Hiểu về mô hình kinh doanh của doanh nghiệp là bước đầu tiên nhưng không kém phần quan trọng trong quá trình phân tích cổ phiếu. Hôm nay, Roger sẽ giới thiệu đến mọi người mô hình SIPOC, nhằm chia sẻ lại một mô hình tư duy mà X-team vẫn thường xuyên áp dụng để giúp chuẩn hóa và rút ngắn thời gian phân tích cũng như quá trình ra quyết định của bản thân.  

 

1. Mô hình SIPOC là gì

SIPOC là viết tắt của 5 từ tiếng Anh: Supplier – Input – Process – Output – Customer. Dịch ra tiếng Việt là Nhà cung cấp – Đầu vào – Quy trình – Đầu ra – Khách hàng. 

 

Đây là 5 cấu phần lớn cấu tạo nên hầu hết các mô hình kinh doanh của một doanh nghiệp. Việc hiểu về một doanh nghiệp dựa trên 5 thành tố nói trên giúp chúng ta có một bức tranh tổng quan về cách doanh nghiệp đó kiếm tiền như thế nào, trước khi đi vào phân tích chi tiết hơn các yếu tố khác như báo cáo tài chính, tình hình cạnh tranh, hay triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp, ….

 

2. Cách sử dụng hiệu quả mô hình SIPOC

 

Thực tế thì mô hình này không phải một hệ thống gì quá to tát, tuy nhiên cũng giống như một số mô hình tư duy như 80/20, mô hình 5 áp lực cạnh tranh của Michael Porter, mô hình về các giai đoạn kinh doanh của một doanh nghiệp, … việc tư duy có hệ thống giúp chúng ta chuẩn hóa và rút ngắn quá trình phân tích cũng như tìm kiếm cơ hội đầu tư. 

 

Mỗi người có thể có mạch tư duy khác nhau dựa vào mô hình nói trên. Ở đây, X-team sẽ chia sẻ lại theo cách tư duy của mình khi áp dụng mô hình SIPOC, thứ tự như sau:

 

  • Process (Quy trình)
  • Inputs (Đầu vào)
  • Suppliers (Nhà cung cấp)
  • Outputs (Đầu ra)
  • Customers (Khách hàng)

 

3. Áp dụng vào thực tế

 

Mô hình SIPOC có thể áp dụng vào hầu hết mọi loại hình doanh nghiệp. Ngoài ra, chúng ta có thể áp dụng thêm quy tắc 80/20 để tập trung vào những yếu tố quan trọng nhất khi phân tích một doanh nghiệp. X-team sẽ đưa ra 3 ví dụ đại diện cho 3 mô hình kinh doanh khác nhau để mọi người hiểu rõ hơn về mô hình SIPOC.

 

Doanh nghiệp sản xuất: Ví dụ HPG

  • Quy trình: Nung chảy quặng sắt, than cốc và một số nguyên vật liệu khác -> Phôi thép -> Cán phôi ra thép thành phẩm
  • Đầu vào: Phần lớn là quặng sắt, than cốc (chiếm 60-65% giá thành). Ngoài ra để sản xuất cần có nhà máy, dây chuyền sản xuất thép, điện, nhân công, …. Tuy nhiên theo nguyên tắc 80/20 thì chúng ta chỉ cần quan tâm chính đến 2 nguyên vật liệu là quặng sắt và than cốc.
  • Nhà cung cấp: 2 nguyên vật liệu chính là quặng sắt và than cốc phần lớn được nhập khẩu từ Úc và Brazil. Nhập khẩu có thể là trực tiếp hoặc thông qua mua từ bên phân phối (ví dụ VPG).
  • Đầu ra: Thép thành phẩm, các sản phẩm chính là HPG là thép xây dựng (thép dài, thép dây), thép cuộn cán nóng HRC, ống thép, tôn mạ.
  • Khách hàng: Tùy vào thành phẩm đầu ra sẽ có khách hàng khác nhau. Ví dụ, khách mua thép xây dựng chủ yếu là các nhà thầu xây dựng, cả dân dụng lẫn hạ tầng; khách mua thép HRC bao gồm các công ty sản xuất tôn mạ (HRC là đầu vào để sản xuất tôn mạ). Lưu ý: đây có thể coi là những khách hàng cuối đối với sản phẩm của HPG, trên thực tế cách bán hàng của HPG phần lớn thông qua hệ thống nhà phân phối trước khi đến khách hàng cuối.

Doanh nghiệp bán lẻ: Ví dụ MWG với chuỗi Thế giới di động (TGDĐ)

  • Quy trình: Mở cửa hàng và set up cửa hàng -> Nhập hàng, thuê nhân viên -> Trưng bày và bán hàng -> Dịch vụ sau bán hàng.
  • Đầu vào: Điện thoại, linh, phụ kiện điện thoại, công nghệ, ….
  • Nhà cung cấp: Các hãng sản xuất điện thoại (Samsung, Apple), các nhà phân phối hàng điện tử, công nghệ (như Digiworld, FPT Synnex, …)
  • Đầu ra: Tương tự đầu vào, ngoài ra còn đi kèm dịch vụ khách hàng, các chính sách bán hàng, hậu mãi (ví dụ: mua hàng trả góp, …). Do điện thoại luôn chiếm phần lớn doanh số của TGDĐ nên chúng ta nên giành nhiều sự tập trung hơn vào nhu cầu cho mặt hàng này khi phân tích chuỗi TGDĐ.
  • Khách hàng: người tiêu dùng có nhu cầu mua điện thoại, linh, phụ kiện công nghệ.

Doanh nghiệp tài chính: Ví dụ ACB (Theo nguyên tắc 80/20 thì X-team sẽ chỉ để cập đến hoạt động cốt lõi là huy động và cho vay)

  • Quy trình: Huy động tiền gửi từ bên thừa vốn -> Cho vay bên cần vốn -> Quản lý rủi ro
  • Đầu vào: Tiền huy động từ người dân, doanh nghiệp, thông qua phát hành giấy tờ có giá hoặc tiền huy động trên thị trường liên ngân hàng.
  • Nhà cung cấp: người dân, doanh nghiệp với nguồn tiền nhàn dỗi.
  • Đầu ra: Cho vay phục vụ đầu tư, sản xuất kinh doanh, nhu cầu tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp.
  • Khách hàng: Bên đi vay (người dân, doanh nghiệp).

 

Như vậy X-team đã vừa giới thiệu đến mọi người một mô hình tư duy đơn giản nhưng hiệu quả mà cả team vẫn áp dụng hàng ngày. Đây là bước tiên quyết nếu chúng ta muốn tiến đến phân tích sâu hơn vào mỗi doanh nghiệp. X-team sẽ có các bài viết tiếp theo chia sẻ cách phân tích nhanh từng cấu phần trong báo cáo tài chính của một doanh nghiệp, cũng như từng bước trong quy trình phân tích và đưa ra kết luận đầu tư về một cổ phiếu.