một cổ phiếu xác suất thắng là 50% vì chỉ có lãi hoặc lỗ nhưng nếu bạn liên tục tung đồng xu và trông chờ vào may mắn thì nếu một ngày không đẹp trời kết quả không thuận lợi và bạn đặt cược nhiều bạn vẫn có thể lỗ nặng dù trước đó bạn có thắng bao nhiêu lần đi nữa. 

Hi vọng mình không làm các bạn cảm thấy việc học đầu tư là quá phức tạp (mà nếu thấy phức tạp bạn có thể mang lên đây để trao đổi). Thực ra nó khá thư giãn, nếu bạn yêu thích nó sẽ tựa như bạn đọc truyện tranh hay xem phim bộ dài tập mỗi ngày. Mượn câu nói của Jeff Bezos để kết thúc bài viết này: “Không có đường tắt để đi đến thành công”. Good luck to all ! Be safe and stay positive !

P/S: Đừng ngần ngại đặt câu hỏi dưới đây nếu bạn vẫn chưa rõ nên bắt đầu như thế nào ! Hoặc bạn cũng có thể trao đổi/ review về những chủ đề bạn đang nghiên cứu.