
Ở phần trước, LeoX đã giải thích với các bạn bản chất được coi là “hầm trú ẩn an toàn” của vàng. Vàng sẽ chỉ tăng giá khi có fear (nỗi sợ) trên thị trường. Vàng cũng có tính chu kỳ rất cao. Chẳng hạn nhìn lại quãng năm 2011-2018, khi mọi yếu tố đều khá ổn định, kinh tế lại tăng trưởng ấn tượng thì đầu tư vàng sẽ chỉ có lỗ. Vậy thời điểm hiện tại thì sao ? Có yếu tố gì đang tạo ra sự sợ hãi hay tính chu kỳ của vàng ?
Nếu nhóm lại thì ta sẽ thấy các yếu tố này nằm ở một trong 2 nhóm: kinh tế hoặc chính trị.
(i) Kinh tế
Nhiều người hỏi LeoX, kinh tế thì có gì đáng lo nhỉ? Không phải vẫn tăng trưởng khá tốt đó sao?
Bạn biết đấy, vạn vật trên đời có thịnh rồi cũng có suy, cái gì cũng có chu kỳ của nó, kinh tế cũng vậy, không khi nào tăng trưởng cứ mãi kéo dài được. Chu kỳ tăng trưởng hiện đã kéo dài hơn 10 năm, bằng với thời gian của chu kỳ trước.
Thực ra con số 10 năm không có ý nghĩa tuyệt đối. Không phải chu kỳ kinh tế nào cũng kéo dài 10 năm, nhưng hiện có nhiều yếu tố cho thấy chúng ta đang ở đoạn cuối của 1 chu kỳ kinh tế, mấp mé sang thời kỳ suy thoái.
Evidenced base, có 2 yếu tố khẳng định quan điểm nêu trên:
- Tăng trưởng GDP năm 2018 đã đạt đỉnh, và các dự báo đều cho thấy tăng trưởng GDP ở thế giới nói chung cũng như ở Việt Nam nói riêng sẽ bắt đầu giảm.
- Các Ngân hàng Trung ương trên thế giới đã phải bắt đầu can thiệp bằng nhiều chính sách khác nhau (hạ lãi suất, bơm tiền vào thị trường, …) để có thể kích thích nền kinh tế.
Vậy nên, không phải là không có lý do gì mà thời gian này, càng ngày càng có nhiều bài báo nhắc tới khả năng về 1 cuộc suy thoái đang cận kề.
Nếu phân tích kỹ hơn 2 yếu tố trên bạn sẽ còn thấy e ngại hơn nữa vì dữ liệu LeoX tập hợp cho thấy việc kiểm soát để chu kỳ kinh tế hiện tại được “hạ cánh” một cách nhẹ nhàng là điều không hề dễ dàng.
Vì sao? Vì kinh tế thế giới đang bước vào giai đoạn cuối của một chu kỳ nợ kéo dài. Nợ tại các quốc gia đã tăng liên tục trong 1 thời gian dài. Khi GDP tăng trưởng chậm lại sẽ tạo áp lực rất lớn lên việc trả nợ. Các Ngân hàng trung ương sẽ cần giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân có thể trả nợ trong bối cảnh thu nhập không còn tăng nhanh như trước. Tuy nhiên lãi suất ở một số nước đã và đang ở mức tiệm cận 0% nên khả năng ứng phó với suy thoái sẽ hạn chế rất nhiều. Nói đơn giản là những nước này sẽ không có đủ nguồn nước để dập đáp cháy khi đám cháy bùng to.
Tất nhiên, không ai có đủ khả năng dự báo được thời điểm chính xác xảy ra một cuộc suy thoái. Nhưng có 1 sự thật mà LeoX muốn phân trần ở đây, là kinh tế đang bước vào giai đoạn cuối của chu kỳ, và bạn biết đấy, không có gì đáng lo sợ hơn là khi chúng ta đang ở đỉnh và mấp mé chỉ chờ thời gian mà lao dốc.
(ii) Chính trị
Một yếu tố khác nữa làm gia tăng lo sợ cho các nhà đầu tư đến từ rủi ro địa chính trị. Nếu bên trên LeoX ví chúng ta đang ở giai đoạn chênh vênh đâu đó trên đỉnh chỉ chực chờ lao dốc, thì những yếu tố địa chính trị hiện tại lại càng là lực đẩy thúc quá trình này diễn ra nhanh hơn. Nếu chịu khó theo dõi tin tức, bạn sẽ không khó để nhận ra những điểm LeoX liệt kê ra dưới đây. Nghe có vẻ xa xôi, nhưng lại rất nên để ý theo dõi.
- Tradewar giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang. Có thể bạn sẽ bị nhiễu loạn giữa những tin tích cực – tiêu cực cứ liên tục đan xen nhau liên quan đến chủ đề này. Có những thời điểm tưởng chừng 2 bên sẽ tháo gỡ được những mâu thuẫn để đạt được 1 thỏa thuận. Nhưng ngay sau đó lại bùng lên những đợt căng thẳng dữ dội mới. Thực chất cuộc chiến tranh này không chỉ bao hàm tranh chấp về mặt thương mại như vẻ bề ngoài, mà nó là cuộc chiến để phân định lại quyền lực. Mỹ đang cố gắng kiềm chế Trung Quốc trở thành một cương quốc kinh tế có thể cạnh tranh với Mỹ. Nước Mỹ hiện đang bị chia tách ý kiến trên nhiều lĩnh vực, nhưng duy có việc kìm hãm Trung Quốc là đạt được sự ủng hộ của trên dưới, thượng viện và hạ viện Mỹ. Đây là sẽ 1 cuộc chiến kéo dài dù Trump có thắng cử nhiệm kỳ kế tiếp hay không.
- Rất nhiều hậu quả có thể diễn biến từ cuộc “chiến tranh” này từ việc sắp xếp lại chuỗi cung ứng toàn cầu cho tới việc thay đổi các yếu tố về kinh tế trọng yếu như tỷ giá, tăng trưởng GDP, tỷ lệ vỡ nợ. TQ sẽ có áp lực phải phá giá NDT để hàng hóa xuất khẩu có thể cạnh tranh hơn. Điều này có thể khơi nguồn cho một cuộc chiến thương mại toàn cầu khi tất cả các nước đều tìm cách phá giá đồng tiền để thúc đẩy xuất khẩu. Tăng trưởng kinh tế chậm lại cũng sẽ tác động tiêu cực lên khả năng trả nợ của các doanh nghiệp TQ (tỷ lệ nợ / GDP ở TQ rất cao). TQ chiếm 31% thị trường tiêu dùng toàn cầu, nếu TQ hắt hơi, toàn bộ kinh tế thế giới sổ mũi. Lịch sử đã chứng minh, trong chiến tranh thì ôm vàng là lành nhất.

- Ngoài chiến tranh Trung – Mỹ, với việc khơi nguồn chủ nghĩa bảo hộ lên cao trên toàn thế giới, tổng thống Trump còn hục hoặc với EU, và với người láng giềng với mình là Canada và Mexico.
- Mỹ và Iran cũng là 1 điểm nhấn căng thằng khác, khi Mỹ ra lệnh cấm vận với Iran trong khi Iran trả đũa bằng vũ trang.
- Ở những nơi khác trên thế giới, căng thẳng chính trị cũng gia tăng. Tại châu Âu, Anh vật lộn với thỏa thuận rời khỏi châu Âu (Brexit), đến mức đã phải thay Thủ tướng, và đối mặt với nguy cơ "hard Brexit", tức là đoạn tuyệt hoàn toàn với phần còn lại của EU.
- Hay như quan hệ chính trị giữa Hàn và Nhật gần đây cũng căng như sợi dây đàn, với làn sóng tẩy chay hàng hóa Nhật tại Hàn, cũng như việc Nhật loại Hàn khỏi danh sách được ưu đãi thương mại.
- Rồi biểu tình phản đối chính phủ Pro-China ở Hong Kong trong mấy tháng vừa qua làm gia tăng mâu thuẫn giữa chính phủ đại lục và Hong Kong…
Có thể nói, từ năm 2018 đến nay, dấu hiệu về một thế giới phân cực và đóng cửa ngày càng rõ nét với những căng thẳng chính trị diễn ra liên tục trên khắp mọi phần của thế giới.
Vào một thời điểm nhạy cảm của nền kinh tế sau 1 chặng tăng trưởng dài, chu kỳ nợ lên cao, những căng thẳng này sẽ kích hoạt sự sợ hãi và là cơ sở để dòng tiền thông minh tìm về nơi trú ẩn an toàn là vàng. Dù nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam sẽ là 1 trong những nước được hưởng lợi từ việc sắp xếp lại chuỗi cung ứng toàn cầu thì view về vàng vẫn không thay đổi vì vàng là tài sản chịu biến động của kinh tế thế giới chứ không chỉ Việt Nam.
Phần tiếp đang định viết về việc giá vàng lên gần 20% rồi liệu có còn hấp dẫn nữa không? Cần lưu ý những điều gì khi giao dịch vàng ? Các bạn thấy có cần không?
Bổ sung 1 số link đọc thêm hữu ích cho mọi người tham khảo:
Ông trùm đầu cơ Ray Dalio: 40% kinh tế Mỹ sẽ suy thoái trước cuộc bầu cử năm 2020
Tỷ phú Ray Dalio: Hãy mua vàng bởi thị trường đang đối mặt với sự thay đổi mô hình