
Mấy nay mát trời, covid bùng phát, ế khách nên tôi cũng xin đóng góp một vài ý kiến từ kinh nghiệm thực tế với các anh chị em trong nhóm hy vọng có hữu ích cho các anh chị, mặc dù tôi biết trong đây toàn cao thủ về tài chính đầu tư nhưng cũng là kinh nghiệm sống của mình mong muốn chia sẻ với mọi người trong group.
Quan điểm cá nhân của tôi, không công thức nào đúng cho mọi người, mỗi người có một duyên với từng sản phẩm riêng, có những người đầu tư chứng khoán kiếm rất tốt sang phái sinh, vàng thì lỗ, có những người đầu tư bất động sản thổ cư cực tốt nhưng khi bước chân vào bất động sản nghỉ dưỡng lại chết, có người đầu tư dư án chung cư, tổ hợp khách sạn chết nhưng bước chân vào bất động sản tâm linh lại cực thịnh. Vậy làm thế nào để biết mình phù hợp với loại đầu tư nào? Trước khi biết mình phù hợp với loại nào thì bản thân bạn hiểu về mình đã, mình là kiểu người thích nhanh gọn, lướt sóng, thích đầu tư dài hạn, cá tính, sở thích, sở trường của chính bạn là gì, khả năng của bạn đến đâu (kiến thức, vốn, quan hệ về lĩnh vực đó)? Bạn nên làm ma trận SWOT cho bản thân, rồi vẽ ra bức hình tương lai của chính bạn mong muốn (marketing gọi là định vị thị trường), sau đó có chiến lược phù hợp (ngắn hạn, dài hạn...) Mình k hiểu mình thì rất khó, sau khi có short list các tài sản bạn cho rằng phù hợp với mình thì chỉ có test thử xem mình có duyên với loại tài sản nào. Mình chẳng biết được mình hợp với nghề nào cho đến khi thử qua một số nghề, đầu tư tài sản cũng vậy, sẽ không biết tài sản nào value added cho bạn cho đến khi test thử.
Nguyên tắc khi đầu tư?
Nhiều lý thuyết về tài chính, chứng khoán, bất động sản đề cập đến vấn đề này rất hay, các cao thủ trong group cũng đã nhắc rất nhiều. Cá nhân mình thì thấy khi bắt đầu đầu tư bạn phải luôn làm chủ mình:
- Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến: cái này mình học ở phim Kung fu Panda 2, đỉnh cao của võ thuật đó là tĩnh ở thể động, trong triết lý của nhà Phật đó là tỉnh thức. Chỉ khi tâm bạn tĩnh, thì sự vật hiện tưởng mới rõ mới tổng thể, bạn tránh được cạm bẫy của tâm lý bầy đàn, số đông, tránh được kỹ thuật chốt sale (ví dụ như đi mua bất động sản các bạn môi giới muốn chốt khách thế là hò nhau, chị không mua nhanh thì không còn...mà không suy xét mua xong thì làm gì với tài sản, mua xong làm sao để tài sản sinh lời để trả nợ vay, liệu tài sản ngồi im có tăng giá không hay đợi đến khi tăng giá thì vỡ nợ....)
- Kiềm chế lòng tham: lòng tham của con người là sân si bình thường ai trong người cũng có, mình không phải là phật sống để có thể vứt bỏ mọi sân si được. Có những người giai đoạn thịnh, đầu tư mua đi bán lại đất cát có trong tay đến vài chục tỏi, nhưng đến pha cuối đầu tư mua đảo thì lại toi và chết vốn ở đảo đó hơn chục năm giờ vẫn toi cho dù kinh tế thịnh. Vì sao, vì cái nhà 40m rất dễ giao dịch, nhưng 100m thì khó hơn, 200m khó hơn, dự án vài ngàn m hoặc vài ha càng khó hơn. Nhưng khi giao dịch nhà 40m kiếm được khá nhiều, lại thích làm to hơn, to hơn....
- Luôn lường những rủi ro vì không có lợi nhuận nào mà không có rủi ro cả. Ngay cả trái phiếu chính phủ thì vẫn có rủi ro của quốc gia (khả năng vỡ nợ :))) Khi người ta thịnh, khi kinh tế thịnh không ai nghĩ đến lúc suy cả, giống như bây giờ nhiều bạn trẻ thế hệ mới bắt đầu vào bất động sản do trải nghiệm vào lúc chu kỳ đi lên chính vì thế các bạn luôn khăng khăng là bất động sản chỉ có tăng không bao giờ có giảm, mà các bạn không hề biết được có những gương môi giới bất động sản kiếm vài tỷ một ngày ở khu Láng Hòa Lạc cách đây 10 năm đến giờ vẫn chưa trả nợ xong.
- Khi đầu tư về lĩnh vực gì, cố gắng trang bị cho mình tri thức về lĩnh vực đó. Ví dụ bạn đầu tư cổ phiếu ngành mỏ, bạn nên bỏ thời gian tìm hiểu về lĩnh vực đó nếu thực sự hiểu sâu về nó thì hãy đầu tư. Bạn đầu tư công ty nào cũng nên tìm hiểu về Ban lãnh đạo của Công ty đó.
- Giữ cái đầu lạnh khi đầu tư, tránh mơ mộng thái quá. Nhiều người cứ bảo tại sao những bánh vẽ, cam kết với tỷ suất sinh lời cao lại thu hút nhiều người xuống tiền. Cái này là do tâm lý của bản thân ai cũng mong mình là người may mắn được hưởng lãi lợi nhuận cao hơn bình thường. Mà trên đời chẳng có quyền lợi nào dễ dàng và ưu tiên như vậy cả khi bố mình không làm to, bản thân mình không tài năng xuất chúng. Ví dụ mình thấy có những giai đoạn trái phiếu doanh nghiệp lên đến 14%, nhưng ai cũng chỉ nhìn vào 14% mà không hề tính đến rủi ro vỡ nợ của doanh nghiệp. Doanh nghiệp huy động vốn lãi suất cao một phần xuất phát từ vốn khan hiếm, k còn tài sản đảm bảo để vay ngân hàng....Mình đã từng được chào các gói trái phiếu của doanh nghiệp mà các ngân hàng đứng ra là đại lý phát hành (cái này là do ngân hàng họ ôm lô trái phiếu doanh nghiệp, rồi xé lẻ ra về số lượng và thời hạn trái phiếu, cấu trúc lại để bán cho nhà đầu tư cá nhân), người nợ là doanh nghiệp không phải là ngân hàng, trong khi tài sản đảm bảo cắm cho ngân hàng....vì cũng k quan tâm nên m cũng k tìm hiểu kỹ sản phẩm này ngân hàng cấu trúc kiểu gì, nhưng người nhận nợ lại là doanh nghiệp mà như vậy rủi ro mất vốn khá cao. Nhưng thấy lãi suất cao nên nhiều người tranh nhau mua, ít ra cao hơn lãi tiết kiệm. Hoặc giờ có nhiều bên huy động vốn với lãi suất cao cực kỳ luôn trong đó có 1 số shark lên truyền hình nọ kia, nhưng các bạn cũng nên nhớ cam kết chỉ là cam kết mà thôi, coco bay là 1 ví dụ về kiểu cam kết.
Có nên tham khảo ý kiến hay đầu tư theo chuyên gia không?
Việc đi học hỏi kiến thức kinh nghiệm là rất cần thiết, nhưng khi đầu tư hãy giữ thái độ độc lập khách quan để xem có phù hợp với hoàn cảnh điều kiện của mình không? Có những chuyên gia họ đầu tư lãi, nhưng phù hợp với hoàn cảnh của họ, mình đầu tư theo họ thì chết. Nên nhớ rằng bạn có thế không giỏi lý thuyết, không giỏi mô hình nọ kia, nhưng nếu có am hiểu có kinh nghiệm chuyên sâu về lĩnh vực nào đó thì bạn hoàn toàn độc lập ra quyết định đầu tư của mình. Có những chuyên gia họ giỏi đầu tư vào lĩnh vực F&B, nhà hàng....Trước khi đặt quyết định đầu tư làm bảng tính, càng chi tiết càng tốt để quyết định, trong đó luôn đặt câu hỏi nếu mình thất bại, thì m sẽ gánh nợ bao nhiêu, mình sẽ mất vốn bao nhiêu, sức chịu lỗ của mình là bao nhiêu? Nên vẽ rủi ro toàn cảnh của khoản mục đầu tư của mình.
Mình thấy trên mạng hay lan truyền câu nói này "cơ hội đầu tư tốt thường mơ hồ, rõ ràng quá thì không còn là cơ hội"...cá nhân mình thì thấy cơ hội đầu tư tốt chỉ mơ hồ với mọi người chứ không phải mơ hồ với người đã quyết định đầu tư và thắng ở vụ đầu tư đó. Họ đầu tư cơ hội đó vì họ hiểu lĩnh vực đó, họ chuyên sâu và phân tích được tiềm năng của cơ hội. Không hề có việc ăn may và không tính toán gì ở đây cả.