
Quay lại chuyện đầu tư của LeoX trong giai đoạn 2010-2011. Tỷ suất lợi nhuận của LeoX giai đoạn này cũng ở mức bình bình. Phần ít vì thị trường lúc đó vẫn còn chìm đắm trong cái bóng của khủng hoảng với mức lãi suất vẫn cao chót vót. Phần nhiều vì với danh mục đa dạng hóa đúng chuẩn, gần 20 cổ phiếu lận, nên cổ phiếu tăng nó bị kéo thụt lùi bởi cổ phiếu giảm.
1 chuyến xe gần 20 con ngựa kéo, con kéo lên trước, con kéo tụt lại phía sau, con lại ngồi ị thị lị 1 đống không chịu dịch chuyển. Kết quả là danh mục có tăng nhưng lãi không hơn được tiền gửi là bao. Thực ra nhìn lại cũng thấy không quá tệ đâu, nhưng vì lãi suất thời đó là tầm hơn 15% rồi. Vậy chật vật cả năm để được lãi suất tiết kiệm thì sao không gửi xừ tiết kiệm cho nhàn đầu? Ấy là sau này mới phát hiện ra quy luật của chu kỳ kinh tế quan trọng như thế nào mà LeoX sẽ chia sẻ với bạn ở những bài sau.
LeoX đã tự vấn rất nhiều với kết quả của danh mục năm 2010-2011. Thực sự LeoX đã tìm được ra những winner của thị trường (ý là cổ phiếu tăng trưởng vượt bậc so với thị trường chung), nhưng tại sao danh mục tăng không đáng kể? Vì LeoX mua tỷ trọng không nhiều hơn đáng kể so với cổ phiếu khác. Vì sao lại không mua nhiều hẳn lên, thậm chí mua độc 1 mã đó? Thì vì nguyên tắc đa dạng hóa danh mục, không bỏ hết trứng vào 1 giỏ. Tại sao phải đa dạng hóa danh mục? Thì để giảm thiểu rủi ro, chả phải các lý thuyết về quản lý danh mục đều nói vậy và danh mục của quỹ đầu tư cũng làm vậy hay sao? Đấy là điều LeoX cứ băn khoăn và suy nghĩ mãi cùng với sự tiếc nuối vì đáng lẽ ra danh mục có thể tốt hơn rất nhiều.
Thời gian này cũng là thời gian mà LeoX đọc khá nhiều sách về các trường phái đầu tư giá trị, đặc biệt là các sách về nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffet. Bài học chọn con đường từ thời kỳ trước vẫn còn đó, hãy tin người đã làm được, đừng tin người nói nhiều! Các nhà đầu tư phân tích kỹ thuật có ai là tỷ phú thế giới không? Không! Tỷ phú thế giới từ đầu tư là ai? Warren Buffet. Vậy thì cứ người đã làm được, đã thành công mà học.
Một đặc điểm rất dễ nhận thấy trong phong cách đầu tư của Warren Buffet là ông khá “against” quan điểm truyền thống về đa dạng hóa danh mục. Một trong hai quotes nổi tiếng nhất của Warren Buffet mà LeoX cực thấm thía là: “Wide diversification is only required when investor do not understand what they are doing”. Câu này có nghĩa là đa dạng hóa danh mục chỉ cần thiết khi nhà đầu tư không hiểu họ đang làm gì. Ay ya, mình đang hướng đến đầu tư chuyên nghiệp, đang làm cho 1 tổ chức đầu tư chuyên nghiệp, sao mình có thể nằm trong nhóm nhà đầu tư “không biết mình đang làm gì” chứ??

Câu quotes thứ hai cùng chủ đề của Warren Buffet là: “Diversification may preserve wealth, but concentration build wealth”. Câu này dịch ra đại loại là: Đa dạng hóa có thể giúp bạn bảo vệ tài sản, nhưng đầu tư tập trung giúp bạn gia tăng tài sản. Ops, mục tiêu của LeoX là gì? Là làm giàu và gia tăng tài sản. Vậy tại sao LeoX lại đi theo con đường đa dạng hóa danh mục nhỉ? Something wrong, có điều gì đó đã sai trong tư duy ngay từ đầu.
Vậy các lý thuyết về đa dạng hóa danh mục trong sách giáo khoa có thực sự là chuẩn mực phải theo không? LeoX lần theo bản chất của lý thuyết này. Diversification hay đa dạng hóa danh mục nói rằng có thể giảm thiểu rủi ro bằng cách đầu tư vào 1 danh mục các cổ phiếu có mức độ “correlation” với nhau thấp, thậm chí là biến động ngược chiều nhau, để giảm rủi ro.
Nói nôm na cho những người ngoại đạo hiểu, thì có nghĩa là đầu tư vào 1 nhóm cổ phiếu có mức độ biến động cùng chiều thấp để không bị rơi vào trường hợp là cổ phiếu A rơi, B cũng rơi, C cũng rơi. Mà thay vì đó có thể là A rơi, B đi ngang, C tăng. Vào một thời điểm khác thì có thể là A tăng, B rơi, C đi ngang. Điều đó sẽ giúp mức độ volatility (biến động) của 1 danh mục quanh 1 cái trục sẽ thấp nhưng không có nghĩa là rủi ro mất vốn sẽ thấp, vì mức độ dao động thấp này có thể đang xoay quanh 1 cái trục đi xuống. Hình sau đây là 1 ví dụ minh họa.
Danh mục 1 (strategy 1) có mức độ đo rủi ro volatility = 0 và tỷ suất lợi nhuận- CAGR là -10%, trong khi danh mục 3 có mức độ volatility rất cao 139% nhưng CAGR là 62%. Kết luận: 1 danh mục có đơn vị đo rủi ro volatility thấp không đồng nghĩa với 1 danh mục ít lỗ hơn. Các bạn có thể đọc thêm bài " Why volatility is a poor measure of risk" tại đây
Sách vở định nghĩa rủi ro bằng volatility (hay standard deviation), còn với thường dân như chúng ta, hãy hiểu rủi ro là khả năng mất vốn, thế cho đúng bản chất! và thế mới là điều ta thực sự quan tâm. Điều đó có nghĩa là bạn cần quay về câu hỏi rất quan trọng là: trong trường hợp xấu nhất, tôi có thể mất bao nhiêu % lợi nhuận khi đầu tư vào cơ hội này?
Thường thì LeoX sẽ chỉ chấp nhận cơ hội đầu tư mà phần thưởng khi thắng lớn hơn ít nhất 3 lần hình phạt khi thua. Ví dụ nếu đúng thì lãi trên 30% và sai thì trường hợp xấu cũng không mất quá 10%.
Đấy là cách LeoX định nghĩa về rủi ro chứ phải nói là tâm lý con người ta ai cũng thường thích đa dạng hóa, vì như thế sẽ dễ chọn dễ quyết định hơn. Giống như khi thích cả A và B trong 100 thứ, nhưng chọn giữa A và B thì thật đau đầu, còn quyết luôn cả A và B nó dễ hơn nhiều. Cái tâm lý này không xa lạ với đời sống lắm đâu.
Tương tự như vậy chọn 1-2 cổ phiếu trong 100 cổ phiếu khó quyết hơn rất rất nhiều so với việc chọn 20 cổ phiếu trong 100 cổ phiếu. Con người thường thích làm việc dễ và sợ sai, sợ cảm giác hối tiếc. LeoX cũng từng không ngoại lệ, đó là lý do tại sao LeoX từng thả phanh chọn tới gần 2 chục cổ phiếu trong danh mục thay vì nâng lên đặt xuống để dồn tỷ trọng vào 1 vài cổ phiếu thực sự có hiệu quả tốt hơn hẳn thị trường.
Sau khi ngộ ra bài học về bản chất của đa dạng hóa danh mục, LeoX đã tái cơ cấu lại danh mục về còn 3-5 cổ phiếu mà LeoX thấy thực sự hiểu và còn nhiều tiềm năng tăng giá. Danh mục sau giai đoạn này như thế nào thì LeoX sẽ chia sẻ với bạn ở phần tiếp theo.
Ah, cũng có những bạn sẽ phản biện với LeoX là đấy là đa dạng hóa trong đầu tư cổ phiếu thôi, còn một người cũng nên phân tán tài sản của mình ra để giảm bớt rủi ro chứ. Ví dụ như có tiền thì mua BĐS 1 tí, đầu tư cổ phiếu 1 tí, mua vàng 1 tí, gửi tiết kiệm 1 tí.
Cũng đúng mà cũng sai. Câu trả lời nằm trong câu quote thứ 2 của Warren Buffet mà LeoX đã nhắc đến bên trên. "Diversification may preserve wealth, but concentration build wealth". Đúng là phân tán tài sản ra nhiều loại khác nhau là lựa chọn hợp lý để giữ tài sản, nhưng nếu muốn gia tăng tài sản nhanh thì việc nắm được giai đoạn nào nên đầu tư cái gì sẽ giúp bạn tiến nhanh hơn rất nhiều.
Ví dụ nếu bạn đầu tư vào vàng từ năm 2011 đến nay thì gần như hiệu quả rất thấp. Dòng tiền rất thông minh, nó luân chuyển nhịp nhàng từ tài sản này sang tài sản khác theo từng giai đoạn của chu kỳ kinh tế và người hiểu được dòng chảy này sẽ có lợi thế hơn để gia tăng tài sản khi áp dụng nguyên lý 20:80 thay vì chia đều bổ nhỏ. Muốn biết thêm về giai đoạn nào đầu tư gì, mời bạn like và follow page LeoX_tự do tài chính hoặc add website leox.vn vào favourite nhé.