Mình làm bên ngành bảo hiểm, thẳng thắn mà nói, tuy mình không phải tư vấn viên bảo hiểm (TVVBH-sale), nhưng mà giới thiệu mình làm ngành bảo hiểm cũng có phần “ngại mồm”. Đơn giản vì một bộ phận không hề nhỏ người VN mình vẫn coi BHNT là lừa đảo, là đa cấp… Có thể ĐÚNG, có thể SAI, nhưng mình xin phép được chia sẻ ở đây những điều mình biết về ngành này, để chúng ta có cái nhìn khách quan hơn về ngành Bảo hiểm, một trong những cột trụ của ngành Tài chính. 

Ở đây mình xin được phép bàn về 3 đối tượng 

  1. Tư vấn viên bảo hiểm (TVVBH)
  2. Công ty bảo hiểm
  3. Người được bảo hiểm

(1) Tư vấn viên bảo hiểm là người đại diện cho công ty bảo hiểm, tiếp xúc, giới thiệu và chào bán sản phẩm bảo hiểm đến khách hàng. Theo quy định của Bộ Tài Chính (BTC), để được cấp giấy chứng nhận hành nghề, TVV bắt buộc phải tham gia khóa học về BHNT và sản phẩm BHNT của công ty mình làm việc. Đến khi, người TVV đỗ kì thi sát hạch kiến thức do BTC giám sát và được cấp mã TVV, họ mới chính thức được tham gia bán bảo hiểm. Thông thường, khách hàng biết đến TVVBH rõ hơn công ty bảo hiểm, và đặt niềm tin vào TVVBH thay vì công ty bảo hiểm. Có 2 rủi ro ở đây. -Tư vấn sai: Tư vấn KHÔNG thành CÓ. Điều này rất dễ gặp, một phần vì TVV kém, không hiểu rõ về sản phẩm mình bán nên tư vấn sai, sợ nhất là trường hợp tư vấn như kiểu bị gì công ty cũng trả. Phần khác vì “cơm áo gạo tiền”. -Đạo đức nghề nghiệp: Không ít TVV, thu tiền khách hàng rồi “quên” đóng tiền cho công ty dẫn đến hợp đồng mất hiệu lực. TVV là giỏi hay yếu, có đạo đức nghề nghiệp hay không thì hoa hồng vẫn thuộc về họ, chỉ có thiệt thòi là của khách hàng. Nói điều này, không có nghĩa là quy chụp, vì mình tin số lượng này không nhiều và chẳng sớm thì muộn cũng sẽ bị đào thải. 

(2) Công ty bảo hiểm: Để được hoạt động tại thị trường VN, công ty BHNT cần có giấy phép hoạt động của BTC. Hiện tại việc cấp giấy phép mới dần trở thành “không thể”, nên số lượng công ty tạm thời dừng ở con số 18, và chịu sự quản lý chặt chẽ của BTC. Cơ chế quản lý chính của BTC có thể kể ra gồm: 

- Sản phẩm: các sản phẩm bảo hiểm muốn được bán ra thị trường đều phải giải trình kĩ thuật và có sự chấp thuận từ BTC. Để được phê duyệt sản phẩm mới thật sự là trầy da tróc vảy. BTC quản lý cực chặt chẽ, 100% đứng về phía người được bảo hiểm. Nên không có chuyện, sản phẩm tào lao được phép bán ra. 

- Dự phòng bảo hiểm: Điều này được quy định khá rõ trong Nghị Định 72, quy định chi tiết thi hành luật kinh doanh bảo hiểm. Các công ty bảo hiểm luôn phải trích lập 1 khoản Dự phòng, dùng để chi trả quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng. Dự phòng này luôn phải đảm bảo tính thanh khoản. Cục này, mấy bạn mà nhìn vào Báo cáo tài chính sẽ thấy nó to đến mức nào, to kinh khủng. VÀ nhất là, phải luôn tuân thủ phương pháp tính toán do BTC yêu cầu, xê dịch là ăn đập ngay. 

- Biên khả năng thanh toán: Nếu biên khả năng thanh toán doanh nghiệp dưới 100% là BTC sẽ xử lý ngay. Dạo gần đây, các bạn thường thấy tin Công ty Bảo hiểm VN tăng Vốn điều lệ. Thật ra nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của việc giảm lãi suất G-bond, dẫn đến lãi suất kĩ thuật giảm theo. Điều này gây ra dự phòng bảo hiểm tăng và biên khả năng thanh toán giảm xuống ngưỡng dưới 100%. Công ty mẹ bắt buộc phải bơm thêm tiền để nâng biên khả năng thanh toán. 

- Chi trả quyền lợi bảo hiểm: Cuối cùng và cũng là quan trọng nhất. Quyền lợi bảo hiểm được quy định rõ trong T&C và kĩ thuật sản phẩm. Công ty bắt buộc tuân thủ bộ tài liệu sản phẩm đã nộp và phê duyệt bởi BTC. (còn tiếp)