2010 – LeoX bắt đầu lại từ đầu. Đừng hóng vội, lúc này LeoX chưa tìm thấy cửu âm chân kinh gì đâu. Vẫn chập choạng giữa các trường phái đầu tư mà thôi.

LeoX ngồi nhìn lại, mình đã sai như thế nào nhỉ ? tại sao sống giữa 1 thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn thế giới mà mình vẫn cứ lơ ngơ như trên mây trên gió. Ah vì mình có quan tâm gì đến cơ bản đâu, chỉ nhăm nhe nhìn giá với đồ thị, bỏ qua hết tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, chả hiểu cái doanh nghiệp mình mua nó kinh doanh cái cóc khô gì. Chỉ tin là nó sắp tăng giá theo pattern này và kia rồi mua và khấn.

Nhưng tại sao phương pháp này trở nên phổ biến đến vậy? Ai ai cũng xem đồ thị khi đầu tư chứng khoán, ai ai cũng canh bảng điện để mua ra bán vào. Các khóa học phân tích kỹ thuật đầy rẫy thị trường với những bí kíp làm giàu siêu tốc, công thức bí mật để thành công. 
 

Liệu họ có giàu thật không nhỉ? Liệu LeoX có là nhà đầu tư thất bại vì sự ngu dốt của mình chứ không phải vì con đường mình đã chọn? Ok câu hỏi hay, vậy tìm hiểu đi, ai là nhà đầu tư phân tích kỹ thuật thành công nhất thế giới? Họ có bao nhiêu tỷ USD? Có giàu bằng nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffet không?

Không mất đến 15’ để tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi này. Và LeoX ngã ngửa, không có 1 nhà đầu tư nào phân tích kỹ thuật để đầu tư mà là tỷ phú USD trên thế giới cả. Vâng, không một ai cả! Tìm kiếm những người xuất sắc nhất về phân tích kỹ thuật xem networth (giá trị tài sản) của họ là bao nhiêu là rất khó. Đơn giản vì chả có thông tin nào được công bố khi mà họ không tạo ra thành tựu nào đáng kể. 
 

Dò theo những bài báo, đa phần những NĐT theo phân tích kỹ thuật là những người ăn đậm được quả này, và mất đắng ở quả khác. Và chung cuộc là tài sản của họ khó có thể tăng trưởng 1 cách bền vững mà cứ trồi sụt, lên xuống. What the hell! Tôi đã chọn con đường gì vậy? Sao tôi lại chọn đi con đường mà không 1 ai trên thế giới này chứng minh được là nó thực sự thành công? 
 

Toàn bộ lý tưởng về cổ phiếu tốt không cần là công ty tốt sụp đổ. Chân lý này đúng là nghe rất bản chất, rất logic và hợp lý. Nhưng 1 tư duy đúng, 1 phương pháp đúng không thể dẫn đến 1 kết quả tầm phào như vậy được. 
 

Thế nhưng tại sao nó lại là phương pháp phổ biến đến vậy? Mãi sau này LeoX mới hiểu, vì nó thỏa mãn nhu cầu cảm xúc của số đông ... 
 

Bạn nhớ LeoX viết bài về minimalism – sống tối giản không? Bản chất là con người luôn đi tìm kiếm sự kích thích, họ sợ sự nhàm chán, sợ đối mặt với cái tôi trống rỗng của mình. Họ thèm kích thích. Đó có thể là 1 cái túi luxury khiến họ mừng phát khóc, có thể là ngôi nhà mới mà họ phải nai lưng ra trả nợ, có thể là 1 bộ phim chém giết giật gân, hoặc là những tin lá cải vỉa hè của giới showbiz ... 
 

Cuộc sống của họ nếu thiếu kích thích sẽ thiếu mầu sắc. Và nó cũng vẫn đúng với nhà đầu tư chứng khoán. Đầu tư mà không nhìn bảng giá hàng ngày, thậm chí hàng phút hàng giờ thì nó ko có sự kích thích. Đầu tư mà cứ mua xong để đấy làm việc khác thì nó không háo hức. Cần phải mua bán , mua bán, chốt lời. A lời to rồi, tiêu tiền thôi. Mua túi này, mua ví này, mua các thiết bị điện tử này. Kích thích này nó nối kích thích khác và thực sự người ta luôn đi tìm kiếm kích thích để giải phóng mình khỏi cảm giác nhàm chán.

Mà lạ lắm nha, không chỉ cảm giác kích thích tích cực đâu, cả tiêu cực con người cũng nghiện luôn. Kiểu đắm chìm vào trong 1 cảm xúc tiêu cực và ngấu nghiến nó. Nó có thể xuất hiện ở 1 cô nàng đỏng đảnh gây sự với người yêu để tìm kiếm cảm xúc, cãi nhau đi rồi làm hòa lại cho lãng mạn lại nó mới thú vị chớ. Nó cũng có thể tìm thấy ở 1 nhà đầu tư chứng khoán, tôi lỗ đấy, đáng lẽ ra tôi nên làm thế này thế kia, ôi tiếc quá, ân hận quá, giá như, giá mà … Họ đôi khi cứ chôn vùi mình trong 1 mớ tiêu cực như 1 cô nàng chìm đắm trong thất tình …để thỏa mãn cái bản ngã.  
 

Bản thân họ không ý thức điều đó đâu, nhưng LeoX cho bạn 1 lời khuyên nha, hãy tránh xa những người hay kể khổ, hay than thân trách phận, hay chì chiết nói xấu người khác, hay giãi bày về những khó khăn để thanh minh là tôi có lý do để thất bại. Những người như vậy thực ra đang cố gắng thỏa mãn cảm xúc, bản ngã của mình thôi. Và ở họ tràn đầy năng lượng tiêu cực, không tốt cho bạn, rất không tốt. Hãy chọn bạn mà chơi, gần đèn thì rạng.

Ơ, thế LeoX nói thế thì khác gì chửi cả thế giới. Chả lẽ thiên hạ ngu hết 1 mình cô khôn? Ai đầu tư chứng khoán mà chả dùng đến phân tích kỹ thuật. Ấy dà, đừng kết luận thế làm LeoX đắc tội với cả thế giới nha. LeoX hay bị 1 số người cạn nghĩ quy quan điểm mở của LeoX vào 1 câu chốt nông cạn lắm, hic hic. 
 

Bản thân PTKT không có tội, nó là 1 môn khoa học có cơ sở. Cái sai là ở cách người ta áp dụng nó. Phân tích kỹ thuật vẫn hữu ích, ngay cả với LeoX ở thời điểm hiện tại. Nó giúp LeoX xác định thời điểm (timing) phù hợp để mua hay bán 1 cổ phiếu. Giả sử như muốn mua cổ phiếu ABC chẳng hạn, nhưng mua ngay bây giờ, tuần sau hay chưa vội, từ từ đã. 
 

Tuy nhiên LeoX chỉ sử dụng PTKT với 1 tỷ trọng đóng góp nho nhỏ. PTKT nằm trong 20% 1 nhóm các yếu tố đóng góp vào quyết định đầu tư cuối cùng của LeoX, chứ không phải 80% như phần lớn mọi người giao dịch CK đang làm.

Bạn nhớ LeoX nói về nguyên tắc 20:80 chứ - cuộc đời này không công bằng và cũng không cân bằng theo tỷ trọng 50:50, nó luôn là 1 loạt cái thước 20:80 nằm trên 1 cái trục lớn nhiều thước để giữ cân bằng cái trục. 
 

Tức là không phải work-life balance có nghĩa là bạn dành 50% thời gian cho công việc, 50% thời gian cho gia đình all the time. Mà nó là 80% ở thời điểm này nhưng 20% ở thời điểm khác. 
 

Cuộc đời này là 1 loạt cái thước lệch 20:80 như vậy đặt trên 1 cái trục, cái thước nó luôn cần phải lệch và thay đổi theo từng giai đoạn, nhưng nó giữ cho cái trục cân bằng ở mọi thời điểm. Đó là quy luật của vũ trụ. 
 

Mà nói là không có nhà đầu tư dùng phân tích kỹ thuật nào nổi tiếng là tỷ phú cũng không chính xác 100%. 
 

Cũng có 1 số người theo trường phái không phải đầu tư dài hạn mà thành công, họ cũng dựa trên biểu đồ và cũng có mua bán với tần suất nhiều hơn nhà đầu tư dài hạn, nhưng họ kết hợp nhiều yếu tố trong đó không thể thiếu phân tích cơ bản cổ phiếu. 
 

Một trong những người đó là William O’neil. Các bạn hứng thú với cách đầu tư này có thể tìm hiểu những quyển sách của ông như là “24 essential lessons for investment success”

Ở Việt Nam LeoX cũng biết 1 người tương đối thành công trên nguyên tắc này. Thực sự rất ít người có thể theo được phương pháp này vì nó đòi hỏi 1 sự kỷ luật cũng như 1 sự tỉnh táo cực kỳ cao. Nó không phù hợp lắm với LeoX và LeoX cũng cho rằng nó không phù hợp với phần đông đâu, đặc biệt nếu bạn là người khó tuân theo nguyên tắc đã đặt ra, dễ bị cảm xúc chi phối, hay cay cú ăn thua.

Hơn nữa bạn cũng chỉ nên tham khảo nếu có nhiều thời gian. Nói vậy vì LeoX biết không phải ai cũng có thể sẵn sàng bỏ việc để ngồi nhà trở thành nhà đầu tư chứng khoán. Việc theo dõi thị trường chứng khoán ngày này qua ngày khác là 1 việc rất tốn thời gian, ảnh hưởng đến công việc chính, khá mệt mỏi nếu không control đc cảm xúc và cũng không hiệu quả nếu bạn không biết cách. 
 

Ôi hơi dài rồi ý nhỉ, tạm ngắt ở đây đã nhé! Hẹn mọi người ở phần tiếp. 
 

Phần 5: Công việc mới và hành trình "tìm một con đường, tìm một lối đi..."