Hôm trước có bạn X thắc mắc với LeoX thế này. Đọc cái bản thông tin về trái phiếu, rõ ràng công ty trả trái tức 10% mà sao CTCK chào bán 9.45% nhỉ? 0.55% còn lại biến đi đâu ? Bạn X này là chưa hiểu coupon (trái tức) khác lợi tức (yield) rồi đó. Để LeoX giải thích cho các bạn nghe nha.

Giả sử doanh nghiệp A đang có nhu cầu huy động vốn. Doanh nghiệp A phát hành 500 tỷ trái phiếu ở lãi suất 10%. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp A đang vay vốn ở mức lãi suất 10%.

Trước 2015, doanh nghiệp A này chỉ có thể bán cho các ngân hàng, công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư. Kể từ 2015 trở đi, kênh trái phiếu cho NĐT cá nhân khơi thông, doanh nghiệp A có thể bán trái phiếu của mình cho các NĐT cá nhân. Nói nôm na là trước kia vay 3-5 quỹ, tổ chức tài chính (bán buôn) thì giờ vay vài trăm hoặc thậm chí cả vài ngàn NĐT cá nhân (bán lẻ).

Làm thế nào để doanh nghiệp A tiếp cận được một số lượng lớn nhà đầu tư cá nhân? Thực tế là họ phải bán thông qua các đơn vị phân phối như Công ty chứng khoán. Công ty chứng khoán làm dịch vụ tư vấn phát hành trái phiếu cho doanh nghiệp A rồi mua trọn lô với lãi suất 10% (mua buôn). Sau đó họ xé nhỏ ra thành 500 lô nhỏ trị giá 1 tỷ hoặc 1000 lô nhỏ trị giá 500 triệu để bán cho NĐT cá nhân.

Tất nhiên công ty chứng khoán không thể làm miễn phí vì để bán được trái phiếu cho NĐT cá nhân, họ phải trả chi phí marketing, rồi chi phí hoa hồng cho nhân sự tư vấn trái phiếu, rồi chi phí hệ thống blahh… Do đó họ mua được lãi suất 10% thì họ phải bán ở mức dưới 10% để có lãi. Tức là khoản trái phiếu họ mua 1 tỷ, thì phải bán lại với giá hơn 1 tỷ.

Nếu bạn mua được trái phiếu với giá gốc 1 tỷ, thì coupon = yield (trái tức = lợi tức), còn nếu bạn mua với giá 1.1 tỷ thì yield thực tế bạn được hưởng thấp hơn coupon ghi trên trái phiếu. 
 

Túm gọn lại là Coupon là cái DN phải trả còn Yield là cái bạn được hưởng. Coupon khác yield do giá trái phiếu bạn mua khác giá doanh nghiệp phát hành ban đầu. Còn làm thế nào để tính ra yield chắc bạn không cần phải tự tính đâu vì CTCK đã tính cho bạn rồi. 
 

Tuy nhiên lưu ý là có công ty sẽ đưa ra lãi suất cao hơn mức yield tính thực tế kèm theo dòng ghi chú là "đã bao gồm lãi suất tái đầu tư".  Nói vậy tức là họ đã tính gộp thêm cả lãi tái đầu tư coupon vào. Nói nôm na cho bạn hiểu thì là trái tức bạn nhận về phải được gửi tiếp ở lãi suất giả định để có thể đạt mức yield cao hơn đó. Do đó bạn cần check lại xem lãi suất tái đầu tư giả định là bao nhiêu % và thực tế bạn có làm được như giả định đó không nhé. 
 

Nhìn chung thị trường trái phiếu phát triển được cho NĐT cá nhân là 1 bước tiến của thị trường tài chính mà các bên đều cảm thấy có lợi. Doanh nghiệp A thì thêm 1 kênh vay vốn ngoài tín dụng truyền thống từ ngân hàng. CTCK thì được hưởng thêm phần chênh lệch lãi suất từ việc mua buôn bán lẻ. Cơ quan chức năng cũng hài lòng vì khơi thông được dòng vốn tiết kiệm trong dân cư vào sản xuất kinh doanh. 
 

Tuy nhiên bạn lưu ý nhé. Do CTCK đã chuyển nhượng toàn bộ 500 tỷ trái phiếu này cho nhà đầu tư nên họ không còn là chủ nợ (trái chủ) của doanh nghiệp A nữa. Nhà đầu tư cá nhân mới chính là chủ nợ mới của doanh nghiệp A và chịu toàn bộ rủi ro liên quan đến doanh nghiệp này. Do đó nếu doanh nghiệp A phá sản, bạn không thể đến CTCK để đòi tiền. Toàn bộ cuộc chơi mới này, bên nào cũng hồ hởi vì có lợi, nhưng chỉ có rủi ro của NĐT cá nhân là tăng lên. Do đó bạn không nên qua loa và cẩu thả trong việc đánh giá khả năng trả nợ của doanh nghiệp A.

Thị trường trái phiếu càng sôi động thì bạn càng nên thận trọng trong việc chọn lựa trái phiếu vì chợ càng đông, hàng tạp nham càng nhiều. Đừng chỉ quan tâm đến lãi suất trái phiếu này cao hơn lãi suất trái phiếu kia. Vì khi rủi ro xảy ra, chỉ có NĐT cá nhân là gánh chịu. Bạn không lo cho mình, không ai lo cho bạn cả đâu. 
 

Thân, 
 

LeoX