Dự báo biến động thị trường tài chính luôn là việc rất rất khó khăn.  Trên thực tế, nỗ lực của các chuyên gia kinh tế trong việc sử dụng dữ liệu quá khứ hay các yếu tố định lượng để mô hình hóa hành vi và mong muốn của con người đã không thể thành công. Cơ bản chúng quá khó hay thậm chí không thể mô hình hóa. Do vậy, lý thuyết tài chính cho rằng các biến động giá trong tương lai là "bước đi ngẫu nhiên". Chúng không thể đoán trước và ngẫu nhiên, có nghĩa là giá thay đổi từ giai đoạn này sang giai đoạn tiếp theo không bị ảnh hưởng bởi các xu hướng hoặc biến động giá trong quá khứ.

Thời điểm thị trường sụp đổ hay bùng nổ thường rất hiếm khi dự báo được mà thường xảy ra rất bất ngờ. Ngược lại, những gì được đa số đồng thuận thường lại không diễn ra như dự báo. Tuy việc timing thị trường bắt đỉnh bắt đáy là điều rất rất khó, việc nhận diện xu hướng để có những hành động hợp lý có vẻ khả thi và cần thiết hơn. Nhận diện xu hướng trung dài hạn giúp NĐT chủ động hơn trong việc quản lý tài sản.

Thị trường tài chính luôn biến động khi chịu tác động của rất nhiều biến số và các biến số này lại thay đổi mỗi ngày. Do vậy, quá trình theo dõi thị trường cần phải là một quá trình liên tục. Việc dự báo chỉ có tính thời điểm và hoàn toàn có thể phải cập nhật rất nhanh nếu như dự báo đó là sai hoặc do các biến số của thị trường có những thay đổi đột ngột.

 

 

6 tháng đã qua, mình thường có thói quen review lại những nhận định xem mình đúng và sai ở đâu. 6 tháng là quãng thời gian đủ dài để không bị các yếu tố ngắn hạn cảm tính tác động vào quyết định những cũng đủ ngắn để kịp nhận ra mình có thể sai hay không trong các quyết định lớn. 

 

 

Đây là những gì mình nhìn nhận 6 tháng trước: 

#1. Lạm phát sẽ giảm nhưng không biến mất dễ dàng:

Kịch bản  này đang đúng. Sau khi các ngân hàng trung ương thắt chặt tiền tệ, lạm phát đang hạ nhiệt dần. Tuy nhiên, lạm phát lõi vẫn khá đang dai dẳng. Có thể thấy lạm phát là mối quan tâm lớn nhất của các ngân hàng trung ương và xu hướng thắt chặt tiền tệ đã tạo ra một thị trường rất khan hiếm về thanh khoản trong nửa đầu năm.

 

#2. Tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ suy giảm trên quy mô toàn cầu

Điều này đang thể hiện rất rõ. Rất nhiều nơi đang đối mặt với nguy cơ suy thoái. Các đầu tàu kinh tế của thế giới như Mỹ, Trung Quốc và Châu Âu đều đang gặp rất nhiều thách thức trong việc khôi phục tăng trưởng. Việt Nam cũng không nằm ngoài guồng quay này.

 

#3. Tiền sẽ tiếp tục khan hiếm trong năm 2023

Thanh khoản sụt giảm luôn gây ra rất nhiều hậu quả tiêu cực lên giá tài sản và kịch bản này đã và đang thể hiện rất rõ. Rất ít người mua, nhiều người bán tài sản và thanh khoản tài sản rất kém.

 

#4. Cổ phiếu sẽ tiếp tục dò đáy đáy thấp hơn

So với thời điểm viết bài dự báo thì VnIndex đang cao hơn khoảng 9%. Thị trường đang trong nhịp hồi phục sau khi chạm đáy vào giữa tháng 11/2022. Sẽ cần chờ thêm để xem liệu mình có quá bi quan hay không ? 

 

#5. Bất động sản sẽ rất khó thanh khoản, các dự án có yếu tố đòn bẩy lớn của Chủ đầu tư hay người mua cuối cùng sẽ chịu áp lực giảm giá. Bất động sản sẽ không sớm hồi phục.

Rất nhiều NĐT đã vay vốn ngân hàng để mua bất động sản và một phần không nhỏ các NĐT mua các bất động sản cao cấp đang “ngộp”. Lãi vay đến hạn trả trong khi tài sản không thanh khoản và không dễ bán kể cả cắt lỗ sâu đang là vấn đề của rất nhiều NĐT. 

 

#6. Crypto tiếp tục dò đáy. Trong dự báo trước, mình đã kỳ vọng Bitcoin sẽ có sự khác biệt với phần còn lại của crypto để chứng tỏ vai trò một hedging asset thay vàng nhưng đã không có dấu hiệu nào cho thấy điều này. Chưa thấy có lí do để điều này thay đổi trong thời gian tới.

Phải thừa nhận việc nhận định giá crypto và bitcoin rất khó. Loại tài sản này không thực sự gắn với các yếu tố cơ bản của nền kinh tế, có tính đầu cơ và thao túng khá cao. Tuy nhiên, không thể phủ nhận được rằng crypto sẽ nhiều khả năng tồn tại như lớp tài sản đầu tư mới, đặc biệt được giới trẻ ưa chuộng. 

 

Nếu như các altcoins không thực sự có giá trị gắn với nền kinh tế có thể thấy được ngay thì bitcoin được coi như một tài sản lưu trữ giá trị vì nguồn cung có hạn. Tuy nhiên, với đặc tính biến động giá rất lớn thì mình cũng không chắc lắm về tính chất lưu trữ giá trị của bitcoin mà nhìn nhận bitcoin giống như một loại commodities nhiều hơn khi mà giá cả có thể swing rất mạnh bởi cung và cầu. 

 

Bitcoin đã tăng hơn 80% kể từ thời điểm mình dự báo (nhưng đừng quên trước đó BTC đã rơi 75% giá trị từ đỉnh cũ). Mình cũng không bắt được trend này. Đây là loại tài sản mình không quá tự tin để dự báo.

 

#7. Giải quyết dư nợ trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục là vấn đề nan giải. Hoạt động mua bán nợ sẽ có thể sớm phải triển khai để khai thông thị trường.Đúng là dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đang là vấn đề lớn trong cả ngành bất động sản và ngành điện. Các biện pháp xử lý nợ xấu đang dừng ở mức giãn hoãn và tự đàm phán. Chưa thực sự có giải pháp để khai thông và luân chuyển các cục nợ xấu này. 

 

#8. Giá commodities sẽ dao động trong biên độ mạnh. Trong dự báo trước mình đã nghĩ tới kịch bản một supercycle cho commodities nhưng điều đó đã không diễn ra. Nếu nhìn bối cảnh cung cầu, năm tới có thể là năm giá nhiều commodities sẽ lên xuống chóng mặt nhưng một supercycle thì có lẽ không.

Không kịch tính như mình nghĩ. Giá commodities đa phần là giảm do nhu cầu ở các nước phát triển giảm bởi lạm phát và cả sự hồi phục yếu ớt so với kỳ vọng từ Trung Quốc. Ngoại trừ giá đường tăng mạnh do yếu tố thời tiết thì các commodities khác khá yếu ớt  do kinh tế sụt giảm trên quy mô toàn cầu.

 

#9. Vàng sẽ tốt hơn cổ phiếu, bất động sản trong năm 2023. Vấn đề là nó có tốt hơn cầm tiền mặt không ? Đây là một phần của con voi rất mù mờ khó nhìn. Những thứ gì không rõ thì không nên đặt cược được ăn cả ngã về không

Đến giờ thì câu trả lời là vàng đi ngang và không hấp dẫn hơn tiết kiệm.

 

#10. Năm 2023 sẽ là một năm khó khăn cho cả nền kinh tế và thị trường tài chính. Chiến lược phòng vệ tốt sẽ vẫn có thể tạo ra lợi nhuận.

Khó khăn thì đã rõ. Chiến lược phòng vệ tốt như chuyển đổi bất động sản về khu vực có nhu cầu thật và nắm giữ các tài sản tạo ra dòng tiền  là một chiến lược tốt. Trên thực tế thì mặc dù thị trường bất động sản nhìn chung khá ảm đạm thì phân khúc đáp ứng nhu cầu thật, đầy đủ pháp lý vẫn khá ổn. Các doanh nghiệp nhiều tiền mặt và vẫn tạo ra dòng tiền dương vẫn có giá cổ phiếu tăng không hề tệ. Tóm lại, nếu danh mục đầu tư tập trung vào các tài sản giá trị (định giá hợp lý, có thanh khoản cao, có khả năng tạo ra dòng tiền) thì kết quả không hề tệ. Ngược lại, nhóm tài sản tăng trưởng (phụ thuộc vào câu chuyện tương lai, không có dòng tiền mà trông chờ vào lãi vốn, dùng đòn bẩy lớn) đang rất khó khăn.

------------------------------------------------------

 

Thị trường đang ở một giai đoạn không dễ để dự báo. Trước khi chơi trò bốc thuốc tiếp, mình luôn muốn nhấn mạnh đầu tư không phải là việc dự báo rồi ngồi chờ xem đúng hay sai. Đó là việc mua xổ số. Việc đưa ra nhận định giúp chúng ta có kim chỉ nam hành động nhưng các nhận định cần liên tục được theo dõi sát sao và cập nhật dựa trên biến động của dữ liệu, của thông tin mới trên thị trường. Từ đó, danh mục đầu  tư cũng cần được điều chỉnh tỷ trọng sao cho phù hợp với tình hình mới. 

 

Hướng tới diễn biến thị trường tài sản trong vòng 01 năm tới, mình gia cát dự một môi trường đầu tư sẽ rất khó chơi : 

  1. Kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào trạng thái stagflation, có nghĩa là lạm phát dai dẳng trong khi tăng trưởng yếu ớt. Điều này dẫn đến sự co hẹp của tiêu dùng và sản xuất trong khi các ngân hàng trung ương không dễ nới lỏng để kích thích kinh tế do lo ngại lạm phát.
  2. Nợ xấu sẽ tiếp tục là vấn đề nghiêm trọng.
  3. Những đợt kích thích ngắn hạn khi lạm phát lắng xuống không thực sự giải quyết được vấn đề của nền kinh tế mà sẽ tạo ra nhưng đợt pump and dump trên thị trường chứng khoán (bơm thổi giá tài sản đầu cơ rồi xả)
  4. Thanh khoản trên thị trường tài sản sẽ vẫn rất thấp do (1) tiết kiệm của người dân bị co lại và (2) sự thận trọng với triển vọng kinh tế. Người cầm tiền cũng không dễ đầu tư do các đợt biến động giá mang màu sắc đầu cơ nhiều hơn là sự thay đổi về chất của nền kinh tế.
  5. Thị trường cổ phiếu sẽ có một đợt hồi phục tương đối để kích thích lòng tham của các NĐT trước khi dò đáy mới.
  6. Trái phiếu doanh nghiệp sẽ còn xa mới quay lại thời hoàng kim. Việc giải quyết dư nợ trái phiếu doanh nghiệp vẫn sẽ là chủ đề phức tạp.
  7. Thị trường bất động sản trầm lắng. Sẽ có một làn sóng những người vay tiền mua nhà gặp vấn đề về thanh khoản. Phân khúc bất động sản mà người mua dùng đòn bẩy nhiều vẫn chịu nhiều áp lực bán tháo.
  8. Vàng sẽ đi ngang.
  9. Commodities không có quá nhiều biến động lớn ngoại trừ một vài biến động pump and dump do nền kinh tế toàn cầu tiếp tục trầm lắng. Biến đổi khí hậu sẽ tạo ra những đợt biến động giá bất thường.
  10. Crypto sẽ dần được đưa vào khung pháp lý và sẽ có những đợt pump and dump với biên độ lớn hơn thị trường cổ phiếu.

Những dự báo này là góc nhìn cá nhân không đại diện cho X-team. Chỉ nên xem những dự báo này như góc nhìn mang tính chất chém gió, không phải là tư vấn đầu tư. Chúc các bạn sẽ có những quyết định sáng suốt để chiến thắng thị trường trong bối cảnh kinh tế nhiều thách thức như hiện nay. Lựa chọn đúng tài sản sẽ rất quan trọng trong môi trường đầu tư sắp tới.