Tâm lý thị trường là một yếu tố mà mọi nhà đầu tư đều muốn nắm bắt được. Câu cửa miệng trong giới đầu tư là hãy tham lam khi thị trường sợ hãi.
Nhưng khi nào biết thị trường đang sợ hãi, mức độ sợ hãi vừa vừa hay đang hoảng loạn? liệu đã sợ hãi đến kịch điểm chưa để ta vào “tham 1 cách an toàn" thay vì bắt dao rơi?
Chứ cứ thấy bán tháo, thấy nhiều người than khóc lỗ, thì nghĩ thị trường hoảng rồi đấy, mình cầm tiền ung dung đi nhặt hàng, nhặt xong mấy bữa lại thấy thị trường hoảng tiếp hồi 2, rồi bắt đáy hoài không thấy đáy đâu là xanh mặt.
Quyết định dựa trên cảm giác, cảm tính rất hay đánh lừa mình. Đó là lúc cần đến số liệu và thống kê để tránh đưa ra các quyết định mang tính hú họa và cảm tính.
Hệ chart Market Sentiment leox.vn phát triển nhằm lượng hóa được mức độ sợ hãi của thị trường xem đang ở ngưỡng nào so với lịch sử nhằm xác định điểm an toàn hơn cho chiến lược “bắt đáy".
Ví dụ mà LeoX sử dụng hôm nay là đồ thị Market Sentiment RSI 55. Đồ thị này vẽ cho ta thấy bao nhiêu % cổ phiếu toàn thị trường đang giao dịch ở ngưỡng RSI < 55.
Trước hết, RSI - relative streng index là một tiêu chí đo lường sức mạnh của giá. Một cổ phiếu có RSI > 70 được hiểu là cổ phiếu đó đang khá nóng và có thể đang ở trạng thái Overbought (quá mua). Trong khi RSI < 30 được hiểu là cổ phiếu đang ở trạng thái Oversold (quá bán).
Theo thống kê của Market Sentiment RSI 55, thị trường nóng là khi có khoảng 65-70% số lượng cổ phiếu trên toàn thị trường giao dịch ở RSI > 55, còn thị trường hoảng loạn là khi chỉ có khoảng dưới 5% cổ phiếu có RSI > 55.
Như vậy nếu có kế hoạch bắt đáy thì khi chỉ báo Market Sentiment RSI 55 ở ngưỡng lưng chừng kiểu như 30-40 thì xác suất bắt phải dao rơi sẽ cao hơn nhiều so với khi chỉ báo này ở ngưỡng < 5.
Để dễ hình dung hơn, mời các bạn tham khảo hình dưới đây:

Trong các lần chỉ báo Sentiment RSI 55 (màu xanh lá) rơi về ngưỡng dưới 5 như đánh dấu ở các hình tròn là các thời điểm thị trường ở ngưỡng sợ hãi tương đương với giai đoạn tháng 3/2020 hay cú sập năm 2018.
Tất nhiên cần lưu ý rằng việc xác định thị trường sợ hãi và có nên tham lam không không phải câu chuyện nằm trong 1 chiếc đồ thị và đúng với mọi người. Không có công thức đầu tư nào đơn giản như vậy cả.
Ví dụ cùng chạm tới ngưỡng sợ hãi Sentiment RSI 55 <5 nhưng thời điểm tháng 3/2020 (đánh dấu bằng 1 chiếc mặt $_$) thì thị trường tăng vút hơn gấp đôi, nhưng các điểm còn lại thì lại như năm 2018 tăng 40%, năm 2022 có lần tăng 12% hồi tháng 5 và tháng 7 và 1 lần tăng 22% hồi cuối tháng 11.
Vậy thì dù biết thị trường ở ngưỡng sợ hãi, nhưng việc có nên tham lam khi thị trường sợ hãi hay không, trước tiên phụ thuộc vào chiến lược bạn theo đuổi, ví dụ như mua để nắm giữ trung dài hạn hay mua để trading sóng hồi. Mua nắm giữ dài hạn thì việc mua nên được quyết định bởi yếu tố cơ bản, timing tâm lý thị trường chỉ phục vụ cho việc mua rẻ hơn một chút. Còn với trading sóng hồi thì đồ thị tâm lý thị trường sẽ giúp xác định được ngưỡng sợ hãi của thị trường so với quá khứ để không bị bắt đáy quá sớm.
Ngoài ra, việc kết hợp chỉ báo tâm lý với các yếu tố cơ bản của nền kinh tế cũng là một nhân tố quan trọng để xác định có nên tham lam khi thị trường sợ hãi hay không. Như LeoX luôn nhắc đi nhắc lại trong năm 2022 câu: định bắt đáy cầm dài hạn thì từ từ, còn trading thì ăn non thôi. Nguyên do của câu kết đi xuyên suốt 2022 này đến từ yếu tố chu kỳ kinh tế như LeoX đã viết trong nhiều bài.
Đầu tư không có 1 công thức dập khuôn và dễ dàng duy nhất, tuy vậy việc quyết định dựa trên cơ sở dữ liệu sẽ giúp ta bớt cảm tính và bị cuốn theo cảm xúc. Hơn nữa, càng dùng nhiều càng rút ra được kinh nghiệm và xây dựng được các hệ thống nguyên tắc riêng giúp bản thân làm chủ được tình huống.