Làm thuê có thật sự là ổn định?
1.Mục đích của chuỗi bài viết
Bài viết nằm trong chuỗi series bài viết “Người trẻ xây dựng nghiệp”, nhằm mục đích chia sẻ góc nhìn của chính người trong cuộc là mình - một người trẻ, trong hành trình xây dựng sự nghiệp cho bản thân. Hy vọng sẽ nhận được nhiều chia sẻ của cộng đồng leox.vn để những người trẻ như mình có thêm nhiều góc nhìn hơn.
2.Ổn định có thật sự ổn định?

Sinh ra ở Việt Nam, chắc hẳn từ “ổn định” đã được nghe đi nghe lại rất nhiều lần. Nào là ổn định công việc, ổn định gia đình, ổn định nhà cửa…
- Ở Việt Nam khi trước, mọi người ai cũng muốn con cái vào làm trong nhà nước lương ba cọc, ba đồng nhưng bù lại được cái ổn định.
- Cố gắng cả đời người, trả góp để mua một căn nhà vì nó ổn định hơn là đi thuê. Vì đi thuê, nhỡ chủ nhà đuổi thì sao, họ tăng giá thuê thì sao…
- Cố gắng thi tuyển vào một tập đoàn lớn để có mức lương không những cao mà còn ổn định.
Điều này là dĩ nhiên, hầu hết ai cũng vậy thôi vì “nhu cầu an toàn” là nhu cầu cần thiết thứ hai của con người chúng ta.
Nhưng ổn định đồng nghĩa với đứng yên, tức là ghét sự thay đổi và sợ hãi khi có một điều gì đó nằm ngoài vùng an toàn của chính bản thân.
Tất cả mọi thứ trong cuộc sống này đều có ưu và nhược điểm, tức là được cái này thì mất cái kia. Khi chọn ổn định thì chúng ta có thể sống thoải mái nhưng tức là chúng ta đang đánh mất các cơ hội ngoài kia, vì cơ hội thường không bao giờ đứng yên một chỗ. Khi chọn linh hoạt thì có thể chớp được các cơ hội nhưng bù lại rủi ro có thể mất rất nhiều hoặc mất tất cả.
Cuối năm 2022 và năm nay 2023 là một năm chứng kiến làn sóng cắt giảm nhân sự, ngay cả những tập đoàn lớn như Facebook, Google… hay ở Việt Nam thì các nhà máy, công ty cũng cắt giảm vì số lượng đơn hàng tụt không phanh. Điều đó làm chúng ta đặt ra câu hỏi, đâu mới thật sự là sự ổn định? Nay đi làm bình thường, mai đã nhận thông báo sa thải.
3.Làm thuê có thật sự là ổn định?
Mình cũng từng làm thuê ở tập đoàn đa quốc gia, tiềm lực tài chính có thể chống đỡ qua nhiều đợt suy thoái kinh tế. Giờ thì mình đang làm việc tại doanh nghiệp SME (Doanh nghiệp vừa và nhỏ) và nhận thấy các doanh nghiệp SME rất chênh vênh khi xảy ra biến cố lớn về kinh tế Việt Nam và thế giới vì tiềm lực tài chính nhỏ, thời gian trên thị trường chưa lâu nên không có nhiều tích lũy dự phòng khi xảy ra biến cố.
Mình có rút ra một vài điều:
- Ổn định là một thứ gì đó xa xỉ với bản thân mình vì mình hiểu rằng nhân sự trong mỗi doanh nghiệp nếu sợ thử thách mỗi ngày thì không thể giúp doanh nghiệp vượt qua những thử thách khó khăn trên thương trường được dù là doanh nghiệp SME hay tập đoàn BIG CORP.
- Bản thân chúng ta có năng lực giỏi thì làm ở đâu cũng được, thay vì chăm chăm vào một bến đỗ và trông chờ vào một sự ổn định mơ hồ nào đó.
- Luôn chuẩn bị cho những trường hợp bị sa thải, thất nghiệp trong vài tháng đến một năm để không bỡ ngỡ và lạc lối.
- Linh hoạt là chìa khóa trong cuộc sống, đặc biệt với người trẻ như chúng ta. Chỉ có linh hoạt mới giúp chúng ta thích nghi và vượt qua được sóng gió.
Cuối cùng, làm thuê có thật sự là ổn định hay không sẽ phụ thuộc vào góc nhìn, trải nghiệm sống và hoàn cảnh của mỗi người. Trên đây là góc nhìn của bản thân, mỗi người sẽ có một hoàn cảnh khác nhau, không nên áp đặt bản thân mình lên người khác.
Trong phần 2 của series “Người trẻ xây dựng sự nghiệp”, mình sẽ nói về trải nghiệm làm việc tại môi trường tập đoàn BIG CORP và doanh nghiệp SME, đâu là sự khác nhau và ai, thời điểm nào phù hợp để lựa chọn làm việc tại hai môi trường khác nhau rất lớn về quy mô này.
Thân chào mọi người và hy vọng nhận được nhiều chia sẻ của mọi người ở phía dưới bài viết.