Chào mừng mọi người đã ghé thăm nhà mới của cộng đồng mình. Dù chưa được hoàn thiện xong hết như ý tưởng và sẽ phải đưa lên dần dần, nhưng với thời gian gấp rút thì ngôi nhà cũng đã tạm hoàn thiện phần nền móng để LeoX và X-team tiếp tục viết chia sẻ.
Như đã hứa, lên nhà mới LeoX sẽ tập trung viết về cổ phiếu nhiều hơn theo phân công từ X-team. Hôm nay LeoX sẽ chia sẻ với mọi người cách LeoX phân loại các doanh nghiệp theo nhóm trong đầu tư chứng khoán.
Học từ kinh nghiệm của người khác, đó là cách học rẻ nhất. Yes, mình cùng bắt đầu nhé!
Tại sao cần phân loại các doanh nghiệp đầu tư theo nhóm?
Lý do là vì mỗi 1 loại doanh nghiệp sẽ cần có những cách đánh giá và hành xử khác nhau, nếu không rành mạch và tách bạch trong tư duy về vấn đề này sẽ dẫn đến việc (1) kém hiệu quả trong việc đánh giá phân tích và (2) quyết định sai mà không hiểu mình sai ở đâu vì lần trước với doanh nghiệp khác nó đã đúng.
Để LeoX phân tích chi tiết hơn điểm này trước khi bắt đầu vào việc phân loại doanh nghiệp.
Trong bất kể vấn đề nào cũng sẽ có những yếu tố đầu mối và là “key” quyết định đến 80% vấn đề. LeoX đã chia sẻ khá nhiều về nguyên lý 80:20 này mà LeoX rút ra trong cả cuộc sống và trong đầu tư tại bài này. Nguyên lý này vẫn đúng với việc phân tích đánh giá doanh nghiệp.
Nếu để phân tích 1 doanh nghiệp mà bạn đi theo đúng 1 barem quy chuẩn từ điểm A đến điểm Z, thì có thể bạn sẽ tốn nhiều thời gian và chỉ phân tích được 1 số lượng doanh nghiệp ít hơn nhiều so với việc xác định được điểm key mấu chốt của nó. Khi đó bạn đang dàn trải thời gian đều nhau cho các vấn đề có mức độ trọng yếu khác nhau. Trong khi đúng ra thì nên dành 80% thời gian vào nghiên cứu 20% những vấn đề mà quyết định đến 80% thành bại của case đầu tư.
Lấy ví dụ như phân tích doanh nghiệp dầu khí, việc đi theo 1 barem phân tích từ A đến Z trong 1 quy trình đầu tư là không cần thiết vì yếu tố chiếm đến 80% quan trọng là giá dầu. Nếu bạn từng trải qua những đợt sóng của dầu khí trong quá khứ thì sẽ ngấm điều này, khi giá dầu tăng thì gần như cả họ dầu khí sẽ tăng. Vì vậy việc phân tích để lựa chọn cổ phiếu (stock selection) giữa cổ phiếu dầu khí này với cổ phiếu dầu khí khác sẽ không còn quá quan trọng. Việc đó có thể làm rất nhanh thông qua scanning các chỉ số tài chính chính là đủ, hoặc đơn giản là cứ chọn doanh nghiệp đầu ngành. Tất nhiên với những quỹ đầu tư thì họ vẫn sẽ làm đủ theo quy trình phân tích vì còn liên quan đến hồ sơ trình đầu tư. Nhưng với nhà đầu tư cá nhân thì nếu không xác định được điểm trọng yếu mà lan man thì sẽ bị rối rắm và không hiệu quả. Nhất là khi bạn chỉ loay hoay phân tích được 1 số ít doanh nghiệp thì làm sao có thể biết nó có hấp dẫn không trong tương quan với những cơ hội đầu tư khác?
Hơn thế nữa việc xác định yếu tố key cũng khiến cho tư duy rành mạch. Nếu yếu tố key đó thay đổi, nghĩa là bản chất của khoản đầu tư cũng thay đổi. Lúc đó thì đừng tự chất vấn bản thân vì các yếu tố phụ như kiểu : nhưng LN doanh nghiệp rất khả quan mà, nhưng có tin tốt sắp ra, nhưng lãnh đạo đang mua vào, nhưng định giá thế này còn rẻ blahhh. Những yếu tố là quan trọng đối với doanh nghiệp này sẽ ít quan trọng hơn so với doanh nghiệp khác, đó là lý do cần phân loại chúng ra để phân tích và hành xử khác nhau. Nếu không tách bạch được điều này, ta sẽ luôn bị dày vò trong những điểm mâu thuẫn nhau mà không biết làm cách nào để quyết định được.
Vậy LeoX phân loại các nhóm doanh nghiệp ra như thế nào?
Những gì LeoX sắp chia sẻ chẳng có trong cuốn sách giáo khoa nào cả. Nó là đúc rút từ kinh nghiệm cá nhân qua hơn chục năm đầu tư. Nó chẳng có đúng cũng chẳng có sai, quan trọng là bạn thấy có phù hợp với tư duy logic và identity của mình hay không thôi. Bạn cũng có thể tham khảo cách phân loại truyền thống trong sách như value vs growth, penny vs bluechip, nhưng cách phân loại dưới đây cũng có thể là 1 lát cắt khác để bạn tham khảo và có lẽ là xây dựng cho mình 1 tiêu chí phân loại riêng hợp lý với logic của bạn.
LeoX phân nhóm các khoản đầu tư ra làm 6 loại sau.
- Nhóm doanh nghiệp nhạy cảm với giá hàng hóa
- Nhóm doanh nghiệp cyclical theo chu kỳ kinh tế
- Nhóm doanh nghiệp định giá rẻ theo tài sản hoặc theo yield
- Nhóm doanh nghiệp có catalyst ngắn hạn
- Nhóm doanh nghiệp phòng thủ
- Nhóm doanh nghiệp tuyệt vời
Trong các nhóm doanh nghiệp trên, nhóm LeoX thường đầu tư với tỷ trọng lớn nhất là nhóm 6 vì nó là khoản đầu tư có thể chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản. Nhóm ít đầu tư nhất là nhóm 1 và nhóm 4 vì có phân tích xong cũng còn nhiều yếu tố không chắc chắn để mua được với tỷ trọng lớn. Điểm này rất quan trọng nhưng thường bị đánh giá thấp. LeoX sẽ bỏ công vào nghiên cứu để đầu tư 1 khoản có lợi nhuận chỉ 10-15% nhưng có khả năng chiếm đến 80% tài sản của mình, còn hơn là dành 80% nghiên cứu để đầu tư cho chỉ 10-15% tài sản. Có lẽ vì thế mà đa số người giàu thường giàu lên nhờ BĐS hơn là nhờ chứng khoán? Đặt bút tính thử các case xem bạn sẽ thấy điều này rất quan trọng.
Quay lại 6 nhóm phân loại đầu tư trên, có thể có những cổ phiếu rơi vào nhiều hơn 1 nhóm, ví dụ cổ phiếu thuộc nhóm 1 nhưng cũng đồng thời thuộc nhóm 3, có những cổ phiếu vừa thuộc nhóm 3 vừa thuộc nhóm 5, tuyệt hơn nữa là doanh nghiệp nhóm 6 lại cũng nằm trong nhóm 3 hoặc nhóm 4. Thuộc nhiều hơn 1 nhóm thì càng an toàn, nhưng tính chất của business hay khoản đầu tư thì không đổi.
Những kinh nghiệm LeoX đúc rút với 6 nhóm doanh nghiệp
Nhóm 1: Nhóm doanh nghiệp nhạy cảm với giá hàng hóa
- Đây thường là các cổ phiếu bị tác động mạnh bởi giá hàng hóa ở chiều doanh thu hay giá vốn hoặc cả 2. Sự thay đổi của giá hàng hóa tác động mạnh đến lợi nhuận và triển vọng của doanh nghiệp. Ai đầu tư giai đoạn 2010 sẽ biết cao su quan trọng như thế nào với HAG và việc giá cao su lao dốc đã khiến model kinh doanh của HAG khốn đốn như thế nào khi có những quyết định đầu tư lớn ở đúng đỉnh.
- Cái khó của đầu tư nhóm cổ phiếu này là không dễ gì dự báo được giá hàng hóa. Dự báo được chắc đi đầu cơ hàng hóa luôn cho rồi ^^ , tuy nhiên không thể không tìm cách xử lý được vấn đề này khi đầu tư các cổ phiếu thuộc nhóm 1. Do đó vẫn phải cố gắng đến mức có thể để đánh giá triển vọng giá hàng hóa, nhưng không được bám dính vào nó vì hoàn toàn có thể sai. Nói cách khác đây là 1 cú bet có tính toán, đã là bet, không được cố thủ với cái suy nghĩ của mình.
- Trong trải nghiệm của LeoX đầu tư nhóm liên quan đến cổ phiếu hàng hóa thì nhớ nhất là cổ phiếu đường SLS năm 2015-2016 với mức tăng hơn gấp 3 lần. Lúc đó yếu tố để LeoX dự báo giá đường sẽ tăng là chu kỳ elnino quay lại và được dự báo ở mức độ nặng. Hạn hán sẽ khiến cho cây mía chết nhiều, cung giảm và giá đường tăng. Ngoài ra thời điểm đó còn yếu tố ngắn hạn nữa là giá đường trong nước được hỗ trợ bởi nhà nước siết rất chặt việc buôn đường lậu. Yếu tố định giá rẻ cũng đáp ứng hỗ trợ thêm quyết định đầu tư vì lúc đó PE của SLS chỉ khoảng 5 lần nên rủi ro giảm giá cũng thấp. Như vậy SLS thuộc nhóm (1) nhưng có hỗ trợ từ nhóm (3) – định giá rẻ, yield cao và nhóm (4) catalyst ngắn hạn liên quan đến chính sách siết buôn lậu đường. Nếu thiếu 2 yếu tố sau thì khoản đầu tư sẽ có tính chất betting cao và chỉ có thể đầu tư ở size nhỏ
Nhóm 2: Nhóm doanh nghiệp cyclical theo chu kỳ kinh tế.
- Nhóm này gồm những doanh nghiệp mà hoạt động kinh doanh khá gắn liền với chu kỳ kinh tế như bất động sản, ngân hàng, xây dựng….
- Cái khó nhất của đầu tư nhóm doanh nghiệp này là xác định thời điểm của chu kỳ kinh tế. Còn cái thú vị nhất là khi đã xác định được thì sẽ nhìn thấy các cơ hội liên tiếp nhau vì chúng thường liên quan và nối tiếp nhau. Ví dụ đối với nhóm liên quan đến chu kỳ phục hồi của BĐS sẽ bắt đầu từ nhóm vật liệu xây dựng như gạch , xi măng, thép, sau đó đến nhà thầu, rồi mới đến BĐS và ngân hàng. Điều đó khá logic và dễ hiểu vì nhu cầu nguyên vật liệu xây dựng sẽ tăng trước, sau đó các nhà thầu thực hiện dự án thu được tiền, ngân hàng khởi sắc nhờ tăng trưởng tín dụng BĐS tăng, rồi mới đến các chủ đầu tư BĐS bán được hàng và thu tiền …
- Việc chọn lựa cổ phiếu (stock selection) đối với nhóm này quan trọng hơn so với nhóm 1 nhưng cũng dễ nhận thấy là chúng thường đi song hành cùng nhau bởi lẽ cùng chung một môi trường kinh doanh đang khởi sắc. Việc phân tích riêng lẻ từng doanh nghiệp sẽ giúp tối ưu lựa chọn doanh nghiệp an toàn hơn hay tăng trưởng tốt hơn. Nhưng nếu việc đó tốn nhiều thời gian đối với nhà đầu tư cá nhân thì phân bổ vào 1 nhóm doanh nghiệp cũng không phải lựa chọn tệ. Yếu tố khởi sắc của ngành sẽ quan trọng hơn so với yếu tố chọn lựa riêng lẻ ở nhóm này. (không nói là nên bỏ qua nhé, 1 số bạn rất hay hiểu theo hướng cực đoan).
Nhóm 3: Nhóm doanh nghiệp định giá rẻ theo tài sản hoặc theo yield
- Cách phân loại doanh nghiệp định giá rẻ theo tài sản hoặc theo yield LeoX đã đề cập đến trong chuỗi bài viết Nhật ký tự do tài chính của LeoX, hình như là ở phần 9) – các bạn có thể xem lại tại link này
- Doanh nghiệp rẻ theo tài sản có thể có PE cao và PB thấp, hoặc PB không thấp nhưng giá trị sổ sách của tài sản đó thấp hơn nhiều so với giá trị thị trường. Lấy ví dụ một công ty BĐS có quỹ đất từ lâu nhưng chưa khai thác nên chưa đem lại lợi nhuận. Tuy nhiên sự phát triển của hạ tầng khu vực đó khiến giá trị quỹ đất tăng mạnh so với giá trị sổ sách và tiềm năng và việc thực hiện dự án tại đây sẽ mang lại tiềm năng về lợi nhuận. Một vài mô tuýp nữa của nhóm này LeoX sẽ đề cập chi tiết sau. Đầu tư nhóm này thường mang lại tỷ suất lợi nhuận cao nhưng phải lưu ý các trường hợp như tranh chấp hay pháp lý đối với tài sản. Cũng cần lưu ý rủi ro công ty tẩu tán tài sản thông qua 1 giao dịch với bên thứ 3 để vào túi lãnh đạo thay vì thực hiện để đem về lợi nhuận cho doanh nghiệp.
- Doanh nghiệp rẻ theo yield là doanh nghiệp có PE hiện tại hoặc dự báo rẻ. Lưu ý tại sao LeoX ko nói PE mà nói là yield, dù yield chính là 1/PE. Truyền thống trong sách vở tài chính người ta thường so sánh PE, nhưng con số nghịch đảo của PE có ý nghĩa hơn nhiều lần. Ví dụ 1 cổ phiếu PE = 10, bạn không biết như vậy là cao hay thấp? Nhưng nếu nói yield đc 10% , chính là 1/PE đó đó thì bạn có thể liên hệ nó với lãi suất ngân hàng, với lãi suất trái phiếu, với mức lợi nhuận cho thuê nhà … để biết như vậy là cao hay thấp. Yield 20% trong bối cảnh lãi suất 15% thì cũng đâu còn hấp dẫn, nhưng nghe PE = 5 thì thấy rẻ lắm (20% = 1/5)
- Việc phân tích về mô hình kinh doanh hay BLĐ cũng sẽ cần thiết nhưng thông thường đây là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ đang vào giai đoạn thuận lợi chứ không phải loại doanh nghiệp có mô hình kinh doanh bền vững. Do đó việc quan trọng hơn là dự báo lợi nhuận ngắn hạn của doanh nghiệp, quý tới, năm tới mới là mấu chốt.
Nhóm 4: Nhóm doanh nghiệp có catalyst ngắn hạn
- Đây là các nhóm doanh nghiệp có yếu tố hỗ trợ trong ngắn hạn. Ví dụ như việc ký kết hiệp định thương mại có thể tạo sóng cho nhóm dệt may, làn sóng FDI khiến triển vọng khu công nghiệp khởi sắc, thay đổi chính sách khiến nhóm cổ phiếu phân bón được lợi … blahhh. Doanh nghiệp đang trong đối tượng của vụ M&A LeoX cũng xếp vào nhóm này.
- Đối với nhóm này nếu thông tin 3 năm rõ mười rồi thì rất dễ bị đu đỉnh. Đây là nhóm mà giá chạy theo kỳ vọng chứ không phải theo tình hình kinh doanh thực tế của doanh nghiệp. Thường dân chứng khoán hay gói gọn trong câu “tin ra là để bán” là vì vậy.
- LeoX sẽ không khoái đầu tư nhóm này nếu không nhìn thấy xu thế từ đầu, hoặc không chắc chắn được về nguồn thông tin. Suy cho cùng mất cơ hội không phải là mất, mất tiền mới là mấy. Do vậy hãy cứ bình thản vì không ai ăn hết được các cơ hội trên thị trường cả. Chọn mâm của mình chứ không đứng núi này trông núi nọ dễ hỏng lắm.
Nhóm 5: Nhóm doanh nghiệp phòng thủ
- Nhóm này ngược với nhóm 2, ít chịu sự tác động của chu kỳ kinh tế và môi trường kinh doanh. Ví dụ các doanh nghiệp điện , nước, bán lẻ hàng thiết yếu …. khi kinh tế tốt hay xấu thì vẫn phải dùng thôi. Chưa kể như doanh nghiệp điện thì thường bán cho 1 người mua duy nhất là EVN với mức giá theo hợp đồng PPA cũng cố định luôn cả biên lợi nhuận nên HĐKD nhìn chung là ổn định trừ những doanh nghiệp bị tác động về sản lượng theo mùa (ví dụ như thủy điện).
- Nhóm doanh nghiệp phòng thủ thường thu hút được dòng tiền khi kinh tế đi xuống và bất ổn gia tăng khiến dòng tiền thường tìm về nơi ổn định , an toàn. Nhóm này cũng thường chi trả cổ tức đều đặn nên với phù hợp với những người có nhu cầu về dòng tiền.
- Những cổ phiếu nhóm này khó kỳ vọng tăng trưởng đột biến. Tuy nhiên nếu cổ phiếu nhóm 5 cũng đồng thời nằm trong nhóm 3 thì lại rất hấp dẫn. Sau đợt giảm mạnh của thị trường năm 2018, dòng tiền tìm về cổ phiếu phòng thủ. Lúc đó PPC có dividend yield lên đến 9% cao hơn tiền gửi và earning yield hơn 20% ( PE = 5 lần) nên đã tăng 1 mạch từ 15 lên 25 trong vài tháng.
Nhóm 6: Nhóm doanh nghiệp tuyệt vời
- Đây là nhóm doanh nghiệp có lẽ tốn nhiều giấy bút để viết nhất và cũng là những case hay nhất để học về đầu tư cổ phiếu. Nhóm doanh nghiệp này đáng để tốn thời gian để hiểu thật sâu thật kỹ vì nó sẽ là những case đầu tư sẽ đi theo bạn 1 chặng đường dài. Có thể bạn nắm giữ dài hạn, cũng có thể bạn sẽ bán chúng sau vài năm nắm giữ vì nó đến giai đoạn chậm lại trong khi bạn có cơ hội đầu tư khác, nhưng rồi bạn sẽ lại quay lại thôi. Đây cũng là những case mà bạn có thể bỏ được số tiền lớn đáng kể so với số tài sản giống như mua 1 mảnh đất vậy.
- Nhóm doanh nghiệp này, việc hiểu kỹ mô hình kinh doanh, lợi thế cạnh tranh, năng lực và tầm nhìn của BLĐ rất rất quan trọng. Nó là yếu tố mấu chốt, là sức mạnh nội tại khiến doanh nghiệp vượt qua được những khó khăn của môi trường kinh doanh. Thậm chí bối cảnh khắc nghiệt lại là điều kiện lý tưởng để doanh nghiệp chiếm thị phần của đối thủ, vì nó đã được chuẩn bị sẵn để làm kẻ last survivor (kẻ sống sót cuối cùng).
- Không giống như nhóm 3, thường bạn không mấy khi thấy nhóm doanh nghiệp này được trading ở PE rẻ, mua được ở “fair value” là tốt lắm rồi. Một câu quote của Warren Buffet sẽ rất hợp lý để nhắc lại ở đoạn này: “ “It's far better to buy a wonderful company at a fair price than a fair company at a wonderful price.” – Thà mua 1 doanh nghiệp tuyệt vời ở mức giá bình thường còn hơn mua 1 doanh nghiệp bình thường ở mức giá tuyệt vời.
- LeoX có 1 list các tiêu chí đánh giá chấm điểm doanh nghiệp có thuộc nhóm này hay không nên những chia sẻ chi tiết hơn về nhóm doanh nghiệp này có lẽ sẽ cần một bài viết riêng.
Kết luận:
Mỗi cách phân loại doanh nghiệp có thể là 1 lát cắt khác nhau, không có đúng hay sai, nó giúp bạn nhìn sâu hơn vấn đề hoặc nhìn vấn đề theo 1 chiều khác để mở rộng thế giới quan. Nhưng việc phân loại là cần thiết vì cách đánh giá phân tích, các nguyên tắc hành xử sẽ không giống nhau. Nếu bạn áp dụng logic của nhóm doanh nghiệp tuyệt vời nhưng các quyết định lại theo nhóm 4 thì rất có thể sẽ mất 1 mỏ vàng do bán sớm, ngược lại nếu bạn đầu tư doanh nghiệp nhóm 1 mà cứ khăng khăng nắm giữ với tư duy của nhóm 6 thì có lẽ bạn sẽ có nguy cơ tài khoản bốc hơi vì nhận ra mình nhận định sai quá trễ.
Chúc các bạn đầu tư thành công và vững chãi trong 2021. Hãy chia sẻ với leox.vn các bài học hay trải nghiệm bạn đã có để cùng nhau tốt hơn nhé. <3 <3 <3