Đầu tư và Swing-trade là 2 chiến lược mà X-team dùng để phân nhóm các cổ phiếu trong Box Doanh nghiệp thuộc X-Research.
Hai chiến lược này là 2 kiểu tư duy rất khác nhau, thậm chí ngược nhau, mà nếu không phân loại ra rành mạch, ta rất dễ rơi vào trạng thái lúng túng không biết nên hành xử ra sao.
Bài viết này LeoX chia sẻ các điểm khác nhau trong tư duy theo Đầu tư và tư duy theo Swing-trade để các bạn tham khảo.

Trước hết về khái niệm 2 chiến lược này khác nhau thế nào ?
Đối với chiến lược của nhóm cổ phiếu Đầu tư
- Đối với chiến lược Đầu tư, yếu tố cơ bản của doanh nghiệp chiếm tới > 80% vai trò trong quyết định. Ta cần tìm hiểu rất kỹ về doanh nghiệp, đặc biệt là hiểu sâu về mô hình kinh doanh và lợi thế cạnh tranh giúp Doanh nghiệp có thể tăng trưởng bền vững.
- 20% còn lại ta tìm thời điểm mua phù hợp bao gồm timing theo chu kỳ của ngành và timing theo chu kỳ của thị trường.
- Chu kỳ ngành giúp ta tránh việc mua khi ngành đang ở thịnh nhất và tiến dần tới suy. Giống như khi mua HPG ở đỉnh năm 2022 dù HPG vẫn là 1 doanh nghiệp tốt nhưng chu kỳ ngành đi xuống thì vẫn sẽ lỗ.
- Còn chu kỳ thị trường giúp ta tìm điểm mua đủ an toàn - với chiến lược đầu tư là điểm mua đủ rẻ - thường là khi thị trường có những đợt điều chỉnh sâu, có sự hoảng loạn và bán tháo. Khi mua được ở giá đủ rẻ thì mới vững tâm lý và đủ gan để nắm giữ. Còn mua giá cao rồi tặc lưỡi thôi đầu tư dài hạn vậy thì không phải nhé.
Khi đi theo lối tư duy mua rẻ này, có nghĩa là càng rẻ phải càng hấp dẫn. Điều này đúng nếu như các yếu tố cơ bản về doanh nghiệp (chiếm tới 80% quan trọng) không có gì thay đổi. Còn nếu vì có gì thay đổi mà giá cứ giảm thì khả năng cao là dính phải bẫy bắt dao rơi. Điều này yêu cầu người mua phải nắm được khá vững về doanh nghiệp, cập nhật kịp thời để dám tham lam khi thị trường sợ hãi.
Còn chiến lược Swing-trade là gì ?
- Swing-trade có nghĩa là giao dịch theo chu kỳ. Swing-trade theo cách định nghĩa của X-team có 2 điểm khác biệt so với trading thông thường.
- Thứ nhất Swing-trade thường theo khung thời gian dài hơn (thường là tháng) so với trading ngắn hơn (thường là tuần hoặc thậm chí là ngày theo T+)
- Thứ hai Swing-trade bám vào yếu tố triển vọng tăng trưởng cơ bản của doanh nghiệp (doanh nghiệp có đang kinh doanh tốt lên không, định giá có còn hấp dẫn không, yếu tố để tăng giá là gì). Còn Trading thì kỷ luật trade là quan trọng nhất, còn không quan trọng là bạn trade cái gì, từ trade cổ phiếu hàng nóng cũng được, tới trade FX, trade commo. Tất cả với trader đó là chart và các nguyên tắc bám theo chart còn không quan tâm nó lên vì sao, xuống vì sao từ góc độ cơ bản.
Lý do X-team lại chọn Swing-trade thay vì trading? Có mấy lý do như sau
- Thứ nhất, những thứ tăng giá mà chúng ta không hiểu được thì ít có khả năng nắm bắt được cơ hội, có lãi chút chút là chốt lời, và cũng không dám đầu tư size đủ lớn để thay đổi được tình trạng tài chính.
- Thứ hai những thứ tăng giá mà không cần lý do từ cơ bản thì lúc giảm cũng chẳng cần lý do cụ thể nào khiến việc đầu tư trở thành hên xui đánh xổ số nếu như không có hệ thống nguyên tắc và sự kiểm soát tâm lý rất vững vàng.
Như vậy Swing-trade là chiến lược giao dịch trên khung thời gian tháng các cổ phiếu có yếu tố tăng trưởng đến từ triển vọng tích cực của doanh nghiệp hay của ngành mà chúng ta có thể hiểu, nắm bắt và theo dõi được.
Chiến lược Swing-trade sẽ bỏ qua các doanh nghiệp lên không có lý do hỗ trợ nào, hoặc những lý do không cả khả năng nắm bắt và theo dõi. Điều này giúp giảm thiểu rủi ro nhưng đương nhiên cũng vì thế mà có thể bỏ qua những cổ phiếu thuộc nhóm tăng mạnh nhất trên khung thời gian ngắn (nhất là những cổ phiếu làm giá - thường tăng shock và giảm sâu).
Tại sao cần phân ra thành 2 chiến lược Swing-trade và Đẩu tư? Sao không chỉ đầu tư thôi?
Lý do liên quan mật thiết tới tính chất của thị trường chứng khoản Việt Nam với tính chu kỳ rất cao, rất nhiều doanh nghiệp phụ thuộc vào các yếu tố đầu ra đầu vào là các loại hàng hóa có tính chất biến động lớn và không dễ nắm bắt, ví dụ như giá dầu, giá phân bón, giá đường …
Ngoài ra các mô hình kinh doanh của doanh nghiệp phần lớn là quy mô nhỏ, không có lợi thế cạnh tranh bền vững tạo ra tăng trưởng bền vững mà lúc môi trường thuận thì lãi, lúc khó là lỗ.
Cuối cùng vấn đề về các góc tối trong quản trị doanh nghiệp hay tính minh bạch cũng là một rủi ro không nhỏ đối với đầu tư dài hạn.
Mặc dù không phù hợp đầu tư nắm giữ dài hạn. Nhưng số lượng các doanh nghiệp thuộc nhóm này nhiều và tỷ suất lợi nhuận cũng hấp dẫn nếu đúng giai đoạn do đó nếu bỏ qua hoàn toàn cũng lỡ nhiều cơ hội.
Do đó chiến lược Swing-trade và Đầu tư sẽ tập trung vào 2 kiểu doanh nghiệp khác nhau.
Nói ngắn gọn thì :
- Chiến lược đầu tư là các doanh nghiệp có mô hình kinh doanh bền vững, lợi thế cạnh tranh rõ ràng – là những doanh nghiệp tốt có thể mạnh dạn mua nắm giữ tích lũy dài hạn khi có giá chiết khấu hấp dẫn. Thời gian nắm giữ 1-3 năm và tần suất giao dịch ít.
- Chiến lược Swing-trade đầu tư vào các doanh nghiệp có tính chu kỳ mạnh, có những câu chuyện hấp dẫn đến từ catalyst của ngành hay của doanh nghiệp với đặc điểm là dễ biến đổi và cần theo dõi thường xuyên, cần có sự linh động và những nguyên tắc hành động quyết đoán kể cả cut lost khi cần thiết. Thời gian nắm giữ với nhóm này thường vài tháng tới dưới 1 năm và có tần suất giao dịch cao hơn.
Khi đi vào 1 khoản đầu tư và có tư duy mạch lạc là khoản này thuộc loại nào, bạn sẽ có sự chuẩn bị kỹ càng hơn những gì cần thiết trước khi giao dịch.
Ví dụ với nhóm đầu tư, sự chú ý sẽ > 80% vào mô hình kinh doanh và lợi thế cạnh tranh của DN, lợi thế của DN trong trung dài hạn. Từ đó xây dựng niềm tin với DN và tích lũy doanh nghiệp đó xuyên qua các biến động của thị trường. Bạn cũng có thể sử dụng chiến lược trading trên chính nó – mua ra bán vào chính cổ phiếu bạn đã hiểu rõ nhất này trong các giai đoạn của nó.
Còn với nhóm Swing-trade bạn sẽ cần mang vào tâm lý linh động, hiểu cổ phiếu mình mua tăng vì gì nhưng cũng có thể giảm vì các yếu tố gì. Khi đã có tâm thế đó, bạn sẽ không bị mang trong mình tâm lý cố chấp kiểu tự đi tìm bằng chứng là tôi vẫn đúng (confirmation biased) hay bắt dao rơi vì nghĩ càng giảm càng rẻ, rồi cuối cùng lỗ thì vẫn cố chấp thành nhà đầu tư dài hạn bất đắc dĩ và cắn răng chịu khoản lỗ ngày càng lớn hoặc cũng có thể là tởn tới già và từ bỏ.
Với chiến lược đầu tư, kế hoạch mua thường là mua xuống mua từ từ (mua giá rẻ, chờ rẻ mới mua). Lý do là vì bạn cần có mức giá vốn đủ an toàn để có thể yên tâm nắm giữ dài hạn mà không bị tâm lý chịu lỗ. Tất nhiên việc chia ra các mức giá là cần thiết vì thị trường có thể phản ứng thái quá là bình thường.
Còn chiến lược Swing-trade thì thường là mua luôn, thậm chí là mua lên chứ không phải mua xuống (chờ rẻ mới mua). Lý do khá đơn giản là vì CP thuộc nhóm Swing-trade tăng giá thì đồng nghĩa với việc confirm ta đang đánh giá đúng và thị trường cũng đang đồng thuận. Các trường hợp này nếu chờ mua rẻ thì thường sẽ không mua được và bỏ lỡ cơ hội. Một 1 cổ phiếu có tính chu kỳ khi đã quay lại chu kỳ của nó, hoặc có tin tốt từ ngành đủ tích cực để có upside thì nó sẽ không quay lại cái mức giá “lúc trước bạn thấy” nữa để mà chờ.
Tất nhiên khi thị trường đang nóng hoặc view ngắn hạn là tiêu cực theo đánh giá trong bảng xếp hạng tài sản thì bạn có thể (i) chờ đợi thêm nếu không quá hấp dẫn (nếu upside rất hấp dẫn nó vẫn có thể đi ngược thị trường. (ii) phân bổ tỷ trọng thấp cho cổ phiếu thôi (đầu tư size nhỏ thôi).
Nguyên tắc của X-team là với Đầu tư thì chờ mua rẻ, mua ở ngưỡng hỗ trợ. Còn với Swing-trade thì mua lên mua khi vượt ngưỡng kháng cự (break-out).
Trên đây là các nguyên tắc và nguyên lý tư duy đối với 2 nhóm cổ phiếu thuộc 2 chiến lược Đầu tư và Swing-trade trong Box Doanh nghiệp -1 phần của X-Research.
Bạn cũng có thể tự tìm cổ phiếu và phân nó vào một trong 2 nhóm này và mô hình hóa các hành động + nguyên tắc đi theo 1 cách nhất quán như LeoX chia sẻ chứ không nhất thiết cần phụ thuộc vào X-team thông qua sản phẩm X-Research.
Cách tư duy rành mạch và nhất quán là điều rất quan trọng trong đầu tư, vì bạn thấy đấy, không có gì là đúng hay sai hoàn toàn cả, doanh nghiệp kiểu gì, mua lên hay mua xuống, có nên trung bình giá xuống không hay cắt lỗ, tất cả phụ thuộc vào việc bạn take identity gì và đi theo chiến lược nào.
Nếu bạn không tự trả lời được câu hỏi về identity của mình thì việc hỏi mua gì, mua được chưa, bán hay chưa rất vô nghĩa, thậm chí phản tác dụng.
Hi vọng những chia sẻ trên của LeoX giúp các bạn phần nào trong việc hoạch định và chọn con đường phù hợp với cách nghĩ và tư duy của bản thân.