Post này LeoX dành để giải đáp một số thắc mắc phổ biến của các bạn trẻ khi định hướng nghề nghiệp của mình trong ngành tài chính. Có nên chọn ngành tài chính không? Những công việc nào để bắt đầu? Lộ trình nào để tiến tới “high income skill” trong ngành tài chính? nghề nào sẽ hot trong thời gian tới?  … Hi vọng sau khi LeoX post bài về định hướng “high skill” trong ngành tài chính thì những chuyên gia ở ngành khác cũng lên tiếng tại Cộng đồng đầu tư bền vững LeoX để giúp các bạn trẻ có định hướng cho bản thân. 
 

Có tầm nhìn để thấy được cả con đường trước mắt rất quan trọng cho quyết định chọn những bước đi đầu tiên. 
 

1. Có nên chọn ngành tài chính ?

Nhiều người thích chọn ngành tài chính vì nghĩ rằng dễ kiếm tiền nhưng sự thật không hẳn là vậy. Người làm trong ngành tài chính cũng hầu hết là người đi làm thuê như những ngành khác với thu nhập chính là từ lương và mức lương không phải là xuất sắc so với mặt bằng chung của xã hội. Không phải ai làm trong ngành tài chính cũng có thu nhập từ đầu tư và nếu có đầu tư thì cũng không vì thế mà có lợi thế gì đặc biệt để đầu tư thành công cả.

Để đầu tư thành công kiến thức chỉ là một phần nhỏ, phần khó nhưng lại thường bị xem nhẹ là tư duy đúng đắn và khả năng kiểm soát cảm xúc, kỷ luật với bản thân. Do đó, muốn kiếm nhiều tiền không đủ để trả lời cho câu hỏi có nên chọn ngành này hay không mà phải xem bạn có phù hợp và có đam mê thích thú với nó hay không? Ngành nào cũng có thể kiếm được nhiều tiền nếu bạn thuộc nhóm “high skill” của ngành đó.

 

2. Những công việc phổ biến để bắt đầu?

Thông thường hầu hết các bạn trẻ đều bắt đầu với 1 công việc kiểu “công nhân cổ cồn trắng”- white collar worker. Tức là nhóm công việc làm 1 kĩ năng cụ thể như là Kế toán, Kiểm Toán , chuyên viên phân tích, chuyên viên tín dụng, nhân viên môi giới …

Đây phần nhiều là các công việc theo 1 barem sẵn có, không đòi hỏi sự sáng tạo hay phải tư duy khác biệt để tìm giải pháp. Thông thường nếu chịu khó thì chỉ sau khoảng 3 năm là bạn có thể nắm được phần lớn những nội dung quan trọng của công việc này, sau 5 năm là cảm thấy không còn học được gì mới.

Từ đây sẽ có 2 ngã rẽ. Nếu bạn là tuýp thích ổn định, ngại ra khỏi comfortable zone, thì lộ trình của bạn sẽ lên dần từng nấc thang đó tỷ lệ thuận với số năm kinh nghiệm. Mức lương cũng theo đó mà tăng dần đều nhưng không đột phá. Ví dụ một bạn bắt đầu với công việc chuyên viên phân tích, mức lương thường khoảng 10-13 tr, sau khoảng 3 năm lên senior thì lên hơn 20 triệu, > 5 năm lên manager thì khoảng 30-40 triệu, giám đốc bộ phận phân tích khoảng 50 tr ++ . Đó là barem cơ sở còn thì tùy vào độ thử thách của công việc cũng như giá trị bạn tạo ra.

Con đường này khá an toàn nhưng là hướng đi hẹp khó tạo ra bước tiến lớn vì đa số các công việc này là việc back office không trực tiếp tạo ra doanh thu lợi nhuận, hoặc là loại công việc dễ tìm người thay thế. Con đường thứ 2 là chuyển tiếp qua vai trò khác để tiến đến các vị trí quan trọng đòi hỏi “high skill” – những kỹ năng khó – luôn được các head hunter tìm kiếm.

Có “high skill” sẽ dẫn đến “high income” – nhưng đừng hiểu nhầm ý LeoX là hướng đến “high income job” nhé. 
 

Vì có thể có những công việc có lương cao nhưng không cần kỹ năng gì đặc biệt. Đơn giản là bạn đang đánh đổi gì đó để lấy mức lương cao. Ví dụ high income job có thể là một công việc vục mặt từ 8h sáng đến 8h tối, đấy là đánh đổi thời gian lấy mức lương cao. High income job có thể là một công việc đầy rủi ro mà bạn tưởng oai lắm như ký tá một đống giấy tờ nhạy cảm. Đấy là đánh đổi an toàn lấy lương cao. Đó cũng thế là một công việc không khó nhưng phải đi tiếp khách nhiều, chén chú chén anh, đấy là đánh đổi sức khỏe lấy lương cao. Nên hướng đến một công việc bạn được trả lương vì nó là kỹ năng khó chứ không phải vì đang đánh đổi.

 

3. Làm sao để biết công việc đó có phải là nhóm “high skill” hay không?

Những công việc thuộc nhóm “high skill” trong hầu hết các ngành nói chung và ngành tài chính nói riêng thường là những công việc trực tiếp đóng góp tạo ra doanh thu lợi nhuận. Vậy nếu bạn muốn hướng đến việc được trả lương cao, việc đầu tiên cần nghĩ đến là công việc của bạn tạo ra bao nhiêu lợi nhuận cho công ty. Bạn nhớ quy tắc 80:20 LeoX nhắc đến rất nhiều không? Trong 1 tổ chức có một số ít bộ phận tạo ra đến > 80% lợi nhuận. Muốn có “high skill” hãy nhắm đến bộ phận đó.

Ví dụ đối với lĩnh vực đầu tư, LeoX bắt đầu sự nghiệp cách đây mười mấy năm với nghề chuyên viên phân tích. Nhưng LeoX nhanh chóng nhận ra công việc đó chỉ là một mắt xích để tạo ra giá trị cuối cùng. Nó chiếm 80% thời gian nhưng đóng góp ít hơn 20% vào kết quả. Một chuyên viên phân tích cũng rất dễ bị thay thế, nghỉ tôi tìm người khác. Nhưng một PM (portfolio manager) – chịu trách nhiệm quyết định đầu tư thì không như vậy. Danh mục thành hay bại, lãi hay lỗ phụ thuộc vào quyết định của PM đó. Đó là công việc đòi hỏi không chỉ khả năng phân tích, mà còn phải hiểu sự vận động của chu kỳ kinh tế, thị trường cùng với khả năng quản lý cảm xúc, tuân thủ kỷ luật.

 

4. Những công việc nào thường là "high skill" trong ngành tài chính?

Ở đây LeoX chia làm 2 nhóm. Nhóm doanh nghiệp thông thường và nhóm các định chế tài chính. Đối với doanh nghiệp thông thường thì công việc high skill cao nhất chắc là CFO – giám đốc tài chính. Đây là người chăm lo dòng tiền cho doanh nghiệp bao gồm tối ưu dòng tiền trong Hoạt động kinh doanh và thu xếp huy động vốn cho các dự án mới. Kế toán, chuyên viên ban tài chính có thể là những bước đầu để lên CFO. Nhưng cũng nhiều trường hợp doanh nghiệp hunt người từ các định chế tài chính về để làm CFO, tùy vào tính chất hoạt động kinh doanh.

Nhóm 2 là các định chế tài chính bao gồm: Ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm, công ty tài chính tiêu dùng, kiểm toán. Trong đó trong Ngân hàng thì bộ phận key thường sẽ là Treasury và Quan hệ KH lớn. Trong công ty chứng khoán thường là bộ phận Investment banking, Treasury. Trước đây mảng môi giới đóng góp khá vào Doanh thu của CTCK nhưng với mức độ cạnh tranh phí về Zero như hiện nay thì mảng môi giới đang bị thu gọn và cần chuyển hướng. Quỹ đầu tư thì là PM như LeoX kể trên. Công ty bảo hiểm là bộ phận Actuary và Phát triển kênh bán, Kiểm toán thì là Partners…

 

5. Những công việc nào trong ngành tài chính sẽ hot trong thời gian tới ?

Một số công việc “high skill” khác mà LeoX quan sát thấy thị trường đang thiếu và đang cần ví dụ như là: Financial Advisor – Chuyên gia tư vấn tài chính. Tầng lớp trung lưu trỗi dậy khiến bùng nổ nhu cầu quản lý tài sản trong khi mặt bằng kiến thức về tài chính và đầu tư cá nhân ở Việt Nam nói chung ở mức khá thấp. 
 

LeoX nói đến những người làm tư vấn tài chính thực thụ chứ không phải là nhóm tư vấn bán hàng sản phẩm tài chính nhé. Đây phải là những người đứng về phía khách hàng chứ không phải người đặt lợi ích doanh số bán của mình lên trên quyền lợi của Khách hàng. Đó trước hết phải là cái TÂM. Ngoài ra đồng thời cũng phải có năng lực kiến thức sâu sắc về các tài sản đầu tư để có thể tư vấn tổng thể cho Khách hàng về chiến lược phân bổ tài sản, kế hoạch tiết kiệm và đầu tư để đạt được mục tiêu tài chính. 
 

Họ cần hiểu đa dạng sản phẩm trên thị trường, có khả năng so sánh các sản phẩm với nhau và tư vấn cho Khách hàng sản phẩm phù hợp nhất chứ không phải chỉ chăm chăm bán cái mình có. 
 

Cái này thị trường Việt Nam đang rất thiếu. Các công ty đa số tuyển người về để bán cái mình có. Nếu ai đã chán ngấy khi nhấc điện thoại lên và nghe những cuộc gọi chào bán bảo hiểm, BĐS … chắc sẽ cảm nhận được sự cần thiết phải thay đổi của thị trường này.

Một công việc rất hot nữa trong ngành tài chính đang và sẽ có diễn ra là nghề Product Engineering – Những người thiết kế cấu tạo sản phẩm tài chính. Đây là công việc rất mới ở Việt Nam nên gần như rất khó tìm nhân sự, nhân sự giỏi lại càng hiếm. Người làm sản phẩm phải là người có hiểu biết cả về thị trường, nhu cầu thị trường lẫn khả năng cấu tạo các sản phẩm để đáp ứng nhu cầu đó. Tên gọi chung của các sản phẩm này là “sản phẩm tài chính cấu trúc”. 
 

Lý do cần có những sản phẩm này vì những sản phẩm “trơn” không đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Ví dụ như Cổ phiếu thì rủi ro quá, Tiết kiệm an toàn nhưng lãi thấp quá, thì phải combine chúng lại như thế nào đó để thành một sản phẩm hybrid phù hợp với khẩu vị của số đông. Trái phiếu bán cho Khách hàng cá nhân cũng là 1 loại sản phẩm tài chính cấu trúc kiểu đơn giản theo cách mua buôn, đóng gói lại rồi bán lẻ.

Việc kế tiếp mà nhu cầu cao và tương lai sáng LeoX nhìn thấy nữa là các công việc đi theo xu hướng 4.0 trong ngành tài chính. Những công việc này thường yêu cầu bạn thuận cả tay trái và tay phải, ví dụ như vừa hiểu về tài chính vừa hiểu về IT, công nghệ. Các dự án chuyển đổi số trong ngành tài chính là rất lớn và là xu hướng. Nó cũng đóng vai trò cốt lõi cho tăng trưởng trong tương lai của các công ty nên thường được dành nhiều nguồn lực. Có những kỹ năng kiểu 2 tay 2 súng như vậy rất được trọng dụng và sáng giá.

 

6. Em có nên đi du học nước ngoài không? Có nên học chứng chỉ CFA không?

Đây là câu hỏi mà LeoX thấy nhiều bạn trẻ băn khoăn. Đi học thì không thừa, nhưng nó chỉ là điều kiện cần chứ không đủ. Cái bằng cấp là cái vé xe thôi, còn màn trình diễn có thành công không phụ thuộc vào năng lực của bạn. Nhiều CFA charter holder mà cứ lý thuyết trên mây trên gió thì chẳng bằng một bạn cử nhân nhưng có kinh nghiệm làm thật, lăn lộn trăn trở suy nghĩ với nghề thật. Cái mà LeoX quan sát thấy ở khá nhiều bạn trẻ là họ ít tò mò và lười tư duy. 2 phẩm chất này là cái mà LeoX luôn tìm kiếm khi chọn nhân viên. Thái độ quan trọng hơn trình độ. Hỏi vài câu là biết có nên tiếp tục hay không dù đó là CFA hay master hay gì.

Nếu bạn định đi sâu vào đầu tư thì giữa CFA và Master, LeoX sẽ khuyên bạn nên chọn CFA. Tất nhiên không thể đánh đồng tất cả các khóa master vì chất lượng rất khác nhau. Các khóa ở Mỹ thường rất thực tế và có nhiều thực hành hơn, các khóa ở Úc thì khá commercial. Đi du học thì ngoài kiến thức cũng còn trải nghiệm cuộc sống tự lập và văn hóa. Nhưng nếu chỉ so về mặt kiến thức thì CFA curriculum khá toàn diện để đáp ứng nhu cầu học của bạn.
 

7. LeoX có khuyến nghị khóa học đầu tư nào không?

Không! LeoX không thấy có khóa học đầu tư nào có chất lượng trên thị trường cả. Em nghĩ họ kiếm tiền từ bán khóa học hay từ đầu tư. Đọc sách xong đi dạy nói được hay như sách thì không khó, quá trình thực hiện và làm thực tế và làm được rồi mới đúc rút được ra nhiều kinh nghiệm. Kinh nghiệm quan trọng nhất rút ra là phải xuất phát từ tư duy đúng đắn. Đi theo sai thầy còn hỏng tư duy. LeoX không dạy đầu tư, LeoX hướng mọi người tư duy dựa trên những kinh nghiệm vấp váp của bản thân để có thể tự tìm ra lối đi phù hợp với bản thân mình.

Lời khuyên dành cho các bạn trẻ muốn học đầu tư là hãy đọc sách. Cứ sách của những thiên tài đầu tư mà đọc: Warren Buffet, Philips A Fisher, Benjamin Graham, Peter Lynch … Tuy nhiên để đọc sách hiệu quả hãy theo sát 4 bước sau chứ đừng chỉ đọc để nói là em đọc rồi, e đọc nhiều sách lắm, ko ăn thua đâu. 
 

Hi vọng hữu ích cho các bạn trẻ trong những bước đi đầu tiên. Hành trình vạn dặm cũng phải bắt đầu từ một bước đi. Quan trọng là các em xác định được hướng đi đúng và kiên trì, chắc chắn sẽ thành công!