
Sau bước (1) là xác định được số tiền dành cho đầu tư và bước (2) là chọn công ty chứng khoán để mở tài khoản, bạn sẽ đến bước bắt đầu thực hiện giao dịch. Trước khi giao dịch bạn cần làm quen với bảng giá chứng khoán nhé.
Vậy trước hết bạn có thể vào đâu để xem bảng giá chứng khoán?
Thông thường, mở tài khoản ở công ty nào bạn sẽ xem bảng giá tại công ty đó, để tiện cho việc đặt lệnh giao dịch của chính mình luôn. Cơ bản hầu hết các bảng giá đều có những thông tin giống nhau, chỉ khác về giao diện và tốc độ xử lý thông tin.
Theo trải nghiệm của LeoX, bảng giá của VNDirect khá ổn về tính thân thiện với người dùng, rất dễ dàng cho người mới bắt đầu navigate các thông tin về cổ phiếu. Do đó, nếu bạn có khó khăn trong việc sử dụng bảng giá của công ty chứng khoán nơi bạn mở tài khoản, bạn có thể truy cập vào đây để thử trải nghiệm xem sao.
Bảng giá cung cấp cho bạn những thông tin gì?

Trên đây là mẫu bảng giá LeoX lấy từ VNDirect. Lưu ý là ở bảng giá VNDirect hay bất cứ bảng giá nào, giá thực tế = giá trên bảng giá x 1,000 VND, còn khối lượng thực tế = khối lượng trên bảng giá x 10 cổ phiếu.
Đa số các thông tin trên mỗi bảng giá đều được format giống nhau. Sau đây LeoX sẽ tuần tự giải thích cho các bạn ý nghĩa của mỗi thông tin
- Mã CK: Đây là cột mã chứng khoán, tức là mã giao dịch của mỗi công ty niêm yết được Ủy ban chứng khoán nhà nước (UBCK) cấp cho. Mã giao dịch cho chứng khoán luôn là 3 chữ cái, và không một công ty nào có thể trùng lặp mã chứng khoán với một công ty khác được. Ví dụ VNM thì là CTCP sữa Vinamilk, HPG thì là Tập đoàn Hòa Phát. Muốn biết mã này là công ty gì bạn vào cafef gõ vào ô tìm kiếm phía bên tay phải là ra.
- TC - Trần - Sàn . Giá TC (Giá tham chiếu) là giá cơ sở để tính để tính ra giá trần và giá sàn - là giá cao nhất và thấp nhất có thể được giao dịch trong ngày. Cụ thể, (giá trần/sàn = giá TC x (1 ± biên độ giao dịch)).
Biên độ giao dịch quy định và cách xác định giá tham chiếu khác nhau ở mỗi sàn. Cụ thể như sau:

Nếu bạn chưa biết, thì hiện ở thị trường Việt Nam có 3 sàn giao dịch là HOSE (sàn giao dịch chứng khoán TP. HCM), HNX (sàn giao dịch chứng khoán HN) và UPCOM (sàn giao dịch chứng khoán cho những cổ phiếu chưa niêm yết). Bạn có thể xem các mã CK theo từng sàn bằng cách chọn các tab với tên tương ứng.
Thực ra, theo LeoX thấy, bạn cũng không cần đi vào quá sâu tìm hiểu cách tính giá tham chiếu, bởi giá tham chiếu sẽ được tính tự động, các bạn không cần nhọc công tự tính. Các bạn chỉ cần nắm vững biên độ giao dịch của mỗi sàn, để biết được trong 1 phiên tối đa bạn có thể đạt được/mất đi bao nhiêu % giá trị CP là ok.
- Tổng KL: tổng khối lượng cổ phiếu đang giao dịch trong phiên. Con số này càng lớn thì có thể hiểu là rủi ro thanh khoản càng thấp, nghĩa là bạn muốn mua/ bán có thể thực hiện rất dễ dàng mà không gây tác động lên giá cổ phiếu.
Sau cột KL là 3 phần chính là Dư mua/ Bên mua ; Khớp lệnh ; Dư bán/ Bên bán.
- Dư mua/Bên mua: Có 3 cột chờ mua hiển thị tương ứng cho 3 mức giá đặt mua tốt nhất, mỗi cột sẽ bao gồm giá và KL mua được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ phải qua trái (Giá 1, Giá 2, Giá 3). Cột gần nhất với cột khớp lệnh sẽ hiển thị mức giá đặt mua cao nhất hiện tại và khối lượng đặt mua tương ứng. Lệnh đặt mua ở Giá 1 luôn được ưu tiên thực hiện đầu tiên.
- Dư bán/Bên bán: Tương tự như cột Dư mua/Bên mua, cũng có 3 cột chờ bán hiển thị tương ứng cho 3 mức giá đặt bán tốt nhất, mỗi cột sẽ bao gồm giá và KL mua được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ trái qua phải (Giá 1, Giá 2, Giá 3). Cột gần nhất với cột khớp lệnh (Giá 1) sẽ là mức giá đặt bán thấp nhất hiện tại, kèm theo khối lượng đặt bán tương ứng.
- Khớp lệnh: cột này thể hiện bên mua và bên bán đã gặp nhau ở giá nào, khối lượng bao nhiêu và giá khớp đang tăng hay giảm so với giá tham chiếu. Bạn click vào mũi tên ở cột (+/-) sẽ chọn được thay đổi giá theo giá trị hoặc theo %.
Có 1 điểm nho nhỏ ở đây LeoX muốn chia sẻ với các bạn về chênh lệch giữa giá 1 bên mua và giá 1 bên bán (hay còn gọi là bid-ask spread). Nếu chênh lệch này thấp, thường nó có nghĩa là cổ phiếu đó đang được tích cực giao dịch. Ngược lại, nếu chênh lệch này lớn, cổ phiếu đó nhiều khả năng ít thanh khoản, có thể bạn sẽ phải hạ giá nhiều hơn để bán được, hay tăng giá lên mới mua được.
- TB – Cao – Thấp: đây là cột hiển thị giá được khớp trung bình, cao nhất và thấp nhất trong phiên.
- Dư mua – dư bán: biểu thị tổng khối lượng đang chờ khớp. Tuy nhiên, hiện tại, mới chỉ có những cổ phiếu ở sàn HNX có những thông tin này được công bố trên bảng giá.
- ĐTNN (Đầu tư nước ngoài): là khối lượng mua bán mà nhà đầu tư nước ngoài thực hiện. Nếu khối lượng mua < khối lượng bán, tức là nhà đầu tư nước ngoài đang bán ròng. Còn ngược lại, nếu khối lượng mua > khối lượng bán, nhà đầu tư nước ngoài đang mua ròng. Đây là cột bạn sẽ quan tâm nếu muốn biết xem nhà đầu tư nước ngoài có đang rót tiền giải ngân vào cổ phiếu bạn theo dõi không.
Còn màu sắc trên bảng giá biểu hiện gì bạn biết chưa?
- Vàng: thể hiện giá tham chiếu.
- Xanh lá cây: thể hiện giá cao hơn giá tham chiếu, nhưng thấp hơn giá trần.
- Đỏ: thể hiện giá thấp hơn giá tham chiếu, nhưng cao hơn giá sàn
- Tím: thể hiện giá trần.
- Xanh lơ: thể hiện giá sàn.
Bạn có thể chỉ xem những mã chứng khoán mình quan tâm bằng cách tạo các danh mục theo dõi riêng. Ví dụ danh mục bluechips, danh mục midcap, danh mục cổ phiếu ngân hàng, ....
Việc xem bảng giá chỉ là 1 việc cơ bản trong đầu tư chứng khoán, nó rất dễ, chắc chắn bạn phải biết để giao dịch nhưng không nên mất nhiều thời gian cho nó. Chính vì thế LeoX không muốn đề cập đến những gì LeoX biết về các mẹo đọc diễn biến giao dịch khi nhìn bảng giá. Vì không ai giàu được từ việc nhìn bảng giá để đoán tình hình và giao dịch cả. :)