
Quay lại 2010 với trải nghiệm của LeoX trong công cuộc chinh phục lại TTCK. Rút kinh nghiệm từ thất bại ê chề 2 năm về trước, LeoX không dành thời gian vào các đồ thị PTKT nữa, mà muốn dành thời gian vào nghiên cứu phân tích cơ bản, để hiểu thực sự mình đang mua cái gì chứ không hú họa cờ bạc nữa. Với tấm bằng mới kiếm được, LeoX nộp hồ sơ vào vị trí chuyên viên phân tích tại một công ty quản lý quỹ với kỳ vọng tìm được đúng con đường, chân trời sẽ mở ra trước mắt.
Bài thi phỏng vấn của LeoX là viết khuyến nghị đầu tư cho 1 case kinh điển của TTCK Việt Nam – Vinamilk ( Ticker: VNM). LeoX là thí sinh duy nhất trong tổng số gần 20 mới thí sinh ứng tuyển viết khuyến nghị Bán Vinamilk thời điểm đó. Lập luận của LeoX là giá cổ phiếu đã lên khá cao rồi, PE và PB lần lượt là 16.33 và 4.2 cao hơn mức bình quân của 50 công ty vốn hóa lớn nhất thị trường. Về hoạt động kinh doanh, Vinamilk đang bị cạnh tranh quyết liệt bởi sữa ngoại đặc biệt ở phân khúc sữa bột, mà người Việt Nam tâm lý sính ngoại nên cuộc chiến này Vinamilk khó mà giữ được thị phần.
LeoX cũng chứng minh biên lợi nhuận của VNM sẽ bị thu hẹp vì cả yếu tố cạnh tranh lẫn vấn đề giá sữa bột nhập khẩu (nguyên liệu sản xuất của VNM) đang tăng mạnh trong khi nhà nước lại quản lý đầu ra giá sữa. 1 điểm nhấn nữa là VNM thời đó chuẩn bị xây dựng nhà máy lớn, và quan điểm của LeoX là trước 1 khoản đầu tư lớn chưa biết hiệu quả thế nào thì nên bán để chờ theo dõi thêm. Nói chung là các luận điểm LeoX đưa ra khá hùng hồn và quyết liệt, mỗi tội sau này mới thấy mình sai lè lè – 1 cái sai do đầu óc nông cạn mà càng về sau này mới càng thấm thía. LeoX sẽ đề cập chi tiết hơn bài học từ sai lầm này ở phần sau.
Có điều LeoX cũng chợt nhật ra rằng, muốn thành công phải khác biệt. Điển hình là lần phỏng vấn này. Vì là thí sinh duy nhất viết khuyến nghị bán VNM mà LeoX cũng là thí sinh duy nhất được nhận vào thời điểm đó. Sau mới hiểu, không hẳn sếp đồng tình với các lập luận của LeoX, nhưng sếp cần nhìn thấy nhân viên có lập trường và có năng lực để bảo vệ lập trường của mình, nhất là trong lĩnh vực đầu tư.
Công việc mới có vẻ rất chuyên nghiệp và đầy hứa hẹn, LeoX có niềm tin là mình sẽ bứt phá từ đây. Làm ở quỹ đầu tư mà không đầu tư được thì còn chỗ nào? Quỹ đầu tư như dân chứng khoán vẫn nói, là cá mập, là tay to của thị trường còn gì. LeoX lao vào làm không ngại việc, có những buổi 8h tối vẫn chưa về, gặm tạm cái bánh mì để hoàn thành nốt báo cáo. LeoX thời đó luôn sợ là báo cáo ra muộn 1 ngày, giá chạy mất thì hỏng hết cả việc. Tuổi trẻ hừng hực khiến cái đầu lúc nào cũng nóng và luôn muốn phải hành động.
Sau khoảng vài tháng thì LeoX nhận ra rằng, hóa ra cách làm của quỹ đầu tư rất khác cá nhân. Họ thường đầu tư cả 1 rổ cổ phiếu với vài chục mã, và mục tiêu của họ là beat benchmark (vượt tỷ suất lợi nhuận của Vnindex), chứ không phải là lãi hơn so với tiền gửi. Điều đó có nghĩa là, có thể quỹ vẫn được đánh giá là outperform nếu danh mục của Quỹ giảm 10%, trong khi VNindex giảm tới 20%.
Nhưng với cá nhân thì mất tiền là mất tiền, chứ mất ít hơn cái benmark nào đi chăng nữa thì có giá trị gì? Vì rõ ràng, nếu không đầu tư tôi vẫn có sự lựa chọn gửi tiết kiệm để sinh lời cơ mà. Câu hỏi này vẩn vơ trong đầu là vậy, nhưng LeoX cũng chả nhìn ra cái hướng nào, vì mình đang làm ở 1 quỹ chuyên nghiệp rồi, mình còn phải học hỏi, còn non trẻ lắm.
Cùng với cách đầu tư của quỹ, LeoX cũng có 1 danh mục tới gần 20 cổ phiếu. Mấu chốt của điều này là để đạt được mức độ đa dạng hóa danh mục nhằm giảm thiểu rủi ro bỏ trứng vào 1 giỏ. Cái này hồi đi học LeoX cũng được học đấy mà, 1 thứ lý thuyết kinh điển có trong tất cả các thể loại sách giáo khoa về đầu tư – diversification – đa dạng hóa – không bỏ hết trứng vào 1 giỏ.
Với 1 danh mục như vậy, nhiều khi LeoX cũng chả nắm được cái công ty mà mình mua nó đang làm ăn quý này thế nào, hoạt động kinh doanh có biến chuyển tốt lên hay không. Ngoại trừ những công ty trực tiếp làm báo cáo phân tích, các cổ phiếu còn lại trong danh mục LeoX chỉ nắm được là giá nó hôm nay tăng hay giảm, vị thế đang lỗ hay lãi, cùng lắm là các chỉ số tài chính hiện tại của nó vẫn ổn chứ, PE có quá cao không.
Đấy lại là 1 điểm khác biệt nữa của việc đầu tư của quỹ khác với cá nhân như thế nào. Quỹ có nhiều nhân viên phân tích, mỗi nhân viên chịu trách nhiệm 1 số nho nhỏ doanh nghiệp hoặc ngành nghề cố định. 1 chuyên viên phân tích có thể nắm rất rõ tình hình kinh doanh của 1 công ty mà họ phân tích, nhưng lại có cái nhìn rất hạn chế với những công ty mà họ không phân tích, thậm chí là không biết gì. Như vậy 1 người làm phân tích dường như chỉ nhìn được 1 mẩu nhỏ của bức tranh. Mà khi chỉ nhìn thấy 1 mẩu nhỏ thì chắc gì nó đã là mẩu ngon?
LeoX dần hiểu rằng, vị trí phải đạt đến trong 1 quỹ đầu tư là Portfolio Manager – Giám đốc quản lý danh mục (gọi tắt là PM nha). Chứ làm chuyên viên phân tích thì chả ăn thua gì. Thậm chí có thể dễ dàng bị thay thế. Nghỉ người này thì tuyển người khác. Chứ 1 ông PM mà làm được ra lợi nhuận thì phải nói là được săn đón như vua.
Tiện đây LeoX chia sẻ luôn với bạn khi tư duy về định hướng sự nghiệp. Nếu bạn đang đi làm thuê, hãy ngồi lại mà nghĩ xem cái việc mình làm đang ở khâu nào trong bức tranh lớn hoạt động kinh doanh của công ty. Nhiều khi không phải là bạn có chăm chỉ hay không, có được thăng chức hay không, mà quan trọng là có ở đúng nơi tạo ra giá trị quan trọng với công ty hay không.
Nguyên tắc 80:20 lại đúng trong trường hợp này. 80% giá trị của công ty được tạo ra bởi 20% nhân viên. Tỷ dụ như trường hợp của LeoX lúc này, 80% investment staff là chuyên viên phân tích, 80% workload cũng là do nhân viên phân tích làm. Nói nôm na thì 80% việc chân tay mình thực hiện hết, nhưng kết quả thì 80% là do ông PM. Đương nhiên, thành quả ông PM cũng hưởng 80%.
Đừng nói là người ta có khả năng thì mới làm được PM nha. Điều quan trọng là bạn nhìn thấy được con đường. Nếu công việc đó là mấu chốt của toàn bộ quá trình, thì bạn phải nghĩ theo hướng: cần có kĩ năng gì, kiến thức gì để làm được công việc đó và làm cách nào mình có những kiến thức, kỹ năng đó. Đó mới là tư duy của một người thành công. Cách nghĩ kia là tư duy của loser.
Thôi hôm nay viết đến đây, hơi mỏi mồm, ý quên mỏi tay rồi. Mai viết tiếp nhé!