Phần 2 trong chuỗi bài “Tìm hiểu về trái phiếu” tại leox.vn
--------------------------------------------------------
Ngạn ngữ phương Tây có câu "Một nửa cái bánh mì vẫn là bánh mì nhưng một nửa sự thật thì không phải là sự thật". Mà trong giới tài chính thì không có nửa cái bánh mỳ nào cả, chỉ có nửa sự thật là nhiều. Cách đây ít lâu, Lê An có được một người bác nhờ đi xem giúp trái phiếu của một công ty chứng khoán (CTCK) đang chào bán. Thấy bác nói lãi suất chào bán rất hấp dẫn tới trên 8.5% cho kỳ hạn 3 tháng trong khi bác gửi ở Vietcombank giờ có 3.6%. Hồ sơ trái phiếu chẳng có gì ngoài một vài thông tin rất sơ sài nên Lê An đành đi cùng bác ra tận nơi để hỏi thông tin.
Trong vai một người mua trái phiếu, Lê An được bạn tư vấn bán hàng chăm sóc rất nhiệt tình ““Biểu lãi suất bên em tốt hơn ngân hàng nhiều, chị GỬI ủng hộ bên em một ít.” Là dân trong nghề, Lê An rất nhạy cảm với những ngôn ngữ mang tính cố tình gây nhầm lẫn, mà trong tài chính gọi là misleading khách hàng. Bạn có thể quảng cáo cho sản phẩm nhưng nói sai bản chất vấn đề để được việc cho mình thì không ổn.
Lê An xin tường thuật lại những điều đã giải thích cho bác mình về sự khác biệt giữa trái phiếu và tiền gửi, hi vọng cũng sẽ giúp ích cho các bạn có thể nhận biết rõ cả sự thật khi gặp phải các trường hợp tương tự:
⚠️ RỦI RO TÍN DỤNG KHÁC NHAU
Rủi ro phá sản của doanh nghiệp cao hơn ngân hàng. Ngân hàng là trụ cột của nền kinh tế và chịu sự quản lý chặt chẽ của Ngân hàng nhà nước (SBV). SBV có thể ra tay cứu một ngân hàng trong trường hợp mất thanh khoản để bảo đảm an toàn và niềm tin của cả hệ thống ngân hàng nhưng sẽ khó có lí do đủ mạnh để SBV hay một tổ chức nào khác sẽ làm tương tự trong trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn. Ngoài ra, bạn còn có khoản bảo hiểm tiền gửi tối đa 75 triệu đồng cho mỗi người gửi tiền tại mỗi ngân hàng. Do vậy, rủi ro của việc đầu tư trái phiếu khác với việc gửi tiền. Dùng từ GỬI dễ làm người mua cảm thấy có lời khi cho rằng rủi ro giống ngân hàng mà lãi suất lại cao hơn đến 5%. No free lunch, không bao giờ có bữa trưa miễn phí như vậy trên thị trường tài chính. Bạn sẽ phải chịu rủi ro cao hơn để có lãi suất cao hơn.
⚠️ RỦI RO THANH KHOẢN KHÁC NHAU
Khác với tiền gửi, khi đầu tư trái phiếu (kể cả có kèm theo cam kết được bán lại với biểu lãi suất xác định trước), vẫn có rủi ro NĐT sẽ không không bán được trái phiếu hoặc không nhận được mức lãi như đã ghi trong cam kết.
Biểu lãi suất chào bán của nhiều trái phiếu hiện nay được nhiều đơn vị phân phối cấu trúc giống hệt tiền gửi: Cũng có kỳ hạn 1,2,3,6,12... tháng với lãi suất vượt trội hơn so với lãi suất ngân hàng. Tuy nhiên, bản chất của hai biểu lãi suất này KHÔNG giống nhau đâu nhé:
✅ Với tiền gửi, khi đáo hạn HĐ tiền gửi, người gửi tiền sẽ được chính ngân hàng mà mình gửi tiền thanh toán gốc và lãi. Rủi ro không rút được tiền hoặc nhận được mức lãi suất thấp hơn cam kết là rất thấp.
✅ Với trái phiếu, thông thường doanh nghiệp đi vay chỉ trả lãi cố định vào ngày tròn 6 tháng hoặc 1 năm kể từ ngày phát hành trái phiếu. Do đó, để có thể trả lãi theo kỳ hạn 1,2,3… tháng rất linh hoạt cho NĐT, các đơn vị phân phối trái phiếu phải đứng ra mua lại trái phiếu đã bán đó với giá mua lại cao hơn giá đã bán cho NĐT.
⚠️ Như vậy, việc bán được trái phiếu và nhận được mức lãi như được cam kết không chỉ phụ thuộc vào TCPH trái phiếu mà còn phụ thuộc vào việc đơn vị phân phối có khả năng thực hiện đúng cam kết hay không. Đúng cam kết ở đây thể hiện ở 2 hành động (1) Có mua lại đúng thời hạn và (2) Mua lại trái phiếu với giá để NĐT có lãi (giá NĐT bán – giá NĐT mua) như trong cam kết hay không. Kể cả trong trường hợp TCPH vẫn trả được gốc/lãi trái phiếu, nhưng vì đơn vị phân phối không thực hiện được đúng 2 cam kết trên thì rủi ro không lấy được tiền gốc và tiền lãi đúng thời hạn định đầu tư là hoàn toàn có thể xảy ra.
ℹ️ Lấy ví dụ nếu trái phiếu gốc có kỳ hạn là 5 năm, CTCK bán cho bạn với kỳ hạn 1 năm (sau 1 năm họ sẽ mua lại rồi bán cho NĐT khác, bản chất là chia nhỏ kỳ hạn dài của trái phiếu ra để bán). Trường hợp CTCK không thực hiện được việc mua lại sau 1 năm thì bạn sẽ phải cầm trái phiếu đó cả 5 năm. Tất nhiên bạn cũng có thể tìm nhà đầu tư khác mua lại trái phiếu, nhưng không có gì đảm bảo bạn sẽ nhận được bạn sẽ bán thành công trái phiếu hoặc chắc chắn nhận được mức lãi như trong cam kết chào bán ban đầu.
⚠️ Do đó, ngoài đánh giá rủi ro tín dụng của Tổ chức phát hành, bạn cần ý thức về rủi ro thực hiện cam kết của đơn vị phân phối. Liệu các điều khoản cam kết có chặt chẽ? Liệu tình hình tài chính của đơn vị phân phối có đủ mạnh để thực hiện cam kết? Liệu số lượng cam kết có đã quá lớn so với năng lực tài chính của họ?
Rủi ro không phải là xấu hoàn toàn hay cần tránh xa, vì thường rủi ro cao hơn sẽ được đền bù với mức lãi suất cao hơn. Nhưng không nhận thức được rủi ro mà cứ tưởng mình đang có kèo thơm thì rất nguy hiểm. Lê An đồng quan điểm với LeoX rằng: bạn có thể chấp nhận rủi ro, nhưng đó chắc chắn nên là rủi ro đã được cân nhắc kỹ chứ không phải “liều ăn nhiều”. Hãy luôn là một NĐT tỉnh táo và thông thái khi quyết định đầu tư vì miếng phomat miễn phí chỉ có trong cái bẫy chuột.
------------------------------------------------------------------
ĐIỂM CẦN GHI NHỚ:
⛳️ ĐẦU TƯ TRÁI PHIẾU KHÔNG PHẢI GỬI TIỀN, dù trên thị trường có các sản phẩm trái phiếu có cam kết thanh khoản với biểu lãi suất trông như tiền gửi.
⛳️ Rủi ro tín dụng (rủi ro đối tác phá sản khiến NĐT mất tiền) của trái phiếu doanh nghiệp cao hơn tiền gửi.
⛳️ Rủi ro thanh khoản (rủi ro NĐT không rút được tiền như kế hoạch) của trái phiếu doanh nghiệp cao hơn tiền gửi. Các sản phẩm trái phiếu có cam kết thanh khoản giúp giảm thiểu nhưng KHÔNG LOẠI BỎ HOÀN TOÀN RỦI RO THANH KHOẢN do phụ thuộc vào (1) điều khoản ghi trong cam kết và (2) năng lực của bên cam kết.
