Tư duy hệ thống bản chất là một ngành khoa học. Chìa khóa để hiểu được tư duy có hệ thống là phải công nhận rằng nếu không bị can thiệp, tư duy sẽ được tổ chức theo một chương trình định sẵn chứ không phải theo cách mà chúng ta muốn. Tư duy hệ thống là cách hiểu thực tế nhằm nhấn mạnh tới mối quan hệ giữa các phần của hệ thống, thay vì chỉ bản thân các bộ phận

Có nhiều người thà khóc trong BMW chứ không muốn cười trên xe đạp. Đó là một cách người ta lựa chọn dạng tư duy , chẳng có gì sai hay đúng cả. Người ta sẽ tự chịu trách nhiệm trước cách sống của bản thân và cuộc đời của họ, bạn có thể đồng tình hoặc không, nhưng chả có tư cách phê phán hay chỉ trích họ.

Nói chung, một số người không ít thì nhiều có một chút tiêu chuẩn kép, họ xem nó là hiển nhiên vì sa vào tư duy lối mòn. Trong tư duy hệ thống sẽ tồn tại 3 phương thức tư duy. Cụ thể:

1/ Tư duy theo kinh nghiệm: là việc dùng các kinh nghiệm mà cá nhân (hoặc người khác) đã tích lũy để xử lý vấn đề. Càng già, càng trải nghiệm nhiều thì kinh nghiệm càng nhiều.

Ví dụ như các kinh nghiệm về thời tiết, sản xuất của ông cha ta. Như: Bầu nắng, mướp đắng mưa, dưa đại hạn. Hay như “Chuồn chuồn bay thấp thì mưa - Bay cao thì nắng bay vừa thì râm” … Etc  

Nên lưu ý, tư duy theo kinh nghiệm có đúng có sai. Tư duy về nhìn trời đoán thời tiết còn có chút cơ sở, chứ trong công nghệ “nhân tướng học để đánh giá phụ nữ” thì thường sai bét. Ví như đến giờ nhiều anh chàng còn có suy nghĩ, kiểu: “Hồng diện đa âm thuỷ - Trường mi hạ tố mao - Triết yêu âm huyệt hạ - Trường túc bất chi lao”

Hoặc theo sách Liễu Trang có ghi có 72 tiện tướng về dâm tính của người phụ nữ. Đại khái là nó nói phụ nữ ngoại hình ra sao thì sẽ có nhu cầu tình dục mạnh mẽ. Rõ là nhiều chỗ chả có cơ sở khoa học nào, nhưng vẫn được nhiệt liệt đón nhận bởi nhiều thằng ngố.

Thế nên mới nói, ai cũng có kinh nghiệm cả, nhưng THẾ GIỚI QUAN khác nhau dẫn đến việc quy nạp để rút kinh nghiệm khác nhau.

2/ Tư duy logic: Toán học có một phép từ A suy ra B, nó gọi nó là kéo theo. Tương tự thế, tư duy logic là kiểu tư duy từ A suy ra B. A và B có mối liên kết nào đó móc xích lại với nhau. Tư duy logic hình thành lên Tư duy phân tích và Tư duy tổng hợp.

Ví dụ như anh A nói: Chỗ kia đang có đám cháy. Nguyên nhân là anh ta trông thấy khói bốc lên nghi ngút, thế là sẽ phán đoán là ở đấy đang có đám cháy, đó là do phân tích tình huống, là tư duy logic.

Nhưng nếu một anh chàng khác gật đầu phụ họa, nói: Chỗ kia đang có đám cháy. Nhưng lý do bởi anh ta biết nơi ấy là địa điểm người ta hay đốt rác vào lúc 17h chiều, nên tầm ấy có đám cháy là điều hiển nhiên. Đấy lại là kiểu tư duy theo kinh nghiệm rồi.

Nên nhớ Logic học là khoa học về những quy luật và hình thức cấu tạo của tư duy chính xác. Nhưng tư duy logic chưa hẳn lúc nào cũng đúng, nó chỉ là hợp lý thôi. Có khi trước cùng một vấn đề, cùng áp dụng một kiểu tư duy logic, nhưng những kết luận được rút ra rất là khác nhau. Ấy là vì sao ạ? Đơn giản, là thế giới quan của mỗi người khác nhau.

Lý giải điều này đơn giản như sau: từ A suy ra B, nếu A là một mệnh đề đúng thì chúng ta mới xem xét đến câu chuyện A suy ra B. Chứ nếu A là mệnh đề sai, thì A suy ra B nó chả có ý nghĩa gì. Thế nên mới có chuyện, đứng trước một sự vật, hiện tượng  nào đó thì mỗi người có một góc nhìn khác nhau.

Ví dụ như có đề bài như sau: Có số nào mà bình phương của nó bằng 90 không?

Bọn nhóc cấp 1 sẽ giải như sau: 9 x 9 = 81, 10 x 10 = 100. 81 < 90 < 100 vậy suy ra không tồn tại số nào như đề bài yêu cầu. Nhưng đám nhóc học cấp 2 sẽ biết ngay đó là +/- căn bậc 2 của 90.

Khi xảy ra tranh luận, nếu như 2 đứa không tôn trọng quan điểm của nhau chắc chắn sẽ dẫn đến cãi vã. Thằng nhỏ sẽ nghĩ: Sao nó lớn rồi mà ngu như bò vậy. Còn thằng lớn thì nói: Bọn nhóc con trí tuệ không đủ. Thế là đứa nào cũng khăng khăng cho là mình đúng, tranh luận sẽ chẳng đi tới đâu cả. Nhưng nếu đứa nhỏ suy nghĩ: Anh ấy học nhiều hơn mình, có lý nào lại ngu như thế, thử hỏi cụ thể xem sao. Thằng lớn nếu đủ thông minh sẽ nghĩ: Em ấy đang học trong tập số tự nhiên, có thể chưa học số vô tỷ. Lúc này cả hai ngồi lại bình tĩnh giải quyết, sẽ lòi ra vấn đề ngay thôi.

Đấy, các bạn thấy chưa, thế giới quan của mỗi người khác nhau nên cách nhìn nhận vấn đề nó là khác nhau. Việc của chúng ta là tích lũy đủ nền gốc, đủ kiến thức để có thể tư duy hợp lý.

Trước một vấn đề nảy sinh ra bất đồng chính kiến, trước khi chửi người khác ngu và sa vào tranh cãi không cần thiết, hãy tự đặt cho mình câu hỏi: Tại sao chúng nó suy nghĩ buồn cười thế kia. Lúc bấy giờ sẽ xảy ra các tình huống cơ bản như.

- Thằng A nghĩ một đằng nhưng nói một nẻo, cố tình gây war (xung đột để chửi nhau)

- Tư duy suy nghĩ của thằng A gặp vấn đề (gặp vấn đề về tư duy logic)

- Thế giới quan của thằng A khác mình (khác điểm xuất phát và cơ sở dữ liệu phân tích)

- Khác nhau về lập trường (cả 2 thằng đang khác nhau về hệ quy chiếu)

Học toán, chắc các bạn đều biết đến khái niệm gọi là: Tiên đề. Một tiên đề trong toán học là một mệnh đề được coi như luôn đúng và không cần chứng minh. Ví dụ như qua hai điểm kẻ được một đường thẳng, hay qua một điểm nằm ngoài một đường thẳng ta vẽ được một và chỉ một đường thẳng song song với đường thẳng đã cho. Đó đều là những điều được xem là hiển nhiên, không cần chứng minh và cũng khó lòng chứng minh.

Mở rộng ra ngoài khái niệm Toán học, trong hầu hết lĩnh vực thì tiên đề là điều kiện cần thiết để xây dựng bất cứ một lý thuyết nào. Và lý thuyết tư duy logic cũng vậy.

Giờ tôi muốn hỏi các bạn. Ví dụ như ai đó đang tư duy: Ôi, cô kia mặt đã xinh ngực lại to nữa, chắc là bồ của đại gia! Theo bạn, đó là tư duy theo logic hay theo kinh nghiệm?

3/ Tư duy sáng tạo: Hiểu đơn giản, tư duy sáng tạo là kiểu tư duy từ A suy ra B song A và B không có mối liên kết nào trực tiếp.

A.Eistein có nói một câu rất hay: “Logic sẽ đưa chúng ta từ A đến B. Nhưng trí tưởng tượng sẽ đưa chúng ta đến bất cứ đâu.” Và trí tưởng tượng nó là 1 biểu hiện của tư duy sáng tạo.

Nói chung, không phải ai trong chúng ta cũng có tố chất sáng tạo này. Và có những cái gọi thuộc về kiểu “tư duy sáng tạo” là “sáng kiến”, có thứ là “tối kiến”, có cái sáng tạo hợp lý, có cái sáng tạo rất buồn cười.

Ví dụ kinh điển là Edison sáng tạo ra bóng đèn không phải từ việc cải tiến cái đèn dầu. Giữa đèn dầu và đèn điện đều có cùng mục đích cung cấp nguồn sáng nhưng khác hẳn nhau về bản chất.

Ví dụ vui khác, như việc Nasa chi hàng chục triệu đô để nghiên cứu phát triển ra loại bút mực có thể viết chữ trong môi trường không trọng lực. Quá trình phát triển chưa thành công, nhận ra rằng các nhà du hành Nga dùng bút chì.

Mặc dù sở hữu cả 3 loại tư duy nhưng mỗi người sẽ có xu hướng thiên về một hình thức tư duy nào đó phụ thuộc vào tố chất và môi trường sống.

a/ Phương thức truyền tải tới mọi người, đó chính là một cách tư duy trực quan và đa chiều, phân tích đi vào giá trị cốt lõi của vấn đê để tìm về bản chất, đánh giá hợp lý hay không, nên hay không nên.

Nhớ kỹ này, về mặt logic thì hầu như bất kể quan điểm nào, tức là có nhận xét đánh giá của người viết về vấn đề (sự vật, hiện tượng ...), thì nó đều là chủ quan hết. Người ta chỉ nên để tâm đến việc người viết có nhìn nhận vấn đề đa chiều hơn 1 chiều, logic hay thuần cảm tính. Cách nói “chủ quan” hay “khách quan” mà nhiều người hay dùng, thực ra nó không đúng với bản chất vấn đề đâu.

b/ Hệ quy chiếu. Chủ quan và khách quan.

Nhớ nhé, đứng trên hệ quy chiếu cá nhân thì chắc chắn nó là chủ quan. Còn khách quan, đó phải là những mô tả về bản chất của vấn đề (hệ quy chiếu tổng thể). Việc của chúng ta là phải biết lựa chọn, tìm ra cái gì phù hợp với mình. Về tư duy logic, nhiều người hay nhầm lẫn chủ quan với khách quan sang đa chiều và 1 chiều.

Ví dụ 1: Ngọc Trinh chân rất dài, eo rất thon.

Bạn nghe tấm tắc, bảo nhận xét rất đúng, rất khách quan. Nhưng thực ra đây là ý kiến chủ quan, bạn đồng tình vì chủ quan của chúng ta giống nhau (đang xài 1 hệ quy chiếu). Ý kiến khách quan phải là: Ngọc Trinh có đôi chân 1m và vòng eo 60cm..

Ở Việt Nam chúng ta, một cô gái 1m65 được xem là cao nhưng sẽ là lùn khi ở phương Tây. Hoặc một cô gái nặng 60kg được xem là mập, nhưng giả sử như cô ấy cao 1m85 thì lại được xem là gầy.

Vậy nên, cái đúng ở đây phải là: Ngọc Trinh chân dài 1m và vòng eo 60 cm. Việc của chúng ta là phải phân biệt, đánh giá được nội dung này là tốt xấu, đúng sai ... Ví dụ như cho rằng với người phụ nữ Á Đông (VN) thì 1 cô gái 1m65, chân dài 1m là cao, vòng eo 60 cm là thon.

Câu hỏi đặt ra ở đây là: Đứng trước một sự vật/hiện tượng, làm sao để chúng ta đánh giá được nó? Hay nói đơn giản: Làm sao bạn biết/phân định một cái gì đó là đúng hay sai?

Xin thưa, trước nhất bạn phải xác định rõ TIÊU CHUẨN của đúng hay sai là gì. Tức là chọn ra được một HỆ QUY CHIẾU. Khi hệ quy chiếu khác nhau thì nhận định sẽ khác nhau. Nếu như hệ quy chiếu (tiêu chuẩn) để tham chiếu của bạn bao gồm n tiêu chí thì nếu như bất cứ một tiêu chí nào là sai thì cái đó sai.

Nói ví dụ trong toán học, để chứng minh một mệnh đề đưa ra (trong tập xác định) là đúng thì ta phải chứng minh đúng với mọi. Ngược lại, để chứng minh mệnh đề đó sai, ta cần chỉ ra một ví dụ sai là được.

Trong đời sống, bất kì một lĩnh vực nào, cơ quan nhà nước đều biên soạn, công bố và áp dụng những qui định nhằm phân loại, đánh giá, phân tích và lựa chọn một đối tượng cần xem xét đưa ra ban đầu. Cụ thể là bộ qui trình, qui chuẩn qui phạm kĩ thuật của từng nghành nghề. Khi đã có tiêu chuẩn thì bạn phải có đủ thông tin về sự vật, sự kiện đó thì mới có thể so sánh để đưa ra kết luận được. Bạn phải hết sức chú ý tới nguồn tin và sự đầy đủ của thông tin.

Bạn sống ở trong môi trường nào, tiếp xúc với những thứ gì nhiều và liên tục, lập tức bạn rất dễ bị ảnh hưởng. Đường Tăng sống trong chùa từ bé, vậy quan điểm của ông ta thì ăn thịt uống rượu và QHTD nam nữ là sai. Hay như các bạn trẻ trong Đô Thành SG đọc nhiều bài định hướng ca ngợi chế độ cũ, nghe cô Linda rao giảng đạo đức nhiều ... rất dễ bị ảnh hưởng và có tư tưởng phản động. Phản động được hiểu ở đây là lệch với chế độ xã hội chủ nghĩa đương đại. Điều này khá dễ hiểu.

Các bạn học Vật Lý, biết về cái gọi là Hệ quy chiếu và Tính tương đối chưa? Ai biết rồi thì thôi, ai chưa biết thì đọc tiếp đoạn này.

c/ Đạo bất đồng bất tương vi mưu

Một vật có thể có vận tốc bằng 0 so với trái đất, nhưng nó đang chuyển động rất nhanh so với mặt trời. Vậy muốn xét vận tốc của vật đó, ta phải cần có một thứ đó gọi là hệ quy chiếu. Một khi đã khác hệ quy chiếu, các kết quả đưa ra đều rất khác nhau. Vậy nên mọi thứ đều có tính tương đối thôi.

Ai là đấng toàn năng nhất thế giới này? Là Chúa Jesus hay là Đức Phật, Thánh Ala ...?

Sơn Tùng và G-Dragon ai hát hay hơn? Beckham, Bi Rain hay Leo ai mới đẹp trai nhất?

Rõ ràng chưa có một chuẩn mực (hệ quy chiếu) dành riêng cho điều này, hầu hết các kết luận đều là CHỦ QUAN. Vậy thì tranh luận, tranh cãi đến tết cũng không đưa ra được đáp án.

Hay như câu chuyện tình của tài tử giai nhân ngày xưa, nó là giai thoại đẹp. Nhưng ngày nay đôi khi nó là ấu dâm, khi mà giai nhân của chúng ta chưa đủ 16 tuổi. Khi mà thịt chó là quốc thực của Việt Nam nhưng nó là quốc cấm của Đài Loan.

Chúng ta chỉ nên tranh luận khi đã xác định đối phương và mình đang dùng chung một hệ quy chiếu. Nếu hệ quy chiếu là khác nhau, nên dừng lại, vì đó là việc vô nghĩa. Cũng như người yêu chó theo con và yêu chó theo đĩa ấy mà. Quan điểm sống khác nhau, tức hệ quy chiếu khác nhau rồi.

Các bài viết của tôi hầu hết đều xây dựng trên hệ quy chiếu, đó là Pháp Luật và Đạo đức của người Việt. Thứ nữa, tôi đứng trên tinh thần tôn trọng Khoa học. Việc bạn thấy nó không đúng, đó là quan điểm của bạn khác tôi. OK, tôi cũng không ép các bạn học theo.

Dùng vắc-xin hay Anti vắc-xin, chữa bệnh bằng thuốc hay thầy cúng ... đó là chuyện riêng của gia đình nhà người ta. Tôi nhận ra nói lý với những nguời này là vô ích, vì Hệ quy chiếu họ dùng khác mình. Việc của mình là tuyên truyền định hướng cho những ai tin tưởng mình, rằng nên tin theo y học hiện đại

Có phải nền giáo dục Việt Nam đang ngày càng thối nát, con người ngày càng vô tâm hơn, phụ nữ ngày càng thực dụng hơn, y tế ngày càng gian dối hơn ... (?) Để đánh giá những cái này, chúng ta cần có đủ kiến thức cũng như xây dựng được hệ quy chiếu của riêng mình. Ranh giới giữa đúng và sai, giữa tốt và xấu, giữa thiện và ác … là vô cùng mong manh. Một thứ có thể đúng ngày hôm nay nhưng lại sai vào ngày mai, một thứ có thể tốt bây giờ nhưng lại xấu vào tháng tới. Nó bị chi phối bởi tiêu chuẩn của hiện tại cũng như của tương lai. Nhưng nếu như ngày nào cũng đọc tin tiêu cực, suốt ngày xem những tin tức video về mặt trái xã hội, dần dà bạn cũng sẽ ảnh hưởng ngay đấy.

Để có thể nâng cao năng lực đánh giá và phán đoán, chọn ra cái gì tốt đẹp để noi theo, xấu xa để tránh bỏ - chúng ta cần không ngừng học tập để nâng cao tri thức. Nhưng nên nhớ một khi bạn không có được đầy đủ thông tin để đưa ra kết luận một cái gì đó là đúng hay sai - vậy chớ hấp tấp. Nếu như hoàn cảnh của bạn không bắt buộc phải đưa ra kết luận thì bạn đừng có kết luận gì cả, chỉ xem mà không đánh giá. Sai lầm của hầu hết chúng ta là đưa ra nhận định, đánh giá trong khi chẳng ai yêu cầu.

"Đạo bất đồng bất tương vi mưu" - chính là ý như thế. Mỗi người tự có cách lựa chọn cuộc sống và quan điểm của riêng mình, miễn là đừng ảnh hưởng đến người khác. Vậy nên hãy làm ơn, một khi khác hệ quy chiếu đừng cố bắt người khác phải giống như bạn.

Vào ngày 13 tháng 2 năm 1633, nhà triết học, toán học và thiên văn học người Ý Galileo Galilei đã phải đến Rome để đối mặt với tòa án Thiên Chúa giáo, vì bị buộc tội ủng hộ học thuyết Copernicus mà cho rằng Trái đất quay xung quanh Mặt Trời.

Tuy nhiên học thuyết của Copernicus, cho rằng Mặt Trời là trung tâm, lại trái ngược với giáo lý của Giáo hội Công giáo La Mã, đang cai trị nước Ý lúc bấy giờ. Giáo hội cho rằng Trái đất là trung tâm của vạn vật chứ không phải Mặt Trời, do đó mọi học thuyết phản bác lại điều này đều bị coi là dị giáo.

Sau đó, ông đã phải nhận tội để được giảm nhẹ hình phạt. Cuối cùng, Giáo hoàng Urban VIII quyết định xử ông tội dị giáo và bắt ông phải chịu sự giám sát (giam lỏng) của nhà thờ giáo hội trong suốt phần đời còn lại.

Galileo sau đó vẫn ấm ức không phục, vì: "Dù sao trái đất vẫn quay quanh mặt trời." Nhưng Giáo hội không cần ông phục, cưỡng chế là được. Thế là Galileo sống nốt quãng đời còn lại của mình trong biệt thự tại Arcetri, gần Florence trước khi mất vào năm 1642.

Đấy, các bạn thấy không, khác quan điểm không bao giờ có thể chung sống hòa thuận cùng nhau. Một khi hệ quy chiếu và hành xử của bạn đụng chạm tới lợi ích, cuộc sống người khác - không điều hòa được thì sẽ xảy ra chiến tranh bạo động.

Mâu thuẫn giữa các hệ tư tưởng sẽ dẫn đến xung đột, hệt như mâu thuẫn giai cấp vậy. Một khi đụng chạm đến lợi ích của nhau, lập tức sẽ dẫn đến xung đột, xung đột leo thang sẽ dẫn đến chiến tranh. Và khi bên nào chiến thắng, bên ấy sẽ đặt ra luật buộc cưỡng chế bên khác tuân theo, nếu không sẽ bị tiêu diệt.

Như Galileo sẽ không bao giờ thuyết phục được Giáo hội tin vào điều ông nói. Dùng lý lẽ, lập luận mà có thể thay đổi được quan điểm thì có lẽ đã không có chiến tranh. Nhưng lịch sử vẫn có Thánh chiến tôn giáo, Đấu tranh giai cấp và Chiến tranh thế giới đấy.

Phương dĩ loại tụ, vật dĩ quần phân - Người phân theo nhóm, vật họp theo loài. những người xung đột quan điểm, khác lý niệm thường khó thể đồng hành cùng nhau. Tại sao ư? Bởi tư tưởng cá nhân khác nhau, dẫn đến lập trường sẽ khác nhau, thiện ác phân minh, chính tà đối lập, dù cho một bên có nhường nhịn mãi thì cuối cùng cũng sẽ xung khắc như nước với lửa, tan rã là chuyện sớm tối.

Bởi vậy, Tư duy hệ thống đòi hỏi thấu triệt, nhận diện rõ:

  + mục tiêu tổng thể nằm trong hệ qui chiếu nào

  + Mô tả, phân tích hệ thống sự vật, hiện tượng bám theo mục tiêu tổng thể  

  + Chú ý đến điều kiện biên khách quan mà hệ thống đó tồn tại

  + Các nguồn lực bên trong và bên ngoài của hệ thống  

  + Các bộ phận trong yếu cấu thành nên hệ thống.  

  +  Những yếu tố rằng buộc, liên kết chuỗi để hội tụ hoặc phân kỳ  sự vật, hiện tượng trong thế giới quan.  

  + Kết hợp hài hòa giữa lí trí và trực giác

  + suy nghĩ và vận dụng vào đời sống hằng ngày theo phản xạ có điều kiện

Tôi đã từng đọc được một câu rằng: Hãy nhận thức cuộc sống bằng chính trải nghiệm của mình. Điều đó mới chính xác và phù hợp hơn với bạn.

< nguồn từ Văn + tham khảo từ người bạn>

HN - 11/01/2020 – Canh Tý