Phần 3 trong chuỗi bài “Tìm hiểu về trái phiếu” tại leox..vn
--------------------------------------------------------
Hôm trước bạn Thảo Nguyên có đặt câu hỏi trên bài “Trái phiếu là gì và vai trò trái phiếu trong đầu tư” của Lê An rằng, liệu Trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) khi mua tại ngân hàng thì rủi ro có thấp đi không? Đây quả thực là một câu hỏi rất phổ biến và thời sự. Thời gian qua trong quá trình tìm hiểu về các sản phẩm trái phiếu được chào bán cho NĐT cá nhân, Lê An cũng đôi lần nhận được lời tư vấn kiểu như “Trái phiếu này do bên em bán, nhiều người mua lắm. Chị yên tâm đi”. Sự thực là, dù TPDN có được chào bán bởi ngân hàng hay công ty chứng khoán (CTCK) nào đi chăng nữa, thì cũng không có nghĩa là ngân hàng hay CTCK bảo lãnh thanh toán cho TPDN đó. Rủi ro vẫn thuộc về người mua, và gắn liền với khả năng trả nợ của TCPH.
Sói giá phố Wall Jordan Belfort từng có 1 câu nói nổi tiếng:
“Đừng bao giờ dập máy cho tới khi khách hàng chịu mua hoặc qua đời – No one hangs up the phone until customers buys or dies” .
Đây là câu nói thúc đẩy tinh thần kiên trì của các nhân viên bán hàng, một trong những bí quyết thành công của Belfort. Ngược lại, với NĐT, Lê An xin mượn ý của huyền thoại đầu tư Warren Buffett để gửi tặng một một câu như sau:
“Đừng bao giờ mua khi chưa hiểu rõ vấn đề. Cơ hội năm nào cũng có nhưng tiền thì là hữu hạn và đáng quý.”
Trong bài viết này, Lê An muốn đề cập đến một khái niệm rất dễ nhầm lẫn nữa đang được lưu truyền trên thị trường: khái niệm “bảo lãnh”. Để tránh nhầm lẫn, chúng ta hãy cùng tìm hiểu các vai trò mà Ngân hàng, CTCK có thể tham gia trong 1 giao dịch trái phiếu, cụ thể như sau:
✅ Bảo lãnh thanh toán (Guarantee): Bảo lãnh thanh toán có nghĩa là bên bảo lãnh (ngân hàng/CTCK/bên thứ 3) sẽ thay mặt TCPH trái phiếu (Bên đi vay) đứng ra thanh toán các khoản gốc lãi nếu TCPH không trả được cho NĐT trái phiếu.Nếu một TPDN có bảo lãnh thanh toán của một tổ chức lớn, uy tín như ngân hàng thì mức độ rủi ro của TPDN đó sẽ thấp đi rất nhiều. Thứ nhất, như đã phân tích trong bài trước, xác suất một ngân hàng phá sản thấp hơn xác suất doanh nghiệp phá sản rất nhiều. Thứ 2, ngân hàng là tổ chức chuyên về cho vay, do đó họ có những quy trình, hội đồng và chuyên gia để đánh giá doanh nghiệp trước khi cho vay hay cấp bảo lãnh. Do đó, khi ngân hàng chấp nhận bảo lãnh cho TPDN, họ cũng đã đánh giá khả năng trả nợ của TCPH. Tuy nhiên, hiện nay, có rất ít trái phiếu có ngân hàng bảo lãnh thanh toán được phân phối cho NĐT cá nhân. Vì rủi ro thấp, lãi suất TPDN được ngân hàng bảo lãnh cũng thường sẽ không quá vượt trội so với lãi suất tiết kiệm. Ngoài ra, các điều kiện để bên bảo lãnh thực hiện chi trả gốc/lãi thay cho TCPH cũng rất quan trọng. Vậy nên, nếu có một tư vấn bán hàng nào nói trái phiếu có bảo lãnh, bạn cần yêu cầu họ đưa ra chứng thư bảo lãnh để xem xét kĩ điều kiện các điều kiện ghi trong đó.
✅ Bảo lãnh phát hành (Underwriter): nếu như 2 từ tiếng Anh Guarantee và Underwriter rất dễ phân biệt, thì tiếng việt là bảo lãnh phát hành vs. bảo lãnh thanh toán đôi khi có thể gây nên nhầm lẫn do có cùng từ “bảo lãnh”. Bảo lãnh phát hành trái phiếu là việc bên bảo lãnh (ngân hàng hoặc CTCK) đứng ra cam kết với doanh nghiệp, đảm bảo doanh nghiệp phát hành thành công một khối lượng trái phiếu nhất định, nếu không thì bên bảo lãnh sẽ đứng ra mua hết phần trái phiếu không thu xếp hết để đảm bảo doanh nghiệp nhận được vốn như cam kết. Ví dụ, CTCK A bảo lãnh phát hành cho doanh nghiệp B phát hành 200 tỷ trái phiếu. CTCK A chỉ bán được cho NĐT 100 tỷ trái phiếu, trong trường hợp này A sẽ phải bỏ tiền ra mua 100 tỷ trái phiếu để bảo đảm B nhận được 200 tỷ. Số trái phiếu này A có thể giữ và bán ra cho NĐT sau khi trái phiếu đã phát hành. Tuy nhiên, sau khi số trái phiếu đã phát hành xong, CTCK A đã thực hiện xong nghĩa vụ bảo lãnh phát hành của mình, và không liên quan gì đến nghĩa vụ thanh toán gốc lãi trái phiếu của doanh nghiệp B nữa. Bảo lãnh phát hành không phải và không liên quan gì đến bảo lãnh thanh toán gốc lãi trái phiếu, NĐT là người chịu rủi ro nếu TCPH không trả được nợ.
✅ Đại lý phát hành/đại lý phân phối/bên bán trái phiếu: Ngân hàng/CTCK có thể tham gia giao dịch dưới góc độ đại lý phát hành/đại lý phân phối. Lúc này, ngân hàng/CTCK có thể đóng vai trò trung gian giúp phân phối trái phiếu từ TCPH hoặc một bên có trái phiếu (nhưng không phải TCPH) đến NĐT (lúc này Ngân hàng/CTCK đóng vai là trung gian phân phối). . Ngân hàng/CTCK cũng có thể là bên mua một lô lớn TPDN từ TCPH rồi bán lại TPDN đó cho NĐT (lúc này Ngân hàng/CTCK chính là bên bán trực tiếp). Việc ngân hàng/CTCK bán TPDN không có nghĩa là ngân hàng/CTCK bảo lãnh thanh toán cho TPDN đó. Khi có vấn đề xảy ra với trái phiếu, NĐT cần tìm TCPH để “đòi nợ". Không có bảo đảm nào cho NĐT về việc sẽ nhận được gốc/lãi TPDN từ phía ngân hàng trong trường hợp này. (Trường hợp này không tính đến các sản phẩm có cam kết mua lại.)
✅ Đại lý quản lý tài sản bảo đảm: Nếu trái phiếu có tài sản bảo đảm (TSBĐ), NĐT sẽ cần 1 tổ chức đứng ra nhận, giữ và xử lý TSBĐ khi TCPH không trả được nợ. Đại lý quản lý TSBĐ có thể là Ngân hàng hoặc CTCK. Các công việc này sẽ được quy định cụ thể trong hồ sơ trái phiếu. Ngân hàng/CTCK chỉ có trách nhiệm liên đới với việc giám sát và xử lý tài sản bảo đảm chứ không có bất kỳ bảo đảm nào liên quan đến việc đứng ra trả nợ thay cho TCPH. NĐT vẫn là người chịu rủi ro trong trường hợp TCPH không trả được nợ.
✅ Một số vai trò khác: Ngân hàng/CTCK cũng có thể đóng một số vai trò khác như đại diện người sở hữu trái phiếu (dịch vụ đại diện cho các NĐT trái phiếu để làm việc với TCPH trong trường hợp có rất nhiều NĐT), quản lý tài khoản (dịch vụ quản lý dòng tiền TCPH cam kết đưa qua tài khoản ngân hàng) hay tổ chức lưu ký (dịch vụ lưu ký chứng khoán). Tuy nhiên, các vai trò này chỉ mang tính chất cung cấp dịch vụ, ngân hàng/CTCK không đóng vai trò bảo lãnh thanh toán cho TPDN đó. Mọi nghĩa vụ thanh toán gốc lãi trái phiếu vẫn chỉ là nghĩa vụ của TCPH và NĐT không có bất kỳ bảo lãnh nào .
---------------------------------------------
ĐIỂM CẦN GHI NHỚ:
⛳️ BẢO LÃNH THANH TOÁN cho trái phiếu nghĩa là bên bảo lãnh (ví dụ ngân hàng) sẽ trả gốc/lãi trái phiếu cho NĐT nếu TCPH không trả được gốc/lãi trái phiếu đó. Đây là loại bảo lãnh duy nhất mà NĐT sẽ được ngân hàng bảo vệ trong trường hợp TCPH không trả được nợ (Lưu ý cần xem kĩ nội dung chứng thư bảo lãnh).
⛳️ BẢO LÃNH PHÁT HÀNH không có nghĩa là bao lãnh thanh toán.
⛳️ Ngân hàng phân phối/bán TPDN KHÔNG có nghĩa là Ngân hàng bảo lãnh thanh toán cho TPDN đó.
⛳️ Các vai trò khác như đại lý quản lý TSBĐ, đại diện người sở hữu trái phiếu, quản lý tài khoản hay tổ chức lưu ký KHÔNG có nghĩa là Ngân hàng bảo lãnh thanh toán cho TPDN.
⛳️ Rất ít trái phiếu trên thị trường có bảo lãnh thanh toán của ngân hàng. Cần xác định rõ vai trò của ngân hàng trong giao dịch nếu có một tư vấn viên giới thiệu với bạn về việc có ngân hàng tham gia “bảo lãnh”.
