
Khác với trái phiếu, asset class này vốn khá quen thuộc với nhiều người và mình cũng tin là trong group này nhiều người đang đầu tư rồi và vừa trải qua một năm 2019 không mấy thuận lợi. Với một thị trường thiên biến vạn hóa như cổ phiếu thì góc nhìn cũng muôn hình vạn trạng không kém. Nội trong bài viết lần này, mình xin phép chia sẻ một vài vấn đề nhỏ và quan trọng dành cho những người mới vào thị trường.
Sự hiệu quả của thị trường chứng khoán
Thị trường chứng khoán trong hơn trăm năm hình thành thường xuyên điên rồ ở cả hai thái cực. Điều này do thành phần tham gia thị trường là đủ mọi loại hình nhà đầu tư, khác nhau về: trình độ, tài sản, thu nhập, kiến thức, tính cách và cả sự lệch pha về thông tin. Dù vậy, nếu nhìn dài hạn, hầu hết các thị trường đều có xu hướng tăng giá theo sự tăng trưởng siêu dài hạn của các nền kinh tế, đồng thời trong những chu kỳ nhỏ tính bằng năm, nói thị trường là phong vũ biểu của các nền kinh tế cũng hoàn toàn có lý.
Tuy nhiên, đối với thị trường Việt Nam, mức độ hiệu quả không quá cao về mặt bằng chung, do (1) size thị trường nhỏ dẫn đến sự ảnh hưởng lớn và bất thường của khối ngoại, đồng thời có sự thao túng nhất định, (2) sự minh bạch thông tin chưa được cải thiện, (3) chất lượng truyền thông, đặc biệt là các trang tin điện tử về tài chính dưới mức trung bình. Trong bức tranh như vậy thì vẫn có những case study theo khá sát với KQKD của doanh nghiệp, và là câu chuyện có thể phổ thông hóa cho nhiều lớp nhà đầu tư. Cũng cần phải nhắc lại, thị trường không quá hiệu quả thì mới là thị trường có thể kiếm tiền dựa vào việc tìm các giai đoạn undervalued, nếu không thì tất cả đều đang ở giá fair.
Thị trường chứng khoán là thị trường của sự kỳ vọng
Đúng vậy, tất cả những gì thuộc về lịch sử, thuộc về hiện tại, đều chỉ là background cho cổ phiếu, không phải là yếu tố đủ mạnh để hỗ trợ giá. Như vậy chúng ta cũng thấy sự khác nhau đặc biệt ở đây, rằng giá trị của doanh nghiệp là những gì đang có, nhưng giá trị của cổ phiếu là dựa chủ yếu vào kỳ vọng của tương lai. Cổ phiếu FPT, nó sẽ tốt ở vùng giá dưới 50 và không phải là cổ phiếu tốt nếu đang ở giá 80 (ví dụ thế), đương nhiên rồi, doanh nghiệp FPT thì vẫn đang như vậy.
Năm 2019, thị trường chứng khoán Việt Nam bước qua 1 năm khó khăn khi Vn-Index gần như không tăng điểm. Mặc dù media liên tục nhắc về con số tăng trưởng GDP hơn 7%, hay kiểm soát lạm phát ở mức thấp, thì nhìn trực diện vào các con số trên thị trường, cá nhân mình cho rằng: (1) tăng trưởng chung của các doanh nghiệp tạo đỉnh cuối năm 2017, dẫn đến rerate lại p/e thị trường về mức 15, là mức trung tính chứ chưa đủ rẻ, (2) capex – phản ánh đầu tư của các doanh nghiệp vào tài sản cố định (đã loại trừ nhóm ngân hàng) liên tục ở mức thấp => không có động lực cho tăng trưởng sản xuất kinh doanh trong tương lai, (3) Bất ổn địa chính trị khiến cho hành vi của khối ngoại liên tục đảo chiều, như đã nói, đây là nhân tố gây xáo động nhất trong thị trường quy mô nhỏ như thị trường Việt Nam. Năm 2020, chưa có dấu hiệu trigger đảo chiều các xu hướng trên, dù vậy nền kinh tế đủ lành mạnh để đứng vững trước các rủi ro vĩ mô. Bối cảnh 2020 nhìn chung có thể là không khác nhiều so với năm vừa qua, nếu không muốn nói là còn khó khăn hơn. Nhìn lại lịch sử, thực ra rất ít thời điểm thị trường nước nổi thuyền nổi như 2017, mà chủ yếu rơi vào các giai đoạn như hiện tại. Ở đó, thị trường chung khó khăn, nhưng seeking alpha thì lại hấp dẫn.
Đừng làm và khó có thể là Warren Buffet
Mình không đọc sách về tư duy đầu tư, cũng như không biết nhiều tên tuổi các nhà đầu tư đại tài. Đương nhiên hầu như đều nghe tên và cũng có biết đến Warren Buffet. Điều làm nên thành công của Buffet, do ông ta chính là Buffet, còn mình và các bạn thì không phải. Buffet có thể ngồi trực tiếp với chủ doanh nghiệp, có power thực sự trong vấn đề này và hiểu rõ doanh nghiệp đang làm gì và tương lai sẽ ra sao. Còn chúng ta, hầu như đọc qua media, thức – như đã nói, là con dao hai lưỡi trong đầu tư.
Đơn cử như câu chuyện của BĐS Khu Công nghiệp đầu năm 2019, khi báo đài liên tục nhắc đến hưởng lợi FDI và hưởng lợi chiến tranh thương mại có thể dẫn đến dòng vốn chuyển dịch từ Trung Quốc về Việt Nam, cũng như ngành xuất khẩu như dệt may và thủy sản tăng trưởng mạnh. Một năm nhìn lại, mình xin tả lại bức tranh toàn cảnh. (1) Doanh nghiệp Trung Quốc có sang Việt Nam, nhưng tăng trưởng ở mức = 1,6 lần 2018, không quá cao nếu nhìn vào quy mô của ngành sản xuất TQ, (2) FDI đăng ký giảm 11%, FDI giả ngân tăng ở mức tương đương các năm trước, (3) đơn hàng sụt giảm, các doanh nghiệp dệt may giảm lợi nhuận gần 10% (4) Dòng vốn tài chính, vốn còn nhạy cảm hơn dòng vốn kinh doanh, không rút ra khỏi Trung Quốc mà còn chảy mạnh vào thị trường này (5) ngay cả khi rút ra khỏi TQ, dòng vốn này cũng chưa hẳn về với VN khi nhiều sự lựa chọn khác đang nổi lên như Ấn Độ, Indonesia (lợi thế về quy mô dân số) , Bangladesh, Myanmar (lợi thế về chi phí nhân công)
Một ví dụ đơn giản như vậy, để thấy truyền thông đã làm quá mọi chuyện lên như thế nào, và với việc bạn không thể có được nguồn thông tin chất lượng như Buffet, việc tư duy như ông ta là phản tác dụng.
Nhà đầu tư cá nhân nên làm gì để đầu tư hiệu quả.
Mình không tôn sùng bất cứ phương pháp đầu tư nào, mình có phương pháp của cá nhân mang tên mình và ai cũng nên như vậy. Có một sai lầm nho nhỏ là tâm lý nhà đầu tư khi nghe những câu chuyện hoa mĩ trong sách vở thường nghĩ rằng đầu tư giá trị là chén thánh. Ồ không, các quỹ đầu tư lớn trên thế giới, trường phái đầu tư rất đa dạng và không phải đầu tư giá trị là phương pháp thành công duy nhất. PYN Elite là một quỹ đầu tư với trường phái đầu cơ nổi tiếng tại Việt Nam và nhìn lại lịch sử, phải thừa nhận rằng họ outperform thị trường khá thường xuyên.
Yêu cầu đối với nhà đầu tư giá trị: không đơn thuần là đám số liệu public từ BCTC, mà quan trọng nhất là hiểu biết ngành nghề ở mức độ chuyên sâu. Mình đang thấy khá nhiều nhà đầu tư tự xưng là giá trị vào những mã như BSR hay POW, hai doanh nghiệp cam đoan là khó hiểu nhất sàn chứng khoán, trong khi cracking spread là gì, hay cơ cấu nhập nguyên liệu của POW ra sao, thì vẫn còn chưa rõ.
Chút ít lời khuyên sau những lời trên. Rằng chọn phương pháp đầu tư cho bản than, phụ thuộc vào background của bản thân, tư duy về nền kinh tế cũng như hiểu biết về ngành nghề nào đó (có thể là ngành nghề đang làm công việc chính), và còn là tính cách. Nếu đi theo con đường phân tích cơ bản, hãy biết chút ít về định giá, về đọc hiểu BCTC, và lựa chọn những doanh nghiệp minh bạch về thông tin, đủ lớn để “đỡ mất công” đánh giá tư duy của ban lãnh đạo và thị giá bám sát KQKD (như PNJ, FPT, MWG, HPG….), và..đừng học theo ai cả.
Đối với các anh chị vốn là dân văn phòng và không có quá nhiều thời gian tìm hiểu, không có background tài chính, một lựa chọn an toàn hơn là tìm hiểu nhóm cổ phiếu trả cổ tức thường xuyên, đủ yên tâm để làm tài sản cất giữ và nhận lợi nhuận hàng năm.
Dù chia sẻ những sự thực khó nghe như vậy, nhưng cá nhân mình, vẫn đang đầu tư và hầu như hài lòng với những gì thị trường đang mang lại.
Many tks.