“The Chinese use two brush strokes to write the word “crisis”. One brush stroke stands for danger; the other for opportunity. In a crisis, be aware of the danger, but recognize the opportunity” – John F.Kennedy
------------------------------------------------
Chúc mừng năm mới ! Xin chúc các bạn một năm mới Quý Mão bình an hạnh phúc, dồi dào sức khỏe và có nhiều quyết định sáng suốt trong đầu tư. Sáng suốt có lẽ là một điều rất cần có để chuẩn bị cho một giai đoạn sẽ có thể có rất nhiều thay đổi về luật chơi trên quy mô toàn cầu, kèm theo đó là một môi trường đầu tư tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn trước. Welcome to 2023 !
Thế giới bước vào năm 2023 trong một bối cảnh xung đột địa chính trị phức tạp nhất kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ II. Kể từ sau cuộc chiến vùng vịnh năm 1991 cho đến tận cuối năm 2019 trước khi đại dịch Covid-19 nổ ra, vai trò của chiến tranh đối với toàn cầu chỉ còn là khái niệm được nhắc đến trong sách giáo khoa lịch sử. Các cuộc xung đột có thể nổ ra ở vài nơi trên thế giới nhưng chỉ ở quy mô nhỏ. Với thế hệ Gen X, Gen Y, chúng ta may mắn không phải trải qua một cuộc chiến tranh lớn vốn không chỉ cướp đi sinh mạng của nhiều người mà còn là nguồn cơn của nạn đói, lạm phát, vỡ nợ. Thời kỳ tươi đẹp này đang bị đe dọa bởi những căng thẳng địa chính trị không dễ hàn gắn.
- Ngày 24/2 năm ngoái, cuộc chiến Nga – Ukraina nổ ra. Cuộc chiến này nhanh chóng lôi kéo nhiều nước phương tây tham gia với vai trò cung cấp vũ khí đạn dược cho Ukraina. Nếu nhìn vào lịch sử chiến tranh thế giới lần thứ I vốn chỉ xuất phát từ các xung đột nhỏ, câu hỏi đặt ra là liệu cuộc chiến hiện tại có phát triển thành một thứ gì đó lớn hơn không ?
- Thế cân bằng chiến lược toàn cầu vốn dĩ đang lung lay khi mà ngay từ trước đại dịch Covid, cựu tổng thống Mỹ Donald Trump đã tiến hành áp thuế thương mại để ngăn cản sự lớn mạnh của Trung Quốc. Covid khiến chủ nghĩa dân tộc được đẩy lên một quy mô mới. Thời kỳ đại dịch cho thấy mô hình kinh thế phát triển dựa trên tự do thương mại và lợi thế cạnh tranh (có nghĩa là nước nào mạnh ở phần nào thì làm phần đó rồi trao đổi thương mại với nhau) đã không còn phù hợp. Trong bối cảnh đại dịch hay chiến tranh, việc không tự chủ sản xuất mà phụ thuộc vào nguồn cung ứng bên ngoài khiến cho an ninh của các quốc gia trở nên mong manh.
- Trước nguy cơ chiến tranh có thể lan rộng trong một bối cảnh địa chính trị phức tạp, nhu cầu tự chủ nguồn lực của mỗi quốc gia lại càng tăng lên cao. Thời kỳ toàn cầu hóa phụ thuộc lẫn nhau đã qua đỉnh cao và có thể chỉ trở lại vào một ngày nào đó xa xôi trong tương lai, còn hiện tại lựa chọn chiến lược là tăng cường tự cung tự cấp sẵn sàng cho các bối cảnh xấu trong thời chiến.
- Cuộc chiến đang nổ ra giữa Nga và Ukraina có thể chỉ là bề nổi của một cuộc chiến khốc liệt hơn giữa phe đồng minh do Mỹ dẫn đầu với một phe trục mà Trung Quốc đang nổi lên như một cường quốc thách thức trật tự thế giới cũ. Những gì Mỹ đang làm có khá nhiều điểm tương đồng với thời kỳ Chiến tranh lạnh, trong đó ưu tiên quan trọng là đảm bảo đối thủ cạnh tranh không thể khai thác các công nghệ, bí quyết hoặc dữ liệu nền tảng của Mỹ và đồng minh để làm suy yếu trật tự thế giới hiện có. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc có lá bài để phản công khi nắm giữ phần lớn trữ lượng các tư liệu sản xuất quan trọng như đồng, nickel, cobalt, lithium và đặc biệt là 70% trữ lượng đất hiếm vốn rất quan trọng để sản xuất smartphones, xe điện, tấm pin mặ trời và chất bán dẫn.
Tất cả những điều này đã chấm dứt thời kỳ “thế giới phẳng” nơi thương mại tự do được thúc đẩy tối đa nhằm hạ giá thành sản phẩm. Các quốc gia lớn đều đang muốn đưa ít nhất 65% chuỗi cung ứng về bản địa. Đây là điều tôi đã từng mô tả trong bài viết “Khi thế giới không còn phẳng”.
Hãy tập trung vào khía cạnh kinh tế của vấn đề. Vấn đề thời sự nhất của thị trường tài chính trong năm 2022 là lạm phát. Lạm phát khiến FED thắt chặt tiền tệ và khiến lãi suất tăng nhanh chưa từng có kể từ sau thời kỳ lạm phát cao những năm 1970s. Lạm phát đang có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng liệu mọi thứ sẽ quay trở về như trước đại dịch với môi trường lãi suất thấp và lạm phát dường như đã chết ? Đó sẽ là một giả định rất lạc quan nếu nhìn bối cảnh hiện tại. Ngay cả khi lạm phát hạ nhiệt, việc tái nới lỏng định lượng cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro lạm phát tăng trở lại.
Lạm phát dai dẳng đồng nghĩa với lãi suất duy trì ở mức cao. Điều này đặc biệt ảnh hưởng đến các khoản nợ. Nợ đã được tích lũy trên toàn cầu kể từ sau cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn tại Mỹ năm 2008. Trong khi đó, việc hình thành một chính sách chung để đối phó với lạm phát gần như không thể trong bối cảnh mâu thuẫn giữa các quốc gia và trong nội bộ của mỗi quốc gia tăng cao.
Trong một thời gian rất dài, giá tài sản tăng dựa trên nguyên lý lãi suất trong xu hướng hạ và nếu giá tài sản tăng trung bình 5-10 năm cao hơn chi phí lãi vay thì việc đi vay đầu tư tài sản sẽ có lời (miễn là tìm cách trả được lãi định kỳ). Ở Việt Nam, chiến lược này rất hiệu quả trong một thời gian dài đối với ngành bất động sản và dẫn tới việc ai cuối cùng cũng phải đi buôn đất.
Tuy nhiên, môi trường đầu tư này dường như đã thay đổi:
- Kho vũ khí của cả Nga và phương Tây đã vơi đi đáng kể. Sẽ cần một lượng lớn dầu, thép, nhôm, than để lấp đầy kho vũ khí. Nhu cầu tư liệu sản xuất đến trong bối cảnh thế giới đang chuyển đổi khỏi năng lượng hóa thạch và Nga đang tìm cách vũ khí hóa nguồn năng lượng. Dự trữ tư liệu sản xuất đang ở mức rất thấp. Bất chấp nhu cầu tư liệu sản xuất đang suy giảm, nguồn cung còn giảm nhanh hơn. Điều này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho những đợt bùng giá commodities bất thường.
- Ngay cả khi giá commodities không tăng mạnh, lạm phát sẽ không biến mất dễ dàng khi mà chủ nghĩa dân tộc đang lên cao và các quốc gia đều đang tìm cách gia tăng năng lực tự cung tự cấp bằng cách đưa chuỗi cung ứng về bản địa.
Môi trường này đồng nghĩa với chính sách tiền tệ rất khó nới lỏng dễ dàng. Chúng ta có thể sẽ chứng kiến lãi suất duy trì ở mức cao và cung tiền thắt chặt lâu hơn chúng ta tưởng. Thế giới đang trong vòng xoay thứ 4 và chưa có vẻ gì giai đoạn này đã kết thúc.
Đây là môi trường rất tệ cho giá tài sản nói chung. Cung tiền giảm = cầu mua tài sản giá cao ít hơn + lãi suất tăng = khả năng vỡ nợ lớn hơn. Vấn đề nằm ở chỗ rất nhiều các khoản nợ tài trợ cho các tài sản (đặc biệt là bất động sản) không có dòng tiền hoặc dòng tiền không đủ trả lãi để đầu cơ giá lên và chưa kịp rút ra đang phải gồng mình trả lãi. Nếu giá tài sản dừng tăng, tài sản không thể định giá lại cao lên để vay thêm trong khi dòng tiền từ tài sản không thể đủ trả lãi , các khoản nợ sẽ không có nguồn trả nợ. Vỡ nợ là nguồn cơn của các đợt bán tháo trên thị trường, các bạn có thể xem lại bài viết “Vòng xoáy margin call” để hiểu khi mọi thứ ngoài tầm kiểm soát của các nhà đầu cơ tài sản thì chuyện gì sẽ xảy ra.
-----------------------------------
Cơ hội gì trong một thị trường downtrend ?
- Lãi suất lên sẽ rất tệ với những người vay nợ nhiều. Nếu nhiều tiền mặt và lại còn có dòng tiền thường xuyên tốt thì bối cảnh này không tệ, thậm chí còn là cơ hội đột phá. Điều này đúng với cá nhân và đúng cả với doanh nghiệp hay quốc gia
- Thị trường tài chính luôn lạc quan quá mức rồi lại bi quan quá mức. Downtrend không có nghĩa là mai sụp đổ, nhất là khi tất cả đều cũng nghĩ giống nhau. Thận trọng với tư tưởng phổ biến nghe có vẻ rất có lý bây giờ là “thận trọng nửa đầu năm để nửa cuối năm hết mình”. Những lúc thị trường bi quan đồng thuận thường là lúc tương đối an toàn.
- Tìm kiếm cơ hội trong các sóng hồi. Thận trọng khi quá yêu khoản đầu tư của mình trong bối cảnh hiện tại, có chiến lược quản lý rủi ro hiệu quả là rất quan trọng. Hãy xem lại bài viết “Sự khác biệt giữa money management và take position”.
- Tài sản defensive như vàng là tài sản thuận chu kỳ.
- Những đợt bùng phát giá commodities trong bối cảnh này rất dễ diễn ra, nếu có mặt đúng lúc lợi nhuận sẽ tốt.
Một lần nữa chúc các bạn năm mới thật nhiều sáng suốt và cả may mắn. Hãy theo dõi các công cụ định lượng thường xuyên, giảm thiểu sự cảm tính và cái tôi khi ra quyết định. Đầu tư là quá trình chúng ta tự phát triển bản thân, xây dựng một kế hoạch hành động và quản lý rủi ro, học cách chấp nhận sai lầm và kiểm soát cảm xúc. Đầu tư sẽ là một công việc thú vị nếu chúng ta không biến nó thành các khoản đặt cược hên xui. Hãy lạc quan và thử thách bản thân, trong nguy có cơ !