(Dành cho người đọc sâu- Bài Năm ngoái Đọc Hay Post Lại Tự Học)
Khi còn là một cậu bé, John D. Rockefeller đã nói rằng hai ước mơ lớn nhất của cậu là kiếm được 100 ngàn USD và sống đến 100 tuổi.
Ông mất ngày 23/05/1937, cách sinh nhật lần thứ 100 của mình chỉ 26 tháng tức thọ 98 tuổi
và để lại một tài sản ròng trị giá 1,4 tỉ USD chiếm 2% GDP của Mỹ hồi đó tầm 92 tỉ USD quy ra thóc bây giờ gần 400 tỉ USD
Với hơn 40 năm sự nghiệp gắn liền với dầu lửa, Rockefeller đã gây ra không ít tranh luận từ công chúng nhưng cũng đã nổi lên như một nhân vật huyền thoại.

TIỂU SỬ TÓM TẮT
25 tuổi, John D. Rockefeller điều hành một trong những nhà máy lọc dầu lớn nhất nước Mỹ.
31 tuổi, ông trở thành nhà kinh doanh dầu mỏ lớn nhất thế giới.
38 tuổi, ông chi phối 90% lượng dầu mỏ ở Mỹ.
Nghỉ hưu ở tuổi 58, ông là người giàu nhất nước Mỹ và thế giới.
NGUYÊN TẮC THÀNH CÔNG ROCKEFELLER
“ Không Bao Giờ Phàn Nàn, Không Bao Giờ Giải Thích”
Nếu có một nguyên tắc bao quát về thành công của Rockefeller thì nó được bao hàm trong châm ngôn:
"Tôi thà kiểm soát chính mình còn hơn để người khác kiểm soát tôi."
Một trong những nét tính cách nổi bật của Rockefeller là sự tự chủ kỳ quái. Ông không ngừng tự rèn luyện cách làm chủ cảm xúc, khao khát hướng tất cả những mong muốn của mình đến mục tiêu. Ông đặt ra mục tiêu lớn, sau đó thực hiện đều đặn và nghiêm túc. Rockefeller hiểu rằng nếu muốn trở thành ông chủ của chính mình, trước hết bạn phải học cách làm chủ bản thân.
Khi còn nhỏ, mẹ của ông đã dạy rằng: "Làm chủ chính mình giúp ta giành chiến thắng, vì nó có nghĩa là ta làm chủ được người khác".
Thời còn trẻ, ông rất nóng tính nhưng đã từ học cách kiểm soát và duy trì tới cuối đời thái độ bình thản đến đáng kinh ngạc. Người khác càng lo lắng, thì ông càng bình thản. Sự điềm tĩnh của ông đi kèm với vẻ kín đáo: ông ít khi tiết lộ suy nghĩ của mình, ngay cả với những đồng nghiệp thân thiết.
Đó không chỉ là sở thích hay tính cách mà còn là một chiến lược có chủ ý; làm chủ tâm trạng và sống theo châm ngôn:
"Thành công đến từ việc dóng tai lên nghe và ngậm chặt miệng".
Trong quan hệ với nhân viên, bất kể nhân viên cấp thấp đến mấy, ông cũng không bao giờ bực tức, ngay cả khi họ kêu ca than phiền. Một nhân viên tại nhà máy lọc dầu kể lại: "Ngài Rockefeller luôn gật đầu chào và nói chuyện tử tế với mọi người, không bao giờ quên ai. Công ty đã trải qua khoảng thời gian khó khăn trong những năm đầu hoạt động, nhưng tôi chưa bao giờ thấy ngài Rockefeller không thân thiện cả. Không có gì có thế kích động được ngài ấy".
Ông không bao giờ lên giọng, nói lời xúc phạm, hay cư xử bất lịch sự. Nhiền nhân viên nhận xét ông là người công bằng, không nhỏ nhen hay tỏ vẻ độc tài.
Tin rằng im lặng cũng là sức mạnh, Rockefeller lắng nghe nhiều hơn trong các cuộc họp với những người đứng đầu công ty. Sự điềm tỉnh này góp phần gia tăng sức ảnh hưởng của ông trong phòng họp. Ông càng im lặng, sự hiện diện của ông càng có sức nặng. Ngay cả khi các đồng nghiệp đang tranh luận gay gắt, vị chủ tịch của Standard Oil vẫn giữ vẻ điềm tĩnh. Như một giám đốc kể lại, "Tôi đã chứng kiến những cuộc họp mà các thành viên quá khích nói những lời lẽ không hay và có những cử chỉ đe dọa, nhưng ngài Rockefeller vẫn hết sức lịch sự, tiếp tục chủ trì cuộc họp".
Khi đối mặt với đối thủ, vẻ điềm tĩnh của Rockefeller khiến họ mất bình tĩnh. Khoảng lặng dài khi đàm phán thường khiến đối phương cảm thấy bối rối. Ông thường trả lời những câu chất vấn hóc búa một cách chậm rãi và đĩnh đạc, phá hỏng mục đích của đối phương. Rockefeller thích kể câu chuyện về một nhà cung cấp tức giận xông vào văn phòng ông và tuôn ra một tràng chỉ trích. Rockefeller ngồi quay mặt vào trong, khom lưng trước bàn làm việc cho tới khi người kia nói xong. Sau đó, ông quay lại và bình thản nói, "Tôi không nghe kịp những điều anh vừa nói. Anh vui lòng lặp lại giúp tôi được không?".
Rockefeller cũng thận trọng bảo về sự riêng tư, thường xuyên từ chối các lời mời phỏng vấn. Không chỉ vì ông không thích người khác soi mói việc kinh doanh của mình, mà còn vì ông tin rằng càng tránh xa báo chí, càng duy trì được hứng thú của công chúng. Ngoài ra, ông cảm thấy trả lời phỏng vấn rất dễ vô tình để lộ bí mật kinh doanh vốn cần giữ kín.
Ngay cả khi báo giới chỉ trích ông, Rockefeller vẫn chọn giữ im lặng. Ông rất hiếm khi đọc những lời chỉ trích này vì ông khinh thường những chỉ trích từ người mà ông cảm thấy không liên quan đến công ty mình:
"Đứng ở chỗ thoải mái và buông lời chỉ trích thì dễ, làm việc và nỗ lực kiếm được quyền đưa ra kết luận lại là chuyện khác".
Ông không cần sự chấp nhận của người khác, đặc biệt là những người ông không hề tôn trọng.
Lời giải thích tốt nhất cho phản ứng "không phàn nàn, không giải thích" của ông có lẽ nằm trong câu chuyện do một người bạn kể lại. Hai người đang dạo quanh khu đất của Rockefeller, người bạn này thúc giục ông phản hồi lại những lời chỉ trích. Rockefeller chỉ vào con sâu bướm và nói:
"Nếu tôi dẫm lên con sâu, nó sẽ được chú ý đến. Còn nếu tôi phớt lờ thì sẽ chẳng ai biết nó tồn tại cả".

CHIẾN LƯỢC KINH DOANH “ KHÔNG CÓ ĐỐI THỦ”( ĐỘC QUYỀN THỊ TRƯỜNG)
Rockefeller đặt trọn niềm tin của ông vào tương lai ngành dầu khí, năm 1865, ông quyết định bán cổ phần của mình trong Clark & Rockefeller và thành lập công ty Rockefeller & Andrews, sau đó cùng hợp tác với Henry Flagler để lập ra công ty Rockefeller, Andrews & Flagler. Đến năm 1868, Rockefeller, Andrews & Flagler đã trở thành cơ sở lọc dầu lớn nhất trên thế giới. Nhận thấy được tiềm năng của ngành lọc dầu, vào năm 1870, ông và 4 thành viên khác thành lập Công ty Standard Oil và Rockefeller là chủ tịch.
Vào thời điểm hoàng kim của Standard Oil, Cleveland đã trở thành một trong năm trung tâm lọc dầu lớn nhất ở Mỹ. Với chiến lược đầu tư vào ngành vận tải đường sắt và ép giá vận tải đường sắt bằng các thỏa thuận bí mật, Rockefeller đã tạo ra một lợi thế lớn trong cạnh tranh.
Ông cũng thực hiện chiến dịch mua lại các nhà máy lọc dầu của đối thủ, chỉ trong sáu tuần của năm 1872, ông đã mua lại được 22 trong số 26 nhà máy ở Cleveland, nó khiến cho Standard Oil hầu như không có đối thủ tại đây.
Bằng cách liên tục nâng cao hiệu quả hoạt động và gây sức ép đòi chiết khấu vận tải từ các công ty đường sắt, Rockefeller đã đưa Standard Oil trở thành một trong những công ty lớn mạnh nhất trong lĩnh vực lọc dầu.
Standard Oil đồng thời là một trong những công ty bán dầu lửa lớn nhất ở Mỹ, Standard Oil gần như độc quyền kiểm soát thị trường trong gần mười năm. Để kiểm soát cổ phần đầu tư vào các nhà máy lọc dầu trên cả nước, Rockefeller đã thành lập Standard Oil Trust vào năm 1882. Đến lúc này, Rockefeller mới thật là tâm điểm gây nhiều sự chú ý từ giới quan sát bởi sự ảnh hưởng và quy mô của Standard Oil Trust. Dưới bàn tay của Rockefeller, giá dầu lửa (kerosene) đã giảm xuống gần 80%.
Nhưng sự độc quyền của Sandard Oil Trust đã làm báo giới, các nhà hoạt động vì quyền lợi của người tiêu dùng, các chính trị gia lo lắng. Rockefeller trở thành mục tiêu của những lời chỉ trích từ công chúng. Năm 1892, luật chống độc quyền ở Ohio thậm chí còn buộc chi nhánh Stardard Oil ở Ohio tách ra khỏi công ty mẹ.
Từ năm 1896 đến 1911, ảnh hưởng của Rockefeller đối với Standard Oil giảm dần. Trong khi vẫn giữ chức chủ tịch và sở hữu số cổ phần của mình trong Standard Oil, Rockefeller đã rút lui khỏi công việc điều hành công ty. Năm 1911, Standard Oil gặp một thất bại lớn, nhưng công ty này vẫn nắm giữ 64% thị phần. Tòa án Tối cao Mỹ đã quyết định rằng vì Standard Oil đã thực hiện hành động độc quyền không hợp pháp nên buộc phải chia tách thành 34 công ty nhỏ hơn. Trong số này, vẫn còn tồn tại đến ngày nay một số công ty như Chevron, Exxon và Mobil.
Trong suốt sự nghiệp, Rockefeller cũng đã tham gia khá nhiều hoạt động từ thiện. Ông đã dùng 10% thu nhập của mình tặng cho nhà thờ mà ông đã từng làm quản lý thời trẻ. Ông cũng đóng góp nhiều tiền cho các hoạt động giáo dục và y tế, trong đó có 80 triệu USD cho trường Đại học Chicago, thành lập Đại học Rockefeller và Quỹ từ thiện Rockefeller. Tổng cộng, Rockefeller đã bỏ ra 550 triệu USD trong số tài sản 1,4 tỉ USD của mình để làm từ thiện.
CÁC NGUYÊN TẮC SỐNG - LÀM VIỆC MANG “THƯƠNG HIỆU ROCKEFELLER”
A- Luôn chú trọng đến tiểu tiết “ Thứ gì ĐO LƯỜNG được thì quản lý được”
Rockefeller thành công không chỉ vì trí thông minh bẩm sinh mà còn vì thói quen làm việc cẩn thận và chú trọng tiểu tiết. Về vẻ bề ngoài, Rockefeller luôn ăn mặc chỉnh tề và tươm tất. Râu luôn được cạo sạch và giày luôn được đánh bóng. Với những cuộc họp, ông luôn có ý thức đến đúng giờ, tin rằng "Không ai có quyền vô cơ chiếm lấy thời gian của người khác".
Ông luôn tuân theo thời gian biểu - phân chia khoảng thời gian nhất định cho công việc, gia đình, niềm tin, sở thích và thực hiện đúng theo đó. Trong kinh doanh, ông luôn trả nợ và hoàn thành hợp đồng đúng hạn. Khi đọc thư cho thư ký viết, ông sẽ viết nháp 5-6 bản, điều chỉnh từ ngữ cho đến khi cảm thấy nó truyền tải đúng ý ông nhất. Ông cũng rất kỹ lưỡng trong việc ký những lá thư này.
Còn về công việc kế toán, Rockefeller luôn tràn đầy nhiệt huyết. Ông luôn tôn trọng những con số và sự kiện, bất kể nó nhỏ thế nào. Nếu có một lỗi nhỏ trong hóa đơn, Rockefeller nhận ra ngay. Dù sai xót chỉ đáng vài xu, ông cũng yêu cầu lỗi đó phải được sửa chữa.
Là chủ tịch công ty Standard Oil, ông luôn quản lý mọi con số được tạo ra trong đế chế hỗn loạn của mình, vì nó cho phép ông có cái nhìn khách quan về tình hình hoạt động và biết khi nào dữ liệu không trùng khớp với báo cáo từ cấp dưới. Mỗi chi phí trong Standard Oil đều được tính toán đến nhiều số lẻ. Rockefeller tin rằng:
"Thứ gì đo lường được thì quản lý được".
Một số người cho rằng sự ám ảnh về tiểu tiết này là quá mức và phí sức, nhưng Rockefeller biết rằng những sự điều chỉnh nhỏ có thể sẽ tạo ra ảnh hưởng lớn. Ví dụ, khi thăm quan nhà máy, ông nhìn thấy công nhân niêm phong những thùng dầu sắp xuất khẩu bằng 40 giọt chất hàn. Ông yêu cầu quản đốc thử chỉ dùng 38 giọt thì thấy một vài thùng bị rỉ, nhưng khi tăng lên 39 giọt thì các thùng đều được hàn kín, vì thế họ đã thay đổi phương pháp để tiết kiệm hàng trăm ngàn USD cho công ty.
B- Sống Cần Kiệm - Bất CHẤP GIÀU SANG
Rockefeller tin rằng một trong những yếu tố quan trọng nhất định hình thành công của ông là theo dõi mọi khoản chi tiêu và tiết kiệm. Từ khi còn trẻ, ông đã ghi chép tình hình tài chính của mình và một cuốn sổ nhỏ màu đỏ mà ông đặt tên là "Sổ Cái A". Khi đã về già, không để nó trong một két sắt như một di sản. Trong giai đoạn khó khăn khi ông còn là trợ lý kế toán ở Cleveland, ông sống giản dị nhất có thể.
Thậm chí khi đã giàu có, số kế toán cá nhân trở nên dày đặt và phức tạp hơn ông vẫn tự quản lý sổ sách, chỉnh sửa những lỗi nhỏ nhất chứ không nhờ đến các chuyên gia. Mặc dù giờ đây phải chi trả cho bất kì món đồ nào trong cột chi tiêu, Rockefeller vẫn tiếp tục sống giản dị. Ông mua và cho xây dựng những căn nhà lớn nhưng chúng khá khiêm tốn so với khả năng tài chính của ông. Ông thiết kế và trang trí nhà cửa không phải để gây ấn tượng với người khác mà đơn giản là cho gia đình, và ông chọn phong cách không phô trương.
Rockefeller giữ thói quen tiết kiệm của mình cả đời. Ông giữ lại giấy và dây buộc của những bưu kiện được gửi đến, mặc quần áo đến khi nó sờn đi, và xuống nhà giữa đêm để tắt những chiếc đèn còn sáng. Khi chơi golf, ông luôn sử dụng bóng golf cũ. Khi thấy người khác dùng banh mới, ông ngạc nhiên thốt lên, "Hẳn là họ giàu có lắm!". Vào những ngày lễ, vợ chồng ông tặng nhau những món quà thiết thực như bút hoặc găng tay, sau đó viết cho nhau những dòng thư dạt dào tình cảm, bày tỏ rằng họ trân trọng món quà đến mức nào.
Vợ chồng Rockefeller rất muốn dạy con của mình lối sống tiết kiệm. Để con trân trọng những gì mình có, hai người cố gắng không thể hiện cho con biết mức độ giàu có của gia đình. Các con của họ chưa bao giờ đi tham quan nhà máy lọc dầu hay văn phòng của cha. Mỗi người được yêu cầu có sổ kế toán riêng, họ có thể kiếm tiền tiêu vặt bằng cách làm những việc như sửa bình hoa, diệt ruồi, nhổ cỏ, chặt củi và không ăn kẹo. Họ mặc quần áo cũ của anh chị và chỉ nhận được một ít quà và đồ chơi. Khi cả 4 người con đều muốn mua xe đạp, Rockefeller quyết định chỉ mua một chiếc để các con học cách chia sẻ.
Ở mặt nào đó, sự tiết kiệm của Rockefeller không hẳn là về tiền bạc - mà là một cách luyện tập một nhân tố tạo ra thành công ngay từ đầu và duy trì nó đến cuối cùng: SỰ TỰ CHỦ
C-Khiêm Tốn-NGÀI BỌT BIỂN “Quan trọng là phải nhớ điều người khác nói với mình, thay vì điều bản thân mình đã biết”
Trong suốt cuộc đời, Rockefeller luôn cần mẫn nuôi dưỡng đức tính khiêm tốn. Ngay từ đầu sự nghiệp, ông đã hiểu quyền lực và sự giàu có dẫn đến sự ngạo mạn và cố gắng không bị "cái tôi" điều khiển.
Khi vị trí ngày càng cao, ông ghi nhớ câu “Trèo cao ngã đau” mỗi ngày. Mỗi đêm, nằm trên giường, ông suy ngẫm về sự bất định của ngành dầu mỏ và sự phù du của thành công, rồi tự nhắc nhở bản thân đừng cao ngạo trước bất kỳ quan niệm ngu ngốc nào.
Dù sau này khi đã trở thành người giàu có nhất nước Mỹ, Rockefeller lại càng trân trọng cơ hội được gặp gỡ mọi người. Rockefeller luôn hứng thú và hiếu kỳ về người khác, bất kể họ thuộc tầng lớp nào. Đi đến đâu ông cũng hỏi han những người ông gặp, và chăm chú lắng nghe điều họ nói.
Trong công việc, ông mong muốn tìm hiểu tất cả mọi người, bất kể cấp bậc cao thấp trong công ty. Qua những chuyến thăm mỏ dầu, người ta đặt cho Rockefeller biệt danh "Ngài bọt biển" vì ông luôn hăng hái quan sát và tiếp thu mọi thông tin về cách mọi thứ vận hành. Ông không chỉ nói chuyện với người giám sát mà còn cả những người thợ khoan dầu nữa.
Standard Oil, ông luôn hỏi người giám sát xem liệu công việc có thể được cải thiện như thế nào, ghi chú lại những đề nghị của họ vào sổ tay mà ông luôn mang theo bên mình. Rockefeller có niềm tin vững chắc rằng: "Quan trọng là phải nhớ điều người khác nói với mình, thay vì điều bản thân mình đã biết".
Trong những cuộc họp ban giám đốc của Standard Oil, Rockefeller không ngồi ở đầu bàn họp mà ngồi giữa những đồng nghiệp. Ông hỏi ý kiến mọi người trước khi đưa ra ý kiến của mình. Ngay cả khi đó, ông đưa ra ý kiến của mình dưới dạng lời đề nghị hoặc câu hỏi. Thay vì bắt mọi người nghe theo mình, ông luôn dùng từ "chúng ta" thay vì "tôi", khuyến khích sự thỏa hiệp và mong muốn quyết định được dựa trên sự nhất trí. Ông thích quản lý mọi cấp bậc trong Standard Oil một cách chừng mực và cho đồng nghiệp và cấp dưới có quyền tự chủ tối đa.
D-The Men Who Built America- “Người kinh doanh với ý tưởng làm giàu sẽ không thành công; bạn phải có một tham vọng lớn hơn thế”- SỨ MỆNH CUỘC ĐỜI
Ông xem sứ mệnh vĩ đại nhất đời mình là ổn định ngành công nghiệp, tạo việc làm và hạ giá dầu, giá xăng để phần lớn người dân có thể chi trả và sử dụng.
Khi còn trẻ, Rockefeller muốn trở nên giàu có, và ông hoàn toàn được thúc đẩy bởi đam mê làm giàu. Nhưng quan trọng là động lực xây dựng doanh nghiệp của ông không chỉ dựa vào tham vọng này, mà còn bởi sự thỏa mãn và các mục tiêu.
Đầu tiên, ông yêu thích công việc của mình, tính chất, sự tự chủ và thử thách mà công việc mang lại. Trong công việc đầu tiên, ông làm việc chăm chỉ từ sáng sớm đến tối mịt không chỉ để gây ấn tượng với sếp mà còn vì công việc thú vị đối với ông. Niềm yêu thích công việc được duy trì bởi một động lực lớn hơn là đơn thuần chỉ để tích góp tiền bạc.
Khi Rockefeller ngày càng thăng tiến, ông làm việc không chỉ vì sự thỏa mãn vốn có, hay để kiếm tiền, mà là hướng đến mục đích lớn hơn. Đầu tiên, ông muốn là người tiên phong cho phong cách kinh doanh mới. Rockefeller có một tầm nhìn và mong muốn xây dựng tương lai bền vững và lâu dài cho ngành dầu mỏ.
Mục tiêu của ông chính là một cuộc cách mạng kinh tế mà ông tin tưởng rằng sẽ đem lại lợi ích cho cả quốc gia:
"Tôi không có tham vọng làm giàu. Làm việc chỉ để kiếm tiền chưa bao giờ là mục tiêu của tôi. Tôi nhìn thấy một tương lai tươi sáng cho đất nước, và tôi muốn góp phần biến đất nước ta tuyệt vời hơn. Tôi có tham vọng xây dựng đất nước."
Ngoài ra, mục đích xây dựng đế chế công nghiệp của Rockefeller còn thể hiện qua việc càng có nhiều tiền, ông càng quyên góp nhiều. Trong năm đầu tiên làm kế toán, mặc dù tiền lương chỉ đủ sống, Rockefeller đóng góp khoảng 6% số tiền của mình cho từ thiện. Đến năm 20 tuổi, ông luôn đóng góp hơn 10%. Sau này, ông tài trợ cho những dự án lớn và tham vọng hơn, bao gồm các trường đại học, cơ sở nghiên cứu y khoa, trường học và các chiến dịch sức khỏe toàn cầu. Cho đến khi qua đời, ông đã quyên góp gần 540 triệu USD.
Rockefeller thấy làm giàu cũng như mọi công việc hoặc sứ mệnh khác. Sự giàu có thường là kết quả của quá trình theo đuổi những mục tiêu khác, hơn là từ quá trình thay đổi chính sự giàu có. Việc có mục tiêu lớn hơn tiền tài danh vọng được cho là yếu tố góp phần làm nên thành công của Rockefeller.
10 BÀI HỌC TỪ ROCKEFELLER
Trong cuốn Titan - The Life Of John Rockefeller tác giả Ron Chernow đã liệt kê 10 nguyên tắc quản lý khác nhau mà theo ông, đó là bí quyết để Rockefeller cách mạng hóa nền công nghiệp dầu mỏ và trở nên nổi tiếng với sự giàu có của mình.
1. Trung thực và đáng tin cậy
Rockefeller không bao giờ làm sai số liệu hoặc sử dụng các từ ngữ mơ hồ để thay đổi sự thật. Ông cũng không bao giờ trả nợ trễ hẹn, và đây chính là điều khiến các ngân hàng tin tưởng để cho ông vay tiền những lúc cần thiết.
Cũng có nhiều trường hợp, việc kinh doanh của ông rơi vào khó khăn nhưng luôn nhận được sự hỗ trợ từ các ngân hàng vay vốn. Như một lần ông bị cháy nhà máy lọc dầu, một giám đốc ngân hàng đã không ngần ngại chuyển tiền cho Rockefeller nhằm tạo điều kiện cho ông khôi phục nhà máy, thậm chí còn đề nghị gửi thêm tiền nếu cần.
2. Dành thời gian để nghỉ ngơi
Khác với những doanh nhân khác, Rockefeller không thích việc mình bị gắn với công việc. Ông từng viết trong cuốn hồi ký của mình: “Tôi không biết có gì đáng khinh và thảm hại hơn một người đàn ông dành tất cả thời gian chỉ vì mục đích kiếm tiền”.
Thực tế, ông tỏ ra rất nhàn nhã trong công việc. Ông ngủ trưa đầy đủ và gà gật trên chiếc ghế dài sau bữa tối. Ông ngủ khá sớm 9-10 giờ tối là ngủ đêm, ông cho lắp đặt một đường dây điện báo giữa nhà và công ty để có thể dành 3 – 4 buổi chiều ở nhà làm vườn, tản bộ… Nhờ những quãng thời gian rảnh rỗi đó, tỷ phú có thể tự tăng tốc và cải thiện năng suất làm việc của mình.
3. Lên lịch mỗi ngày
Rockefeller lên lịch trình cho mỗi ngày của mình một cách đều đặn và có quy luật. Mỗi giờ trong cuộc đời của doanh nhân được “phân chia một cách cứng nhắc” và “quản lý ngân sách chặt chẽ”, từ công việc, tôn giáo, sang gia đình và thậm chí là tập thể dục.
Theo Chernow, lịch trình nghiêm ngặt này có thể giúp Rockefeller đối phó với những căng thẳng không thể tránh khỏi khi điều hành cả một đế chế dầu mỏ. So với những căng thẳng đó thì việc tuân thủ theo các nguyên tắc, lịch trình hàng ngày nhẹ nhàng hơn nhiều.
4. Theo dõi chặt chẽ tài chính công ty
Phong cách lãnh đạo của Rockefeller là “tầm nhìn xa”, Chernow viết, và ông chỉ dựa vào những con số để nói cho ông biết liệu công ty có đi đúng hướng hay không.
Ông trùm dầu mỏ có một cuốn sổ riêng, trong đó ghi lại tất cả các số liệu tài chính của công ty, cập nhật từng ngày và chính xác đến số thập phân cuối cùng. Bằng cách đó, Rockefeller cũng có thể tạo ra một “thước đo khách quan”, theo đó ông có thể so sánh hiệu quả các hoạt động và tự đưa ra đánh giá thay vì dựa vào báo cáo chủ quan của cấp dưới. Ông đánh giá việc mình làm bằng các con số, không có gì ngoài các con số.
5. Ủy quyền nhiệm vụ cho cấp dưới
Để có thể duy trì hiệu quả một tập đoàn lớn như Standard Oil Company, Rockefeller chắc chắn phải “san sẻ” công việc cho người khác. Quan điểm của ông là: “Không ai muốn tự làm việc trong khi anh ta có thể sai bảo một người khác để làm thay thế. Ngay khi có thể, hãy nhờ một người mà bạn tin tưởng, đào tạo anh ta, chỉ bảo anh ta cách để giúp công ty kiếm tiền”.
Đối với Rockefeller, việc này có nghĩa là loại bỏ chính mình ra khỏi những phức tạp hàng ngày để tập trung cho những quyết định, những chiến lược rộng hơn. Tất nhiên, hãy tìm người mà bạn có thể tin tưởng cả năng lực và phẩm chất.
6. Luôn hướng tới sự hoàn hảo
Rockefeller là một người cầu toàn đến mức “cuồng tín”, ông từ chối làm bất cứ điều gì nếu chưa được nghiên cứu và xem xét một cách kỹ lưỡng. Là người đứng đầu của Standard Oil, ông đã viết hàng trăm nghìn bức thư kinh doanh với sự kỹ tính đến khó tin.
Ngay cả việc viết thư tay ông cũng yêu cầu sự hoàn hảo tuyệt đối. Một phụ tá thân cận của Rockefeller cho hay, ông nắn nót từng chữ ký với độ tập trung cao, sự chính xác tuyệt đối như thể đó là một tác phẩm nghệ thuật. Tính cách này của ông đã lan tỏa khắp công ty và biến nó thành một nét văn hóa doanh nghiệp tuyệt vời.
7. Tạo sự thống nhất
Một trong những tài năng lớn nhất của Rockefeller là khả năng đoàn kết các nhân viên dưới quyền. Ông thích lắng nghe tất cả mọi ý kiến và sắp xếp chúng trước khi đưa ra một thỏa hiệp để duy trì sự gắn kết. Thay vì đưa ra các mệnh lệnh trực tiếp, Rockefeller thích đưa ra quyết định dưới dạng các đề xuất hoặc câu hỏi.
Ông cũng tôn trọng sự đồng thuận một cách tối đa. Tỷ phú sẽ không thực hiện bất cứ sáng kiến nào nếu các thành viên HĐQT không đồng ý và tất cả các quyết định kinh doanh phải đáp ứng “sự đồng thuận nhất trí”.
8. Thiết lập một hệ thống hỗ trợ
Là một nhà lãnh đạo, Rockefeller không tránh khỏi những tranh chấp hay cãi vã với các giám đốc khác tại Standard Oil. Nhưng rất ít người có hành vi ghét bỏ và vùi dập công ty. Tất cả đều có chung một niềm tin gần như “huyền bí”, một mối quan hệ mạnh mẽ khiến họ bảo vệ công ty tuyệt đối. Dù là các nhà điều tra chính phủ hay các nhà báo tò mò cũng không thể “thâm nhập vào làn sóng hẹp của những người cùng chí hướng” tại Standard Oil của Rockefeller.
9. Những cuộc cạnh tranh tích cực
Nếu một doanh nghiệp mà không có sự cạnh tranh thì nó sẽ sớm trở thành một gã khổng lồ chậm chạp. Nhận thức được điều đó, Rockefeller đã thành lập một ủy ban bao gồm nhiều chuyên gia từ các lĩnh vực khác nhau để thiết lập một tiêu chuẩn hoạt động cho tất cả các công ty con của Standard Oil.
Theo đó, họ khuyến khích các công ty con cạnh tranh để đạt được những con số hiệu suất lý tưởng cho doanh nghiệp, để nhận được các giải thưởng có tính chất vinh danh trong khi các nhà lãnh đạo vẫn được trao đổi với nhau các thông tin chi tiết. Các kích thích về việc dẫn đầu sẽ tạo ra một cuộc cạnh tranh tích cực và những thành quả cho mỗi cá nhân.
10. Tôn trọng nhân viên của bạn
Rockefeller thích chỉ ra rằng Napoleon Bonaparte sẽ không thành công nếu không có các nguyên soái, theo Chernow. Tương tự như vậy, Rockefeller tin rằng thành công của ông bắt nguồn một phần từ khả năng của mình để mạ điện cho nhân viên.
Tỷ phú dầu mỏ cho phép nhân viên tự chủ trong công việc, rất lịch sự và dễ tính với nhân viên cấp thấp, không giận dữ khi tiếp nhận chỉ trích và vẫn điềm tĩnh ngay cả trong những tình huống cấp bách. Mặc dù ông hiếm khi khen ngợi nhân viên nhưng lại thoải mái cho nhân viên sự độc lập và tự do quyết định khi ông nhận thấy họ đáng tin cậy. Vì điều này, các nhân viên của Rockefeller có xu hướng tôn kính ông và luôn cố gắng hết sức mình để làm hài lòng ông”.
P/s: Muốn tìm hiểu SÂU cuộc đời của Rockefeller thì cuốn TITAN là cuốn đầy đủ nhất gần 800 trang, ngoài ra các bạn có thể xem “the Men who built america” là phim nói về các Doanh Nhân Vĩ Đại xây dựng nên nước Mỹ Rockefeller trong số đó