
“7 cấp bậc nhà đầu tư” là 1 phần rất giá trị trong cuốn sách nổi tiếng “ Cha giàu cha nghèo” của tác giả Robert Kiyosaki. Hôm nay LeoX xin giới thiệu lại với bạn bức chân dung 7 cấp bậc nhà đầu tư cải biến theo góc nhìn của LeoX nhé. Hãy cho LeoX biết bạn thuộc nhóm nào sau khi đọc để LeoX có thể giúp bạn.
Bậc 0: Những người không có tiền để đầu tư
Những người này không có tiền đầu tư, do hầu hết thời gian họ chi tiêu nhiều hơn thu nhập nên không có khoản tích lũy, hoặc tiêu sạch khoản tích lũy vào 1 vài tiêu sản để có được cảm giác thỏa mãn. Họ không chịu đựng được việc chờ đợi và thường muốn hưởng thụ luôn. Những người này cũng có thể là những người chăm chỉ làm việc nhưng kiếm bao nhiêu tiêu hết bấy nhiêu.
Bậc 1: Những người đi vay – Những công ty tiêu sản yêu họ.
Đây là những người trông có vẻ là giàu có, họ sở hữu nhà, xe và những tài sản mà người khác mong muốn. Nhưng nếu trừ đi nợ thì có thể họ không còn gì nhiều.
Họ thích vay mượn để đầu tư nhưng thực chất lại thường là đầu cơ. Họ mua bán dựa trên thông tin mà họ tin rằng mình có lợi thế, có quan hệ nên mới biết. Sau đó họ hi vọng và cầu nguyện khoản đầu tư sẽ sinh lời thay vì đánh giá phân tích 1 cách logic
Họ thích xài tín dụng, thấu chi để tiêu sài. Họ dễ bị hấp dẫn bởi những chương trình khuyến mãi, những quảng cáo trả góp lãi suất thấp vay dễ dàng. Họ luôn có lý do biện hộ khi mua 1 món đồ, vì nó quá rẻ, vì họ xứng đáng, vì họ sẽ làm việc chăm chỉ hơn để kiếm tiền trả nợ sau
Họ thường dùng khoản nợ này để trả khoản nợ kia và tự huyễn hoặc mình là tình hình tài chính của mình vẫn ổn. Nhưng chỉ cần 1 sự cố nào đó xảy ra, tình trạng tài chính của họ có thể trở nên rất thảm hại.
Bậc 2: Người tiết kiệm – Ngân hàng yêu họ.
Những người này thường để dành một khoản tiền “nhỏ” đều đặn. Họ chỉ bỏ tiền vào những công cụ lãi suất thấp nhưng ít rủi ro như gửi tiết kiệm.
Những người này thường tiết kiệm để tiêu dùng trong tương lai như để mua 1 chiếc xe mới, cái ti vi mới chứ không phải tiết kiệm để đầu tư.
Họ không bao h dùng đến thẻ tín dụng để mua sắm mà chỉ dùng tiền mặt.
Những người này thường mua những kế hoạch bảo hiểm nhân thọ bởi vì họ yêu thích cảm giác của sự an toàn và ổn định.
Họ hiếm khi lãng phí tiền nhưng lại thường xuyên lãng phí thời gian bằng cách săn khuyến mãi giảm giá, xếp hàng để mua rẻ, đi xa hơn để mua được rẻ hơn.
Những người này rất sợ mất tiền, họ sợ mất tiền đến nỗi dù biết gửi tiết kiệm thường chả bù được lạm phát nhưng vẫn gắn chặt với nó.
Những người nhóm này thường chỉ kiếm đủ ăn, thích cuộc sống tằn tiện và an toàn. Họ rất khó đạt được tự do tài chính. Ngân hàng yêu họ vì nhờ tiền của họ gửi vào mà Ngân hàng kiếm thêm đc 3-4% lãi chênh lệch.
Bậc 3: Những nhà đầu tư “ma lanh”
Nhóm 1: Những người thích ủy thác toàn bộ
Những người này thường tự cho là đầu tư rất phức tạp. Họ nói rằng họ không giỏi với những con số và họ quá bận rộn nên muốn ủy thác vấn đề đau đầy này cho những chuyên gia về đầu tư làm giúp họ. Những chuyên gia này thường sẽ khuyên họ đa dạng hóa tài sản để giảm rủi ro, 1 khoản đầu tư lỗ sẽ không ảnh hưởng nhiều đến tài sản chung. Những chuyên gia này cũng thường tỏ ra nguy hiểm với những chiến lược có cái tên rất hoành tráng và phức tạp để bạn thấy là họ có giá trị.
Như LeoX đã phân tích cho bạn trong bài quỹ mở, những người được gọi là chuyên gia chưa chắc đã làm tốt hơn bạn. Hơn thế nữa bạn vẫn cần có kiến thức để đánh giá được chuyên gia nào là giỏi mà chọn mặt gửi vàng.
Nhóm 2: Những người đa nghi
Đây thường là những người thành công trên lĩnh vực chuyên môn của họ với cái vỏ bọc của 1 người thông minh hiểu biết với những lý luận chặt chẽ. Khi bạn hỏi họ về đầu tư thường bạn sẽ ra về với 1 tâm trạng rất hoang mang sợ hãi vì họ sẽ cho bạn biết đủ loại rủi ro dẫn đến mất tiền và bạn có thể bị lừa gạt như thế nào.
Họ bàn về những mối đầu tư lớn nhưng không bao giờ tham gia. Khi gặp tin xấu họ sẽ phê phán và nói những câu như : “tôi biết mà”. Họ nghĩ họ là người trong cuộc chơi nhưng thực sự họ là kẻ bình luận đứng ngoài lề. Họ muốn tham gia nhưng taanh sâu trong lòng họ lại bị ám ảnh bởi nỗi sợ bị thua, bị mất tiền.
Họ thường chỉ nhảy vào thị trường khi chứng cứ đã rõ ràng, tin tức đã lên báo và rất nhiều người cũng đang nghĩ như họ. Những nhà đầu tư khôn ngoan thực sự đã mua chúng từ lâu trước khi giới nhà báo đưa tin về chúng. Những người đa nghi lại không hề biềt điều đó. Do đó thực tế họ thường nhảy vào thị trường khá trễ và mua cao bán thấp.
Các nhà phân tâm học cho biết sự đa nghi là tổng hợp giữa nỗi sợ và sự ngu dốt.
Nhóm 3: Những người cờ bạc
Trong khi những kẻ “đa nghi” quá cẩn thận, nhóm này lại khá cẩu thả. Họ nhìn vào thị trường chứng khoán, hay bất cứ thị trường đầu tư nào, giống như cách họ nhìn vào thị trường sòng bạc. Nguyên tắc của họ là mua thấp bán cao và việc có thực hiện được điều đó không lại phụ thuộc vào may mắn. Họ thích dùng những kỹ thuật đầu tư đánh nhanh thắng nhanh như phân tích kỹ thuật, biên độ giao dịch. Ở một bài khác LeoX sẽ phân tích cho bạn thấy tại sao mấy công cụ có vẻ phức tạp cao siêu này lại ko work.
Nhóm này không có một quy tắc hay quy luật đầu tư nào cả. Họ luôn tìm cách đầu tư mới mẻ và hồi hộp. Họ nhảy từ vàng sang chứng khoán rồi lại sang hàng hóa. Họ nhảy từ cổ phiếu này chưa thấy cổ phiếu tăng lại nhẩy sang cổ phiếu khác. Thay vì cần phải có sự cần mẫn dài hạn để học hỏi và hiểu biết, họ chỉ quan tâm đến những “mánh khoé ” hay những ngõ tắt.
Những người này là người đầu tư tệ hại nhất trên hành tinh. Họ nghĩ tất cả những gì họ cần làm là chỉ cần thắng “một cú lớn” thôi là họ sẽ sống thoải mái và giàu có. Xã hội gọi kẻ này là những “tay cờ bạc hết thuốc chữa”.
Bậc 4: Những người đầu tư dài hạn.
Đây là nhóm phù hợp nhất với những người không thể dành toàn thời gian cho đầu tư. Họ vẫn có thể làm công việc chuyên môn của mình nếu đầu tư theo cách này.
Họ thường là những người biết kiểm soát chi tiêu và hiểu được tầm quan trọng của việc tích lũy để đầu tư. Họ học hỏi, tìm tòi về đầu tư và có 1 kế hoạch dài hạn với việc đầu tư.
Họ không trông chờ vào những khoản thắng lớn để đổi đời. Cách đầu tư của họ thường khá buồn tẻ và kỷ luật theo những nguyên tắc bảo thủ chứ không đầy cảm xúc.
Warren Buffet, Peter Lynch là những nhà đầu tư nổi tiếng theo phong cách này. Càng đầu tư họ càng thông thái lão luyện và tự tin vào quyết định của mình. Sau đây là những lưu ý của LeoX nếu bạn muốn trở thành nhà đầu tư thuộc nhóm này:
- Bạn cần bắt đầu càng sớm càng tốt vì thời gian là bạn của những nhà đầu tư nhóm này. Theo thời gian không chỉ tiền của họ compounds mà kinh nghiệm kiến thức cũng compounds, và điều tuyệt vời nhất là khi sở hữu 1 tài sản lớn, cũng là lúc họ vững vàng nhất trong các quyết định đầu tư. 95% tài sản của Warren Buffet kiếm được sau tuổi 50. Nếu bạn đọc lại bài viết của mình về sức mạnh lãi gộp: chọn 1 cents hôm nay hay 1 triệu USD có khả năng tăng gấp đôi mỗi ngày trong 30 ngày, thì bạn sẽ thấy rất dễ hiểu tại sao. Đồng 1 cent tăng vượt giá trị 1 triêu USD từ ngày 28 và chỉ 3 ngày sau đó đã là 10 triệu USD. Quan trọng là có phương pháp, thời gian sẽ là bạn của bạn.
- Bạn đừng sợ sai. Sai là việc phải vấp phải trong quá trình đầu tư. Vấn đề quan trọng là bạn rút ra được điều gì sau khi sai? Hãy bắt đầu với số tiền nhỏ cũng được, nhưng hãy bắt đầu. Không đi sẽ không bao giờ đến.
- Bạn nên bắt đầu với lĩnh vực mà mình hiểu biết nhất. 1 người làm trong ngành buôn bán vật liệu xây dựng có thể đánh giá cơ hội đầu tư vào các công ty ngành xi măng, sắt thép, nhà thầu, bất động sản có khi còn chính xác hơn LeoX. LeoX rất mong được hợp tác với các bạn theo cách này. LeoX hướng dẫn bạn các kiến thức và nguyên tắc đầu tư, bạn giúp LeoX hiểu hơn về lĩnh vực bạn nắm rõ.
- Hãy suy nghĩ càng đơn giản , càng bản chất càng tốt. LeoX khẳng định với bạn rằng những thứ càng phức tạp càng rời xa bản chất. LeoX học rất nhiều các phương pháp học thuật nhưng để đầu tư được chỉ cần dùng common sense và cộng trừ nhân chia.
Bậc 5: Những nhà đầu tư chuyên nghiệp
- Họ có thói quen tiền bạc tốt tạo 1 nền tảng tài chính vững chắc.
- Họ ý thức được sự vận động của tiền và chu kỳ kinh tế
- Họ có thể dùng nợ nhưng ở tỷ lệ có kiểm soát làm đòn bẩy cho những quyết định lớn và chắc chắn
- Họ cẩn thận, nhưng không đa nghi. Họ suy nghĩ rất bản chất và luôn cởi mở đầu óc để tiếp nhận những bài học mới.
- Họ không sợ rủi ro mà xác định rủi ro nào có thể chấp nhận, và trường hợp xấu nhất thì hậu quả là gì. Họ nói không với những khoản đầu tư có tính cờ bạc, nơi họ không rút ra được nguyên tắc để rút kinh nghiệm cho những lần sau.
- Họ không sợ thất bại. Thất bại chỉ càng khiến họ tiến tới trước để học hỏi, hơn là để mình chìm đắm trong cảm xúc thua cuộc
- Những nhà đầu tư này biết rõ rằng chính những thời điểm khi nền kinh tế đi xuống là lúc thị trường đang trao cho họ những cơ hội thành công ngàn vàng. Họ nhảy vào thị trường khi người khác nhảy ra.
- Những khoản đầu tư của họ thường là mua sỉ hơn là mua lẻ và họ thường không để tài sản dưới tên mình mà dưới tên các công ty.
- Họ biết cách sử dụng nguồn lực từ bên ngoài 1 cách khôn ngoan thay vì tự mình làm tất thảy. Họ có thể có 1 hội đồng giúp đỡ mà họ tuyển chọn từ chuyên gia cố vấn tài chính, nhà môi giới, kế toán cho đến luật sư để giúp họ bảo vệ số tài sản.
- Họ thường xuyên dạy những hiểu biết này cho con cái họ và để lại tài sản cho thế hệ sau dưới hình thức nhưu công ty, tập đoàn, quỹ ủy thác … Ngay cả khi từ giã cõi đời, họ vẫn còn kiểm soát được tài sản của họ.
Bậc 6: Những nhà đầu tư thực sự.
Những nhà đầu tư bậc 6 là người tạo ra cơ hội đầu tư cho người khác. Họ chính là những doanh nhân tạo ra công ăn việc làm, tham gia vào quá trình tạo ra hàng hóa dịch vụ để giúp cho một quốc gia phát triển thịnh vượng.
Những nhà đầu tư này không nhất thiết phải dùng tiền để tạo ra tiền, họ biết cách huy động nguồn lực và thời gian của người khác, để biến ý tưởng trong đầu họ thành tiền.
Họ biết rằng những biến động kinh tế mở ra nhiều cơ hội mới cho họ. Họ là những người tham gia sớm nhất vào một dự án, một sản phẩm, một công ty hay một quốc gia nhiều năm trước khi đám đông nhận ra và tham gia.
Một nhà đầu tư thực sự sẽ đi đến nơi mà hầu hết mọi người đêu tránh né, “Đừng làm việc đó, đừng đi đến quốc gia đó, đừng kinh doanh cái đó, đang gặp rối loạn rủi ro nhiều lắm”.
Nhiều người trong số họ không coi tiền bạc là đích đến, họ hiến tặng phần lớn tài sản của mình để làm từ thiện và các hoạt động xã hội.
Để có một thế giới tốt đẹp hơn, chúng ta cần có nhiều hơn những nhà đầu tư thực sự, chứ không phải những kẻ đa nghi.
Bất cứ ai có mục tiêu trở thành nhà đầu tư bậc 5 hay bậc 6 đều phải phát triển những kỹ năng của mình TRƯỚC HẾT ở bậc 4. Bậc 4 không thể nào bỏ qua được trên con đường mà bạn muốn nhắmtới bậc 5 hay bậc 6.
Những ai cố gắng trở thành nhà đầu tư bậc 5 hay bậc 6 mà không có những kỹ năng cần thiết của nhà đầu tư bậc 4 chỉ là một người đầu tư bậc 3, tức là một kẻ cờ bạc không hơn không kém !