![](https://leox.vn/leox-v2/api/file/image/1546490646524_0.15880776940341768_savings-jar.jpg)
Tiết kiệm có nghĩa là sử dụng hiệu quả và có dự phòng cho trường hợp xấu. Nói đến tiết kiệm thì mọi người thường nghĩ đến tiết kiệm tiền. Tiết kiệm tiền rất quan trọng để có vốn đầu tư. Tuy nhiên, có rất nhiều thứ bên cạnh tiền bạn cần tiết kiệm để có được cuộc sống hạnh phúc trọn vẹn: Đó là tiết kiệm tri thức, tiết kiệm hạnh phúc, tiết kiệm thời gian và tiết kiệm sức khỏe.
6 chiếc lọ tiết kiệm tiền bạc để quản lý tài chính cá nhân
Hãy chia thu nhập hàng tháng của bạn vào 6 lọ:
1. 55% nhu cầu thiết yếu ăn, mặc, ở, đi lại: Đây là khoản chi phí "tốn kém" nhất trong quỹ tài chính của bạn. Có nhiều cách để kiểm soát khoản chi phí này, trong đó Sống tối giản là một cách hữu hiệu bạn có thể tham khảo.
2. 10% học vấn - quan hệ: Đầu tư vào bản thân bằng cách phát triển kĩ năng mới cũng luôn là khoản đầu tư sinh lời nhất. Tự học là yếu tố không thể thiếu nếu muốn thành công trong đầu tư tài chính. Ngoài ra, phát triển quan hệ với những người có thể giúp cuộc sống bạn trở nên có ý nghĩa hơn luôn là việc cần thiết.
3. 10% hưởng thụ cá nhân: Cuộc sống ngắn ngủi, hãy dành một phần thu nhập để nghỉ ngơi tái tạo năng lượng. Hưởng thụ tạo nên sự hưng phấn và càng kích thích khả năng làm việc của bạn.
4. 10% tự do tài chính, đầu tư tạo thu nhập: Đầu tư đúng đắn giúp bạn tiến nhanh tới tự do tài chính và cả sự giàu có. Đây là chủ đề lớn mà LeoX sẽ chia sẻ với các bạn trong nhiều bài viết khác nhau sắp tới đây.
5. 10% tiết kiệm dài hạn: Tùy vào khả năng chịu rủi ro, bạn có thể tiết kiệm một phần thu nhập phòng những khi bất trắc. LeoX sử dụng phần tiết kiệm này để đầu tư.
6. 5% cho đi: Tùy vào điều kiện, bạn có thể dành một phần thu nhập đẻ giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh hoặc phát triển cộng đồng... Cuộc sống trở nên có ý nghĩa hơn khi cho đi. Nếu điều kiện tài chính chưa cho phép, bạn vẫn luôn có thể bỏ thời gian hay công sức để đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng.
Nguyên tắc phân bổ thu nhập này đã từng được tỷ phú Lý Gia Thành giới thiệu. Nguyên tắc chỉ có tính tham khảo, tùy điều kiện bạn có thể điều chỉnh tỷ lệ giữa các lọ. Hãy linh hoạt khi áp dụng nhé !
7 hình thức tiết kiệm tri thức để nâng cao giá trị bản thân:
Khi bạn là một đứa trẻ, mọi thứ đều lạ lẫm và bạn luôn tận hưởng một ngày mới đầy háo hức tò mò. Não bạn hoạt động hết mức. Thật không may, phần lớn mọi người ngừng việc thử những điều mới khi trưởng thành hơn. Hãy giữ não bộ trẻ trung bằng cách học tập những điều mới mẻ. Bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn.
1. Đọc sách nhiều hơn: Đọc sách là cách phát triển bản thân tốt nhất. Những tỷ phú mà LeoX rất ngưỡng mộ như Elon Musk, Bill Gates, Warren Buffet... đều là những con nghiện sách. Trong chủ đề phát triển bản thân, LeoX sẽ chia sẻ các cuốn sách hay mà mình đã đọc. Hi vọng các bạn cũng có thể chia sẻ với cộng đồng các cuốn sách hay.
2. Phát triển quan hệ với những người giỏi hơn mình: Thật tuyệt vời khi được học hỏi từ những người thành công và có lối sống tích cực (những người có kỹ năng giải quyết một vấn đề nào đó để giúp xã hội tốt đẹp hơn). Hãy chú trọng đến chất lượng quan hệ hơn là số lượng quan hệ, nhìn vào việc người khác làm hơn là nghe người khác nói.
3. Du lịch: Mình rất hay được nghe câu “Đi khắp nơi chả đâu bằng Việt Nam”. Thực tế, LeoX đã học được rất nhiều điều mới mẻ khi đi du lịch ở mỗi nước. Vậy hãy mở lòng ra bạn nhé, bạn sẽ thấy cuộc sống có nhiều điều thú vị.
4. Dành thời gian suy ngẫm: Theo đại học Harvard, sự khác nhau giữa số phận của con người khác nhau được quyết định bởi việc mà người đó làm trong lúc rảnh rỗi từ 20h tới 22h. Thực ra thì LeoX thích dành suy ngẫm vào sáng sớm, có thể là để lên kế hoạch cho một ngày, tìm cách giải quyết cho một vấn đề hay đôi khi là suy ngẫm là ý nghĩa cuộc sống. Suy ngẫm giúp bạn tách ra khỏi cuộc sống vội vã hối hả để tìm lại chính mình.
5. Tò mò nhiều hơn: Tò mò giúp cuộc sống có nhiều ý nghĩa và động lực hơn. Hãy đặt nhiều câu hỏi tại sao và tìm lời giải giống như khi bạn có bé vậy. Đừng chấp nhận cuộc sống của mình do người khác sắp xếp.
6. Đẩy giới hạn bản thân ra khỏi vùng an toàn: No risk no gain. LeoX không khuyên bạn đi đánh bạc nhưng hãy thử thách bản thân bằng những việc mới mà mình chưa từng làm. Điều đó giúp bạn ngày một hoàn thiện và không tụt hậu.
7. Kiên trì luyện tập thể dục thể thao: Hãy yêu thích một môn thể thao và kiên trì tập luyện. Dành ít nhất 1 tiếng mỗi ngày để vận động, tập thể dục hoặc chơi một môn thể thao nào đó. Xác suất thành công và ý nghĩa cuộc sống giảm đi rất nhiều trong một thể xác yếu đuối và xấu xí.
8 cách tiết kiệm hạnh phúc để kiểm soát stress
1. Thiền: dành ra mỗi ngày một khoảng thời gian để im lặng, để chỉ hiện hữu. Thiền có tác dụng vô cùng to lớn với sức khỏe tinh thần và thể xác. LeoX sẽ chia sẻ với các bạn trải nghiệm của LeoX về thiền.
2. Suy nghĩ tích cực : Đây là việc rất khó thực hiện nhưng cần luôn ghi nhớ. Hãy kịp nhận thức mỗi khi có những suy nghĩ làm bạn chệch hướng. Nếu bạn nào đã từng tìm hiểu về liệu pháp tâm lý hành vi (CBT- Cognitive Behavior Therapy) sẽ hiểu cách suy nghĩ có thể bẻ cong sự thật như thế nào. Có dịp LeoX cũng sẽ chia sẻ với các bạn về vấn đề này.
3. Không phán xét : Thực hiện phương pháp không phán xét vào mỗi ngày mới và tự nhắc mình không được phán xét. Phán xét làm bạn kiệt sức, thay vào đó hãy tìm cách để cho mọi việc có thể tiến triển tốt hơn.
4. Biết ơn: Biết ơn các món quà mà cuộc sống mang lại. Đó là ánh mặt trời, tiếng chim hót, những món ăn ngon miệng, những người bạn tốt hay một công việc ý nghĩa để bạn đam mê.
5. Cho đi: là cách làm cho sự giàu có luân chuyển trong xã hội. Làm những việc có ý nghĩa giúp bạn cảm thấy bình an, hạnh phúc hơn.
6. Chấp nhận toàn phần: Nguyên tắc này cực kỳ quan trọng để giúp bạn vượt qua nghịch cảnh. Trong đầu tư nguyên tắc này cũng rất quan trọng để kiểm soát cảm xúc. Có câu chuyện thế này: Một vị tướng người Áo bị giam cầm trong trại tập trung của Đức Quốc Xã mười mấy năm. Ông là người duy nhất sống sót ra khỏi trại. Khi được phỏng vấn tại sao ông có thể sống sót được mà những người khác thì không, ông trả lời: “Những người bi quan chết ngay năm đầu vì họ không chịu nổi áp lực. Những người lạc quan ư, họ chết ở năm thứ 3, thứ 4, thứ 5 vì họ luôn cho rằng việc giam cầm rồi sẽ kết thúc, và chỉ năm sau, tháng sau họ sẽ được tự do. Nhưng khi sự việc không như ý họ thì họ sụp đổ dần. Còn tôi luôn tin một ngày nào đó mình sẽ được tự do, tôi chấp nhận toàn phần hoàn cảnh và tìm cách duy trì để chờ ngày đó.” Chúng ta sẽ còn nhắc đến nguyên tắc này trong các chủ đề khác.
7. Xác định mục tiêu dài hạn: Làm việc bạn thích là tự do, thích việc bạn làm là hạnh phúc. Bạn không muốn mỗi ngày trôi đi một cách vô nghĩa, bạn không muốn bắt đầu một ngày mà không biết phải làm gì, hãy xác định cho mình một mục tiêu dài hạn để vươn tới.
8. Hãy có một giấc ngủ hoàn hảo: Giấc ngủ ảnh hưởng rất nhiều tới tâm trạng. Nếu ai đã từng phải chiến đấu với bệnh mất ngủ kéo dài như LeoX thì sẽ thấy giấc ngủ quý giá đến nhường nào. Hãy chăm sóc để có giấc ngủ chất lượng nhất. LeoX có rất nhiều kinh nghiệm về vấn đề này để chia sẻ với các bạn.
9 bí kíp tiết kiệm thời gian để có thời gian làm việc mình muốn
1. Thức dậy đúng giờ: Bạn không có thời gian đọc sách ? tập thể dục ? Hãy dậy sớm hơn.
2. Lên kế hoạch chi tiết: Lập kế hoạch giống như lập trình trước cho bộ não của con robot, mọi việc sau đó cứ thế mà chạy, không mất thời gian gián đoạn suy nghĩ nữa. LeoX luôn lập kế hoạch khi xác định sẽ làm việc gì.
3. Sắp xếp thứ tự ưu tiên: Không phải mọi việc có độ quan trọng như nhau, luôn chú ý xử lý các việc quan trọng trước. Đây là bí quyết để tăng năng suất lao động, LeoX sẽ chia sẻ với các bạn trong chủ đề về Luật Pareto 80/20.
4. Bắt đầu ngay khi có thể: Thời gian trôi qua không thể lấy lại, nếu là việc nhỏ hãy làm ngay, nếu là việc khó hãy bắt đầu rồi sẽ có cách.
5. Đặt ra deadline và hoàn thành công việc đúng hạn: Quy luật Parkinson cho thấy nếu cho bạn 2 tiếng đồng hồ thay vì 10 tiếng đồng hồ để xử lý một vấn đề thì kết quả chênh lệch nhau không đáng kể. Hãy kỉ luật với bản thân bằng những deadline tham vọng, bạn sẽ tiến bộ rất nhanh và có nhiều thời gian làm việc mình thích.
6. Loại bỏ những nhân tố gây lãng phí thời gian: Giới hạn thời gian lang thang trên mạng xã hội, giảm thời gian vào những cuộc chat chit vô bổ, làm chủ nghệ thuật từ chối và tránh tham gia các cuộc họp không rõ mục đích…
7. Ủy thác bớt công việc: Trao quyền thất bại cho những người mà ta tin tưởng bằng cách giao bớt công việc cho họ, điều đó đúng cả với con cái nhé.
8. Tránh ôm đồm: Tham lam dẫn đến quá tải và kém hiệu quả. Hãy tập trung thực hiện theo đúng kế hoạch và thứ tự ưu tiên.
9. Tránh cầu toàn không cần thiết: Cầu toàn là tốt, tuy nhiên, cầu toàn quá đà đôi khi dẫn tới sự rườm rà không cần thiết. Do đó, hãy thông minh để mạnh dạn loại bỏ bớt những chi tiết, việc làm, hành động tiêu tốn thời gian nhưng mang lại hiệu quả thấp.
10 bài học để tiết kiệm sức khỏe của người Nhật để phòng tránh bệnh tật
1. Bớt ăn thịt - ăn nhiều rau
2. Bớt ăn mặn - Ăn nhiều chất chua
3. Bớt ăn đường - Ăn nhiều hoa quả
4. Bớt ăn tinh bột - Uống nhiều sữa
5. Bớt đi xe - Năng đi bộ
6. Bớt phiền muộn - Ngủ đủ giấc
7. Bớt ăn mặc cầu kỳ - Tắm đều đặn
8. Bớt nói - Hành động nhiều hơn
9. Bớt nóng giận - Cười nhiều hơn
10. Bớt ham muốn - Chia sẻ nhiều hơn.
Nếu bạn thấy những điều LeoX chia sẻ là hợp lý, hãy thực hiện ngay.
Nếu bạn thấy còn lăn tăn, hãy comment để mọi người có thể giúp đỡ bạn.
Nếu bạn thấy hữu ích, hãy like và share cho những người khác.
Have a nice day,
Thân,
LeoX