Ở phần 1, LeoX đã đề cập đến tình huống mà hầu hết chúng ta đều đã từng gặp phải, cố gắng nhiều, quyết tâm rất lớn nhưng chỉ được một thời gian lại thấy mình bị mất cảm hứng, mất động lực và bị tuột lại phía sau so với những gì dự định ban đầu. 

 

Tình huống này cũng là một trong những lý do chính mà những cuốn sách self help bị đổ tội là vô ích, là lý thuyết vì có đọc bao nhiêu đi nữa thì giữa sách và thực tế là một khoảng cách không nhỏ. Khoảng cách đó thật ra là do nội tâm của chính ta – là sự hiểu bản thân, là vượt qua chính mình. 

 

2 lý do quan trọng khiến bạn dù cố gắng vẫn không thành công

LeoX đã vượt qua những thử thách nội tâm nhờ ngộ ra 2 điều. Điều thứ nhất: Không quá tin vào não bộ của mình – điều đã chia sẻ chi tiết ở phần 1. Điều thứ 2 nghe có vẻ như là một nghịch lý: Không cố gắng – hay nói chính xác hơn là chuyển hóa sự cố gắng – sẽ được đề cập chi tiết hơn trong phần 2 này. 

Cố gắng lên con, cố gắng lên mày, cố gắng lên tôi ơi … cố gắng và cố gắng. Từ bé tới lớn ta luôn được nhắc, được khuyên là phải cố lên. Liệu điều đó có đúng? 

Từ bé chúng ta đã luôn được nhắc nhở là phải cố gắng lên, cố gắng học, cố gắng làm việc, cố gắng kiếm tiền, cố gắng tập luyện, cố gắng để hơn ai đó … cố gắng trong mọi thứ. Có lẽ vì thế mà rất nhiều người trong số chúng ta luôn tìm cách thúc đẩy sự cố gắng của bản thân và lấy đó như nguồn nhiên liệu để bản thân phải tiến về phía trước. 

 

Khi nghĩ theo lối này, rất nhiều trong số chúng ta thường lấy bàn đạp cho sự cố gắng bằng những lý do mang nhiều năng lượng tiêu cực, kiểu như cần một sự kích bác, bị ai đó vượt mặt, tự thấy mình nhục, đôi khi là tự xỉ nhục bản thân để lấy đó làm động cơ tiến lên. LeoX gọi đó là động lực kiểu đẩy (push) - giống như cắm cái động cơ để đẩy cái sức ì của bản thân tiến lên vậy. 

 

Từ trải nghiệm cá nhân, cũng từ cả quan sát những người xung quanh, LeoX nhận thấy nếu bàn đạp là sự cố gắng, phần lớn chúng ta chỉ duy trì được một thời gian. Vì cố gắng có nghĩa là phải gồng, mà gồng thì sẽ mỏi, mỏi thì rồi sẽ buông. 

 

 

Tại sao cố gắng lại không hiệu quả?

 

Có một bản chất từ sâu trong tự nhiên là không gồng. Nước không cố gắng để chảy, cây không cố gắng để nhả ô xy, con giun không cố gắng để đào đất, chúng ta cũng không cần cố gắng để thở. Nếu ai học võ chắc sẽ biết nguyên tắc rất quan trọng là không gồng. Khi ra đòn không gồng mà thả lỏng như sợi dây văng, thì đó sẽ là cú đánh từ trong đánh ra, có nội công và rất đáng sợ.

 

Nói vậy không có nghĩa là không cần phải cố gắng, cứ thả lỏng buông xuôi mặc kệ đâu nhé. Dồn quyết tâm để cố gắng giống như một mồi lửa ban đầu, nhưng từ mồi lửa đó ta có 1 bếp củi âm ỉ hay chỉ như 1 tờ giấy bùng lên rồi tắt là do ta làm gì sau đó với sự cố gắng.

 

 Có một bước nho nhỏ nhưng  lại có vai trò vô cùng quan trọng ở sau bước cố gắng mà dường như rất hay bị bỏ quên. Đó là bước chuyển hóa sự cố gắng thành yêu thích. Khi chuyển hóa cố gắng thành yêu thích, bản thân việc được làm đã là động lực rồi và nó như nguồn nhiên liệu không bao giờ cạn vậy. 

 

Lấy một ví dụ đơn giản như việc cố gắng tập thể dục. Cách đây ít năm LeoX từng có 1 ca mổ mà sau đó thấy sức khỏe yếu đi rõ rệt nên quyết tâm cố gắng cải thiện sức khỏe bằng việc tập thể dục. Để tạo động lực cố gắng cho bản thân, LeoX còn tự selfie mỗi lần tập rồi gửi cho chồng vừa để có người động viên, vừa kiểu tìm người “chứng kiến” nhằm tạo áp lực cố gắng cho bản thân mình. 

 

Vài tuần đầu đều đặn rất ổn, kể cả ngày mưa gió cũng tìm cách khắc phục, ví dụ như thay vì chạy ngoài trời thì chạy trong phòng tập để đạt mục tiêu. Không cần biết thích hay không thích, cứ đến giờ là phải làm và đúng là sức khỏe cũng có cải thiện. 

 

Khi sức khỏe cải thiện cũng là lúc bình nhiên liệu quyết tâm cũng hết. Cho đến giữa tháng thứ 2 thì LeoX bắt đầu chán chán, rồi lịch thưa dần vì ngày càng có thêm nhiều lý do nghe rất hợp lý và rồi đến một ngày nhìn lại thì đã thấy mình ì trệ như trước kia. 

 

Quyết tâm có, ý chí có, kỷ luật có … nhưng đã gồng thì không sớm thì muộn cũng sẽ mỏi, mà mỏi thì rồi sẽ buông. Do đó sau này LeoX mới thử nghiệm và hiểu ra sự cần thiết của việc chuyển hóa sự cố gắng thành yêu thích. Thay vì lấy sự cố gắng làm nhiên liệu thì lấy sự yêu thích làm nhiên liệu. 

 

Nhưng làm sao để yêu thích ? 

Có phải cứ tự nói với bản thân là mình phải thích hay tự tưởng tượng là mình rất thích theo kiểu tự kỷ ám thị thì sẽ thích không? Không, không phải cách AQ như vậy. Với mỗi việc để phát triển sự yêu thích sẽ không giống nhau nhưng dù sao cũng không phải là ép bản thân thích, hay đánh lừa bản thân để thích. 

 

Nếu đã qua giai đoạn cố gắng và đã thử các cách mà vẫn thấy không yêu thích thì đơn giản là không phù hợp. Khi đó ta nên chuyển hướng sang một thứ khác phù hợp hơn, thứ gì đó kích hoạt được sự thích thú, say mê – đó chính là bình nhiên liệu không bao giờ cạn thay thế cho mồi lửa cố gắng ban đầu. 

 

Ví dụ như với LeoX, sau giai đoạn quyết tâm cố gắng không thành với việc chạy và tập gym, LeoX quay trở lại với Yoga nhưng tập theo 1 cách rất khác trước đây. Trước đây, LeoX tập tại phòng tập, tập theo nhịp độ của người hướng dẫn. Sau này LeoX tập ngoài trời, lắng nghe tiếng chim hót, quan sát cỏ cây hoa lá trong lúc tập, quan sát cơn gió vừa làm tóc mình bay, quan sát giọt mồ hôi vừa rơi xuống thảm, quan sát ngưỡng của cơ thể mình nói gì để tạm dừng ở đó hay ép thêm một chút. 

 

Thời gian tập bỗng dưng trở thành thời gian giao tiếp với cả thân thể và với cả trí não. Thân và tâm như hòa làm một và mình trụ vững trong thân tâm này. Đó là một cảm giác thật tuyệt và thậm chí còn gây nghiện. Lúc đầu tập nửa tiếng, sau tập 1 tiếng, rồi lên đến tận 2 tiếng mỗi ngày mà không cần phải nhờ cậy vào ý chí hay sự cố gắng nữa. Thích nhất là sau lúc tập thấy cơ thể tràn đầy năng lượng, khí huyết lưu thông, mắt nhìn thấy rõ hơn, tai nghe thấy nhạy hơn, bước đi thấy vững chãi hơn … thế là nghiện. Sáng hôm sau chỉ mong dậy sớm để được nạp khí, nạp năng lượng và giao tiếp với cơ thể lần nữa. 

 

Tất nhiên với mỗi một việc mình muốn làm, hay có lẽ là cả với mỗi cá nhân, cách thức để khơi dậy sự yêu thích không giống nhau. Đối với đầu tư, niềm yêu thích của LeoX được khơi dậy bởi trí tò mò, vì tò mò thắc mắc nên phải đi tìm hiểu để có câu trả lời, vì hiểu rồi nên thấy thích thú, rồi cái hiểu này nó dẫn tới cái tò mò khác, và cứ thế mình bị cuốn vào lúc nào không hay. Đối với dự án leox.vn, nguồn cảm hứng đến từ việc khám phá cách thức để biến giá trị bản thân trở thành thứ có ích cho người khác, và nhìn thấy giá trị đó được đón nhận.

 

Khi hiểu cố gắng không thôi là không đủ, cố gắng dù lớn tới đâu ý chí mạnh mẽ thế nào cũng sẽ mỏi, LeoX luôn tìm kiếm ở mỗi việc mình làm xem khía cạnh nào có thể khiến mình thấy say mê, khiến mình bị cuốn vào để làm mà cứ như không làm. 

 

Điều này LeoX cũng ứng dụng để đồng hành và giúp con tìm được niềm đam mê. Để giúp con tìm được đam mê và sở trường, LeoX chỉ tập trung vào 1 nhiệm vụ duy nhất là tạo cho con nhiều trải nghiệm nhất có thể. Các trải nghiệm này được tạo ra từ các chuyến đi, từ môi trường con tiếp xúc, cho đến những bộ môn mà con chưa từng nghĩ mình sẽ thích. 

 

Tất nhiên trẻ con cũng như người lớn, sẽ có sự phản kháng nhất định nếu được yêu cầu thử những thứ chưa bao giờ từng thử. Nhưng bằng này hay cách khác, LeoX sẽ tạo được cho bạn í niềm cảm hứng hay trí tò mò ban đầu để bạn ý muốn khám phá, rồi từng bước đặt câu hỏi giúp bạn í quan sát được sự tiến bộ của bản thân và tận hưởng niềm vui “lên level” đó. 

 

Từ phía bản thân mình, LeoX cũng nuôi dưỡng niềm yêu thích của bản thân đối với việc tạo trải nghiệm cho con và quan sát con để không thấy đó là một công việc “phải làm” mà là “thích làm”. 

 

LeoX sẽ không gồng lên phải làm bằng được vì đó là con mình, vì con mình thì phải giỏi, phải thành công blahh, mà thích làm vì thấy nó như một trò chơi nuôi nhân vật vậy. Quan sát đứa trẻ sai lầm, vấp ngã, rồi loay hoay vượt qua chính nó để trưởng thành rất thú vị. Giống như mình đang chơi game được lên bàn vậy. 

 

Cứ thế tí một tí một, không gồng lên cố gắng vì cái đích nào cả, cả mẹ và con đều enjoy quá trình và cái đích cứ từ từ xuất hiện cái này rồi cái khác nối tiếp nhau. 

 

Động lực kéo - nguồn năng lượng không bao giờ cạn 

Như vậy, việc cố gắng không phải là không cần thiết hay không nên. Đôi lúc ta phải vượt qua sức ì của bản thân bằng sự cố gắng. Nhưng sau đó rất cần thiết để chuyển hóa được sự cố gắng thành sở thích hay đam mê, tìm các khía cạnh khiến việc đó hấp dẫn mình, giúp mình làm mà như không làm. Lúc đó, thay vì luôn phải bám vào bình nhiên liệu cố gắng có giới hạn, thì chúng ta sẽ mở khóa được bình nhiên liệu không bao giờ cạn để tiếp sức cho ta đến mục tiêu.

 

Nói một cách khác, nếu lúc đầu LeoX có nhắc đến động lực đẩy “push" thì cái LeoX nói về sau sẽ gọi là động lực kéo “pull" - điều tôi yêu thích kéo tôi về phía trước thay vì cần các lý do tiêu cực push tôi đi. 

 

Bạn có nhận ra sự khác biệt rất lớn giữa động lực đẩy và động lực kéo không? 

  • Nếu động lực đẩy lấy năng lượng tiêu cực làm nguồn nhiên liệu, thì động lực kéo lấy sự tích cực làm nhiên liệu.
  • Nếu động lực đẩy kích thích bản ngã, đánh vào tự ái của cái tôi thì động lực kéo lại lấy niềm vui làm động lực.
  • Nếu động lực đẩy hướng bạn ra phía ngoài : “người ta nghĩ gì về tôi" thì động lực kéo hướng bạn vào trong: “tôi cảm thấy như thế nào".
  • Để kích hoạt động lực đẩy, ta chỉ cần cái tôi thật to, nhưng để kích hoạt động lực kéo ta cần sự tinh tế và một chút lắng đọng với bản thân mình.

Khi bạn dùng động lực kéo, hoặc chuyển hóa được từ giai đoạn dùng động lực đẩy ngắn để chuyển sang động lực kéo, không những bình nhiên liệu của bạn dồi dào hơn mà cuộc sống của bạn còn joyful hơn. Tại sao không ?

 

Chợt nhớ đến một câu mà không nhớ LeoX nghe từ đâu, đại ý là : “We try HARDER, learn HARDER, work HARDER … and then now we complain why life is so HARD”. 

 

Đúng thật ha! Life is easy, don't make it hard.