Dưới đây là 1 chiếc chart trông thì rất đơn giản nhưng rất bao quát về hành trình phát triển và chu kỳ của một doanh nghiệp. Đó là chart CFO CFI CFF nằm trong X-Smartcharts , tab dòng tiền. 

 

Dòng tiền là sinh khí của doanh nghiệp, nhưng nhà đầu tư thường chỉ chú tâm nhìn tới doanh thu và lợi nhuận trong việc phân tích mà không để ý tới dòng tiền. Những bạn nào đang học cách phân tích doanh nghiệp rất nên đọc kỹ và tư duy kỹ bài này. 

 

LeoX sẽ giải thích chi tiết hơn cho mọi người trong phần dưới đây. 

 

Dòng tiền của doanh nghiệp được phân vào một trong 3 nhóm là CFO, CFI và CFF. 

  • CFO - là dòng tiền đến từ hoạt động kinh doanh (Cashflow from operations)  bao gồm tất cả các dòng thu và chi liên quan đến hoạt động chính như dòng tiền thực nhận từ bán hàng, dòng tiền chi trả để tích trữ tồn kho, dòng trả nhà cung cấp nhìn chung là dòng vốn lưu động của doanh nghiệp nằm ở đây.
  • CFI là dòng tiền cho đầu tư (Cashflow from investment). Bao gồm đầu tư mua sắm tài sản cố định, tài sản dài hạn khác, đầu tư góp vốn vào doanh nghiệp liên kết ….. Dòng tiền này thường là âm khi doanh nghiệp trong giai đoạn phát triển. Nó có thể nhảy sang phần dương khi doanh nghiệp chuyển sang bán tài sản và thu hẹp scale thay vì đầu tư mới.
  • CFF là dòng tiền tài chính (Cashflow from financing). Đây là dòng vốn vay, vốn huy động từ cổ đông để bù trừ phần thiếu hụt cho CFO và CFI.

Một số quan sát khi phân tích dòng tiền. 

 

  • Một doanh nghiệp mà không tạo ra CFO dương từ hoạt động kinh doanh đều đặn thì là một mô hình kinh doanh thiếu tính bền vững. Nói đơn giản là lấy đâu ra tiền để tái đầu tư mở rộng nếu hoạt động chính không sinh được ra dòng tiền? Thì phải đi vay, phải trả lãi vay và nguồn vay không thể nào là bất tận, nó đi kèm với cái giá là càng vay nhiều chi phí càng tăng và càng dễ đứt thanh khoản dẫn đến phá sản nếu sử dụng đòn bẩy sai cách.
  • Nếu bạn đã hiểu tầm quan trọng của lãi kép, thì CFO giống như là cơ sở để tạo ra lãi kép cho doanh nghiệp vậy, giống như doanh nghiệp đang mang tiền đi đầu tư với tỷ suất lợi nhuận = ROE. Do đó doanh nghiệp càng có CFO dương nhiều và ROE càng cao thì đó càng dễ là doanh nghiệp tuyệt vời và có mô hình kinh doanh bền vững.
  • Tất nhiên có những loại doanh nghiệp phải chịu chấp nhận một giai đoạn âm trước khi đến được chặng dương, nhưng nó chỉ nên là một giai đoạn ngắn chứ là trường kỳ thì rất không ổn.
  • Ví dụ dưới đây là dòng CFO của FCN - 1 công ty có tiếng trong lĩnh vực thầu xây dựng lâu năm có know how sâu đối với việc xây dựng công trình ngầm và kỹ thuật cao trong việc làm nền móng.
Mối tương quan CFO CFI CFF của FCN - Biểu đồ X-Smartcharts trên leox.vn

 

  • Nhưng đáng tiếc là trong mối liên hệ của doanh nghiệp với hệ sinh thái của ngành, họ ở một vị thế yếu để thương lượng, do đó thường xuyên trong trạng thái âm dòng tiền CFO do bị các đối tác/ nhà cung cấp nợ tiền/ trả chậm.
  • Trong ảnh trên dòng CFO (màu cam) hầu hết ở bên phần âm và họ dùng vốn vay (dòng CFF màu xanh blue) để cân trả dòng tiền âm từ hoạt động kinh doanh lẫn dòng vốn cho đầu tư.
  • Một thực tại nhìn thấy của FCN là trước năm 2013 họ còn duy trì được trạng thái CFO dương, nhưng sau đó thì hầu như năm nào CFO cũng âm. Điều này thể hiện vị thế thương lượng của FCN càng ngày càng đuối trong chuỗi giá trị ngành. Đây là kiểu mô hình doanh nghiệp nhà đầu tư tập trung vào cơ bản nên tránh.
  • Thực tế thì suốt 10 năm biết FCN, cổ phiếu của công ty vẫn quanh quanh giá 10,000 Đ. ROE và biên lợi nhuận ròng thì càng ngày càng đi xuống một cách thảm khốc.
ROE của FCN từ 2012-2022 càng ngày càng rơi
Biên lợi nhuận ròng của FCN từ 2012-2022 càng ngày càng rơi

 

Ngược lại, với các mô hình kinh doanh bền vững, dòng CFO hiếm khi nào âm, trừ một số năm do khó khăn đặc biệt hay đầu tư mạnh để mở rộng. 

 

Việc quan sát sự đan xen các mảng màu của CFO CFI CFF cũng giúp ta có thể biết được doanh nghiệp đang ở giai đoạn nào trong chu kỳ tăng trưởng. 

 

Cùng LeoX, thử nhìn xem biểu đồ CFO CFI CFF của các doanh nghiệp dưới đây xem có đặc điểm chung gì nhé. 

Biểu đồ CFO CFI CFF  của HPG từ 2005 đến 2022 - Hình ảnh từ X-Smartcharts
  • Dòng CFO của HPG gần như chả năm nào ở bên nửa âm. Phần màu cam chiếm tỷ trọng khá áp đảo so với màu xanh lá và xanh nước biển cho thấy HPG tài trợ  được cho đầu tư (màu xanh lá) từ dòng CFO (màu cam) khá nhiều. Thậm chí giai đoạn 2012-2016 tài trợ cho việc mở rộng nhà máy thép liên hợp tại Hải Dương hoàn toàn từ dòng CFO, vay nợ = 0.
  • Quy mô dòng tiền tăng mạnh qua thời gian, bé xíu khi HPG chủ yếu được biết đến là công ty nội thất Hòa Phát cho đến khi gấp đôi quy mô giai đoạn làm nhà máy thép liên hợp tại Hải Dương (2012-2016) và gấp ba giai đoạn làm Dung Quất (2017-2022.
  • 2021 dòng tiền CFO của HPG đạt quy mô lớn khủng so với dòng CFF và cho tới 2022 thì đã bắt đầu dùng dòng tiền này để giảm quy mô vay  (CFF chuyển từ bên dương sang bên âm)
  • Có thể thấy ở các giai đoạn mà CFF chuyển sang âm (tức là không vay thêm nợ nữa mà bắt đầu dùng CFO để trả nợ) thì sau đó thường là giai đoạn tăng trưởng bốc nhất của cổ phiếu HPG. Nói nôm na thì sau giai đoạn trồng cây thì đến giai đoạn hái quả.  Ví dụ từ 2014-2016 bắt đầu trả nợ dùng dòng CFO, thì từ 2016 trở đi cổ phiếu HPG bắt đầu bốc đầu cho đến chu kỳ đầu tư kế tiếp.
  • Tuy vậy thì không phải lúc nào tài trợ hết được bằng dòng tiền CFO cũng là tốt. Ví dụ như trường hợp VCS dưới đây
  • VCS có dòng tiền CFO cực tốt (màu cam bên phần dương) cân hết cho CFI và CFF. Tuy nhiên quy mô dòng CFI (màu xanh lá) lại quá bé.  Thậm chí đến năm 2022, CFI từ bé xíu còn chuyển sang dương (tức là bán tài sản thay vì đầu tư mới). Điều này cho thấy doanh nghiệp đang bế tắc trong việc đầu tư mở rộng và không biết làm gì với tiền. Tiền nhiều nhưng không tái đầu tư được có nghĩa là tăng trưởng đã hết. Không có cây nào được trồng mới, thì cũng không có kỳ vọng cho ngày hái quả. Thực tế thì hiện giờ VCS là một trong số DN đang có kế hoạch mua lại cổ phiếu quỹ vì không biết làm gì với tiền.

 

Kết luận lại 

  • CFO âm trường kỳ > Business model tệ nhìn từ góc độ cơ bản
  • CFO dương ,  CFI âm , CFF âm > DN đang thời kỳ trồng cây
  • CFO dương, CFI âm nhẹ, CFF dương > DN bắt đầu trả nợ và chuẩn bị bước vào chu kỳ tăng trưởng/ hái quả
  • CFO dương, CFF dương, CFI dương hoặc quy mô quá bé > DN mature , bí hướng tăng trưởng mở rộng. Không trồng thêm được cái cây nào thì không đợi được ngày hái quả.
  • CFO lúc âm lúc dương đan xen > Kiểu DN có yếu tố đầu cơ tồn kho

Bài tập hôm nay cho bạn nào đang mày mò phân tích DN: Đi lướt xem chart CFO CFI CFF của 10 doanh nghiệp và đánh giá xem DN đang ở giai đoạn phát triển nào nha.