Gần đây trên FB của Cộng đồng Đầu tư bền vững Leox.vn có bài viết rất hay về kế hoạch theo đuổi Tự do tài chính của một bạn trẻ tuổi. Bài viết đã thể hiện quan điểm rõ ràng của tác giả về con đường đi đến đích và những việc cần làm theo đó. Đây cũng là con đường phổ biến mà nhiều người đã và đang lựa chọn để đạt được mục tiêu Tự do tài chính sớm. Để giúp các bạn bước đầu tìm hiểu về Tự do tài chính, bài viết này sẽ khái quát hóa lại công thức cơ bản của Tự do tài chính. Các bước cơ bản để theo đuổi Tự do tài chính là gì và vì sao phải thực hiện những bước đó? Hãy nhìn vào công thức dưới đây:

Tự do tài chính được cấu thành từ ba nhân tố cơ bản: Giảm chi tiêu, Tăng Thu nhập, Gia tăng giá trị tài sản. Nhìn chung, ba nhân tố này sẽ được thực hiện lần lượt, nối tiếp nhau hoặc trong một số giai đoạn có thể thực hiện đồng thời hai hoặc ba nhân tố.

1.      Giảm chi tiêu

Đây là nền tảng để thực hiện những bước tiếp theo của công thức Tự do tài chính. Giảm chi tiêu bao gồm giảm chi phí sinh hoạt hàng ngày, giảm mua sắm, giảm các hoạt động nghỉ ngơi giải trí có phát sinh chi phí,… Tuy nhiên, giảm chi tiêu không đồng nghĩa với cắt bỏ hoàn toàn hoặc phải chịu đựng một mức sống quá thấp so với nhu cầu cá nhân. Con người vẫn cần được hưởng thụ về mặt vật chất và tinh thần để duy trì động lực vươn tới những mục tiêu khác trong cuộc sống. Tự do tài chính sẽ là một cái đích đến không dành cho số đông nếu con đường đi đến đích có quá nhiều khó khăn và nỗi buồn dành cho người theo đuổi nó.

Tại sao việc cắt giảm chi tiêu lại là nhân tố nền tảng của công thức Tự do tài chính?

-         Với một ngân sách có hạn, việc cắt giảm chi tiêu sẽ làm tăng số tiền dành cho đầu tư. Trong công thức tính lãi kép,

Số tiền thu về = Số tiền đầu tư * (1+lãi suất đầu tư)^số năm đầu tư

Với điều kiện các yếu tố khác không thay đổi, khi số tiền đầu tư lớn, số tiền thu về cũng sẽ tăng tương ứng.

-         Money save is money earn. Nếu tính cả yếu tố thuế thu nhập cá nhân thì một đồng tiết kiệm sẽ lớn hơn một đồng kiếm ra. Ví dụ: anh A mỗi tháng kiếm được 20 triệu đồng, sau khi đóng thuế thu nhập cá nhân 10% số tiền anh A nhận về là 18 triệu đồng. Anh B mỗi tháng cắt giảm chi tiêu 20 triệu đồng, cuối tháng số tiền trong tài khoản của anh B tăng thêm 20 triệu đồng. Như vậy, việc giảm chi tiêu mang lại kết quả tốt hơn so với việc kiếm tiền.

-         Việc chi tiêu làm giảm quỹ thời gian, đặc biệt là những khoản chi tiêu theo sở thích và không kiểm soát. Hãy dành thời gian đó cho mục đích đầu tư, đầu tư vào vật chất hoặc đầu tư vào con người. Điều này sẽ làm gia tăng giá trị tài sản của bản thân sau này.

Vậy làm thế nào để cắt giảm chi tiêu? Nhìn chung, các chuyên gia tài chính đưa ra một số lời khuyên cơ bản như sau:

-         Xác định lối sống và mức sống phù hợp của bản thân. Trong thời gian đầu, việc cắt giảm chi tiêu là rất quan trọng nhưng cắt giảm đến đâu lại tùy thuộc vào tính cách và khả năng của mỗi người bởi vì không phải ai cũng có thể sống tiết kiệm với mức sống quá thấp. Câu trả lời nằm ở việc hiểu rõ bản thân mong muốn gì và khả năng chịu đựng đến đâu. Việc xác định được mức sống ngay từ đầu sẽ trợ giúp cho việc điều chỉnh thói quen sinh hoạt, cân đối được chi tiêu và duy trì được động lực theo đuổi con đường đi đến đích.

-         Xây dựng thói quen chi tiêu tốt bằng việc chỉ mua những thứ thiết yếu và hạn chế mua những thứ theo mong muốn, sở thích. Khi thu nhập là hữu hạn, một thói quen phổ biến của rất nhiều người là tiết kiệm sau khi đã thanh toán các khoản chi tiêu. Kể cả khi có ý thức cắt giảm chi tiêu ngay từ đầu cũng không có sự đảm bảo là sẽ có được số tiền tiết kiệm cuối tháng như dự định. Vì vậy, hãy làm ngược lại, ngay từ đầu tháng cất riêng ra một khoản tiết kiệm và chỉ chi tiêu số tiền còn lại trong tháng đó.

-         Kiểm soát việc chi tiêu hàng tháng bằng cách ghi chép vào sổ hoặc lưu trữ trên máy tính. Hãy phân loại các khoản chi tiêu và cuối tháng đánh giá lại chênh lệch giữa thực tế so với kế hoạch đối với những hạng mục đã phân chia. Đừng quên rà soát lại hóa đơn mỗi khi thanh toán vì sai sót có thể xảy ra cho dù xác suất là rất nhỏ.

-         Tự động hóa các khoản thanh toán hóa đơn và tiết kiệm, đầu tư. Dịch vụ tài chính ngân hàng hiện nay cho phép cài đặt tự động các khoản thanh toán định kỳ như tiền điện nước, thẻ tín dụng, bảo hiểm hoặc tự động chuyển tiền vào các tài khoản tiết kiệm, đầu tư. Việc này vừa tiết kiệm được thời gian, đồng thời đảm bảo tính kỷ luật trong quản lý chi tiêu.

2.      Tăng thu nhập

Nếu chỉ có tiết kiệm thì con đường đến với Tự do tài chính sẽ khá dài hoặc là khá rủi ro. Một giải pháp hiệu quả hơn đó là làm tăng thu nhập chủ động và thụ động của bản thân. Thu nhập chủ động là thu nhập mà bản thân dành nhiều thời gian và công sức để có được, ví dụ như tiền lương, thưởng từ công việc chính. Ngược lại, thu nhập thụ động là thu nhập đỡ tốn công sức hơn như lãi tiết kiệm, tiền cho thuê nhà, lãi đầu tư,…. Việc tăng thu nhập có thể là gia tăng số tiền nhận được của mỗi nguồn thu hoặc tìm thêm các nguồn thu khác ngoài các nguồn thu nhập hiện tại.

Mục đích của việc tăng thu nhập là gia tăng tốc độ tăng trưởng của tài sản. Trong giai đoạn này, nguồn thu nhập chủ động vẫn còn đóng vai trò quan trọng và bạn phải dựa cả vào hai nguồn thu nhập để gia tăng số tiền đầu tư, tận dụng được sức mạnh của lãi kép. Số tiền đầu tư càng lớn, sức mạnh của lãi kép càng được phát huy. Theo kinh nghiệm của rất nhiều người đã đạt được Tự do tài chính, trong thời gian đầu khi nền tảng tài chính chưa mạnh, họ phải tăng cường các nguồn thu nhập từ công việc chính, công việc part time, góp vốn kinh doanh hay thậm chí lựa chọn các kênh đầu tư rủi ro để có thêm tiền đem đi đầu tư.

Làm thế nào để tăng thu nhập là câu hỏi đặt ra của rất nhiều người. Hãy nghe kinh nghiệm của một số người đã thành công trong việc tăng thu nhập chia sẻ:

-         Hiểu rõ đặc điểm của các nguồn thu nhập hiện có như sự đa dạng, sự ổn định, tiềm năng tăng trưởng,… trên cơ sở phân tích đó tìm ra các cách để thúc đẩy các nguồn này. Ví dụ tổng thu nhập hàng tháng của anh A phụ thuộc lớn vào tiền lương thưởng từ công việc tại tổ chức và khả năng tăng thu nhập từ các nguồn thu khác là hạn chế và ít khả thi. Để tăng thu nhập, anh A cần phải nỗ lực để có được vị trí cao hơn đi kèm theo đó là chế độ đãi ngộ tốt hơn. Hoặc anh A tìm vị trí công việc khác có lương thưởng trả theo doanh số do vậy thu nhập của anh A sẽ không có giới hạn và được tăng trưởng theo năng lực làm việc của bản thân.

-         Tận dụng hiểu biết, kinh nghiệm sẵn có của bản thân cho các công việc dự án part time, ngoài công việc chính. Ví dụ anh B làm chuyên gia phân tích kinh tế tại một tổ chức, đồng thời anh tham gia viết bài cho các báo kinh tế theo định kỳ hoặc theo yêu cầu từng lần. Như vậy,cùng sử dụng một kho dữ liệu, anh B đã có thể thực hiện đồng thời nhiều công việc khác nhau và do đó có nhiều nguồn thu nhập hơn cho mình.

-         Lựa chọn công việc có khả năng mang lại thu nhập cao. Trên thực tế, công việc theo sở thích không phải lúc nào cũng mang lại nguồn kinh tế mong muốn. Vì vậy, với mục tiêu Tự do tài chính, trước khi dành thời gian và công sức theo học một ngành nghề cần phải tính đến nhu cầu của thị trường lao động đối với ngành nghề vị trí đó để đảm bảo sau khi học xong sẽ nhanh chóng tìm được một công việc có thu nhập xứng đáng.

-         Sắp xếp, sử dụng thời gian hợp lý. Một ngày chỉ có 24h do vậy để có thể làm thêm được nhiều việc cần phải biết phân bổ thời gian hợp lý cho các thứ tự ưu tiên cao đồng thời tăng cường khả năng tập trung trong một khoảng thời gian nhất định. Việc làm chủ thời gian là một kỹ năng quan trọng và nó có thể rèn luyện được.

-         Sẵn sàng học hỏi kiến thức mới. Cơ hội kiếm tiền tồn tại ở trong rất nhiều lĩnh vực, bao gồm cả những lĩnh vực truyền thống như kinh doanh, đầu tư đến những lĩnh vực hiện đại hơn như blog, youtube, thương mại điện tử,… Hơn nữa, những kiến thức mới còn có thể hỗ trợ, giúp ích cho công việc hiện tại hay công việc dự định. Vì vậy, hãy luôn sẵn sàng học hỏi những kiến thức mới mẻ để mở rộng cơ hội và xác suất thành công cho bản thân.

3. Gia tăng giá trị tài sản

Ở giai đoạn này, tổng giá trị tài sản đã được tích lũy ở một mức độ nhất định do vậy với một tỷ suất lợi nhuận nhỏ cũng có thể mang lại một khoản lợi nhuận đáng kể. Gia tăng giá trị tài sản là việc tìm kiếm và thực hiện các cơ hội đầu tư, kinh doanh để làm cho tổng tải sản ngày càng tăng trưởng. Lúc này, với số vốn tương đối, việc tiếp cận đến những cơ hội đầu tư lớn và hiệu quả sẽ được mở rộng hơn, đồng thời khả năng chấp nhận các khoản đầu tư rủi ro cũng cao hơn, kết quả là sẽ có nhiều lựa chọn đầu tư hơn so với các giai đoạn trước.

Việc tiếp tục gia tăng giá trị tài sản sau khi đã tích lũy được một số tiền nhất định nhằm mục đích:

-         Đảm bảo cho sự tự do trong tài chính được bền vững. Trong trường hợp thuận lợi, nguồn thu nhập duy trì đều đặn có thể đảm bảo một cuộc sống ổn định. Tuy nhiên, trong trường hợp có biến cố xảy ra, một hoặc nhiều nguồn thu có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng dẫn đến việc phải giảm tài sản nắm giữ để duy trì mức sống. Khi đó, sự bảo đảm về tài chính trong tương lai sẽ bị giảm sút.

-         Tăng nguồn thu nhập thụ động để chi trả cho nhu cầu sinh hoạt và đầu tư. Do đó, thời gian để duy trì nguồn thu chủ động trong giai đoạn trước có thể sử dụng vào các công việc khác mang lại niềm vui, hạnh phúc hơn.

Vậy làm thế nào để gia tăng giá trị tài sản khi đã có một số vốn nhất định. Hãy tham khảo lời khuyên của những người đi trước:

-         Xác định phương thức gia tăng giá trị tài sản. Đây là việc rất quan trọng định hướng các bước đi cụ thể trong việc gia tăng giá trị tài sản. Tùy thuộc vào tính cách, khả năng và hoàn cảnh, mỗi người có thể lựa chọn một hoặc nhiều phương thức khác nhau như:

+ Kinh doanh: Câu “Phi thương bất phú” cho thấy vai trò quan trọng của hoạt động kinh doanh trong con đường làm giàu. Kinh doanh mang lại lợi nhuận cao nhưng cũng bao hàm rủi ro lớn, đồng thời yêu cầu kỹ năng và khả năng nhất định ở người tham gia hoạt động này.

+ Đầu tư chủ động: Đây là hình thức người tham gia chủ động tìm kiếm và thực hiện các khoản đầu tư. Thông thường, phương thức này dành cho những người đầu tư chuyên nghiệp do họ có nhiều kiến thức, kinh nghiệm và thông tin để tìm kiếm và đánh giá những khoản đầu tư tiềm năng.

+ Đầu tư thụ động: Phương thức này có thể phù hợp với số đông nhà đầu tư do không cần đòi hỏi kiến thức chuyên môn cao. Nhà đầu tư có thể thực hiện ủy thác tài sản hoặc đầu tư vào quỹ mở qua đó hưởng lợi nhuận theo tỷ suất đầu tư của các công ty tài chính chuyên nghiệp.

-         Đa dạng hóa danh mục đầu tư bao gồm tài sản vô hình và tài sản hữu hình. Tài sản vô hình phổ biến để đầu tư như cổ phiếu, trái phiếu hiện nay có rất nhiều tiện ích và dịch vụ thuận tiện để đầu tư. Tuy nhiên, tài sản hữu hình như bất động sản, vàng, đồ sưu tầm,… cũng có sự hấp dẫn về tỷ suất sinh lời và có thể hỗ trợ cân bằng rủi ro cho các kênh đầu tư biến động như cổ phiếu.

-         Đầu tư vào các kênh mạo hiểm. Đây là kênh đầu tư có độ rủi ro cao và đòi hỏi nhà đầu tư có kiến thức về tài sản đầu tư như doanh nghiệp start up, rót vốn vào quỹ đầu tư mạo hiểm, hoặc những tài sản mới hình thành như tiền kỹ thuật số,… Rủi ro rất cao nhưng lợi nhuận thu về có thể gấp nhiều lần so với kênh đầu tư khác. Lời khuyên của các chuyên gia tài chính là bỏ một phần tài sản vào kênh đầu tư mạo hiểm, lớn hay nhỏ phụ thuộc vào đánh giá và khả năng chấp nhận rủi ro của nhà đầu tư.

 

Như vậy, về cơ bản công thức của Tự do tài chính bao gồm ba nhân tố: tiết kiệm, tăng thu nhập và tăng giá trị tài sản. Đối với mỗi một nhân tố sẽ có rất nhiều cách thức để thực hiện tùy thuộc vào khả năng, lifestyle và hoàn cảnh của mỗi cá nhân. Bạn hãy chia sẻ hiểu biết và kinh nghiệm của mình trên con đường chinh phục mục tiêu Tự do tài chính nhé.