Khi bạn biết ai đó lãi mấy chục hay thậm chí mấy trăm % một năm, thường bạn sẽ thấy thật …wow, giỏi quá, tuyệt thật, cừ ghê ….Nhưng liệu con số tỷ suất lợi nhuận có phải thước đo hiệu quả đầu tư đầy đủ chưa?
Thứ nhất thì riêng việc tính tỷ suất lợi nhuận một cách chính xác đã là cả một vấn đề. Hài hước nhất là các trường hợp tính lợi nhuận rất ngáo ngơ như kiểu quý này lãi 20%, rồi tự nhân lên như vậy là tương đương 1 năm 80%.
Chưa kể những case đặc biệt như vậy thì kể cả với những người thành thạo cũng mắc phải không ít những lỗi tính tỷ suất lợi nhuận vì thường thì tài khoản đầu tư ít khi nào cố định trong cả kỳ tính toán mà lúc lại liên tục thêm vào lúc lại lấy bớt ra khi có việc dùng đến. Tỷ suất lợi nhuận phải tính được trên “employed capital” – tức là phần vốn thực tế sử dụng theo ngày. Phần mềm của một số CTCK trước đây thậm chí không tính chính xác được con số tỷ suất lợi nhuận do yếu tố này. Vậy nên khi nghe một con số tỷ suất lợi nhuận, trước tiên bạn cần hiểu cơ sở cách tính của nó như thế nào đã.
Chưa nói đến việc con số công bố lợi nhuận có chính xác không, có thành thật không (vì thực ra có ai kiểm chứng được đâu), thì có một số điểm lớn nữa cần phải lưu ý khi đánh giá hiệu quả đầu tư thông qua tỷ suất lợi nhuận vì con số này chỉ là một phần của bức tranh mà thôi.
Hiện nay có khá nhiều trang được lập ra cho các trader thi thố với nhau và top traders thường có những con số tỷ suất lợi nhuận cao ngất, vài trăm thậm chí vài nghìn %. Thực tế thì còn có rất nhiều cách để cheating con số này do đó nó không đáng tin cậy. Hơn nữa, đó thường là lợi nhuận trên tài khoản ảo (nó rất khác với tiền thật về mặt tâm lý – giống kiểu chơi game bị chết còn nhiều mạng chứ mạng thật của mình thì không đùa được😊).
Ngay cả khi là trên tài khoản tiền thật, thì con số tỷ suất lợi nhuận cũng chỉ là 1 trong 4 khía cạnh cần xem xét khi tính đến hiệu quả đầu tư.
Thật vậy, để đo hiệu quả đầu tư bạn cần nhìn đến đầy đủ 4 khía cạnh.
Một là tỷ suất lợi nhuận – hầu hết mọi người nhìn con số này. Hai là tính ổn định của lợi nhuận. Ba là con số giá trị tuyệt đối kiếm được – hay quy mô của khoản đầu tư. Và bốn là tỷ trọng của khoản đầu tư đó với tổng lợi nhuận – rất quan trọng đấy trong quản lý tài sản.
Tính ổn định của lợi nhuận quan trọng vì nếu thiếu yếu tố này thì việc kiếm được vài trăm % nó cũng có thể mất sau đó. Nói cách khác, kiếm được sẽ không ý nghĩa nhiều nếu không giữ được. Lợi nhuận có tính ổn định còn có sức mạnh rất lớn nữa là sức mạnh của lãi suất kép như có thể nhìn thấy trong bảng minh họa sau.
Trên cùng số vốn ban đầu là 100 đồng, trường hợp 1 tỷ suất lợi nhuận lên xuống, lãi 100%, lỗ 50%, 20% rồi lại lãi 100%. Trung bình 4 năm tỷ suất bình quân là 33% nhưng chỉ mang lại 12.47% lãi kép, tương đương tài sản tăng lên 160 đồng so với giá trị đầu tư ban đầu.
Trường hợp 2, để đơn giản, để bằng 30% cho cả 4 năm, mang lại tỷ suất lợi nhuận trung bình năm là 30%, như vậy là thấp hơn 33% của trường hợp 1, nhưng lãi kép lại lên tới 30% cao hơn nhiều so với mức 12.47% của case 1. Tài sản trong trường hợp 2, tăng từ 100 đồng tăng lên 285.61 đồng, cao hơn nhiều so với mức thành tựu tổng 160 đồng của trường hợp trước.
Giá trị tuyệt đối kiếm được quan trọng vì lợi nhuận 20% trên con số vốn trăm tỷ khác rất nhiều so với 20% trên con số vốn vài tỷ. Đó không chỉ là vấn đề về thanh khoản không thôi mà cách tư duy để ra được cùng con số đó trên quy mô vốn khác nhau là một sự khác biệt lớn.
Tỷ trọng trong tổng tài sản cũng là một điểm quan trọng. Một khoản đầu tư chiếm 10% tài sản kể cả tăng gấp đôi đi chăng nữa thì cũng chỉ tương đương tổng tài sản của bạn tăng 10%. Mà để kiếm 10% cho tổng tài sản an toàn hơn nhiều so với việc kiếm gấp đôi cho 10% tài sản. Đừng đặt sai trọng tâm.
Do đó khi nghe về một tỷ suất lợi nhuận bạn cần đặt ra các vấn đề sau trong đầu (i) Cách tính để ra con số tỷ suất lợi nhuận đó như thế nào (ii) Liệu con số đó có gì chứng minh được không (iii) Tỷ suất lợi nhuận đó kiếm được trên số vốn đầu tư là bao nhiêu? (iv) Số vốn đầu tư đó chiếm bao nhiêu % tổng tài sản ? (v) tỷ suất lợi nhuận đó ổn định hay bấp bênh năm lãi năm lỗ, những năm trước đó thế nào ? Trong những năm cả thị trường đi xuống thì tỷ suất lợi nhuận là bao nhiêu?
Đấy là sự thận trọng với tỷ suất lợi nhuận mà bạn nghe ai đó giới thiệu hay claim. Còn với lợi nhuận của bạn thì điều trước tiên bạn cần phải tính cho chính xác và đầy đủ đi đã. Đó là điều rất quan trọng. Trên thực tế thì cũng không ít trường hợp không thực sự biết mình lãi lỗ chính xác là bao nhiêu. Điều này thực sự nguy hiểm đấy vì bạn sẽ không đúc rút ra được điều gì từ các quyết định của mình nếu chỉ tính áng áng hay à uôm.
Kinh nghiệm của LeoX cho thấy việc quản lý lãi lỗ tổng tài sản cũng như từng khoản mục đầu tư rất quan trọng, cho dù nó bé hay lớn, cho dù chỉ là khoản phí giao dịch, thuế cổ tức hay lãi margin.
Bản thân LeoX cũng không tin tuyệt đối vào số liệu thống kê trên phần mềm của các Công ty chứng khoán mà tự mình quản lý trên file riêng. Phần vì còn có những tài sản khác không nằm trong CTCK như BĐS, vàng, trái phiếu … Phần vì cần nhìn được những thông số mà phần mềm CTCK không tự tính sẵn cho mình. Phần nữa vì chả tin ai cả, thi thoảng tự dưng nó lỗi lỗi hiển thị sao đó vào mà tài sản bay đâu mất tiêu nhìn hết hồn. Cũng có lúc được claim là có mức phí ưu đãi VIP nhưng thực tế lại không phải.
Cụ thể từng khoản mục, tính toán chính xác và lưu lại hết những giao dịch/ quyết định của mình là bước cần thiết và quan trọng dù bạn là Pro hay F0.