Nhiều người hỏi LeoX về đầu tư Bitcoin. LeoX hiện không đầu tư bitcoin nhưng thú thực là lĩnh vực này càng tìm hiểu càng thấy thú vị. LeoX sẽ chia sẻ với bạn những gì mình tìm hiểu được trong bài viết này nhé. 
 

Trước hết bạn cần hiểu về công nghệ block chain đã. Bitcoin chỉ là 1 ứng dụng của Blockchain mà thôi. 
 

Có thể so sánh như thế này cho dễ hình dung: Blockchain là 1 công nghệ nền tảng giống như Website là 1 công nghệ nền tảng dùng để chia sẻ thông tin. Tiền điện tử nói chung cũng giống như các công cụ tìm kiếm trên nền tảng website. Còn bitcoin là tiền điện tử nổi tiếng nhất cũng giống như Google là công cụ tìm kiếm phổ biến nhất vậy. Muốn hiểu bitcoin chắc chắn nên tìm hiểu từ block chain đã ? 
 

1 - Vậy Blockchain là gì?

Như cái tên của nó, Blockchain là một chuỗi các khối thông tin được mã hóa, cho phép truyền tải dữ liệu an toàn mà không bị phụ thuộc vào một trung gian nào để xác nhận thông tin.

2 - Bài toán mà Blockchain giải quyết?

Lấy một ví dụ đơn giản. Ngày nay, việc sử dụng iBanking ngày càng phổ biến. Mọi giao dịch của bạn đều được thực hiện trực tuyến; ngân hàng sẽ có nhiệm vụ là bên thứ 3 ghi chép mọi thông tin giao dịch & xác nhận tài khoản của bạn có đủ tiền để thực hiện thanh toán. Tuy nhiên, với việc sử dụng bên thứ 3 như vậy, khả năng vẫn sẽ xảy ra những trường hợp sau:

(i) Vì phải đảm nhận nhiều giao dịch của nhiều cá nhân/tổ chức, ngân hàng tránh mắc khỏi “lỗi ghi chép”. Bạn LeoX từng phát hoảng ghi ngân hàng mắc lỗi ghi nhận 1 giao dịch mua hàng của tôi những 4 lần (dù đó là một trong những ngân hàng lớn nhất của Mỹ).

(ii) Nhiều khi chuyển tiền quốc tế, ngân hàng sẽ mất vài ngày để clear transaction (giải quyết các giao dịch). Điều này là một rào cản khi bạn đang cần chuyển tiền gấp.

(iii) Ở một số trường hợp đặc biệt, nếu ngân hàng xảy ra bất trắc, bạn có thể mất tất hoặc một phần tiền ở ngân hàng nơi bạn gửi tiền. Khái niệm “too-big-to-fail” ngày này đã lỗi thời, nhất là sau khi ngân hàng lớn như Lehman Brothers (Mỹ) đã phải tuyên bố phá sản vào năm 2008.

Blockchain là công nghệ nhằm khắc phục những điểm yếu này, dựa trên hệ thống phân quyền (decentralized network) thay vì tập quyền (centralized network) như trên.

3 - Nguyên lý hoạt động của Blockchain?

Trong hệ thống Blockchain, sổ kế toán (ledger) được duy trì bởi nhóm các máy tính (gọi là nodes) được kết nối mạng ngang hàng (P2P). Tức là mỗi lần giao dịch, tất các các máy tính của thành viên trong hệ thống đều có thể kiểm tra thông tin và xác nhận giao dịch dựa trên thuật toán đã được hoạch định sẵn của hệ thống.

4 - Ưu điểm/Khuyết điểm của Blockchain

Ưu điểm:

(i) Tính minh bạch: Toàn bộ lịch sử giao dịch/thông tin trên mạng lưới blockchain đều được ghi lại và ai tham gia mạng lưới đều có thể truy cập dữ liệu đó.

(ii) Không có điểm lỗi đơn (single point of failure-SPOF): sự sụp đổ của mỗi cá nhân (node) cũng không làm ảnh hưởng tới bộ máy vận hành của cả hệ thống. Điều này trái ngược với quy tắc vận hành hiện hữu: “lỗi” của bên thứ 3 (ví dụ ngân hàng) sẽ ảnh hưởng tới cả hệ thống.

(iii) Tính bất biến: mọi sự thay đổi về dữ liệu, hệ thống, … cần sự nhất trí của đa số (51%) các nodes. Kể cả khi thay đổi, dấu vết thay đổi vẫn sẽ được lưu trữ lại. Do đó, một khi dữ liệu được ghi lại trên hệ thống, cá nhân khó có thể tìm cách thay đổi/làm giả thông tin.

(iv) Giảm thiểu chi phí & thời gian thanh toán: nền tảng Blockchain sẽ loại bỏ vai trò của các bên trung gian và tự động xác nhận thanh toán các giao dịch dựa trên thuật toán sẵn có.

Khuyết điểm:

(i) Tiêu hao điện năng: do sử dụng các thuật toán phức tạp, máy tính của các thành viên tiêu hao lượng điện năng khá lớn. Ước tính hiện nay lượng điện năng tiêu thụ của toàn bộ hệ thống Bitcoin blockchain tương đương với lượng điện năng tiêu thụ của 4 triệu hộ dân Mỹ.

(ii) Thời hạn xác nhận thanh toán kéo dài: nhu cầu bảo mật càng cao thì nền tảng Blockchain càng đòi hỏi thời gian ghi nhận thông tin càng dài. Ví dụ, trên nền tảng Bitcoin Blockchain, mất ít nhất 10 phút để giao dịch có thể lên trên hệ thống.

(iii) Quyền riêng tư: mặc dù danh tính các cá nhân đã được mã hóa, việc lưu lại toàn bộ thông tin/lịch sử giao dịch trên hệ thống mà bất cứ thành viên nào cũng có thể truy cập được vẫn còn là một dấu hỏi về tính bảo mật.

5 - Ứng dụng của Blockchain

Blockchain có tiềm năng trở thành nền tảng công nghệ đột phá thay đổi cách thức vận hành của nhiều lĩnh vực, có thể kể tới: nông lâm nghiệp, công nghiệp, bất động sản, nghệ thuật, bảo hiểm, ngân hàng, y tế, …Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, blockchain tạo ra giá trị lớn nhất ở 3 lĩnh vực: tài chính, chính phủ & y tế.

(i) Tài chính: Một số điểm yếu của hệ thống tài chính hiện giờ như thanh toán quốc tế, tài chính thương mại, … sẽ được khắc phục khi mà các giải pháp blockchain sẽ giảm thiểu số lượng bên trung gian (gây mất thời gian và chi phí cho các giao dịch). Ngoài ra, blockchain trong tương lai có thể loại bỏ các bộ phận vận hành (Opt), kế toán nội bộ, kiểm toán,… do tính tự động hóa của công nghệ, giúp các tổ chức tài chính tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động. Đó cũng là lý do tại sao khoảng 90% các ngân hàng lớn ở châu Âu, châu Mỹ và châu Úc đang thử nghiệm/đầu tư vào công nghệ Blockchain.

(ii) Hành chính công: Chính phủ sẽ tiết kiệm chi phí hành chính bằng việc lưu trữ dữ liệu của người dân như CMND, giấy khai sinh, … trên nền tảng blockchain. Hiện tại có khoảng 25 chính phủ các nước đang nghiên cứu các giải pháp công nghệ này.

(iii) Y tế: Trên nền tảng Blockchain, bệnh nhân có nhiều quyển kiểm soát hơn về thông tin của mình, cũng như có thể chia sẻ cho các bên như bảo hiểm, bác sỹ,…một cách bảo mật và hiệu quả hơn.