
Phần này để đến giờ mới viết vì giờ nó mới sắp có cơ hội trở nên hữu ích đây ….
Nếu xếp chặng đường đầu tư của LeoX thành các giai đoạn thì nó sẽ như sau:
Giai đoạn 1: (2006-2008) Loạn chưởng giữa các phương pháp và thất bại cay đắng.
Giai đoạn 2: (2010-2013) Săn doanh nghiệp định giá rẻ bao gồm 2 loại như đã đề cập trong phần 9. Loại thứ nhất là rẻ theo yield và loại thứ hai rẻ theo tài sản.
Giai đoạn 3: (2014- 2017) Đầu tư tập trung vào doanh nghiệp lớn và nắm giữ dài hạn
Giai đoạn 4: (2018 – now) Thay đổi việc nắm giữ dài hạn sang chuyển đổi theo chu kỳ kinh tế.
Phần 10 này LeoX sẽ tập trung viết nốt giai đoạn 3 và phần sau là giai đoạn 4.
____________________________
Khi số vốn dần lớn lên, LeoX nhận ra là việc mua cổ phiếu các doanh nghiệp small cap và micro cap không còn hiệu quả nữa. Nhất là sau 1 phi vụ đầu tư bị dính rủi ro quản trị càng khiến LeoX không dám mạo hiểm công sức và tài sản bấy lâu tích góp để đi theo nguyên tắc đầu tư tập trung khi đầu tư doanh nghiệp nhỏ nữa. Còn nếu mua đa dạng hóa 5-10 cổ phiếu nhỏ thì vừa tốn nhiều công nghiên cứu và update, lại vừa quay lại đúng sai lầm về đa dạng hóa mà LeoX đã gặp trước đây. Vì “Diversification preserve wealth, concentration create wealth” – Bạn nhớ câu này ở phần trước chứ?
Đây cũng là giai đoạn mà LeoX lập gia đình và có con nhỏ. Bước ngoặt này cũng là yếu tố thứ 2 khiến LeoX không cho phép mình mạo hiểm như trước kia nữa vì còn phải đảm bảo an toàn tài chính cho gia đình. Chồng LeoX mặc dù không làm trong lĩnh vực đầu tư, nhưng cũng có niềm tin lớn vào việc đầu tư là con đường dẫn đến tự do tài chính. Do đó số tiền tiết kiệm được, 2 vợ chồng đều chuyển sang đầu tư cổ phiếu.
Thời điểm này LeoX cũng được promoted lên làm PM, quản lý 1 quỹ đầu tư mới của công ty. Quản lý số tiền lớn thì các cơ hội nhỏ chả có ý nghĩa gì. Dù thực ra giai đoạn đầu, vì kinh nghiệm sẵn có và vì nghiện các cổ phiếu nhỏ siêu lợi nhuận, LeoX cũng đặt ra chiến lược "core satellite", tức là phần core chiếm 70-80% là các doanh nghiệp lớn, còn phần nhỏ là các vệ tinh (satellite) với các DN nhỏ để seeking alpha (kiếm LN đột biến).
Tuy nhiên sau 1 năm LeoX nhận ra rằng việc phân bổ thời gian cho cái lõi 80% bị ảnh hưởng khá nhiều khi cái đống vệ tinh nó ngốn nhiều thời gian hơn. Quy luật 80:20 luôn đúng, 80% thời gian phải tập trung cho 80% thứ quan trọng nhất chứ? 80% thời gian đang tập trung vào nhóm có giá trị 20% thì không ổn rồi. Vậy là LeoX từ bỏ chiến lược "Core satellite Strategy" trong sách giáo khoa tài chính ....
Đọc về Warren Buffet, LeoX nhận thấy là hóa ra quá trình mình đi qua hóa ra cũng khá giống với quá trình Warren Buffet đã trải qua. Thời đầu Warren Buffet đầu tư theo người thầy Benjamin Graham – cũng chủ yếu mua theo phương pháp tài sản với cách tiếp cận Net Net nổi tiếng – mục đích là mua rẻ. Sau này khi gặp Charles Munger, Warren Buffet mới chuyển từ cách tiếp cận “mua rẻ” sang “mua ở giá hợp lý” hay tiếng anh gọi là mua ở "fair value". Cách thức này tập trung vào các doanh nghiệp lớn, có lợi thế cạnh tranh rõ ràng và nắm giữ dài hạn. Warren buffet vốn nổi tiếng vì việc nắm giữ cổ phiếu xuyên qua các chu kỳ kinh tế với thời gian nắm giữ có khi đến vài chục năm.
Nhìn lại LeoX tự hỏi liệu cách tiếp cận này có làm thành công được ở Việt Nam không? Rõ ràng thời gian trước (giai đoạn 2010 – 2013), khi mà LeoX cứ say mê lặn ngụp tìm kiếm các cổ phiếu nhỏ siêu lợi nhuận, hết cổ phiếu này tới cổ phiếu khác, thì chẳng thà cứ đầu tư béng hết vào VNM thì hiệu quả còn cao hơn mà lại nhàn nhã?
Trên thực tế, đến cuối năm 2014 khi chuyển sang công việc PM thì LeoX mới mua VNM, trong khi giá đáy của VNM là vào năm 2009, ngay sau khủng hoảng tài chính. Bây giờ nhìn lại theo giá điều chỉnh thì thời điểm 2009, giá VNM chỉ có hơn 5,000Đ, trong khi đến năm 2014 lúc LeoX mua giá VNM đã là hơn 50,000Đ. Một mức tăng 10 lần trong 5 năm. Có tìm được nhiều cổ phiếu nhỏ siêu lợi nhuận thì cũng không lại được tỷ suất lợi nhuận đó và nhất là với quy mô vốn lớn thì chịu chết.
Vậy lý do gì đã khiến LeoX đã thất bại trong việc tìm đến VNM từ năm 2009 luôn cho nhẹ đầu? Ấy giờ nhìn lại thì thấy dễ chứ hồi đó khó nghĩ lắm lắm!
Không nhớ đã kể cho các bạn chưa? LeoX nhớ là đã kể trong bài nào đó rồi, rằng thì là mà năm 2010 khi thi tuyển dụng, LeoX còn tự tin viết khuyến nghị BÁN to đùng cho VNM. Lý do thì nhiều lắm. Nào là thị trường sữa cạnh tranh quá khắc nghiệt, tâm lý sính ngoại của người Việt sẽ khiến VNM mất thị phần. Nào là VNM nằm trên 1 đống cash, lúc đó LeoX nhớ số cash trên bảng cân đối kế toán của VNM nhiều ngang với một ngân hàng nhỏ. Việc giữ cash để gửi ngân hàng như vậy không hiệu quả cho cổ đông. Nào là nhìn trên mô hình định giá (đủ các thể loại PE, FCFE, DCF, residual income blahh …) thì định giá của VNM cho thấy hiện cổ phiếu đã overvalued. Blahhhh với rất nhiều lý do.
Cái sự tự tin chắc nịch đó đã khiến LeoX không thèm động tới VNM những năm đó (2010-2013). Nó cũng là cái khiến LeoX dằn vặt suy nghĩ mãi sau đó vì rõ ràng là mình đã sai lè lè. Kết quả trả lời tất cả, doanh thu, lợi nhuận, thị phần của VNM đều tăng mạnh, và đương nhiên giá cổ phiếu cũng tăng mạnh thì những cái lý do tưởng như chắc nịch kia cũng vỡ vụn như cái bánh đa.
Vậy LeoX đã sai ở đâu trong những cái lý luận nghe chắc chắn chả sai chỗ nào? lại còn thêm confirmation từ những model định giá nghe có vẻ nguy hiểm kia nữa chứ?
Lý do là suốt từ khi đứng dậy từ thất bại lần đầu, LeoX chỉ biết kỹ năng mua rẻ mà không biết khi nào mình có thể mua ở giá hợp lý, thậm chí chưa bao giờ dám nghĩ đến việc mua đắt.
Mua rẻ thì phải săn tìm, sàng lọc, nhưng khi quyết thì thấy khá dễ dàng. Còn mua ở giá hợp lý, thậm chí hơi đắt thì đòi hỏi mình phải hiểu về đối tượng cực kỳ sâu sắc. Nói nôm na, 1 món ngon ở mức độ 10 điểm có thể sẽ đắt gấp 10 lần món ngon ở mức độ 9 điểm. Để hiểu được và sẵn sàng trả mức giá gấp 10 lần thì chắc hẳn phải cực kỳ tinh tế am hiểu nghệ thuật ẩm thực mới nhận ra sự khác biệt. Còn cái lưỡi ăn để no thì đương nhiên sẽ chọn cái có giá hời nhất. Nó dễ chọn.
Vậy LeoX đã hiểu thiếu sâu sắc đối tượng ở những điểm nào khiến LeoX không bao giờ dám trả một mức giá fair hoặc hơi cao cho VNM?
Để mọi người dễ hình dung thì PE của VNM luôn cao hơn mặt bằng chung khá nhiều. Thời 2010 LeoX mua những cổ phiếu có PE 3 hay 4 thì PE của VNM luôn > 10, thậm chí mười mấy lần. Lưu ý là thời điểm này lãi suất cũng cao nên PE > 10 như vậy thì yield thường là thấp hơn lãi suất tiết kiệm – 1 yếu tố khiến LeoX cho rằng giá của VNM đã overvalued.
Dưới đây là một số điểm LeoX đúc rút lại để sau này không bị bỏ lỡ những DN phải mua ở mức giá không rẻ.
Thứ nhất, nhìn theo PEG (có tính đến tăng trưởng tương lai), chứ ko chỉ nhìn theo PE. Kể cả DN có PE cao thì với tốc độ tăng trưởng 2 chữ số, PE chả mấy mà từ đắt lại trở thành rẻ. Trong thực tế, những DN chứng minh được khả năng tăng trưởng cao, PE thậm chí lại còn tiếp tục tăng cao nữa. Như vậy là nhà đầu tư vừa được hưởng lợi từ E (lợi nhuận) tăng, vừa được hưởng lợi từ PE level tăng (do thị trường kỳ vọng nhiều hơn). PE mười mấy lần LeoX từng chê đắt nhưng giai đoạn sau này PE của VNM còn lên đến 25-30x.
Để nhìn được yếu tố G trong PEG, thì phải am hiểu một cách tinh tế và sâu sắc doanh nghiệp. Một yếu tố điển hình là ban lãnh đạo và tầm nhìn của doanh nghiệp. Thời điểm này LeoX còn khá trẻ để nhìn ra được hết những điểm này.
Ví dụ đơn giản như việc LeoX cho rằng VNM sẽ chịu áp lực cạnh tranh mạnh vì thời điểm đó các thương hiệu sữa ngoại đang xâm nhập ào ạt vào Việt Nam, và tâm lý người Việt là sính ngoại nên việc VNM mất thị phần là điều sớm muộn.
Trên thực tế, chiến lược của VNM lại là chinh phục vùng nông thôn theo cùng cách mà Viettel vẫn gọi là “lấy nông thôn vây thành thị”. Đây cũng là cách khiến Viettel vượt mặt các tổng công ty viễn thông lớn, hay cách Vietjet lấy thị phần của Vietnam Airline. Các bạn có quan sát thấy điều này không? VNM làm sản phẩm sữa bình dân cho những người chưa từng uống sữa ở nông thôn. Viettel bán điện thoại cho những người chưa từng sở hữu điện thoại ở nông thôn. Vietjet bán vé máy bay cho những người chưa bao giờ bay. Lấy nông thôn vây thành thị, đánh từ ngoài vào trong.
Những điều này, thời điểm đó tuổi trẻ non nớt ít trải nghiệm LeoX đã không nhìn ra được.
Còn nhiều những yếu tố khác nữa như thế trận thị trường, liệu doanh nghiệp có phải last survivor không khi ngành sắp lâm vào khủng hoảng? Lợi thế cạnh tranh của họ là gì và nó có bền vững không? Dòng tiền hay chính là mạch máu của họ khỏe hay yếu? Chu kỳ tăng trưởng sắp tới của họ đến từ đâu? …. Những yếu đó đó LeoX sẽ viết chi tiết hơn trong các bài kiến thức cụ thể về cổ phiếu để đỡ lan man cho phần nhật ký.
Túm lại đến chặng đường đó, từ năm 2014, LeoX hiểu rằng: ah hóa ra nếu đã hiểu được sâu sắc doanh nghiệp thì cứ thà ôm dài hạn như huyền thoại Warren Buffet còn hiệu quả hơn nhiều việc săn tìm doanh nghiệp nhỏ hoặc là cứ mua ra bán vào theo thị trường.
Sở dĩ người ta không làm được như Warren Buffet vì 2 lý do.
Thứ nhất là không hiểu đủ sâu sắc doanh nghiệp nên không có niềm tin lớn mà nắm giữ xuyên qua các chu kỳ kinh tế và thị trường.
Thứ hai không đủ kiên nhẫn ngồi im vì nó rất nhàm chán. Có một câu quote nổi tiếng là “ Nếu thấy việc đầu tư thú vị, có lẽ bạn sẽ không kiếm được tiền đâu” =)).
Ngồi im là một việc rất nhàm chán, tưởng dễ mà không dễ tí nào đâu nhé. Bạn cứ thử ngồi thiền, ngồi im và không nghĩ gì xem được mấy phút suy nghĩ lại cuộn trào, tâm tưởng lại bay lạc lung tung, cái thân lại muốn vặn vẹo và cái chân lại muốn đứng dậy chạy đi chơi rồi.
LeoX lại ngỡ như tìm được chân lý, chân lý về việc đầu tư dài hạn, buy and hold, nhàn nhã mà hiệu quả... cho đến khi phát hiện ra một chân lý mới =)). Chân lý là những điều kể trên rất đúng, nhưng nó có thể sẽ không còn đúng, không dễ và cũng không hiệu quả vì… đây là thị trường Việt Nam.
Đấy là lý do cho việc chuyển sang giai đoạn thứ 4: Chuyển đổi từ nắm giữ dài hạn sang hướng đi theo chu kỳ kinh tế.
Nếu ai đó định hỏi vậy chiến lược trong giai đoạn 3 là không còn dùng được nữa sao? Ở Việt Nam không buy and hold được sao? Thì câu trả lời là vẫn dùng được đấy, vẫn useful và phù hợp với số đông. Chỉ có điều những cơ hội như vậy ở Việt Nam khá hiếm hoi và cũng không hiệu quả bằng chiến lược trong giai đoạn 4 thôi.