Có bạn nói với LeoX, cũng định tìm hiểu về đầu tư chứng khoán, nhưng lúc định mở tài khoản lại thấy ngại vì hoa mắt bởi các loại chi phí và thuế. Thực ra chỉ có 4 loại sau đây thôi: 
 

Phí giao dịch chứng khoán

Đây chính là loại phí bạn phải trả khi giao dịch chứng khoán thành công. Nó sẽ được tính theo công thức:

phí giao dịch = mức phí giao dịch (%) x giá trị giao dịch.

Thông thường, mức phí sẽ tùy thuộc vào giá trị giao dịch của bạn; giá trị giao dịch mỗi lần càng lớn thì mức phí càng thấp. Cái này thì bạn có thể lên website của công ty hoặc trực tiếp gọi để công ty chứng khoán cung cấp cho bạn biểu phí chi tiết. 
 

Nhưng bạn lưu ý một điểm là phí giao dịch cũng phân làm 2 loại tùy thuộc vào lựa chọn của bạn. Cụ thể như sau: 

Phí giao dịch online: 

đây là loại phí giao dịch khi bạn tự thực hiện giao dịch của mình. Như đã nói ở lần trước, mức phí giao dịch này giữa đa số các công ty chứng khoán không dao động nhiều, trong khoảng 0.2% - 0.3%.

Phí giao dịch môi giới: 

đây là loại phí giao dịch khi bạn đăng ký có nhân viên môi giới quản lý tài khoản của bạn, thường được gọi là broker. Khi có nhân viên broker chăm sóc tài khoản, mức phí bạn phải trả thường sẽ cao hơn từ khoảng 0.05% đến 0.15% so với phí giao dịch online. 
 

Vậy nên chọn loại tài khoản tự giao dịch online hay qua broker? Một số điểm sau bạn nên lưu ý. 
 

Thứ nhất,  các broker có xu hướng khuyến khích khách hàng mua mua bán bán liên tục, do như thế phí giao dịch thu về sẽ càng cao, hoa hồng chia cho họ sẽ càng nhiều. Mà việc mua ra bán vào như thế LeoX đã nhấn mạnh nhiều lần, nó chỉ là tư duy đầu cơ, lúc được lúc mất, chả khác gì cờ bạc  
 

Thứ hai, thực chất có rất ít broker thực sự giỏi. Nếu họ kiếm tiền giỏi từ đầu tư thật thì họ đã giầu từ lâu rồi. Tất nhiên cũng có một số ít môi giới có tâm và có nghề, biết cách tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng như làm báo cáo về thị trường, báo cáo tổng hợp về tin tức. Nhưng chỉ nên coi họ là 1 nguồn thông tin tham khảo thôi. 
 

Ngoài ra, LeoX lưu ý các bạn tránh xa môi giới nào cam kết đảm bảo lợi nhuận cho khách hàng. Loại cam kết này thực chất chỉ là của cá nhân môi giới, có tính ăn thua. Không có công ty chứng khoán nào được phép đưa ra cam kết lợi nhuận vì nó sai luật. Do đó nếu lỗ thì bạn chỉ có cách đòi nhân viên đó thôi. Và 100% là không đòi được đâu. Lương broker không đủ để đền khoản lỗ cho bạn. Suy cho cùng, cần hiểu rõ rằng không có cam kết lợi nhuận nào đáng tin cậy cả cả vì đầu tư là có rủi ro. 
 

Một điểm lưu ý khác, là phí giao dịch được tính trên mỗi lần giao dịch. Tức là khi mua chịu phí giao dịch và khi bán cũng chịu phí giao dịch bạn nhé. 
 

Thuế thu nhập chứng khoán:

So với những loại hình đầu tư khác, thuế thu nhập chứng khoán ở mức khá thấp, chỉ ở mức 0.1%. Đây là mức thuế chung, và sẽ chỉ đánh vào giao dịch bán. Như vậy, công thức tính số tiền đóng thuế cho chuyển nhượng chứng khoán sẽ là:

Thuế thu nhập = 0.1% x giá trị bán chứng khoán mỗi lần

Thuế cổ tức tiền mặt:

Cổ tức là một phần tiền công ty trích từ lợi nhuận để chia về cho cổ đông. LeoX sẽ giải thích cho bạn rõ hơn về cổ tức ở những phần sau, nhưng ở đây, đơn giản, bạn có thể hiểu cổ tức là một loại thu nhập bạn nhận được khi đầu tư chứng khoán.

Có nhiều loại cổ tức, nhưng chi phí thành tiền liên quan sẽ chỉ giành cho loại cổ tức tiền mặt. Hiện tại, mức thuế cổ tức tiền mặt ở mức 5%. Cách tính sẽ là:

Thuế cổ tức tiền mặt = 5% x tổng giá trị cổ tức được nhận

Lưu ý là công ty mà bạn đầu tư chứng khoán vào sẽ thay bạn thực hiện nghĩa vụ chi trả chi phí thuế cho nhà nước. Ví dụ, bạn mua cổ phiếu của Vinamilk (VNM) và được nhận 1 triệu đồng cổ tức tiền mặt. Vinamilk sẽ đứng ra thay bạn trả 5% thuế cổ tức tiền mặt (50,000 VNĐ), còn lại trả 95% số tiền về tài khoản chứng khoán của bạn (950,000 VNĐ) <- Đây sẽ là số tiền thực chất bạn sẽ nhận được vào ngày công ty thực hiện chi trả cổ tức mà không phải làm thêm bất cứ thủ tục gì.

Phí margin (giao dịch ký quỹ):

Đây là một loại phí không thường xuyên, LeoX cũng đã nhắc đến trong bài Đầu tư chứng khoán – Bắt đầu từ đâu (Phần 2). Phí này sẽ chỉ phát sinh nếu bạn lựa chọn dùng đòn bẩy cho lần giao dịch đó của mình. Bản chất của nó giống như việc đi vay, nói nôm na nó sẽ là lãi suất vay cho mỗi khoản vay đầu tư chứng khoán của bạn. Cách tính sẽ là:

Phí margin = mức phí (%) x tổng khoản vay ký quỹ

Mức phí margin tại đa số các công ty chứng khoán hiện nay khoảng 13.5%/năm - 14.5%/năm. Thông thường, để sử dụng dịch vụ này, các bạn sẽ phải ký một hợp đồng riêng về giao dịch ký quỹ với công ty chứng khoán. Sau đó, nhân viên công ty chứng khoán sẽ hướng dẫn cụ thể cách sử dụng cho bạn, nhưng ngoài mức phí margin, bạn cần hỏi thêm về (1) tỷ lệ đòn bẩy (số tiền bạn được vay tối đa) (2) danh mục ký quỹ của công ty (3) khi nào tài khoản của bạn bị xử lý và hình thức thông báo.

Ngoài những khoản phí trên, sẽ còn những khoản phí khác liên quan tới chứng khoán như phí lưu ký chứng khoán (phí để ghi nhận sở hữu chứng khoán) chỉ khoảng 0.3VND/cổ phiếu, hoặc phí ứng trước tiền bán (dao động từ 0.03%/ngày - 0.04%/ngày),.. Tuy nhiên, những khoản phí này thường rất nhỏ, không đáng quan tâm.

Hơn nữa, tất cả những khoản thuế phí của giao dịch chứng khoán đều được công ty chứng khoán tự động tính và khấu trừ. Bạn cần biết mình bị trừ những loại phí gì để nắm được, chứ không cần phải quá quan tâm đến phí đâu. Vì LeoX không khuyến khích bạn đầu tư theo cách mua ra bán vào liên tục, do đó phí là không đáng kể, càng là quá nhỏ nếu so với lợi nhuận có thể đạt được từ đầu tư chứng khoán.