Ý kiến phản biện thứ 2. Từng cũng là điều mà LeoX hết sức tò mò tự hỏi bản thân trong 1 thời gian dài. Đó là giá trị thực sự của vàng là gì khiến nó tăng giá? Vàng có thực sự có giá trị sử dụng tăng lên không hay nó chỉ là yếu tố tâm lý ? Nếu chỉ là yếu tố tâm lý – kiểu coi vàng là hầm trú ẩn. Liệu khi yếu tố tâm lý đó thay đổi thì giá trị của vàng cũng có thay đổi không?

Ví dụ giờ giả dụ ai cũng coi Bitcoin là hầm trú ẩn về mặt tâm lý đi, coi nó là đồng tiền của tương lai đi, thì liệu vàng có mất đi tính giá trị của nó? Có gì đó rất chông chênh và mông lung phải ko?

Đây là 1 điều mà LeoX từng rất lăn tăn nha. Vì đúng là giá trị sử dụng của vàng không nhiều đến thế. Ngoài việc sử dụng làm đồ trang sức, thì cũng chỉ có 1 số ứng dụng khác trong các sản phẩm điện tử, hoặc 1 chi tiết rất nhỏ trong sản xuất công nghiệp.

Hơn nữa Warrant Buffet – 1 trong số thần tượng của LeoX, cũng có quan điểm rất chắc nịch về đầu tư vàng theo đúng nghĩa của một nhà đầu tư giá trị. “It’s usefulless, so it has little or no value”. Một câu khá nổi tiếng của Warren Buffet khi nói về đầu tư vàng là “It doesn’t do anything but sit there and look at you”. Nghe rất hình tượng ha? Mua vàng xong cầm cất trong két, nó có đẻ đâu, cũng chả đem ra sử dụng được, nó cứ ngồi ị trong két sắt nhìn mình thôi, thế thì sao nó có thể tăng được giá trị cơ chứ?? =)))

LeoX đã từng tin sái cổ. Một huyền thoại, một nhà đầu tư lỗi lạc nói thì sao có thể sai được chứ? Nhưng bản tính luôn đặt câu hỏi và luôn thách thức lật ngược vấn đề (thề là đã không ít lần lật cả sách giáo khoa và chửi nó bullshit), nên là vẫn phải tự đi tìm câu trả lời cho mình. Và LeoX đã tìm ra câu trả lời cho mình.

Câu trả lời này không có nghĩa là Warren Buffet đúng hay sai mà do có phù hợp với tư duy, nguyên tắc của mỗi người hay không. Bạn Nguyễn Nam - thành viên tích cực của Cộng đồng đầu tư by LeoX đã từng chia sẻ 1 bài rất thú vị về Identity trong đầu tư cho thấy rằng không phải cơ hội của người này cũng sẽ là cơ hội của người kia. Vấn đề là cơ hội đó có phù hợp với identity của mình hay không. Warren Buffet không chỉ bỏ qua vàng vì nó không phù hợp với tư duy cách nhìn của ông, mà còn bỏ qua cả bitcoin hay các cổ phiếu công nghệ dù có những người kiếm được siêu lợi nhuận từ các loại tài sản này.

Quay lại chủ đề về vàng. LeoX nhìn thấy giá trị gì từ tài sản này ngoài việc nó là tài sản đầu tư thuận với chu kỳ kinh tế? Để trả lời câu hỏi này, các bạn phải cùng LeoX đi lại về lịch sử về vàng. LeoX đưa trước luôn 1 kết luận khá shock: Tiền không phải là tiền mà Vàng mới chính là tiền! Nghe lạ đời nhỉ! :D. Nhưng sự thực là như vậy đấy. Tiền giấy ngày nay, còn được gọi là “Fiat Currency” – Tiền tệ có giá trị theo quy ước, 1 phương tiện để trao đổi hàng hóa “Medium of exchange”. Còn vàng thì chính là Money.

Từ thuở xa xưa, hơn 3000 năm trước công nguyên (tức là hơn 5000 năm trước đây), vàng đã được coi là biểu tượng cho sự quyền quý vương giả. Vàng được dùng làm trang sức rồi được sử dụng để trao đổi hàng hóa hàng ngàn năm như vậy cho đến khi được chính thức đúc thành đồng tiền vào năm 680 trước công nguyên ở Lydia và sau đó thực sự phát triển và phổ biến ở Athens – trung tâm kinh tế văn hóa một thời. Athens là cái nôi của văn minh nhân loại. Họ có hệ thống thị trường tự do, hệ thống thuế đầu tiên trên thế giới.

Những gì đã xảy ra với đồng tiền vàng ở Athens mà LeoX sắp kể lại sau đây, lặp đi lặp lại rất nhiều lần trong lịch sử. Đó là cuộc chiến giữa Fiat Currency và Money hay tiền tệ và vàng, lặp đi lặp lại trong hàng ngàn năm lịch sử, mà kẻ chiến thắng quyền lực đã và vẫn luôn là vàng.

Đồng tiền vàng đã luôn là phương tiện để trao đổi hàng hóa suốt một thời gian dài cho đến ngày Athens chìm đắm trong chiến tranh kéo dài bởi lòng tham của con người. Trong suốt 22 năm chiến tranh, chính quyền Athens kiệt quệ về nguồn lực và tài nguyên để funding cho cuộc chiến (nghe quen quen nhỉ, cuộc chiến nào cũng tốn kém hơn tính toán ban đầu).

Để tiếp tục có tiền tài trợ cho cuộc chiến, chính quyền Athens nghĩ ra 1 cách là trộn 50% đồng thay vì dùng 100% vàng để đúc tiền. Chỗ này đã ai thấy nó giống việc in tiền để bù đắp thâm hụt ngân sách chưa? Đồng tiền mới được Chính phủ quy định để đổi hàng hóa, và cũng có thể dùng để đổi lấy vàng. 
 

Điều này được lặp đi lặp lại nhiều lần trong lịch sử bằng nhiều ý tưởng sáng tạo khác nhau: dùng 100% đồng thay vì trộn vàng, quy định mệnh giá trên đồng tiền to hơn … Tất cả nhằm 1 mục đích tăng cung tiền (money supply) nhằm đáp ứng cho các thâm hụt ngân sách của nhà cầm quyền. Ngày xưa, thâm hụt ngân sách chủ yếu vì chiến tranh còn ngày nay có thể thâm hụt do chi đầu tư công, chi cho quân sự, chi cho các chính sách xã hội, chi kích thích kinh tế hoặc đơn giản là do … thất thoát.

Hậu quả tất yếu của các lần sáng tạo này là các đợt lạm phát phi mã. Tất lẽ dĩ ngẫu thôi vì Cung tiền thì tăng lên, nhưng lượng hàng hóa sản xuất ra vẫn vậy. Do đó, cung tiền càng nhiều thì lại càng cần nhiều tiền để mua 1 món hàng hóa. Có ai nhớ những đồng 100Đ, 200Đ , 500Đ nay đã tuyệt chủng không? 
 

Tất nhiên quá trình này diễn ra rất từ từ và cuộc chiến giữa tiền tệ (tiền quy ước) và vàng (tiền thật) chỉ xảy ra khi người ta nhận thấy rằng đồng tiền tệ họ cầm đang mất dần sức mua. Hàng hóa thì không thể tích trữ thành núi, nên người ta phải bám víu vào đồng tiền thực duy nhất và vàng. Vàng là loại tiền duy nhất không bị mất giá trị vì nguồn cung là hữu hạn. Nhà cầm quyền không thể thay đổi cung vàng bằng cách quy ước hay in thêm được.

Tất nhiên, trong lịch sử các đợt lạm phát phi mã khiến fiat currency crash đã khiến người ta nảy ra những “tối kiến”. Ví dụ như chính quyền Rome từng cấm nghiêm khắc việc tăng giá bán hàng hóa theo cung cầu thị trường. Hàng hóa phải bán theo giá niêm yết của chính quyền và ai bán hơn sẽ phải chịu án tử hình. Lương cũng được cố định. Tuy nhiên kết quả đã xảy ra là không ai còn muốn tiếp tục sản xuất và sống dựa vào an sinh xã hội. Lượng hàng hóa càng giảm lại tiêp tục đẩy cuộc chiến Tiền tệ - hàng hóa và vàng lên một mức cao hơn.

Và trong tất cả cuộc chiến trong lịch sử, vàng luôn giữ vững ngôi chiến thắng. Điều đó có nghĩa là, những người tăng sở hữu vàng ngay trước khi cuộc chiến này xảy ra, sẽ nhìn thấy giá trị tài sản đo bằng sức mua hàng hóa của mình tăng vọt trong 1 thời gian rất ngắn.

Tiền giấy khai sinh lại là 1 bước tiến mới của fiat currency. Nhờ vậy mà người ta không còn cần phải dựa vào bạc hay đồng để đúc tiền nữa. Đồng hay bạc dù sao cũng có 1 nguồn cung hữu hạn hơn so với giấy mà. Thử nghĩ xem, 1 tờ giấy có in mệnh giá trên nó có giá trị bao nhiêu nếu nhà cầm quyền không quy ước cho nó một giá trị?

Khi tiền giấy mới ra đời, nó được đảm bảo giá trị bằng vàng. Chính là chế độ bản vị vàng không chính thức, nơi mà tiền tệ được quy đổi sang vàng ở một tỷ lệ cố định. Cho đến khi chiến tranh thế giới thứ 1 xảy ra. Cuộc chiến lại tốn kém và kéo dài hơn so với mong đợi và (lại nữa) dẫn đến việc chính quyền thiếu nguồn lực để mua vũ khí và nuôi quân đội. 
 

Động lực để có thêm tiền nhằm tiếp sức cho cuộc chiến, Đức bỏ quy định đồng Mark được đổi sang vàng ở tỷ lệ cố định và bắt đầu liên tục in tiền phục vụ cho chiến tranh. Một điều kỳ dị ở thời đó là lạm phát rất lâu sau đó mới xảy ra. Lý do là vì trong bối cảnh chiến tranh với tâm lý bi quan và nhiều uncertainty, người dân Đức thay vì tiêu tiền khi có nhiều hơn thì lại tích trữ và tiết kiệm. Do đó, không ai cảm nhận được là lạm phát đang đến gần. 
 

Cho đến ngày chiến tranh Thế giới lần thứ I kết thúc, tâm lý lạc quan quay trở lại thì giá cả bắt đầu tăng chóng mặt. Khi chiến tranh kết thúc, 100 đồng Mark mua được ounce vàng, thì đến năm 1920, giá trị 1 ounce vàng ở quanh mức 1000 – 2000 đồng Mark. Những người đã tích góp tiền suốt thời kỳ chiến tranh nhận ra rằng họ chỉ mua được 1/10 lượng hàng hóa so với trước kia. Không thể dừng việc in tiền vì phải trả nợ cho cuộc chiến, đồng Mark tiếp tục mất giá siêu tốc vào năm 1921 đến 1923.

Lịch sử vẫn tiếp tục lặp lại vào chiến tranh thế giới thứ II. Thời điểm đó Mỹ nổi lên là 1 cường quốc về kinh tế khi hưởng lợi từ việc bán vũ khí phục vụ cho cuộc chiến giữa các cường quốc. Mỹ bán vũ khí đổi lấy vàng, do đó sau cuộc chiến, Mỹ là quốc gia sở hữu phần lớn lượng vàng của thế giới trong khi các quốc gia khác thì dự trữ vàng cạn kiệt. 
 

Tháng 7 năm 1944, hơn 40 nước họp lại tại Bretton Wood để đưa ra quyết định về hệ thống thanh toán quy đổi quốc tế. Chế độ bản vị vàng ra đời với quy ước đồng USD sẽ được đổi cố định sang Vàng với tỷ lệ là 35 USD/ Ounce vàng. Còn các nước đã cạn kiệt vàng dữ trữ thì dự trữ USD thay thế để đảm bảo cho sức mạnh đồng tiền của họ. Đồng USD lúc này là đồng tiền mạnh duy nhất có thể so giá trị với vàng, nhờ dự trữ vàng khổng lồ của Mỹ sau chiến tranh thế giới thứ II.

Nhờ sức mạnh và uy tín của đồng USD, mà trái phiếu chính phủ Mỹ được coi là “free risk” – ko có rủi ro và được sở hữu bởi hầu hết tất cả Ngân hàng trung ương trên thế giới. Nhờ thế mà nước Mỹ sau này tài trợ cuộc chiến tranh ở Việt Nam thoải mái bằng cách phát hành nợ chính phủ và thâm hụt ngân sách chủ động. Đây cũng chính là điểm yếu khiến Bretton Wood đổ vỡ do đã không quy định cụ thể tỷ lệ dự trữ vàng cố định cho lượng tiền và nợ in thêm của Chính Phủ Mỹ.

Sau năm 1965 khi nhận thấy Mỹ đã thâm hụt ngân sách lên mức không tưởng để tài trợ cho chiến tranh tại Việt Nam, Pháp và Anh liên tục quy đổi USD lấy vàng khiến dự trữ vàng của Mỹ sụt mạnh. Năm 1968, Chính Phủ Mỹ phải bán ra 200 tấn vàng mỗi ngày, so với mức bình quân 5 tấn/ ngày của những năm trước đó. Đến năm 1971, 1 nửa lượng vàng dự trữ đã bay ra khỏi nước Mỹ. 
 

Tháng 8- 1971, thủ tướng Mỹ Richard Nixon phải tuyên bố chấm dứt việc quy đổi USD lấy vàng. Bretton Wood đổ vỡ. Không đồng tiền nào có đủ sức mạnh về giá trị để so với vàng khi nó liên tục đẻ thêm, bằng cach này hay cách khác. Những năm sau đó là những năm lạm phát cao kỉ lục bởi cả yếu tố cung tiền lẫn giá dầu do căng thẳng chính trị. Một điều đáng lưu ý ở đây là khi cung tiền ở Mỹ tăng, lạm phát sẽ không chỉ nằm ở Mỹ mà ở tất cả quốc gia trên thế giới.

Khi vàng còn được quy đổi 35 USD/ Ounce, ai nói nó có thể tăng lên 50 USD/ Ounce sẽ bị cười vào mặt. Những ai nói vàng sẽ tăng lên 100 USD/ Ounce sẽ bị chửi là khùng. Nhưng thực tế cuối năm 1974, vàng đã tự lấy lại giá trị của mình để cân bằng với số tiền đã in ra ở mức 200 USD/ ounce. Rồi cứ thế, 400 USD/ Ounce, 800 USD và đến giờ là 1500 USD.

Đến đây có ai còn hỏi về giá trị sử dụng của vàng nữa không? Đúng, nó chả có giá trị sử dụng gì lớn đáng kể cả. Nhưng nó là “REAL MONEY”. Còn cái mà chúng ta vẫn gọi là tiền, nó là “FIAT MONEY” – tiền tệ quy ước. Cuộc chiến giữa Real money và Fiat money đã lặp đi lặp lại rất nhiều lần trong hàng ngàn năm lịch sử, trigger bởi lòng tham của con người và kết quả đã luôn là vàng thắng. 
 

Đến một thời điểm vàng sẽ tự tìm lại giá trị của mình để bù đắp cho tất cả đống giấy quy ước đã được in ra. Nếu bạn biết được thời điểm đó thì bạn sẽ đứng trước cơ hội hiếm có trong lịch sử để tăng giá trị tài sản của mình lên nhanh chóng. Nhưng không phải ai cũng chọn đúng được thời điểm khi nào. :)