
Năm 2007, mọi thứ tốt đẹp đến lạ kỳ. Thời đó ai đi học tài chính ở nước ngoài cũng mơ ước vào Front Office (bộ phận kinh doanh) của một Investment bank....
Những trader với thu nhập từ vài trăm nghìn đến cả triệu usd một năm giống như một huyền thoại vậy.
Bàn làm việc với 5-7 màn hình, 9.30 -10 AM đến công ty nhìn thị trường, giao cho assistant trader canh lệnh rồi đi café, chiều 3 PM về chốt lời rồi đi bar.
Những buổi tiệc champagne hoành tráng, những penhouse hạng sang và đến văn phòng như những ngôi sao ca nhạc
Đó là những gì bạn có thể hình dung khi mài đít quần trên giảng đường để học những mô hình toán stochastic phức tạp với mơ ước một mai đổi đời.
Bạn nào từng làm mấy cái loại toán này sẽ thấy nó còn khoai hơn cả mấy bất đẳng thức lượng giác. Những thứ mà giờ nhìn lại nếu mình làm được thì khéo mình cũng có cơ thành Elon Musk rồi =))
Ở trong nước, mọi thứ cũng thật phồn thịnh. Bạn bè trúng chứng khoán đi du học Mỹ hay chuyện các tự doanh chứng khoán tranh nhau trả tiền bữa ăn lên đến vài trăm triệu không phải chuyện hiếm (thời đó ai làm chứng khoán Thăng Long chắc vẫn còn nhiều kỉ niệm).
Thế nhưng đời như cái dây thừng, bao giờ cũng có hai sợi xoắn lại. Ngày vui đã đến thì ngày buồn cũng phải đến. Mà càng vui sướng bao nhiêu thì càng ngã đau bấy nhiêu....
Ở Mỹ, các ngân hàng đầu tư bắt đầu gặp vấn đề sau thời cực thịnh. Bear Stearns và sau đó là Lehman Brothers, Merill Lynch sụp đổ gây chấn động toàn bộ thị trường tài chính toàn cầu.
Những gói cứu trợ của các Chính phủ và các đợt cắt giảm lãi suất sau đó đã phải khẩn cấp đưa ra để ngăn chặn sự sụp đổ có thể chạm đến an toàn tài chính của các quốc gia.
Cuộc khủng hoảng này đã được ghi vào lịch sử tài chính của nhân loại. 10 năm sau khủng hoảng, nhiều ngân hàng đầu tư dường như vẫn chưa chặn nổi đà đi xuống (link)
Bạn nào muốn tìm hiểu lại thời kỳ này có thể xem bộ phim “The Big Short" tại link này. Bộ phim lột tả thời kỳ này khá chân thực. Tuy nhiên thực tế tài chính thời đó có lẽ còn khốc liệt hơn trong phim rất nhiều.
Cuộc khủng hoảng đã diễn ra cho thấy, ngay cả ở một thị trường tài chính rất phát triển như Mỹ, lợi nhuận cũng làm con người mờ mắt trước bản chất của sự vật hiện tượng. Khi yếu tố % trở thành mối quan tâm lớn nhất, người ta dễ dàng bị nhầm lẫn khi đánh giá các khoản vay dưới chuẩn giống như các khoản vay an toàn.
Bạn biết đấy, lợi nhuận từ cho vay nặng lãi rất cám dỗ nhưng rủi ro từ việc không thu hồi được gốc lãi cho vay cũng rất cao. High risk high return. Vậy làm thế nào để bạn đánh giá khả năng trả nợ của người đi vay?
Bạn hãy ghi nhớ, đối với chứng khoán nợ, tỷ suất lợi nhuận là điều bạn biết trước, điều quan trọng nhất không phải là tổ chức phát hành (Bên Đi Vay) hoành tráng đến đâu mà là khả năng họ có thể trả được nợ chắc chắn đến đâu ? Bạn không phải là cổ đông mà là chủ nợ nên việc Công ty đi vay kinh doanh lãi nhiều hay ít không quan trọng bằng việc tiền lãi đó có đủ để trả nợ không ?
Hãy tưởng tượng, bạn cho một người quen biết vay tiền. Chắc nhất là anh ta sẽ cầm cố thế chấp tài sản nào đó cho bạn mà nếu anh ta không trả được nợ bạn sẽ bán được tài sản đó để thu hồi gốc và lãi vay. (Tất nhiên là bạn nên nắm rõ cách định giá tài sản cầm cố đó).
Tuy nhiên, thực tế thì rất ít người cho vay mong điều xấu xảy ra để đi xử lý tài sản (vừa lằng ngoằng phức tạp vừa mất quan hệ) mà chỉ muốn bình yên đến ngày giờ thu tiền về.
Còn nếu người đi vay không có tài sản thế chấp, vậy việc quan trọng nhất là đánh giá anh này có nguồn trả nợ hay không và chữ tín của anh này đến đâu. Vì vậy, việc đánh giá khả năng người đi vay tiền bạn có khả năng trả nợ là vấn đề trọng yếu khi cho vay tiền.
Bạn sẽ đánh giá người đi vay như thế nào ? Logic đánh giá có nên đầu tư một trái phiếu hay không cũng giống như logic đánh giá xem bạn có nên cho cá nhân kia vay tiền không. Về cơ bản, bạn sẽ cần lưu ý các vấn đề sau:
- Thu nhập thường xuyên của người đi vay có đủ trả lãi khoản vay không : Giả sử mỗi tháng người đi vay phải trả 20 triệu, mỗi tháng anh này chi tiêu cho gia đình và bản thân không thấp hơn 10 triệu thì rõ ràng thu nhập hàng tháng của người đi vay không thể thấp hơn 30 triệu. Nếu điều này không chắc chắn thì rõ ràng là không nên cho vay.
- Phương án trả gốc của người đi vay có rõ ràng không : Trả lãi còn đơn giản vì thiếu đâu vay tạm ít đập vào được nhưng trả gốc thì chắc chắn không đơn giản như vậy. Nếu người quen vay bạn 1 tỷ trong vòng 1 năm và hứa trả lãi 10%/ năm trong khi thu nhập anh này chỉ vài trăm triệu / năm thì bạn cần làm rõ đến thời hạn cam kết trả nợ sau 1 năm thì nguồn trả nợ của anh này là gì. Có thể anh này cần bán tài sản hoặc bố mẹ anh ta cho tiền hoặc có thể anh kỳ vọng mình trúng Vietlot. Những trường hợp này bạn cần tìm hiểu thật kĩ xác suất việc cam kết sẽ thành hiện thực để tránh trường hợp thả gà ra đuổi. Lí tưởng nhất vẫn là việc thu nhập thường xuyên (chứ không phải bất thường) của người đi vay sẽ đủ trả cả gốc lẫn lãi.
- Đạo đức của người đi vay: Bạn sẽ thấy luôn có các yếu tố không chắc chắn trong cam kết của người đi vay vì bản chất mọi cam kết đều diễn ra trong tương lai theo các giả định đặt ra là anh này có khả năng thực hiện được các cam kết.
Không phải lúc nào cũng có thể đánh giá chính xác được tính chắc chắn của việc thực hiện các cam kết của người vay. Vì vậy, việc đánh giá đạo đức của người đi vay cực kỳ quan trọng. Nếu đó là một người trọng chữ tín và bạn nghĩ dù thế nào anh này vẫn sẽ tôn trọng chữ tín thì đó là người bạn có thể xem xét cho vay.
Nhưng nếu bạn có nghi ngại về vấn đề này, hãy cực kỳ thận trọng. Cho vay không cẩn thận không những mất tiền mà còn mất luôn cả quan hệ. Anh Vũ - Trung Nguyên có đăng đàn về chủ đề này cũng khá hay ở đây
Cho vay cá nhân với cá nhân là vậy, còn khi bạn đầu tư một chứng khoán nợ, bạn cho doanh nghiệp vay, bạn sẽ cần hiểu thêm một số kiến thức về tài chính, pháp lý và kinh doanh để đánh giá khả năng trả nợ của doanh nghiệp. LeoX hẹn các bạn trong bài viết tới nhé.