
Sau khi đọc xong 2 phần trước của series vàng, hẳn các bạn cũng hiểu nguồn gốc kích hoạt những nỗi sợ hãi của thị trường bấy lâu nay, khiến nhà đầu tư chuyển sang kênh vàng.
Không chỉ nhà đầu tư cá nhân, mà ngay cả các Ngân hàng Trung ương và các tổ chức tài chính cũng liên tiếp mua vàng. Nhưng vàng đã tăng được hơn 15% rồi, vậy nó có còn là 1 kênh đầu tư hấp dẫn nữa hay không?
Để trả lời câu hỏi này bạn hãy tự hỏi mình: Bạn biết vàng sẽ tăng khi nào rồi, vậy suy luận ngược lại 1 chút, khi nào thì vàng giảm ? Đơn giản thôi, vàng sẽ giảm khi các yếu tố kinh tế & chính trị đã trigger nên nỗi lo sợ của thị trường trong thời gian qua được giải quyết.
Tức là, về mặt kinh tế, lại có một liều thuốc thần kỳ có thể giúp thể trạng đang xấu đi của nền kinh tế biến mất; thay vào đó, là kinh tế tiếp tục tăng trưởng vượt bậc. Về chính trị, các nước sau thời gian căng thẳng leo thang tột độ sẽ xuống nước và bắt tay làm hòa. Khi đó, mọi người sẽ không còn hứng thú với tài sản trú ẩn, và sẽ chuyển sang những kênh đầu tư khác, và làm giá vàng giảm.
Bạn nghĩ xem liệu tình huống trên có dễ xảy ra không? Quan điểm của LeoX là không. Như đã phân tích trong phần 2, mẫu thuẫn Mỹ Trung sẽ là cuộc chiến dài kỳ dù Trump có trúng cử 2020 hay không. Vì nó là cuộc chiến phân định quyền lực giữa 2 quốc gia vào 1 thời điểm không thể phù hợp hơn.
Nó giống như cách mà Mỹ đã đối xử với Nhật Bản trước nguy cơ bị Nhật vượt mặt trước những năm 80s. Tuy nhiên Nhật bị phụ thuộc nhiều vào Mỹ về cả kinh tế và quân sự, thị trường tiêu thụ nội địa của Nhật cũng quá nhỏ bé. Còn Trung Quốc ngày nay thì không vậy. Đây sẽ là cuộc chiến lịch sử mà có lẽ con cháu chúng ta sẽ được học lại trong sách.
Cũng như vậy, chu kỳ kinh tế không dễ đảo ngược để tiếp tục tăng trưởng mãi. Sự can thiệp và kích thích của các ngân hàng Trung Ương, chỉ giúp cho việc hạ cánh êm hay shock mà thôi. Do đó LeoX tin rằng cửa tăng của vàng cao hơn rất nhiều so với xuống trong dài hạn. Chỉ cần 1 trong 2 yếu tố kể trên xấu đi, sẽ lại tiếp tục khơi mào sự hoảng loạn trên thị trường, qua đó tăng nhu cầu cho “tài sản trú ẩn” và tạo nên một nhịp chạy mới của vàng.
Thời điểm chính xác thì không ai có thể nói chắc chắn, nhưng các bạn có thể tham khảo thêm view từ Ray Dalio - 1 huyền thoại trong giới đầu tư và cũng là người LeoX hết sức ngưỡng mộ. Theo Ray, có tới 40% khả năng kinh tế sẽ suy thoái trước cuộc bầu cử Mỹ vào T11/2020.
Tựu chung, sẽ có mấy kết luận quan trọng sau. (1) Giá vàng có nhiều khả năng tiếp tục tăng trong trung dài hạn. (2) Thời điểm giá vàng tăng sẽ phụ thuộc vào khi nào yếu tố chính trị-kinh tế xấu đi, đặc biệt là khi kinh tế chính thức đi vào suy thoái ---điều này thì không ai có thể nói chính xác được.
Do đó, xét về action hợp lý, LeoX khuyên rằng các bạn nên cân nhắc việc sở hữu vàng trong danh mục đầu tư của mình. Giá vàng vừa tăng một chặng và có thể trong ngắn hạn sẽ chỉ ở loanh quanh mức này, thậm chí có thể điều chỉnh giảm nhẹ. Nhưng nhìn dài hơn thì vàng sẽ còn nhiều dư địa để tăng.
Hãy nhìn lại bài Phần 1 xem theo số liệu thống kê của LeoX thì giá vàng đã tăng như thế nào trong chu kỳ trước. Nói vậy không phải để khẳng định mức tăng đó mới hợp lý, nhưng chắc hẳn không thể chỉ là hơn 15% được. Do đó nếu có điều chỉnh, hãy nghĩ đó là 1 cơ hội để đầu tư thêm vào vàng.
Tâm lý muốn bán vàng thời điểm này đa số là của những người ôm vàng hòa vốn hoặc lỗ suốt bao năm qua và thấy lên thì hồ hởi muốn chốt. Nhưng LeoX nói rồi đấy, vàng là tài sản đầu tư có tính chu kỳ. Khi đến chu kỳ lại rơi mất thì lỗi là do bạn không hiểu biết thôi.
Còn về mức phân bổ hợp lý, Ray Dalio hay nhà đầu tư nổi tiếng khác là Mark Mobius khuyến khích nên có ít nhất 10% danh mục là vàng. Với cá nhân mình, LeoX có thể chia sẻ để các bạn tham khảo, là vàng đang chiếm khoảng 30% danh mục hiện tại của LeoX.
Tuy nhiên, phân bổ cuối cùng sẽ phụ thuộc vào tình hình tài chính của mỗi người vì chi phí cơ hội và mức độ chấp nhận rủi ro của mỗi người khác nhau. Về điểm này, bạn phải tự học hỏi thêm về kiến thức và tư duy để quyết định thôi.