Nhân ngày Quốc tế lao động, ngẫm về cái sự lao động và work life balance nhé. Có bạn nào đã hoặc vẫn đang băn khoăn về việc cân bằng giữa công việc và đời sống ko? Như thế nào là cân bằng? Và làm thế nào để cân bằng?

 

Khi nhắc đến work life balance, chắc nhiều người sẽ hiểu nó theo hướng làm vừa đủ thôi, còn để thời gian cho gia đình, cho con cái, cho các sở thích cá nhân nữa chứ. Ví dụ ngày đã đi làm 8 tiếng, hết giờ làm thì là giờ của gia đình và bản thân rồi. Hay cuối tuần thì phải nghỉ ngơi chứ còn làm việc thì là không balance đâu. Mọi người có đồng ý với ý kiến đó không?

 

Cá nhân LeoX thì thấy không. LeoX không hiểu work life balance theo hướng chia khung thời gian như vậy vì cái gì cũng muốn làm, thường sẽ dẫn đến chả làm được cái nào đến nơi đến chốn cả. Giống như học sinh giỏi toàn diện, cuối cùng lại chả thực sự giỏi cái gì. Khi đang theo một dự án mà không dồn tâm sức cho nó sao có thể thành công? Đến lúc cần cố gắng 100% thậm chí 120% sức lực để về đích thì lại bảo đến giờ tôi về vì hết giờ làm việc rồi, hoặc làm với thái độ uể oải chán nản, than thân trách phận thì khó mà thành công được.

 

Work life balance theo ý hiểu của LeoX, nó như cái trục giữ cân bằng nhiều cái đũa cùng lúc, nhưng không phải giữ ở điểm chính giữa, mà ở các điểm lệch 20:80. Có thể thời điểm này cây đũa công việc đang được nắm giữ ở vị trí 80. Nhưng khi đạt một mục tiêu ngắn, nó lại dịch chuyển lùi lại để giữ nhịp cho chiếc đũa khác. Sự balance này nằm ở bên trong chứ không phải bên ngoài. Như câu quote trong ảnh bài post này : "there is no such thing as work life balance, it's all life and the balance has to be within you.

 

Thật sự không có những giai đoạn ưu tiên 80% cho 1 thứ, thì sẽ khó mà đạt được bước tiến nào. Đôi khi work life balance chỉ là lời biện hộ cho sự lười biếng của mình mà thôi.

 

Hưởng thụ ai mà chả thích? Nhưng rồi sao?

 

Bản năng của con người ai cũng thích hưởng thụ vì nó mang lại cảm xúc tốt. Họ thích ăn, thích ngủ, thích những trò tiêu khiển giải trí, thích được khen, thích lánh nặng tìm nhẹ, thích làm việc mình có năng khiếu hơn là rèn luyện

Nhưng bản chất của hưởng thụ chỉ là sự thỏa mãn cảm xúc nhất thời. Nếu ta bị nghiện cảm xúc tốt, luôn tìm kiếm cảm xúc tốt dễ chịu, và tránh xa, hoặc phản ứng với cảm xúc xấu cần thiết (ví dụ như thất bại, làm việc thêm giờ, bị chê bai …) thì dần dần trong ta sẽ hình thành nên tính cách yếu đuối và các tính cách có cấu trúc tương tự như là dựa dẫm, nhàm chán, do dự, sợ hãi, lo lắng, lười biếng … Vấn đề nằm ở chỗ, mặc dù ta luôn ưa thích và tìm kiếm cảm xúc tốt, nhưng những tính cách này thường lại hay châm ngòi cho những cuộc bùng nổ cảm xúc xấu phía sau mà nhiều khi người an phận, giỏi AQ cũng không ngờ tới.

 

Chọn đường dễ mà đi?

LeoX có một người bạn có lý tưởng sống mạnh mẽ theo hướng bạn ấy gọi là để cân bằng. Thích chọn công việc dễ để không phải đau đầu nhức óc. Dù công việc dễ thì thu nhập sẽ khó mà cao được, nhưng bạn ý thấy hài lòng. Thu nhập thấp nhưng nó ổn định. Quan điểm của bạn ý là cần tiết chế nhu cầu của mình chứ biết bao nhiêu cho đủ? Có thêm rồi lại muốn có thêm nữa. Phải để thời gian còn sống chậm và hưởng thụ cuộc sống chứ. Bạn ý enjoy công việc tan sở lúc 5h chiều. Thích chăm sóc cây cối, trang trí nhà cửa. Thích nấu nướng đọc sách. Thích săn hàng giảm giá và tổ chức những chuyến du lịch tiết kiệm… Nói chung những sở thích mà chắc cũng nhiều người thích. Còn những cái không thích hoặc ghét, đòi hỏi ý chí, đòi hỏi bước ra khỏi vòng an toàn, đòi hỏi phải cố gắng thì cứ đơn giản là trọn lánh nó ra, để nó lại thôi. Đời có mấy mà phải khiên cưỡng làm những việc mình không thích?

 

LeoX cảm thấy cách nghĩ đó sẽ có vấn đề ở đâu đó, nhưng không cắt nghĩa cụ thể ra được. Ngẫm thấy chắc là do khác nhau về quan điểm và tính cách chứ chả có gì để bàn luận đúng sai ở đây cả. Mỗi người đều có sự lựa chọn và cách sống phù hợp với bản thân mình. Cho đến ngày bạn mất công việc vốn nghĩ là ổn định mới giật mình. Cái việc dễ đương nhiên là việc nhiều người làm được, bị thay thế dễ dàng. Do đó tưởng ổn định mà hóa ra lại rất bấp bênh. LeoX những tưởng việc đó thì cũng không có gì quá to tát. Mất việc thì tìm việc mới thôi có vấn đề gì. Nhưng nghe bạn than vãn mới thấy rõ vấn đề. Nào là tuổi này rồi, ít công ty muốn nhận lắm, vì công việc đó tuyển bọn trẻ tuổi không thiếu. Nào là chỗ khác vất vả lắm, làm đến 6-7h tối không hết việc, có khi phải đem việc về nhà. Bảo hay tập đầu tư đi để kiếm thêm thu nhập thu nhập thụ động thì lại ôi cái đó khó lắm, hết tuổi học rồi, tao không thích mấy thứ phức tạp đau đầu đâu. Nhìn đâu cũng thấy trở ngại thế thì đúng là cái gì cũng thấy khó thật. Đấy cũng là một ví dụ của việc bùng nổ cảm xúc xấu do thói quen luôn tìm kiếm cảm xúc tốt dễ chịu.

 

Ý chí – đến cả sư cũng cần.

Có thời điểm LeoX từng nghĩ làm sư chắc sướng nhất. Không phải bận tâm cơm áo gạo tiền. Tất cả thời gian chỉ tập trung vào việc sống ở giây phút hiện tại. Xưa có lúc mệt mỏi LeoX còn nghĩ, hay là mình lên núi ở quách cho xong. Ngày ngày làm bạn với chim chóc núi rừng, sống những ngày tháng vô vi, vô tư lự.

 

Mãi đến sau này mới hiểu, trông vậy mà không phải vậy. Con người sống không thể thiếu mục đích và lý tưởng. Kể cả sư cũng vậy. Các bậc tu luyện bỏ lên núi không phải vì họ lười, muốn tìm đến cuộc sống an nhàn vô tư lự. Mà vì họ theo đuổi lý tưởng và cần hi sinh tất cả những hưởng thụ để tu luyện và đạt được lý tưởng đó. Đó là con đường chuyển hóa tâm tính và giác ngộ. Con đường họ chọn đòi hỏi có ý chí và nỗ lực lớn để vượt qua bản thân, vượt qua những cảm xúc xấu chứ không hề bằng phẳng dễ đi như vẻ bề ngoài của nó.

Cứ đơn cử như việc ngồi thiền, thử ngồi 15-30 phút không nghĩ gì chỉ tập trung vào hơi thở xem bạn sẽ phải đấu tranh tư tưởng như thế nào với những cảm xúc xấu. Nào là mỏi người, tê chân. Nào là chán, buồn ngủ. Nào là nghĩ đến bao thứ vui vẻ hấp dẫn đang chờ đợi thúc giục ta đứng dậy. Tưởng dễ mà không dễ tí nào.

 

Kết luận

Ta thấy những đứa trẻ lớn lên trong môi trường bao bọc quá đầy đủ, khi bước vào đời không có chút vốn liếng kinh nghiệm nào để chống chọi với những nghịch cảnh. Những đứa trẻ như vậy chỉ cần một tác động nhỏ của cảm xúc tiêu cực ví dụ như bị chê bai, cũng khiến chúng dễ dàng chao đảo và muốn bỏ cuộc ngay.

 

Những loại cây mọc trên đất tơi xốp, thường sẽ xanh tươi mơn mởn, nhưng chỉ cần 1 cơn gió lớn đ ingang qua là đổ rạp. Còn những loại cây mọc trên đá núi, tuy trông cằn cỗi khẳng khiu, nhưng độ bám rất vững vàng. Ta không thể cầu nguyện cho cuộc đời đừng xô mình vào những hoàn cảnh bất lợi, nhưng ta có thể giúp bản thân mình vững chãi không gục trước sóng gió để hóa giải nghịch cảnh.

 

Để làm được như vậy, ta cần đặt mình vào khổ luyện, giới hạn sự hưởng thụ và không dung dưỡng cho cái tôi lười biếng yếu đuối. Nếu chỉ theo đuổi các cảm xúc tốt, ưa thích hưởng thụ, lánh nặng tìm nhẹ, ta đang tích tạo những nghịch cảnh và cơn bão cảm xúc xấu ở phía trước đó.