Như các bạn đã biết, chặng đường đầu tư cổ phiếu của LeoX chia làm 4 chặng như đã miêu tả trong Phần 10. Ở phần 10, LeoX đã viết đến chặng 3: đầu tư tập trung vào doanh nghiệp lớn và nắm giữ dài hạn, kéo dài từ năm 2014 đến năm 2017. LeoX không cho rằng chặng 3 này có gì sai và cần phải thay đổi. Nó phù hợp với 2 trong 3 cách tiếp cận về cổ phiếu mà LeoX đã viết trong bài này. Cụ thể là Đầu tư vào những gì mình biết sâu sắc trong vòng tròn hiểu biết và đầu tư dài hạn vào doanh nghiệp tuyệt vời.
![](https://leox.vn/leox-v2/api/file/image/9c5f34da-d32f-4645-ae64-36f2a8108c87.png)
Tuy nhiên có 3 LÝ DO CHÍNH khiến LeoX tiến hóa sang CHẶNG 4: chuyển đổi từ việc nắm giữ cổ phiếu doanh nghiệp tuyệt vời trong dài hạn sang phân bổ tài sản phù hợp với chu kỳ kinh tế.
✅ LÝ DO THỨ NHẤT: Thị trường Việt Nam thiếu hiệu quả khi nắm giữ dài hạn. Tính thiếu hiệu quả cho việc nắm giữ cổ phiếu dài hạn nằm ở đâu?
Thứ nhất: Số lượng doanh nghiệp có thể được đánh giá là tuyệt vời theo hệ thống chấm điểm của LeoX là rất ít, đếm được trên đầu ngón tay. Điều này chủ yếu bởi 2 lẽ:
(1) Khả năng quản lý quản trị còn yếu kém, đa số các doanh nghiệp tư duy theo kiểu ngắn hạn đánh deal chứ không gắn với một mô hình kinh doanh có khả năng scale up và có tính bền vững
(2) Môi trường kinh doanh ở Việt Nam chưa tối ưu cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp ở Việt Nam hoàn toàn đi lên từ làm kinh doanh thật rất hiếm trong khi doanh nghiệp dựa vào cơ chế và quan hệ thì nhiều mà cái này thì quá khó để đánh giá là 1 mô hình kinh doanh bền vững. Môi trường kinh doanh cũng như hệ thống giáo dục không nuôi dưỡng cho các ý tưởng đột phá để tạo ra những innovation.
Thứ hai: Thị trường VN kém hiệu quả so với Mỹ khi nhìn dài hạn. Đây cũng là 1 vấn đề khiến cách tiếp cận đầu tư cổ phiếu theo hướng passive investing (đầu tư thụ động theo chỉ số ) mà LeoX nêu ra trong bài này hiệu quả ko cao như ở các thị trường phát triển nếu không có cách để modify đi.
Nhìn lại lịch sử chỉ số sẽ thấy rất rõ điều này. Năm 2007 đỉnh của chu kỳ kinh tế trước, chỉ số S&P là 1536 thì đến nay, kể cả khi đại dịch đang diễn ra chỉ số này là 3,360.95, tức là cao hơn hơn gấp đôi so với đỉnh của cuộc khủng hoảng 2007. Chỉ số Dow Jones cũng có mức tăng tương tự. Trong khi đó ở Việt Nam, chỉ số VNindex đạt đỉnh là 1170 vào năm 2007 trước khi khủng hoảng xảy ra, nhưng hơn chục năm qua chưa lần nào vượt qua được đỉnh cũ. Đừng ai hiểu rằng như vậy là chứng khoán Việt Nam tăng ít hơn nhiều thế còn rẻ nhé. Phân tích điều này thì có nhiều lý do, nhưng từ góc nhìn bottom up là từ phía doanh nghiệp thì là vì thị trường Mỹ luôn có các lớp doanh nghiệp khác nhau dẫn dắt thị trường đi lên. Nguy cơ đối với nhóm doanh nghiệp này lại là thời cơ đối với nhóm doanh nghiệp khác. Ví dụ như khi dịch xảy ra thì lại là thiên thời cho những Doanh nghiệp innovative như Amazon hay Zoom.
✅ LÝ DO THỨ 2: Dòng tiền thông minh luân chuyển từ tài sản này sang tài sản khác.
(1) Nếu chỉ nhìn hẹp trong thị trường cổ phiếu, ta sẽ chỉ thấy dòng tiền sẽ luân chuyển từ nhóm ngành này sang nhóm ngành khác, rồi cổ phiếu này sang cổ phiếu khác. Nhưng rút chân ra khỏi thị trường cổ phiếu và nhìn rộng hơn, thì dòng tiền chuyển từ tài sản này qua tài sản khác. Ví dụ như nhìn lại chu kỳ kinh tế gần nhất, vàng sẽ phù hợp để nắm giữ giai đoạn 2008-2011, trái phiếu hiệu quả nhất để vào trong giai đoạn 2010 – 2012 để khóa lãi suất ở vùng đỉnh, cổ phiếu hiệu quả nhất sau năm 2013 khi lãi suất bắt đầu hạ, BĐS thì là vài năm sau đó.
(2) Khi có vài trăm triệu hoặc vài tỷ ko khó để focus hết tài sản vào đầu tư cổ phiếu. Nhưng khi tài sản lớn lên sẽ rất khó để all in tất cả tài sản của mình vào cổ phiếu. Nhiều người LeoX biết sẽ chọn rút bớt tiền ra tích lũy vào BĐS và chỉ duy trì tài sản trên cổ phiếu không quá một tỷ lệ nhất định. Điều này cũng hợp lý với nguyên tắc quản lý tài chính cá nhân.
Đối với portfolio management, LeoX khá against quan điểm đa dạng hóa rủi ro như đã trình bày trong các phần trước. Nhưng đối với wealth management để đạt được sự an toàn và tăng trưởng ổn định cho khối tài sản thì quyết định phân bổ tỷ trọng tài sản (asset allocation strategy) là quan trọng nhất. Điều đó cho phép bạn tham gia thị trường vào những giai đoạn ít rủi ro nhất và thuận lợi nhất. Ví dụ giai đoạn 2008-2009, mua vàng cầm đến 2011 là xong, thay vì cứ ngụp lặn đãi cát tìm vàng trong thị trường cổ phiếu. Nhưng đến 2013 khi lãi suất bắt đầu hạ thì lại là lúc phù hợp để quay lại thị trường.
✅ LÝ DO THỨ 3: Chúng ta đang ở cuối chu kỳ nợ lớn – không phải chu kỳ kinh tế thông thường.
Đây có lẽ là một trong những lý do tác động mạnh nhất đến LeoX và cũng chỉ từ 2018 khi nghiên cứu mô hình "Navigating the big debt cycle" của Ray Dalio thì LeoX mới ngỡ ngàng nhận ra rằng: hóa ra có một cái gọi là chu kỳ nợ lớn. Trước đó LeoX chỉ biết đến business cycle : chu kỳ kinh tế 10-15 năm 1 lần mà thôi. Thì cũng dễ hiểu thôi vì đời người mấy ai được trải qua chu kỳ nợ lớn mà biết, còn mấy ai sinh năm 1930 còn sống đến ngày nay và đủ minh mẫn để cảnh báo cho chúng ta chứ. Chúng ta chỉ biết đến nó qua việc nghiên cứu lịch sử mà thôi.
LeoX nghiên cứu say mê cuốn sách này, cũng thử dựng lại các dữ liệu kinh tế theo mô hình debt cycle để tự mình kiểm chứng và hoàn toàn bị thuyết phục. LeoX đã đề cập đến big debt cycle khá nhiều lần xuyên suốt các bài viết của mình, bạn nào muốn tìm hiểu thêm có thể tìm đọc lại, ví dụ như bài Cash is trash. Trong một bối cảnh đặc biệt như vậy, việc nắm giữ cổ phiếu dài hạn có rủi ro mà LeoX không muốn take. LeoX cũng không thấy ổn khi biết đùa với lửa mà vẫn lao vào chơi vì nghĩ rằng mình có thể nhanh hơn để “gắp lửa bỏ tay người” – thực tế thì hầu hết những người nghĩ theo cách này đều bị ảo tưởng về bản thân.
Trong đầu tư, việc chọn bỏ cũng quan trọng như việc chọn ăn. Ăn tạp và tham ăn thì sớm muộn gì cũng lĩnh hội được bài học đắt giá.
✅ NHỮNG LỢI ÍCH VÀ THỬ THÁCH CỦA CÁCH TIẾP CẬN ĐẦU TƯ TỪ CHU KỲ
KINH TẾ
Lợi ích của cách tiếp cận này là nó trả lời trực tiếp cho câu hỏi mà hầu hết chúng ta đều quan tâm: nên để tiền vào đâu để sinh lời? Tất nhiên bạn chỉ nên đầu tư vào tài sản mình hiểu rõ, nhưng nếu đó là giai đoạn lợi nhuận kỳ vọng giảm dần trong khi rủi ro gia tăng thì có nên tham gia không, hay là bảo toàn tài sản và chờ đợi lại là câu hỏi khác. Dễ chơi khó bỏ không phải là thái độ thiếu nghiêm túc mà là thuận theo dòng chảy. Dù có giỏi, có khỏe thì làm 1 con cá bơi ngược dòng hay tin mình có khả năng đãi cát tìm vàng đôi khi chỉ là ảo tưởng sức mạnh.
Những lợi ích khác từ cách tiếp cận này là bạn cảm nhận được nhịp thở kinh tế xã hội đang diễn ra xung quanh mình, có tầm nhìn rộng lớn để quyết định cả những vấn đề khác trong cuộc sống. Ví dụ như việc định hướng sự nghiệp cho bản thân, việc kinh doanh của gia đình, việc hướng nghiệp cho con cái …. Thử thách của cách tiếp cận này là khó xác định được thời điểm. Các chỉ báo cho ta biết ta đang ở đâu trong chu kỳ, nhưng nó không cho ta biết giai đoạn chuyển giao này có thể kéo dài trong bao lâu.
Ví như ta biết sắp đến mùa đông, nhưng cụ thể là bao nhiêu ngày nữa, liệu năm nay mùa đông có đến chậm hơn so với năm khác không thì chẳng có cách nào biết được. Ta chỉ có thể lặng lẽ theo dõi để cảm nhận những tín hiệu ban đầu của cơn gió đầu mùa mà thôi. Ta cũng phải biết chấp nhận ăn gì bỏ gì, không thể chọn 1 hướng nhưng vẫn ngoái đầu nhìn sang mâm của người khác lại thấy thèm được. Chọn bỏ không ăn gì khó như chọn sẽ ăn gì, còn ăn tạp, ăn tham, cái gì cũng muốn ăn thì khó sống lâu lắm.
✅ VẬY LÀM SAO ĐỂ CÓ THỂ HỌC ĐẦU TƯ THEO CHU KỲ KINH TẾ?
Chân thành mà nói thì con đường này không dễ. Nó có nhiều mức độ tiếp cận từ đơn giản đến phức tạp. Ở mức độ phức tạp, để nhìn được một bức tranh tương đối toàn diện thì nó đòi hỏi bạn phải có thời gian nghiên cứu tập hợp được dữ liệu lịch sử để nhìn ra được các patterns cũng như monitor diễn biến sự thay đổi của nó.
Ngoài ra cũng phải có tư duy bản chất để thoát ra khỏi cái mớ lùng bùng con gà quả trứng thường thấy trong kinh tế học. Cuối cùng là cũng phải tỉnh táo và cảnh giác với chính bản thân mình. Người ta thường có xu hướng đi tìm kiếm bằng chứng cho điều mình tin vào – gọi là "confirmation bias" thì phải.
Bản thân LeoX cũng là người nghiên cứu và học tập lại những nhà đầu tư huyền thoại, hiểu tư tưởng của họ và sàng lọc ra những gì phù hợp với tư duy và identity của bản thân, phù hợp với thị trường Việt Nam để áp dụng. LeoX cũng phải thường xuyên xem xét lại các giả định của mình, tìm người thảo luận, khai mở góc nhìn mới xem mình có bị điểm mù nào không, những lập luận của mình có sơ hở hay thiếu vững chắc ở đâu không. Và ngay cả khi đã làm vậy rồi thì vẫn luôn phải phòng bị cho trường hợp mình có thể sai. Nếu sai thì sao, mất là gì và được là gì.
Tùy vào mức độ thời gian mà bạn có thể đầu tư để xây dựng con đường của mình. Nếu bạn là người không chuyên (mà là đối tượng chính mà LeoX hướng tới khi viết), nếu bạn không có nhiều thời gian để tập hợp và phân tích dữ liệu, nhưng lại muốn có cái nhìn sơ bộ, tổng quát để hỗ trợ trong việc ra quyết định nên phân bổ tài sản như thế nào, thì cũng có cách tiếp cận đơn giản hơn mà bạn có thể áp dụng.
Cách tiếp cận này gồm 2 yếu tố (1) Bám vào 20% yếu tố cốt lõi chiếm vai trò quan trọng 80% thay vì cố hiểu hết tất cả (2) Chuẩn bị một kịch bản phân bổ tài sản không quá aggressive, Ray Dalio hay gọi là "all weather portfolio".
Ví dụ để quyết định bỏ phần lớn tài sản của mình vào vàng sẽ là 1 quyết định tương đối "aggressive" đòi hỏi bạn phải tìm hiểu rất kỹ, rất sâu để rất tự tin với quyết định của mình. Còn không thì 1 danh mục cân bằng ví dụ 20-30% vàng trong tài sản đầu tư là một hướng tiếp cận phù hợp với những người không chuyên.
Chi tiết hơn cho 2 yếu tố này LeoX dự định sẽ viết tiếp trong mục kiến thức. Vì để list ra các yếu tố, giải thích khái niệm, đưa dữ liệu minh họa thì không thể viết ra hết trong 1 bài này được. Thực ra thì LeoX cũng đang hơi bối rối trong việc đưa ra các bài viết kiến thức chuyên ngành, vì có vẻ như nó cũng không được thành viên hưởng ứng cho lắm thì phải?
Muốn đầu tư cần có kiến thức, cũng như muốn khỏe thì phải tập thể dục vậy. Nếu bạn trông đợi lời khuyên từ bên ngoài thì bạn sẽ không thể thành công được trên con đường đầu tư đâu. Vì không ai có trách nhiệm với tiền của bạn như chính bạn cả.