1.Ai trong đời cũng đều có những hối tiếc…

     Trong cuộc đời, mình nghĩ ai cũng sẽ có những hối tiếc về những điều chưa làm “Biết thế, ngày xưa mình thế này, thế nọ...biết thế mình không lấy cô vợ - ông chồng này, biết thế mình làm ngành kia nhiều tiền hơn hay biết thế mình sinh ra trong gia đình giàu có hơn để không phải nỗi lo cơm áo gạo tiền bủa vây như thế này”.

     Nếu cuộc đời này có nhiều người “than thương trách phận” như vậy thì mình lại thấy càng nhiều cơ hội ngoài kia, vì họ bận than rồi thì kể cả cơ hội “ship” đến tận cửa nhà cũng không biết ra mà nhặt đâu.

     Thời gian chỉ trôi đi mà không bao giờ quay trở lại, hiện tại và tương lai mới là chúng ta hướng đến chứ không phải là quá khứ. Cơ hội này qua đi thì sẽ có cơ hội khác mở ra, chỉ sợ chúng ta không đủ khả năng để nhìn ra cơ hội và làm cho nó thành công hay thôi.

 

"Cơ hội sẽ xuất hiện tại nơi mà mọi người than phiền."

2.Khủng hoảng tuổi 20

    Hai năm gần đây, chắc hẳn chúng ta được nghe đến “khủng hoảng kinh tế” quá nhiều. Nhưng mà có một cuộc khủng hoảng cũng đang ầm thầm diễn ra trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Đó là cuộc “Khủng hoảng các cột mốc cuộc đời”.

     Chắc hẳn cũng nhiều người giống như mình, mình bị khủng hoảng tuổi 20 đúng vào khi mình 20 tuổi. Nhiều bạn bè của mình lại muộn hơn chút.

 

Khủng hoảng tuổi 20 diễn ra khi "Chúng ta không biết chúng ta sẽ làm gì khi ra trường?". 

     Đó là khoảng thời gian mà chúng ta bước vào ngưỡng cửa giảng đường đại học 1-2 năm, trong 1-2 năm đầu thì học chủ yếu toàn môn học cơ bản mà không liên quan đến nhiều chuyên ngành. Chúng ta cảm thấy "mông lung như một trò đùa" và tự hỏi "Vậy mình đang làm gì ở đây?"

     Đó là khoảng thời gian mà chúng ta trưởng thành hơn chút, bắt đầu đi làm thêm và kết hợp học trên trường. Kiếm được những đồng tiền đầu tiên bằng chính công sức của mình và cũng bắt đầu nếm trải mùi vị cuộc sống đầu tiên, có chút cay đắng và ngọt bùi.

     Đó cũng là khoảng thời gian mà chúng ta bắt đầu tự vấn bản thân nhiều hơn về cuộc đời mình, đấu tranh trong nội tâm xảy ra nhiều hơn. Mọi thứ vẫn “mờ mờ ảo ảo” như lớp sương mờ vậy.

     Nếu bạn đọc bài viết này mà đã, đang và sẽ trải qua cảm giác này thì hãy coi đó là điều bình thường trong chặng đường trưởng thành của con người.

 

3.Khủng hoảng tuổi 25

     Mình bị khủng hoảng tuổi 25 sớm hơn nhiều, khi đó mình 23 tuổi. Khi đó mình ra trường, bản thân đã phải nỗ lực để phỏng vấn vào một công ty nước ngoài và vượt qua biết bao đối thủ để trở thành nhân sự trẻ nhất công ty thời điểm đấy (công ty mình các anh chị 40-50 tuổi rất nhiều và đã nhiều năm không tuyển người trẻ mới, sau này mình mới biết do chính sách đãi ngộ nhân viên quá tốt nên tỷ lệ chuyển việc, nghỉ việc rất thấp, dẫn đến rất hầu hết nhân sự là lâu năm).

     Một năm đầu tiên đi làm là quãng thời gian đẹp nhất với mình, mỗi buổi sáng dậy là mình cảm thấy thật hạnh phúc khi được đến cơ quan. Rồi mọi thứ lặp đi, lặp lại rồi lặp đi, lặp lại rồi cái gì đến cũng phải đến. Mình bắt đầu khủng hoảng tuổi 25 sau gần một năm đi làm "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về".

 

Khủng hoảng tuổi 25 diễn ra khi "Chúng ta không biết chúng ta sẽ làm gì trong cuộc đời?"

     Thực tế, mình nghĩ ai cũng sẽ phải trải qua những cuộc khủng hoảng như vậy, người sớm, người trễ, người ảnh hưởng ít, người ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, mỗi cuộc khủng khoảng sẽ dẫn đến 2 quyết định lớn trong cuộc đời:

 

  • Một là ngồi đó và không làm gì, để cuộc đời tự xô mình, đến đâu thì đến.
  • Hai là đứng dậy và đi tìm câu trả lời, bắt đầu một chặng hành trình mới.

     Dù bạn lựa chọn như thế nào thì vẫn đúng, mình rất thích câu nói: 

"Whether you think you can or think you can't, you're right - Dù bạn nghĩ bạn làm được hay không là được thì nó đều đúng cả"

     Thật may mắn, trời xui quỷ khiến thế nào mà trong cả 2 lần khủng hoảng thì mình luôn đứng dậy và đi tìm câu trả lời (có thể do bản tính mình như vậy). Khoảng thời gian đó, mình đấu tranh nội tâm rất nhiều trong những lần khủng hoảng như vậy và mình ghét cảm giác bị những điều đó chi phối bản thân như vậy.

     Ở bài viết trước mình có chia sẻ về bước ra khỏi safety zone, thực ra nó không có gì khó cả. Hãy can đảm lên một chút, phía sau sườn đồi bên kia luôn có nhiều thứ hay ho chờ đợi bạn. Khi đã ra quyết định rồi, đừng nghĩ quá nhiều, rồi bạn sẽ lại tìm mọi lý do để ở lại sườn đồi bên này đó, khi này cần phải quyết đoán lên.

 

4.Rồi còn nhiều cuộc khủng hoảng phía trước nữa đang đợi bạn

     Chắc nhiều anh chị trong cộng đồng cũng trải qua có những cuộc khủng hoảng tuổi 20, 25, 30, 40... Đó là một phần trong hành trình của một đời người. Ví dụ như gần bản thân mình nhất là cuộc khủng hoảng tuổi 30.

 

Cuộc khủng hoảng tuổi 30 diễn ra khi "Chúng ta không biết chúng ta sẽ làm gì khi bản thân không đạt được những ước mơ hồi hồi còn trẻ?"

     Nếu biết chắc chắn nó sẽ xảy ra thì việc cần làm tốt nhất là "chủ động" chuẩn bị cho nó, để nó diễn ra thật êm đẹp. Như một cơn mưa rào và trôi qua thật nhanh thay vì dải dẳng nhiều tháng, nhiều năm trời.

 

5.Sống một tuổi trẻ không bao giờ hối tiếc

     Khủng hoảng là một phần trong cuộc sống mà thực ra mình nghĩ nó “nên” xảy ra với tất cả mọi người. Cũng như giống trong kinh tế thì cũng cần các cuộc khủng hoảng, chính các bước nhảy (step) để chuyển trạng thái (stage).

     Đó là khoảng thời gian quý giá để giúp bản thân chúng ta nhìn nhận lại cuộc đời của mình và tự hỏi "Thực sự mình muốn gì trong cuộc đời này?" thay vì chạy theo "Ước muốn của người khác".

 

“Mọi thứ xuất hiện trong cuộc đời bạn đều có nguyên do của nó, nếu nhìn theo góc độ tích cực thì nó chính là cơ hội để chúng ta thay đổi.”

     Bản thân mình biết sẽ xảy ra cuộc khủng hoảng tuổi 30 trong vài năm tới và mình hiện đang làm những điều để chuẩn bị cho cuộc khủng hoảng đó. Các cuộc khủng hoảng không hề xấu, nó giúp chúng ta nhìn nhận lại những mong muốn của mình đã thực hiện được chưa. Nếu bạn đã thực hiện được 80-90% những ước muốn của mình rồi thì nếu nó xảy đến, mọi thứ sẽ diễn ra thật nhẹ nhàng.

     Câu hỏi đặt ra là "Bạn có dám đánh đổi để chuẩn bị cho cuộc khủng hoảng diễn ra thật nhẹ nhàng hay không?"

     Như mình nói ở trên, dù câu trả lời là có hay không thì đều là câu trả lời đúng cả. 

  • Nếu câu trả lời là có, chúc mừng bạn. Bạn sẽ phải bước ra khỏi safety zone và tự mình đi một con đường mà chưa ai từng đi cả vì con đường đó là của riêng bạn mà thôi. Bao nhiêu đắng cay, ngọt bùi sẽ dành hết cho bạn. Bạn sẽ cô đơn hơn, bạn sẽ ngã nhiều hơn nhưng bạn sẽ nhận lại được nhiều hơn.
  • Nếu câu trả lời là không, chúc mừng bạn. Bạn sẽ không phải làm điều gì cả. Mọi thứ trước đó đã là thế thì vẫn sẽ là thế.

Nhưng,

Mình biết mình sẽ hối tiếc về những điều mình chưa làm được khi diễn ra khủng hoảng tuổi 30.

Mình biết mình sẽ hối tiếc về những điều mình muốn trải nghiệm nhưng vì không đủ "can đảm" để làm.

Mình biết mình sẽ hối tiếc nếu mình sống một tuổi trẻ trong safety zone.

Và cuối cùng mình biết mình sẽ hối tiếc nếu không chia sẻ những điều này tới mọi người, đặc biệt là những bạn trẻ giống như mình.

     

      Mình xin tặng bạn một câu nói là kim chỉ nam cho bản thân mình nếu bạn cảm thấy mệt và muốn từ bỏ mục tiêu trên hành trình cuộc đời bạn.

 

"Choose living a few years of your life like most people won’t, so that you can spend the rest of your life like most people can’t - Chấp nhận chọn sống một vài năm cuộc đời bạn mà mọi người không muốn, để rồi dành phần còn lại cuộc đời bạn sống theo cách mà mọi người không thể."

     Bạn mình có hỏi “Giờ mày thất bại rồi, mày có sợ không?”

     Có chứ, mình sợ chứ, nhưng mà mình sợ trước khi thất bại cơ, thời điểm đó mình sợ rất nhiều và cũng tuyệt vọng rất nhiều. Còn sau khi thất bại rồi, thì mình lại không thấy sợ gì nữa cả.

     Mình chia sẻ điều này không phải để chứng tỏ cho mọi người rằng "Tôi là người tự tin hay giỏi giang” vì thời điểm hiện tại với mình thì những điều đó giờ không quan trọng nữa rồi. 

___________________________________________

Chúc mọi người có một tuần mới đầy hứng khởi ^^

Mình là Nhat Nguyen

 

Lưu ý: Tất cả các bài viết mình viết đều mang mục đích chia sẻ, cho đi để nhận lại nhiều hơn. Mình muốn tranh luận để học hỏi - kết nối, hơn là tranh luận để chứng tỏ bản thân đúng.