Gần đây, trào lưu phát triển hình thức tư vấn tài chính 4.0 nở rộ. Các bạn sẽ có thể dễ dàng gặp rất nhiều tư vấn dạng bạn cần tiết kiệm bao nhiêu tiền, số tiền đó bạn hãy đầu tư đi và sau 10-20 năm bạn sẽ có một tiền rất lớn. Có những mô hình phức tạp tự nhận theo công nghệ AI hay robot để đưa ra lời khuyên. 
 

LeoX chưa được may mắn gặp một model “AI” xịn nào. Thay vào đó là các tính toán có vẻ nguy hiểm nhưng bản chất khá là funny. Thực chất đây là trò chơi nhảy số tài chính mà bạn có thể truy cập vào công cụ “Tính số tiền dự kiến tương lai” của LeoX để chơi:

Các lời khuyên này về bản chất là tốt, bạn không bao giờ nên tiêu quá số tiền mình kiếm được. Hãy luôn tiết kiệm để đầu tư, đó là một trong những nguyên tắc quan trọng để đạt được tự do tài chính.

Tuy nhiên, chỉ tiết kiệm không là chưa đủ ! Nếu bạn muốn biết người tư vấn tài chính của bạn có trình độ đến đâu, có một biến số rất quan trọng mà các tư vấn thường tìm cách tránh né. LeoX đã từng nghe các tư vấn giảng bài hàng tiếng nhưng điểm trọng yếu thì dường như cố tình bị lờ đi. 
 

Trong ví dụ nêu trên, có số cần quan tâm chính là 9%/năm. Nếu ai đó đưa cho bạn một model “AI”, với các biến số phức tạp thì biến số bạn cần quan tâm nhất chính là tỷ suất lợi nhuận. Hãy hỏi tư vấn của bạn làm thế nào để đạt được tỷ suất lợi nhuận mà anh ta giả định trong model. 
 

Thực sự là hiện các từ ngữ thịnh hành theo trend 4.0 đang được lạm dụng khá lố bịch. Bạn biết đấy, không phải mình cứ đặt tên con là Brad Pitt thì nó thành Brad Pitt được đâu.

Quay lại câu chuyện trái phiếu, nếu trong dự kiến của bạn mong muốn một tỷ suất lợi nhuận cố định khoảng 9%/ năm chả hạn, các công cụ như Trái phiếu doanh nghiệp có thể là một hình thức tốt để xem xét.

Tuy nhiên, ngay cả lãi suất trái phiếu có cố định là 9%/năm thì cũng còn các yếu tố rủi ro có thể ảnh hưởng đến khả năng đạt 9% đó của bạn. Trong tài chính có khái niệm “no free lunch” đại ý là chả có cách nào mà bạn có lợi nhuận cao hơn mà không chịu thêm rủi ro ở đâu đấy. 
 

Nói vậy không phải để sợ mà chúng ta nên hiểu rõ rủi ro của khoản đầu tư vào trái phiếu là gì và nó có đáng so với lợi nhuận chúng ta kiếm được thêm khi đầu tư vào trái phiếu hay không ?

Trước hết, nên hiểu khái niệm Trái phiếu cũng giống như Cổ phiếu, là một loại chứng khoán. Cổ phiếu có con lên con xuống. Trái phiếu có loại nhiều rủi ro, có loại ít rủi ro. Thậm chí, một tổ chức phát hành (TCPH) có thể phát hành nhiều Trái phiếu ( vay nhiều khoản) với các điều khoản điều kiện khác nhau. Vì vậy, khi nói đầu tư vào Trái phiếu cần hiểu rõ đầu tư vào Trái phiếu nào với điều khoản điều kiện là gì ?

Vậy các rủi ro khi đầu tư vào trái phiếu là gì, LeoX sẽ liệt kê để các bạn hiểu theo thứ tự từ to đến nhỏ nhé :

1. Rủi ro tín dụng: Nếu tôi đầu tư vào trái phiếu và TCPH (Bên đi vay) không trả được nợ thì giải quyết như thế nào ? Làm thế nào để tôi biết TCPH có khả năng trả nợ trước khi quyết định đầu tư ?

Đây là câu hỏi thực sự rất thông minh và cần hỏi đầu tiên. Hãy hỏi người tư vấn bán cho bạn Trái phiếu để có thể hiểu kĩ từng trường hợp cụ thể.

LeoX có thể mô tả các kiến thức chung nhất để các bạn hiểu:

• Nếu TCPH không trả được lãi và/ hoặc gốc thì đây là rủi ro đáng ngại nhất vì lúc này không những bạn không có 9%/năm mà còn có khả năng lỗ cả vốn đầu tư. Âm vào vốn đầu tư có thể xảy ra cả với Trái phiếu chứ không chỉ có Cổ phiếu. (Trên thực tế có những Trái phiếu có thể còn rủi ro hơn Cổ phiếu).

• Khi bạn mua Trái phiếu, bạn là chủ nợ của Doanh nghiệp. Nếu Doanh nghiệp không may phá sản không trả được nợ thì chủ nợ sẽ được ưu tiên trả tiền trước các cổ đông Doanh nghiệp. Lí thuyết là thế nhưng đó là trong trường hợp Doanh nghiệp còn tiền để trả bạn. Trước đó, Doanh nghiệp sẽ phải thanh toán các chi phí phá sản, tiền nợ lương và BHXH, các khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm phục hồi hoạt động kinh doanh cua Doanh nghiệp (theo khoản 1 Điều 53 của Luật phá sản, chi tiết bạn có thể tham khảo tại đây)

• Doanh nghiệp có nhiều khoản vay, trong đó có những khoản vay có tài sản bảo đảm (kiểu cho vay cầm đồ, Doanh nghiệp cầm cố một tài sản để đảm bảo cho một nghĩ vụ vay) và có những khoản vay không tài sản bảo đảm.

o Với Trái phiếu có tài sản bảo đảm: Khi Doanh nghiệp phá sản, NĐT sẽ được ưu tiên trước các chủ nợ không có tài sản bảo đảm để nhận phần bồi thường từ việc thanh lý tài sản bảo đảm.

- Nếu giá trị thanh lý > nghĩa vụ nợ gốc + lãi + phạt: Doanh nghiệp sẽ trả hết nợ và giữ lại phần giá trị cao hơn nghĩa vụ nợ.

-  Nếu giá trị thanh lý < nghĩa vụ nợ gốc + lãi + phạt: Lúc này toàn bộ số tiền thanh lý Tài sản bảo đảm sẽ được chia lại cho các NĐT Trái phiếu theo nguyên tắc pari passu (có nghĩa là tương ứng với tỷ lệ % đầu tư của bạn) Ví dụ: Lô trái phiếu phát hành 100 tỷ bạn đầu tư 1 tỷ thì khi xảy ra sự kiện thanh lý tài sản bảo đảm mà giá thanh lý < giá trị nghĩa vụ nợ thì bạn sẽ được đề bù 1/100 giá trị tài sản thanh lý. Tất nhiên, trường hợp này bạn sẽ bị lỗ và tỷ suất lợi nhuận sẽ < 9%. (Đó là lí do kéo excel ra 9% thì dễ nhưng làm thực tế để đạt được đươc 9% thì đòi hỏi nhiều hơn game chơi với các con số rất nhiều).

- Nếu Trái phiếu không có tài sản bảo đảm mà có bảo lãnh thanh toán của Bên thứ 3 như ngân hàng thì trong trường hợp Doanh nghiệp không trả được gốc lãi thì Ngân hàng bảo lãnh sẽ đứng ra trả thay. Tuy nhiên, loại trái phiếu này rất hiếm. Nếu có thì bạn nên thuê luật sư giỏi xem kỹ Thỏa thuận bảo lãnh để chắc chắn những rủi ro nào được Ngân hàng cam kết bảo lãnh.

o Với Trái phiếu không có tài sản bảo đảm: Khi bạn đầu tư vào Trái phiếu này, nếu TCPH gặp trục trặc không trả được nợ, bạn chỉ có quyền ưu tiên trước cổ đông nhưng đứng sau các chủ nợ có tài sản bảo đảm. Với những Trái phiếu không có tài sản bảo đảm, bạn cần thực sự hiểu rõ TCPH và điều khoản điều kiện Trái phiếu, nói tóm lại là hiểu rõ bạn đang cho ai vay, cụ thể để làm gì và làm sao Bên đi vay có tiền trả bạn. Tất nhiên mức lãi suất cũng nên xứng đáng với rủi ro mà bạn phải chịu.

Làm thế nào để biết TCPH có khả năng trả nợ trước khi quyết định đầu tư ? Một câu hỏi rất quan trọng, có khá nhiều điều để thảo luận nhằm trả lời cho câu hỏi này. Có lẽ sẽ hẹn các bạn trong một bài viết riêng tiếp theo.

2. Rủi ro pháp lý: Bộ hồ sơ phát hành Trái phiếu khá phức tạp với nhiều điều khoản điều kiện khá lằng nhằng.

Một bộ hồ sơ phát hành Trái phiếu thông thường sẽ gồm có:

• OC (Bản cáo bạch) : Đây là tài liệu cực kỳ quan trọng bao gồm việc mô tả về hoạt động kinh doanh của Tổ Chức phát hành, mục đích sử dụng vốn, khả năng trả nợ và các điều khoản điều kiện chính.

• Hợp đồng quản lý tài sản bảo đảm (nếu có tài sản bảo đảm): Nếu Doanh nghiệp cầm cố thế chấp tài sản bảo đảm, NĐT Trái phiếu không thể tự mình quản lý tài sản này. Sẽ cần có một tổ chức chuyên nghiệp (thông thường là ngân hàng) đứng ra quản lý tài sản bảo đảm theo một hợp đồng với các NĐT. Cách thức xử lý tài sản bảo đảm sẽ được quy định trong OC và hợp đồng này.

• Hợp đồng đại diện người sở hữu Trái phiếu: Trong trường hợp có quá nhiều NĐT, sẽ cần có một Tổ chức / cá nhân đủ uy tín đại diện bảo vệ quyền lợi của các NĐT vì TCPH hay các tổ chức liên quan không thể cùng lúc làm việc với quá nhiều các NĐT.

• Hợp đồng đại lý lưu kí và chuyển nhượng: Quy định việc lưu ký và chuyển nhượng Trái phiếu.

• Một số hợp đồng khác có thể có….

Nếu bạn có điều kiện, tốt nhất hãy nhờ một luật sư xem xét bộ hồ sơ phát hành. Đây là một chủ đề rất nặng pháp lý, khi có điều kiện LeoX sẽ giải thích thêm với các bạn. Lời khuyên là bạn nên hiểu rõ OC và hợp đồng quản lý tài sản bảo đảm.

3. Rủi ro lãi suất: Khi lãi suất lên, giá trái phiếu giảm. Tuy nhiên hầu hết các Trái phiếu doanh nghiệp hiện có lãi suất thả nổi bằng trung bình lãi suất tiết kiệm trả sau kỳ hạn 12 tháng của 4 Ngân hàng quốc doanh + biên lợi nhuận. Do vậy, rủi ro lãi suất cũng được hạn chế bớt. Bạn có thể nghiên cứu thêm về xu hướng lãi suất để quyết định đầu tư.

4. Rủi ro thanh khoản: Trong trường hợp không tìm được NĐT khác để chuyển nhượng Trái phiếu, NĐT có thể sẽ phải tiếp tục giữ Trái phiếu. Bạn hãy kiểm tra với tư vấn bán các giải pháp tất toán khoản đầu tư khi cần thanh khoản.

Hiểu rủi ro không phải để sợ mà để đánh giá đúng khoản đầu tư của mình bạn nhé. Gửi ngân hàng cũng vẫn có rủi ro ngân hàng phá sản. Quan trọng là mức lợi nhuận tiềm năng phải tương xứng với rủi ro bạn phải chịu và phù hợp với ngưỡng chịu rủi ro của bạn. Việc tìm hiểu kỹ lưỡng thông tin từ các tư vấn và các nguồn thông tin có tâm, có uy tín là việc không thể bỏ qua được bạn nhé.