Có lẽ lãi suất tiết kiệm VND chưa bao giờ thấp đến thế. Sau khi lãi suất tiết kiệm nhảy múa trong năm 2022, lãi suất đã tuột dốc không phanh trong cả năm 2023. Những ngày cuối tháng 2/2024 này, lãi suất vẫn dồn dập giảm. Lãi suất giảm khiến cho việc cầm tiền trở nên kém hiệu quả. Kể cả với những người trước nay ít quan tâm đến đầu tư mà hài lòng với lãi suất tiết kiệm thì mức lãi suất giảm liên tục cũng đang ít nhiều tác động để họ phải tìm kiếm một kênh trú ẩn khác cho tiền. Vấn đề chưa phải làm tìm kiếm lợi nhuận mà chỉ đơn giản là tránh sự mất giá của đồng tiền khi mà giá vàng và giá chung cư liên tục tăng gần đây.

 

Lãi suất hạ khiến dòng tiền đổ vào tài sản đầu tư bất kể đó là loại tài sản risk-on như cổ phiếu, bitcoin, nhà phố trung tâm hay những tài sản vốn được xem là risk-off như vàng và chung cư. Có lẽ chỉ có thị trường đất nền sau khi đã sốt nóng và vỡ trận là chưa về bờ dù cũng có vài tín hiệu ấm nóng trở lại. Tất cả những biến động này diễn ra trong một môi trường kinh doanh phảng phất nhiều nét thời Covid: Giá bất động sản neo cao hoặc tăng khi mà giá thuê không tăng hoặc thậm chí giảm, giá cổ phiếu tăng khi mà triển vọng hồi phục của nền kinh tế không rõ ràng còn giá bitcoin tăng khi mà Ủy ban chứng khoán Mỹ SEC phê duyệt cho các ETF ra đời khiến dòng tiền đổ vào tài sản này bất chấp luận điểm trước đây cho rằng giá trị lớn của Bitcoin là một loại tài sản độc lập khỏi sự kiểm soát của các cơ quan chính phủ hay tiền fiat. Trong một môi trường ưa thích rủi ro như vậy, vàng không giảm mà neo ở vùng giá đỉnh lịch sử. Ở Việt Nam, giá vàng chênh cao với giá thế giới. Cuối cùng, một loại tài sản được xem như tiêu sản là chung cư đã tăng chóng mặt ở thị trường Hà Nội. Chúng ta đang chứng kiến một thị trường kì thú khi mà lãi suất hạ khiến tiền tìm mọi nơi để mà trú ẩn. Số lượng người ưa thích cầm tiền có lẽ đã giảm rất mạnh trong bối cảnh hiện tại. Lãi suất hạ nhưng tín dụng tăng trưởng chậm khiến dòng tiền đổ vào tài sản là yếu tố chính đẩy giá tài sản tăng chứ không hẳn do hiệu suất kinh doanh của tài sản được đẩy lên.

 

Giá tài sản toàn cầu đang tăng nóng (trừ một vài nơi cá biệt như Trung Quốc) trong kỳ vọng FED sẽ hạ lãi suất khi lạm phát giảm tốc và nền kinh tế toàn cầu sẽ hạ cánh mềm. Tài sản đang được định giá theo hướng tốt đẹp nhất bất chấp lịch sử cho thấy những lần thay đổi chính sách thắt chặt của FED thường diễn biến theo một cách rất bị động khi phải đối phó với các sự kiện thiên nga đen và nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái.

 

Một sự kiện được xem là thiên nga đen nếu có 3 đặc tính sau:

  1. Rất hiếm khi xảy ra
  2. Hậu quả rất to lớn và nghiêm trọng
  3. Chỉ có thể diễn giải được sau khi sự kiện này xảy ra

Các cuộc khủng hoảng tài chính trong lịch sử đều là các sự kiện thiên nga đen không thể lường trước. Đầu tư luôn có rủi ro. Trên thực tế, hiểu biết của các nhà đầu tư luôn là hữu hạn trước những biến đổi khôn lường vô hạn của thị trường tài chính.

H1: Các bong bóng tài chính trong lịch sử. Thứ gì lên giá nhanh mạnh thường kết thúc bằng việc rơi nhanh và mạnh.

 

Câu hỏi ở đây là nếu thiên nga đen là một sự kiện hoàn toàn ngẫu nhiên thì chúng ta không thể có cách nào để đối phó với nó ? Không hẳn là như vậy. 

 

Thiên nga đen có một người bạn là thiên nga xám. Trước một rủi ro bất chợt có thể xảy ra, thiên nga xám chỉ khác với thiên nga đen đúng một điểm: Đó là sự chuẩn bị thay vì sự mù quáng phó mặc. Nếu thiên nga đen hành động kiểu “we don’t know what we don’t know” thì thiên nga xám hành động kiểu “we know what we don’t know”. Ví dụ: Mặc dù không biết một tình huống nguy hiểm bất chợt có thể xảy ra lúc nào, một đứa trẻ nếu được học về các kĩ năng sinh tồn có xác suất cao sẽ chịu ít tổn thương hơn một đứa trẻ không được chuẩn bị gì. Một cuốn sách rất hay về chủ đề này là cuốn “Black Swan” của tác giá Nassim Nicholas Taleb. Cuốn sách chỉ ra một số cách tiếp cận hợp lý đối với các bước đi ngẫu nhiên của thị trường tài chính.

 

Tất cả những điều này liên quan thế nào đến bối cảnh thị trường hiện tại ? Chúng ta đang ở một thị trường rất hưng phấn với rủi ro dù rằng những câu chuyện đằng sau không thật rõ ràng. Rất nhiều chỉ báo cho thấy thị trường đang được định giá rất cao so với lịch sử trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế (rủi ro thiên nga đen) vẫn treo lơ lửng trong một tương lai gần.

 

Lịch sử cho thấy thời điểm đảo chiều chính sách của FED thường đi kèm với việc hạ cánh cứng mà nền kinh tế sẽ rơi vào suy thoái sau đó. Thị trường cổ phiếu rơi mạnh (giai đoạn đánh dấu màu vàng) trong suy thoái (các cột màu xanh) khi mà đường cong lãi suất (10s2s yield curve) quay từ mức đảo ngược về bình thường và FED hạ lãi suất (FED fund rates) (bối cảnh đang chuẩn bị diễn ra dự báo trong Q2 hoặc Q3 năm nay).

 

H2: Lịch sử cho thấy khi FED hạ lãi suât và đường cong lãi suất quay về bình thường là thời điểm thị trường cổ phiếu giảm mạnh và suy thoái kinh tế xuất hiện

Nhiều chỉ báo cho thấy xác suất rơi vào suy thoái của nền kinh tế Mỹ là khá cao. Ví dụ chỉ số mà NĐT huyền thoại Warren Buffett ưa thích là chỉ số vốn hóa thị trường chứng khoán/ GDP cho thấy định giá  thị trường cổ phiếu Mỹ đã ở mức rất cao so với lịch sử (chỉ thấp hơn giai đoạn những năm 1920s trước Đại khủng hoảng). Điều này không có nghĩa là cổ phiếu sẽ rơi ngay. Nó có nghĩa là biên an toàn đang ở mức thấp khi đầu tư vào cổ phiếu. Thị trường Việt Nam có mối tương quan cùng chiều với thị trường Mỹ vì Mỹ là đầu ra xuất khẩu chính của thị trường Việt  Nam. Nếu kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái, rất khó để Việt Nam tránh được ảnh hưởng.

 

H3: Chỉ số định giá vốn hóa thị trường cổ phiếu/ GDP (Warren Buffett indicator) đang ở mức cao nhất chỉ sau giai đoạn trước Đại suy thoái cách đây 100 năm

Giới tinh hoa liên tục bán mạnh cổ phiếu. Một số người nổi tiếng bán cổ phiếu trong giai đoạn gần đây gồm có: Jeff Bezos bán 8,5 tỷ USD cổ phiếu Amazon; Mark Zuckerberg và nội bộ lãnh đạo Meta bán gần 1 tỷ USD cổ phiếu Meta trong tháng qua; quỹ của Bill Gates bán sạch cổ phiếu Apple, Facebook, Google, Amazon, Nvidia; Chủ tịch & Giám đốc điều hành Jamie Dimon của Ngân hàng JP Morgan vừa bán số cổ phiếu JPM trị giá 125 triệu USD tuần qua (Ông giữ chức CEO từ năm 2006, đây là lần bán cổ phiếu công ty đầu tiên của ông) …
 

Link: Các tỷ phủ ồ ạt bán cổ phiếu


Họ có biết bao giờ thị trường sập ? Có lẽ là không. Tuy nhiên, lượng thông tin của nhóm nhà đầu tư này đối với doanh nghiệp hay nền kinh tế thì chắc hẳn nhiều hơn NĐT nhỏ lẻ. Ông chủ Amazon hay Walton chắc chắn nắm bắt thông tin về xu thế thương mại hay ông chủ Facebook chắc chắn nắm bắt trend về tình hình kinh tế xã hội tốt hơn một NĐT thông thường.

H4: Giao dịch insider trading bán trên thị trường Mỹ tăng mạnh trong khoảng 2 tháng trở lại đây

 

Không ai biết được bao giờ suy thoái diễn ra. Những nhà đầu tư siêu giàu đang chuẩn bị. NĐT nhỏ lẻ không nhất thiết phải làm theo họ vì chúng ta không có vài tỷ USD cần bán ra thị trường. Điều chúng ta cần chuẩn bị là không mù quáng trong một thị trường tiềm ẩn xác suất xảy ra rủi ro thiên nga đen không nhỏ.

 

Vậy chiến lược nào để đối phó với một môi trường có rủi ro thiên nga đen cao ? Trong cuốn Black Swan, Nassim Taleb đưa ra 2 cách tiếp cận:

 

Cách 1: Bỏ phần lớn danh mục vào các tài sản an toàn và bỏ một phần nhỏ vào tài sản rủi ro

Nassim có đề cập đến việc cơ cấu danh mục theo hai cực rất an toàn và rất rủi ro. Luận điểm ở đây là những khoản đầu tư có rủi ro trung bình trong điều kiện thiên nga đen cũng không còn trung bình nữa và nếu phần danh mục rất rủi ro tăng mạnh nhờ hiệu ứng tích cực của thiên nga đen thì hiệu quả cho danh mục rất tốt. Ví dụ: NĐT có thể bỏ phần lớn tiền vào vàng / tiết kiệm + một phần nhỏ tài sản vào bitcoin chả hạn.  Cá nhân mình thì thích một cách tiếp cận trung dung hơn thay vì chia danh mục thành 2 cực rủi ro quá lớn như Nassim. Tuy nhiên, mình đồng ý với Nassim về cơ cấu danh mục gồm 2 phần với tỷ trọng lệch nhau. Việc duy trì sự có mặt trên thị trường các tài sản rủi ro là rất quan trọng bởi không ai chắc sự kiện thiên nga đen bao giờ xảy ra hoặc thậm chí có xảy ra không. Cách tốt nhất để nắm bắt được xu hướng và chủ động là skin in the game, có nghĩa là tham gia thị trường. Với phần danh mục rủi ro, điều quan trọng với mình là các tài sản tham gia cần có thanh khoản để khi cần thiết có thể thoát ra nhanh được. Nhiều NĐT cho rằng dự báo thị trường rất quan trọng. Thực ra dự báo luôn có sai số, thị trường có thể vô lý hơn chúng ta tưởng rất nhiều. Chuẩn bị kịch bản rồi quan sát theo dõi thông qua việc skin in the game và có phương án khi thiên nga đen xảy ra quan trọng hơn rất nhiều ý kiến của bạn về thị trường đúng hay sai. Nói một cách dễ hiểu, không phải sợ cháy nhà mà chúng ta bỏ đi lợi ích của việc ở nhà cao tầng. Việc cần làm là lên trước phương án khi cháy thì cần làm gì, diễn tập nó và để ý cách dấu hiệu cảnh báo để chạy khi cần. 

 

Cách 2: Vẫn tham gia thị trường nhưng cần có biện pháp bảo đảm để stop loss ở một mức tối đa trong giới hạn chịu đựng của bạn (Ví dụ 8-10-15%)

Nếu bạn là trader thì điều này rất quen thuộc nhưng nếu bạn là investors thì có thể điều này khá lạ lẫm. Nhiều NĐT thường rất đề cao phân tích của mình và thà cầm tài sản xuyên khủng hoảng còn hơn thừa nhận sai lầm bằng cách bán tài sản đi. Thực ra, thị trường không hề quan tâm bạn thông minh đến mức độ nào, các NĐT khác cũng vậy. Lợi nhuận tạo ra chính là thước đo trong đầu tư. Sai kịp sửa thường sẽ hiệu quả hơn cầm đến khi đúng thì thôi. Điều này đòi hỏi một sự chuẩn bị kĩ càng trước khi đầu tư và việc tôn trọng kỉ luật với kế hoạch đã đề ra. Cách 1 có vẻ vẫn phù hợp với các NĐT không có thời gian để sát với market hàng ngày hơn.

 

Túm lại, với bối cảnh như hiện nay:

  • Thay vì cố timing thị trường hay tư duy sợ rủi ro không làm gì hoặc đầu tư dài hạn mù quáng, hãy dành thời gian để cơ cấu danh mục và chuẩn bị phương án cho kịch bản thiên nga đen. Trong khủng hoảng thì kể cả tài sản tốt cũng rơi giá nhưng chi phí đứng ngoài không làm gì lớn hơn nhiều tham gia có chuẩn bị.
  • Tư duy xác suất: Không nên đề cao quá khả năng dự báo mà nên chuẩn bị kịch bản, sau đó tập trung quan sát và lắng nghe để biết khi nào mình đúng và khi nào mình sai  Việc đúng trong đầu tư đồng nghĩa với kiếm được tiền chứ không phải chứng tỏ mình giỏi.

 

Chúc các bạn lèo lái qua giai đoạn thị trường khó khăn này thành công và linh hoạt để biết tiến lùi hợp lý. Trải qua những giai đoạn thị trường khốc liệt và tồn tại là cách tốt nhất để NĐT nâng cấp bản thân. Be ready, be courageous, be disciplined !