40 năm cuộc đời, LeoX quan sát và ngẫm thấy rất nhiều sự “bất công bằng" ở cuộc đời này, và càng trải đời, LeoX hiểu ra rằng có lẽ nó sẽ chẳng bao giờ thay đổi. Thế nên ta đừng trông chờ vào sự công bằng ở cuộc đời này, vì nó luôn không công bằng. Một số sự không công bằng điển hình như là: 

 

Đứa trẻ xuất sắc lại luôn nhận được nhiều sự quan tâm hơn 

 

Lẽ thường những đứa trẻ yếu kém hơn đáng lẽ nên nhận được nhiều sự quan tâm chăm sóc từ giáo viên hơn. Nhưng thực tế hầu hết là ngược lại, dù chính giáo viên và nhà trường luôn tự ra rả là “không ai bị bỏ lại phía sau”. 

 

Lý do thực ra xuất phát đơn giản như kiểu một thứ luật hấp dẫn. Đứa trẻ sáng tự nó thu hút được những thứ tốt đẹp về phía nó. 

 

Ví như: 

Nó hỏi câu hỏi thông minh hơn, giáo viên có hứng thú trả lời hơn.

Giáo viên hỏi không ai trả lời được trừ nó, vậy thì lại phải mời nó. 

Tổ chức một cuộc thi trước trường, đương nhiên cử đứa đã giỏi sẵn ra thi để lấy giải.

Trường thấy nó sáng sủa lại bồi dưỡng riêng để nó đi thi các cuộc thi thành phố hay quốc tế nhằm ẵm giải cho trường vinh dự. 

Nó ẵm được giải này giải kia lại dễ xin học bổng hay vào được trường tốt. 

 

Cứ thế cứ thế ...  

 

Đó là chưa kể bố mẹ nó sẽ dồn nguồn lực cho đứa sẽ ra cơm ra cháo làm họ mát mặt. 

 

Bất công thật đấy nhưng điều này sẽ chả bao giờ thay đổi đâu nên đừng trông đợi ở sự công bằng. 

 

Người giàu lại càng nhanh giàu hơn

 

Nghịch lý này có lẽ là nhức nhối nhất trong thời buổi chênh lệch giàu nghèo ngày càng lớn như hiện nay. 

 

Mức chênh lệch này đã lớn tương đương với thời kỳ đại khủng hoảng năm 1930s – một trong những nguyên nhân mà khiến LeoX luôn cảnh báo mọi người về một cuộc khủng hoảng không hề dễ chịu phía trước. 

 

Gần đây nhất có thể thấy việc bơm tiền kích thích kinh tế, khắc phục hậu quả covid đã khiến người giàu càng giàu lên thế nào. 

 

Tiền rẻ khiến giá tài sản được thổi lên, từ bất động sản đến chứng khoán đến vàng và tiền số. Mà người sở hữu những tài sản đó nhiều thì là người giàu rồi, chứ người nghèo chắc sở hữu nợ, còn người thuộc lớp bình dân thường sở hữu vật chất.

 

Ngoài ra thì người giàu họ có nguồn vốn để làm những thứ kinh doanh khác, có nguồn lực con người khi cần huy động, có mạng lưới quan hệ, có thông tin để tìm cơ hội, có thời gian làm thứ khác giá trị gia tăng cao thay vì bán thời gian 8 – 10 tiếng 1 ngày ở công sở. 

 

Thế nên đã giàu lại càng giàu. 

 

Càng quan tâm hi sinh cho người khác càng dễ bị phản bội 

 

Nghịch lý này chắc nhiều người thấm qua các câu chuyện drama cõi mạng. Kiểu như em hết lòng vì chồng mà anh ý phụ em, mẹ hi sinh cho con mà con bất hiếu … 

 

Tại sao lại vậy? 

 

Vì người đó khiến người nhận dần cảm thấy đó là việc đương nhiên, thậm chí còn khó chịu khi phải nhận. 

 

Trong khi họ đốt hết bản thân mình ra để cho người khác thì còn lại gì cho minh nữa, rồi cho hết đi thì còn gì để cho tiếp nữa? 

 

Cô gái đó có dành thời gian chăm sóc bản thân mình đâu mà đẹp. Bà mẹ đó còn gì ngoài sự đau khổ để cho con? Người ta chỉ cho được cái mình có. Bản thân mình chưa ổn, đừng cố mà đem cho. Đó không phải sự sĩ diện mù quáng thì cũng là tâm sở hữu ích kỷ được ngụy trang dưới cái tên gọi hi sinh. 

 

Càng thèm muốn lại càng không có được 

 

Càng thèm muốn tiền càng lao vào những thứ kiếm tiền nhanh để rồi mất trắng. 

Càng thèm công danh, càng lao vào những thứ hư ảo rồi bại công danh. 

Càng thèm tình yêu thì càng gặp trắc trở. 

 

Nguyên lý là muốn cái gì đó quá sẽ làm ta mờ mắt mà chọn lựa sai lầm, chọn quick win - đường tắt, chọn đốt cháy bản thân để mong thắng sớm canh bạc cuộc đời. 

 

Cuộc đời rất nhiều những sự bất công, nhưng vốn dĩ nó luôn bất công như vậy để đảm bảo một sự cân bằng cao hơn. 

 

Đó là sự cân bằng không phải 50:50 mà lệch 20:80 hay thậm chí là 10: 90. Sự chọn lọc tự nhiên diễn ra ở mọi tầng sống của vũ trụ, luôn có 1 lớp được dồn sự tinh tú để tiến hóa và cai trị những lớp còn lại. 

 

 

Vậy phải làm gì ?

 

Thứ nhất,  là phải chấp nhận cuộc sống này vốn dĩ là như vậy, chấp nhận luật chơi và cố gắng chơi tốt phần của mình. Đừng tốn thời gian vào việc rên rỉ kêu than cho sự bất công. 

 

Hãy nhìn thẳng vào sự bất công xem mình làm sai ở đâu, có làm ngược quy luật không để điều chỉnh. 

 

Hoặc đôi khi là phải chấp nhận được những cảm xúc xấu tạm thời để vươn đến được điều mình mong muốn. 

 

Khả năng chấp nhận hoàn cảnh là rất quan trọng. Vì chỉ khi chấp nhận ta mới đặt được chân xuống nền đất để bật được lên. 

 

Thứ hai,  phải nỗ lực gấp 5 gấp 10 người khác, khi mọi sự của mình không thuận lợi tốt đẹp từ vạch xuất phát thì mình càng phải biết thân mà vươn lên. 

 

10 năm đi làm chẳng hạn mà chưa đủ để vào nhóm người có tài sản để hưởng lợi từ sự tăng giá của tài sản nói chung thì đó là lỗi của mình cố gắng chăm chỉ chưa đủ.  

 

Đặt mình ở vị thế con rùa mà thắng con thỏ. Lấy sự kiên trì bền bỉ làm sức mạnh. Bền bỉ để qua được 1 ngưỡng nào đó tự nhiên sẽ thấy mọi thứ nhẹ dần, kiểu như một bánh đà đã lăn được vậy. Thời tới cản không kịp. Nhưng thời không tự tới nếu không có những giai đoạn nỗ lực kia. 

 

Thứ ba phải có trí tuệ để tỉnh táo, tập trung nguồn lực vào một thứ duy nhất đáng để bỏ tâm sức. Nếu không sẽ vướng vào cái bẫy, càng chăm chỉ càng tụt lùi - lại là một nghịch lý nghe rất bất công. Ấy là vì dành hết sự chăm chỉ cho những điều không đáng. 

 

Ngay cả việc dồn tâm sức cho việc gì thì nhất thiết cần nhìn vào quá trình thay vì kết quả. Kết quả như một thứ ma mị ám ảnh đầu óc ta khiến ta không chọn lựa sai lầm thì cũng kiệt sức mòn mỏi vì chờ mong. 

 

Thứ 4 là phải tạo nghiệp tốt, tích âm phúc,  đừng vì mong muốn của bản thân mà hại người mà khẩu nghiệp. Luật nhân quả là có thật, tu dưỡng tâm đức thì cố gắng mới mong thành công, không thì có đạt được cũng sẽ sớm tàn, giống như bị nhấc cho thật cao rồi cho rơi mới đau í. 

 

Nói đến đây chợt muốn sẽ chia sẻ với mọi người về số phận, có số phận thật không và có thể cải số không. Chủ đề có vẻ hơi mang tính tâm linh, nhưng thực ra hiểu bản chất và quy luật là rất cần thiết cho việc phát triển bản thân và đạt tới tiềm năng tối đa của mỗi người. 

 

LeoX không nhớ đọc được đâu đó mấy câu này, thấy rất đúng. Thay làm lời kết: 

  • Muốn giàu có, bạn phải chấp nhận nghèo khó một thời gian. 
  • Muốn có nhiều thời gian, bạn phải chấp nhận bận hơn người khác một thời gian
  • Muốn sướng một đời, bạn phải chấp nhận khổ một thời 
  • Muốn có những thứ người khác chưa từng có, bạn phải làm những việc người khác chưa từng làm. 

Cuộc đời vốn dĩ rất công bằng với những người chấp nhận trả giá. 

Và rất bất công với những người chỉ muốn hưởng nhưng không muốn đánh đổi.