

Gần đây chúng ta nghe nhiều đến khái niệm “Make in Vietnam” để xây dựng một Việt Nam hùng cường sánh vai với thế giới. Khái niệm được đưa ra trong bối cảnh kinh tế Việt Nam nhất thiết phải có bước đột phá về năng suất lao động. Cơ cấu dân số vàng của Việt Nam còn duy trì được khoảng 20 năm nữa trước khi chúng ta thấy sẽ không còn lợi thế lao động giá rẻ, dân số già hóa áp lực an sinh xã hội tăng. Dân số già hóa sẽ thay đổi những gì chúng ta đang thấy và đang có hiện tại. Các doanh nghiệp sẽ không đến Việt Nam thuê gia công khi nguồn lao động trẻ không còn,giá bất động sản sẽ không tự tăng khi nhu cầu nhà ở giảm dần trong khi thu nhập không tăng. Để thoát được cái gọi là bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam cần những bước đột phá về chất lượng tăng trưởng ở giai đoạn hiện tại. Ngoài việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, có các doanh nghiệp dám nghĩ dài hạn và triển khai xuất sắc (chứ không phải đánh quả) cùng với một thị trường tài chính hiệu quả có thể rót vốn vào những doanh nghiệp thực sự tạo ra giá trị cho xã hội là điều rất quan trọng.
Tại sao thành bại lại nằm ở doanh nghiệp ? Bạn có thể có nhiều loại tài sản để đầu tư như tiền gửi, vàng, bất động sản, trái phiếu, cổ phiếu, phái sinh nhưng bên cung cấp các tài sản đó luôn là doanh nghiệp (trừ trái phiếu chính phủ). Có thể nói thực ra thị trường tài chính được cấu thành bởi các doanh nghiệp. Trừ phi bạn là nhà toán học đầu tư tài chính kiểu James Simons chỉ quan tâm đến mô hình, bạn sẽ cần hiểu về doanh nghiệp và tất nhiên cả chủ doanh nghiệp nữa.
Nhiều người cho rằng tìm hiểu doanh nghiệp bắt đầu từ báo cáo tài chính nhưng với mình thì không phải vậy. Điểm quan trọng trước tiên cần hiểu về một doanh nghiệp để xem đó có thể nghiên cứu làm một khoản đầu tư dài hạn được hay chỉ để đánh quả là nghiên cứu về sứ mệnh của doanh nghiệp. Giống như một nhà đầu tư cá nhân cần bắt đầu bằng Identity, doanh nghiệp cần có một sứ mệnh (Mission) rõ ràng để tồn tại. Tuy nhiên, nếu bạn đi phỏng vấn chủ doanh nghiệp, bạn có thể thấy rất ít chủ doanh nghiệp có khả năng tóm tắt trong vòng 1 câu sứ mệnh của doanh nghiệp họ là gì ? Đôi khi họ trả lời lòng vòng hoặc thậm chí còn chả biết tại sao doanh nghiệp của mình tồn tại, hướng đến điều gì. Nếu như ngay cả chủ doanh nghiệp còn không biết họ muốn đi đến đâu, nếu bạn là mua cổ phần để đầu tư dài hạn, bạn cẩn thận thả gà ra đuổi nhé.
Nếu nhìn vào báo cáo tài chính của Tesla thì bạn hẳn không dám đầu tư vào cổ phiếu của Tesla ở giá hiện tại. Vậy tại sao Tesla lại có giá thị trường lớn hơn cả 2 hãng xe lâu đời là Ford và GM cộng lại ? Có nhiều yếu tố tạo nên thành công của Tesla nhưng điều kiện cần trước hết là Tesla có một sự mệnh rõ ràng và vĩ đại, đó là việc định hình lại toàn bộ ngành công nghiệp ô tô toàn cầu. Sứ mệnh đó được Elon Musk và các cộng sự triển khai một cách xuất sắc. Vậy việc xây dựng sứ mệnh của một doanh nghiệp (Company Statement) gồm những cấu phần nào ?
A. PHẦN BẤT BIẾN (Identity của doanh nghiệp) (Nhân tiện, các bạn nên đọc các bài viết của mình theo thứ tự để có thể hiểu được logic):
- Mission (Sứ mệnh): Lí do tồn tại của doanh nghiệp (Rất nhiều doanh nghiệp có mission là chộp được 1 cơ hội, vặt long mấy con gà xong rồi té. Khái niệm này không nhất thiết là luôn cao sang đâu các bạn nhé.)
- Core values (Giá trị cốt lõi): Doanh nghiệp tin vào những điều gì và áp đặt cách thức ứng xử của toàn bộ tổ chức như thế nào (Văn hóa doanh nghiệp)
B. PHẦN TÙY BIẾN (Process + Outcomes): Trial and errors, giúp doanh nghiệp linh hoạt triển khai để đạt được các mục tiêu đáp ứng được sứ mệnh của mình.
- Vision (Tầm nhìn - Mục tiêu): Outcome mà doanh nghiệp muốn đạt được (kiểu kế hoạch 5 năm lần thứ 1, 5 năm lần thứ 2…)
- Execution (Triển khai): Những Process cụ thể sẽ đưa vào triển khai để tìm cách đạt được mục tiêu.
Công việc của mình cho phép mình làm việc với khá nhiều chủ doanh nghiệp từ lớn đến vừa và nhỏ, mình nhận thấy 1 điều: Cũng như cá nhân, hầu hết doanh nghiệp bắt đầu từ Phần tùy biến (Outcomes), rất ít doanh nghiệp thực sự tư duy từ Phần bất biến (Identity). Doanh nghiệp đi từ cốt lõi Identity sau 01 thời gian đủ dài (10 năm nhìn lại) thường có sự phát triển rất vượt bậc so với những doanh nghiệp focus vào outcomes.
Dành cho các bạn thích tìm hiểu về vấn đề này, mình recommend một số tài liệu:
- Sách “Từ tốt đến vĩ đại” và “Xây dựng để trường tồn” của Jim Collins
- Tài liệu Havard Business Review “Can you say what your strategy is” của Collis và Rusktard tháng 04-2018
- Sách “From 0 to 1” của Peter Thiel
- Sách về tiểu sử và sự nghiệp của Elon Musk (Mình đọc cuốn ELON MUSK INTL: TESLA, SPACEX, AND THE QUEST FOR A FANTASTIC FUTURE)
Mình biết có một số chuyên gia hay nói mấy thằng đọc sách không làm gì được đâu, cá nhân mình khuyên các bạn đừng giao du với mấy người như vậy, không có mấy tốt lành cho tương lai đâu. Thời gian rất quý, nên chọn bạn mà chơi.
Cuối cùng, áp dụng chút những điều trao đổi, mình có để 1 Company statement của 1 doanh nghiệp mình cho là thực sự vượt trội ở Việt Nam so với mặt bằng chung đến thời điểm hiện tại. Bạn có biết đó là doanh nghiệp nào không ? (Again, để đầu tư vào một doanh nghiệp cần nghiên cứu nhiều thứ chứ không chỉ Company statement để quyết định nên đây không phải khuyến nghị đầu tư nha các bạn)