Nếu bạn ở tình huống thấy mình đã cố gắng rất nhiều, quyết tâm rất lớn, nhưng chỉ được một thời gian lại đâu trở lại đó thì bài viết này sẽ cần cho bạn.
Ngày nay chúng ta được dạy ti tỉ thứ ở trường học nhưng có một thứ rất quan trọng nhưng lại không được hướng dẫn, đó là học cách sống, học cách hiểu về bản thân.
Có lẽ đó cũng là một trong những lý do mà không ít người dù rất thông minh, rất giỏi về chuyên môn học hành, nhưng luôn vật vã khi phải đối diện với chính mình. Chỉ khi hiểu về bản thân ta mới có thể vượt lên chính mình. Có lẽ thế mà “kẻ thù lớn nhất là chính mình” như lời Phật dạy.
Quay lại với câu hỏi chủ đề:
Tại sao ta cứ cố gắng mà mãi chưa được?
Nếu bạn cũng từng đọc bao nhiêu sách truyền cảm hứng động lực, bao nhiêu sách phát triển bản thân, sách kỹ năng sống nhưng càng đọc lại càng thấy giữa lý thuyết và thực hành là một khoảng cách lớn.
Nếu bạn cũng đã từng gồng lên để cố gắng với sự quyết tâm cao độ, nhưng chỉ được một thời gian rồi lại bị tụt lại phía sau? Thậm chí đôi khi bạn có thể cảm thấy không thể lấy lại được sự quyết tâm mà mình đã từng, vì không có đủ động lực, vì muốn chưa đủ, hoặc có thể vì không thể chiến thắng nổi “con lười” bên trong bản thân, không thể bước ra khỏi “comfortable zone” của mình.
Nhiều bạn đọc những gì LeoX chia sẻ về phát triển bản thân, về con người, về những gì LeoX đã và đang làm, có lẽ sẽ hình dung ra một người có ý chí, kỷ luật, hiểu biết … hay gì gì đó mà LeoX cũng không dám tự nhận. Nhưng thực tế thì bản thân LeoX đã từng gặp tất cả các vấn đề như đã đề cập ở trên, nhất là ở giai đoạn 20x và 30x tuổi. Và vì đã từng gặp phải, rồi đã vượt qua được nhờ việc ngộ ra những chân lý đằng sau đó mà giờ có cái để chia sẻ lại.
Vậy tại sao rất nhiều người trong số chúng ta, sau bao lần quyết tâm cố gắng nhưng chỉ được một thời gian lại thấy mình bị tuột lại phía sau?
Ví dụ như, giảm cân được một thời gian rồi lại bị tăng cân lại. Dậy sớm thể dục được một thời gian rồi sau một ngày trời mưa ngại ngại lại đâu đóng đấy?
Quyết tâm ngùn ngụt để phát triển bản thân, mua sách đọc, mua khóa học học, nhưng rồi khi quyết tâm nguội bớt thì sách cũng vứt xó, khóa học học xong không thực hành.
Muốn ngồi thiền mà cứ có ý định ngồi xuống thì trong đầu luôn kiếm được cái cớ để trốn?
Công cuộc cách mạng với bản thân có lẽ là công cuộc chinh phục khó khăn nhất mà ai trong chúng ta cũng phải trải qua nếu muốn tiến hóa để trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình.
Vượt qua những thử thách nội tâm
Từ trải nghiệm của bản thân. LeoX đã vượt qua những thử thách nội tâm trên nhờ 2 điều, mà có lẽ nói ra chắc bạn sẽ thấy ngạc nhiên.
Thứ nhất, là không quá tin vào bộ não của mình. Thứ hai là không cố gắng (hay nói chính xác hơn là chuyển hóa sự cố gắng).
Thứ nhất, không quá tin vào não bộ của mình.
Nghe thật ngược đời. Não của mình mà mình không tin, chả lẽ lại không thể tin bản thân? Không tin bản thân thì tin ai?
Có một điều mà hầu hết chúng ta đều mặc định từ khi sinh ra tới khi lớn lên, và với nhiều người có lẽ là tới cả khi chết rằng bộ não này chính là tôi. Tôi đang nghĩ. Như triết gia Rene Descarte có câu quote nổi tiếng “I think, therefore I am” – Sự đồng hóa bộ não và bản thân là một sự tự nhiên bởi vì não bộ điều hành toàn bộ hành vi của chúng ta. Ta làm cái gì cũng do não bộ gửi tín hiệu xuống tay, chân, mắt, miệng … chả phải thế hay sao?
Tuy vậy, nếu bạn đi sâu vào nội tâm của chính mình, bắt đầu với công cuộc khám phá bên trong, lắng lại một chút, bạn sẽ nhận ra rằng có lúc bộ não này là tôi, có lúc nó không phải là tôi.
Nếu nó chính là tôi, thì ai là cái đứa muốn dậy sớm tập thể dục? Nếu nó chính là tôi thì tại sao khi tôi đã muốn ngồi thiền, não bộ lại cứ kiếm cớ nghĩ ra đủ lý do để đứng dậy?
![](https://leox.vn/leox-v2/api/file/image/7f5cbcc5-d8e2-48a0-b20b-0e00467778d3.png)
Bản chất thì não bộ cũng chỉ là một bộ phận của cơ thể, nó có nhiệm vụ tư duy. Cũng giống như cái chân có nhiệm vụ giúp ta di chuyển, cái tay cầm nắm, cái mắt để nhìn, vậy thôi. Nhưng ta có thể bảo mình đi đến chỗ kia đi, giơ tay lên đi, dừng lại ngồi xuống đi, thông qua não bộ, nhưng ta không thể bảo nó ngừng nghĩ đi, hay làm những thứ mà thâm tâm ta thực sự muốn đi, chính bởi vì ta đã đồng hóa mình với nó mất rồi. Nếu ta có thể dùng não bộ với đúng chức năng của nó, là để tư duy, và vì thế có thể bắt nó dừng khi việc tư duy kết thúc, mọi thứ sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Nếu bạn để nó kiểm soát bạn hoàn toàn, nó sẽ cho bạn vào một mớ hỗn độn và mâu thuẫn. Ôi ta muốn thế kia quá, nhưng ta lại ngại quá, sợ quá, lười quá, chán quá. Đó là khi bộ não muốn “chơi” bạn đó. Hãy liên hệ nó với câu “kẻ thù lớn nhất là chính mình” bạn sẽ hiểu tại sao đôi khi ta không nên quá tin vào não bộ và đồng hóa nó với chính mình. Ta dùng nó để tư duy, suy nghĩ. Ta trân trọng nó. Nhưng ta đừng đồng hóa mình với nó. Đôi lúc phải “chơi” lại nó bằng các mẹo đánh lừa bộ não.
LeoX đã dùng mẹo đánh lừa nó rất đơn giản bằng cách … không để cho nó kịp nghĩ. Ví dụ như khi muốn làm gì đó mà tự thấy mình đang kiếm cớ. LeoX sẽ ngồi lại một chút, tận dụng khoảng cách như đã chia sẻ tại bài này để nhận ra sự đối lập giữa não bộ và cái LeoX thực sự muốn, mỉm cười chào phát vì nhận ra nó, rồi đếm ngược trong đầu 5,4,3,2,1 Go!! Và bật dậy, đi làm luôn một cách bất ngờ, không phân tích, không tư duy. Quá trình tư duy đã kết thúc rồi, dùng thêm tư duy là không cần thiết, tư duy tiếp là bị nó lừa đấy. :D
![](https://leox.vn/leox-v2/api/file/image/bcf88060-1689-4c1f-aaed-da173d75fd80.png)
Rồi cũng có lúc đang muốn làm gì đó mà buồn ngủ quá. Buồn ngủ không phải vì thiếu ngủ. Buồn ngủ vì con lười trong người mình nó nổi lên thôi. Thử rửa mặt rồi làm tách trà mà vẫn không hết cơn buồn ngủ, hay đúng hơn là cơn … thèm nằm, thèm ngả ngốn. LeoX sẽ đánh lừa nó kiểu, okie đi ngủ nha. Rồi sẽ nằm 10 phút, mắt nhắm và tập trung vào hơi thở. Sau 10 phút, hay thậm chí 5 phút lại chơi trò đếm ngược 5, 4, 3, 2 , 1 và bật dậy kiểu A ngủ xong rồi, và đi làm tiếp việc muốn làm như đã thỏa mãn xong cơn lười.
Có thể bạn sẽ thắc mắc, ủa vậy LeoX khổ dữ ha. Muốn ngủ mà lại phải cố dậy làm việc hả? Thế mà tự do tài chính cái nỗi gì? Hơ, đâu, LeoX muốn làm việc mà. Bạn cứ thử buông thả bản thân kịch độ đi, bạn sẽ thấy nó không hoàn toàn sướng như bạn tưởng đâu. Đó là một cảm giác ì trệ, bức bối, chán ghét chính mình, cảm thấy mình vô giá trị và yếu đuối.
Được làm việc mình muốn là một niềm vui. Như LeoX đã viết trong bài “Sự thật về tự do tài chính” – Đến khi được bay ra khỏi lồng, bạn mới thấy choáng ngợp về sự rộng lớn của bầu trời, và một hành trình mới để khám phá thế giới mới lại bắt đầu, và hạnh phúc lại luôn nằm ở hành trình, khi bạn muốn và được làm đó là hạnh phúc.
Những điều LeoX nói ở trên, là nói theo ngôn ngữ của người đã trải qua và chia sẻ lại, không phải ngôn ngữ sách vở. Nhưng về bản chất, nó vẫn là những gì đạo Phật vẫn dạy, là thiền định, tách bản thân ra khỏi cái tôi - bản ngã, tiếp cận higher self của mình, rồi hạnh phúc là hành trình, kẻ thù lớn nhất là chính mình …. Nó chỉ là ngôn ngữ khác, giản đơn nghe thực dụng thực tế hơn thôi.
LeoX không phải người theo đạo, chỉ là người thích đi tìm chân lý, và LeoX thấy chân lý đó ở hầu hết các đạo giáo, chỉ là chuyển thể dưới các ngôn ngữ, hình tượng khác nhau mà thôi.
Điều thứ hai, đừng cố gắng, hay chuyển hóa sự cố gắng, LeoX tính viết luôn mà sợ sẽ thành dài quá chả ai buồn đọc, nên để viết vào phần 2 vậy ha. Chúc mọi người cuối tuần vui vẻ, đủ thời gian để sống chậm, lắng xuống chút mà quan sát xem não bộ nó đang phục vụ mình hay “chơi” mình nhé :D