Với tất cả các loại tài sản, cách tìm ra cơ hội đầu tư lúc nào cũng là một trong hai hướng: Hướng tiêu điểm (Inside out) và hướng phễu lọc (Outside in). Cùng tìm hiểu về ưu nhược điểm của 2 hướng tìm cơ hội đầu tư đối với mọi loại tài sản này nhé.
Hướng tiêu điểm - Inside Out
Tìm cơ hội đầu tư theo hướng tiêu điểm phù hợp với những người đi theo con đường số 3,4 trong bài này. Đây cũng là cách tiếp cận đầu tư phổ biến với hầu hết mọi người. Người đầu tư theo cách này sẽ tìm cơ hội đầu tư từ những gì liên quan tới họ. Ví dụ như bạn bè người thân đang đầu tư vào đâu, loại đầu tư nào tôi tự tin hiểu nhất, tôi có lợi thế ở lĩnh vực nào hay có thông tin gì hơn so với thị trường.
Ưu điểm của cách tiếp cận này là mức độ hiểu cơ hội đầu tư hay tự tin với cơ hội đầu tư đó ở mức cao nhất. Vì sao ? Vì đó là những thứ thân thuộc với ta: một ngành nghề quen thuộc nên ta hiểu rất rõ - cái hiểu sâu của người trong nghề chứ không hời hợt và “tỏ ra nguy hiểm” như các chuyên gia ngồi bàn giấy. Hoặc vì đó là người ta quen biết lâu năm và họ cũng đang đầu tư ở đó - nghe họ phân tích có lý - điều đó tạo cảm giác an tâm hơn hẳn. (Dù đó chủ yếu là về mặt tâm lý).
LeoX cũng biết khá nhiều người đầu tư theo hướng Inside Out như vậy và thành công. Một anh bạn có gia đình làm đại lý vật liệu xây dựng nên rất hiểu thị trường thép tại Việt Nam. Anh hiểu các đại lý ngóng chính sách của ông lớn trong ngành thép là Hoà Phát để hành xử theo thế nào và HPG có lợi thế như thế nào trong ngành. Do đó cứ tích dần cổ phiếu HPG trong suốt 1 thời gian dài và nắm giữ. Nhất là những đợt giá thép nhiều sức ép tăng nóng thì thường mạnh dạn mua nhiều để trading theo chu kỳ ngành. Một anh bạn khác làm ở khu công nghiệp cũng nhanh chóng nhìn ra nhu cầu chuyển sản xuất từ TQ về VN sẽ là tất yếu nên mua cổ phiếu KCN còn trước cả xu hướng đó được hình thành. LeoX cũng có ông chú đầu tư BĐS ở Vũng Tàu và Quận 9 lãi đậm, phần vì có tầm nhìn, phần vì có nhiều bạn bè cũng đầu tư ở đó nên nắm rõ tình hình.
Nhìn vào bản chất thì cách tìm cổ phiếu inside out này khá giống cách tiếp cận mà Peter Lynch khuyến nghị là phù hợp với tất cả mọi người. LeoX cũng đã viết theo cách hiểu và ngôn ngữ của mình trong bài “3 cách đầu tư cổ phiếu cho người không chuyên”. Mọi người cũng có thể tìm đọc cuốn “Trên đỉnh phố Wall” mà Peter Lynch viết để hiểu hơn về cách tiếp cận này đối với cổ phiếu. Xuất phát từ những gì gần gũi nhất với mình, nằm trong vòng tròn hiểu biết của mình hay mình có lợi thế sẽ là 1 hướng đi an toàn và phù hợp với nhiều người - nhất là những người không chuyên. Theo đó bạn không cần nhìn đâu xa, cứ bám chắc vào những thứ mình có lợi thế và hiểu là ngon rồi.
Tuy nhiên nhược điểm của hướng tìm này là:
(1) Không phải ai cũng nằm trong một hoàn cảnh hay tình huống để tiếp cận được thông tin có ích cho đầu tư. Có những người chả có người thân bạn bè nào chịu khó đầu tư cả, xung quanh toàn người làm công ăn lương là chấp nhận cuộc sống đều đều - đu đủ. Có những người trong những ngành nghề dù có hiểu sâu cũng chả có cái gì đầu tư được.
(2) Kể cả trong hoàn cảnh thuận lợi để tìm cơ hội đầu tư theo hướng Tiêu điểm - Inside out này thì không phải ai cũng đầu tư thành công. Cứ đơn thuần là đầu tư theo anh em bạn bè, thực tế hay mất nhiều hơn được. Bạn vẫn cần có khả năng đánh giá và tư duy phán đoán nhanh nhạy để có thể nhìn ra cơ hội giữa các luồng thông tin. Nằm trong luồng thông tin đã là 1 lợi thế, nhưng không có khả năng thì cũng không tận dụng được và lợi thế đó cũng bằng zero. Tình huống này thì chỉ có thể trách mình thôi.
Hướng phễu lọc - Outside In
Hướng thứ 2 là hướng phễu lọc - outside in. Tức là thu thập tất cả thông tin, dữ liệu về các cơ hội đầu tư trên thị trường rồi xử lý và lọc tìm. Đây là cách tiếp cận của con đướng số 2 và số 5 mà LeoX đã viết trong bài này. Cách tiếp cận này phù hợp với cả đầu tư Cổ phiếu, BĐS, Trái phiếu và thậm chí là giữa các loại tài sản với nhau.
Ưu điểm của hướng tiếp cận này là triệt để. Bạn không nhảy ngay vào 1 cơ hội mà nhìn từ 1 lăng kính rộng rồi thu hẹp lại dần. Như vậy vừa không bỏ lỡ những cơ hội hấp dẫn mà không tự đến với mình, vừa có khả năng đưa chúng lên bàn cân để so sánh cân nhắc. Điều đó rất quan trọng vì so sánh là 1 cách định giá cơ bản và hiệu quả nhất trong 3 phương pháp định giá mà LeoX đã nêu ra ở bài này. Dòng tiền luôn tìm đến thứ hấp dẫn nhất về giá trị, do đó nếu không cân nhắc tất thảy cơ hội đầu tư trên một diện rộng thì có thể rơi vào tình huống là ôm 1 thứ cũng tốt tốt mà chờ mãi , chờ mãi chả thấy nó lên giá. Đơn giản vì nó cũng tốt nhưng chưa đủ tốt bằng những thứ khác nên chưa đến lượt thôi.
Nhược điểm của cách tiếp cận này tốn nhiều công sức khi tự làm. Ví dụ với cổ phiếu, bạn phải có tất cả dữ liệu về các doanh nghiệp trong tay, có khả năng xử lý 1 lượng dữ liệu lớn, có lẽ chỉ dùng xls không đủ đâu mà còn phải dùng VBA, rồi có thời gian ngồi review lại danh sách shortlist đã lọc ra. Hơn nữa sau 1 thời gian lại phải làm tay update mới lại dữ liệu chứ không phải làm một lần là xong. Đó là cách mà LeoX đã làm suốt hơn chục năm nay. Máy tính luôn có những file data nặng khủng vì dữ liệu và thi thoảng chán ngán việc phải update lại bằng tay mỗi lần lọc. Với BĐS chắc sẽ còn khó và phức tạp hơn vì nó không theo quy chuẩn như cổ phiếu.
Thực ra thì BĐS và Trái phiếu thì LeoX chưa thấy chứ cổ phiếu thì trên mạng có rất nhiều đơn vị cung cấp dữ liệu cổ phiếu để có thể xài luôn. Ví dụ như cophieu68, tradingview, fireant, stockpro … Một vài là miễn phí , một vài là có phí. Có phí cũng không sao nếu nó hữu ích cho mình. LeoX rất vui được trả phí vì nó rất fair. Tuy nhiên vấn đề là tất cả các bộ lọc có trên thị trường đều cùng một mô tuýp giống nhau kiểu lấy ra từ sách giáo khoa. Chú nào cũng chỉ PE, EPS, ROA, ROE … blahhh. Có 1 chú mới mới xuất hiện trên thị trường có tới hơn 200 tiêu chí và ratios. Nhưng thực lòng, không ai cần đến 200 tiêu chí để lọc tìm cả, chả lẽ lại còn phải có cái bộ tiêu chí để tìm tiêu chí lọc. Hơn nữa chú này bán đắt tệ. Không đáng để trả một số tiền vài triệu mỗi tháng để chỉ sử dụng bộ lọc hơn 200 tiêu chí mà vẫn không có cái mình cần.
Thực ra những ai tư duy theo bản chất sẽ hiểu không cần nhiều tiêu chí đến vậy, vì cái này nó thông qua cái kia, tiêu chí này là biến thể của tiêu chí khác. Chỉ cần hiểu những tiêu chí gốc và quan trọng thôi. Ngoài ra, làm lâu năm trong nghề mới thấy là có những con số cực kỳ powerful trong BCTC, trong thuyết minh và phụ lục mà rất thường bị bỏ qua. Chưa kể đến việc ứng dụng tư duy của mình để sáng tạo ra các tiêu chí mới mà chỉ đơn giản là dùng các tiêu chí mà các nhà đầu tư nổi tiếng đã chỉ ra cho ta khi chia sẻ về triết lý, phương pháp của họ đã rất tuyệt rồi. Tất nhiên các tiêu chí kiểu này cũng là do họ tự nghĩ ra, tự đúc rút lại nên không có trong sách giáo khoa tài chính, và do đó cũng chả có trong các bộ lọc hiện nay trên thị trường.
Sự say mê nghiên cứu và tìm tòi mười mấy năm qua, đồng thời với mục tiêu tạo ra công cụ để không chỉ mình mình dùng mà trở thành công cụ thực hành của nhiều người là động lực tại sao LeoX sẽ đẩy bộ lọc cổ phiếu mang tên leox.vn lên web. Mặc dù tất cả những kiến thức chia sẻ trên leox.vn sẽ luôn là miễn phí, tuy nhiên với những cấu phần tốn nhiều thời gian, nguồn lực, và cả chi phí mua ngoài dữ liệu gốc như Bộ lọc này thì sẽ không hoàn toàn miễn phí. Tất nhiên chi phí thì sẽ nhỏ nhỏ thôi vì LeoX hướng đến việc tìm giải pháp tiếp cận được bởi đa số kể cả các bạn sinh viên. Nếu nó phù hợp với bạn thì thực sự chả đáng gì. Còn nếu bạn vẫn muốn dùng nó miễn phí thì đơn giản là hãy tích cực đóng góp cho sự phát triển của Cộng đồng nhé - điều đó được thể hiện trên số điểm ở trang profile các bạn bấy lâu nay đó. Rất fair phải không nào :)
Phần tiếp theo LeoX sẽ viết thêm về các tiêu chí để lọc tìm cổ phiếu theo cách tiếp cận 2: Hướng phễu lọc - Outside in (Tương ứng với con đường số 2 và số 5) nhé. Những bạn không muốn đi theo hướng phễu lọc mà muốn tiếp cận từ hướng Inside Out cũng có thể tham khảo để biết cách đánh giá so sánh cơ hội đầu tư mà mình đã đang nhắm tới.